Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề với Việt Nam
Thứ sáu, 29/09/2017

Cũng như với tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, mục đích cuối cùng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phục vụ con người, nhưng điểm khác biệt của nó so với các cuộc cách mạng trước là nó có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trên toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang cả tính tích cực và cả tiêu cực trên mọi phương diện
Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XXI, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sau mỗi cuộc cách mạng xã hội loài người lại có những bước phát triển mạnh mẽ, tri thức của con người dần trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, quan trọng nhất thúc đẩy quá trình sản xuất nhanh chóng, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn, làm thay đổi mang tính đột phá về đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và là tiền đề cho những bước phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp sau này. Bước vào thời đại công nghiệp, Vương quốc Anh đã trở thành “công xưởng của thế giới”, đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Sau đó, nước Mỹ đã vượt Anh để lên ngôi đầu trong cuộc cách mạng lần hai. Đến cuối thế kỷ XX, thế giới được chứng kiến bước nhảy vọt của Nhật Bản do đã tận dụng tốt lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Những năm gần đây, một số nước phát triển đang cố gắng vươn lên chiếm vị trí ngôi đầu trong cuộc công nghiệp lần thứ tư, với đặc trưng của nó là xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học; là kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực nhờ vào Internet kết nối vạn vật.

Cũng như với tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, mục đích cuối cùng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phục vụ con người, nhưng điểm khác biệt của nó so với các cuộc cách mạng trước là nó có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội trên toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang cả tính tích cực và cả tiêu cực trên mọi phương diện, điển hình là:

Cũng như với tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, mục đích cuối cùng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phục vụ con người, nhưng điểm khác biệt của nó so với các cuộc cách mạng trước là nó có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội trên toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang cả tính tích cực và cả tiêu cực trên mọi phương diện, điển hình là:
Về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động đến phương thức sản xuất, tiêu dùng và giảm đáng kể nhưng chi phí kéo theo giá cả của các sản phẩm cũng giảm đáng kể. Sự phát triển của các loại công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp làm thứ tư giúp mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn. Dưới tác động của phương thức sản xuất, dịch vụ hiện đại đã kéo nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố vốn, nhân công giá rẻ.
Khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh thì phần lớn những công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình sẽ dần được thay thế bởi tự động hóa, robot; máy móc sẽ thay thế đa số vị trí làm việc của con người. Nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lao động giản đơn, ít kỹ năng do rất dễ bị thay thế bởi người máy và do vậy giá thành của mỗi đơn vị sản phảm đang có xu hướng giảm nhanh. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu, làm tăng thêm độ chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa một bên là lao động ít kỹ năng hay có kỹ năng dễ bị người máy thay thế chiếm tuyệt đại bộ phận người lao động và bên kia là những người có ý tưởng hay kỹ năng bổ trợ cho quá trình tự động hóa và số hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh.
Những thay đổi sâu sắc trong công nghệ sinh học, những công nghệ có sự tích hợp giữa công nghệ sinh học với các công nghệ khác và trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho con người khó xác định ranh giới giữa đạo đức và tiến bộ công nghệ.
Cùng với sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hình thái kinh tế mới cũng được xuất hiện, làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong mọi hoạt động của xã hội. Quy mô, phạm vi và tính phức tạp của mọi sự thay đổi trong xã hội sẽ không giống với bất cứ những gì mà thế giới đã từng trải qua từ trước tới nay, kỹ năng và tri thức của con người sẽ trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu để tăng năng suất lao động. Cuộc cách mạng lần thứ tư đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo trong hàng loạt dây truyền công nghệ trong các doanh nghiệp. Trong các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây. Nhờ khả năng kết nối vạn vật trên thế giới thông qua các thiết bị di động thông minh và khả năng tiếp cận được với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên khuếch đại những công nghệ trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, xe tự lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử... Trong từng ngành sẽ xuất hiện và phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp hiện đại tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, thậm trí đào thải cả các doanh nghiệp lạc hậu về công nghệ.
Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, hầu hết các nước chỉ chú trọng về tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ, thì ngày nay nhiều nước đã chuyển sang chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài. Đến nay chưa ai có thể lường trước được thế giới sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng các quốc gia cần phải chủ động hơn nữa để ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tham gia của tất cả các chủ thể thuộc bất kỳ thể chế chính trị nào, từ các vị chính khách, cho tới giới học giả, đến những người dân bình thường; từ các cơ quan hoạch định chính sách, các khu vực công đến cơ quan thừa hành và khu vực tư với sự tham gia của các tổ chức xã hội. Tất cả đều phải chuẩn bị chu đáo những điều kiện để theo kịp với sự biến đổi xã hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến. Trong vài năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, đồng thời chứng kiến sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các tập đoàn kinh tế lớn thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài trước đây đang từng bước bị các doanh nghiệp “trẻ” mới khởi nghiệp trong những lĩnh vực công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin và viễn thông vượt mặt.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thể hiện một tầm vóc vĩ đại trong việc cải tạo thế giới, bởi nó là cuộc cách mạng được kế thừa và phát triển những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XX. Đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư đang bắt đầu và sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các lĩnh vực trên thế giới, nâng cao hiệu quả và cải thiện đáng kể năng suất lao động, nó cũng sẽ có tác động nhiều chiều đối với xã hội, trong đó bao gồm cả những yếu tố tích cực và cả yếu tố tiêu cực. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin sẽ nâng cao khả năng nhận thức của con người, cùng với nó sẽ làm xuất hiện cuộc cách mạng về ý tưởng mới. Nhờ sự trợ giúp của những công nghệ mới, nhất là sự vượt trội của công nghệ thông tin, với sự tích hợp bởi nhiều công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ làm cho nền kinh tế thế giới phát triển với tốc độ vượt bậc, tạo ra những sản phẩm thông minh có tính vượt trội để phục vụ con người ngày càng tốt hơn. Trong tương lai, đổi mới công nghệ sẽ ngày càng mang lại những lợi ích lâu dài cho xã hội. Nhờ công nghệ số phát triển, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, thuận tiện, nhiều chi phí trong sản xuất và dịch vụ sẽ giảm xuống đáng kể, mở rộng thị trường và thúc đẩy sự thay đổi về mô hình kinh tế theo hướng hiện đại, kéo theo sự phát triển văn hóa và liên kết toàn cầu.
Trước bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại, thì yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để thích ứng với những đòi hỏi trong thời đại mới càng trở lên cấp thiết. Giáo dục trong thời gian tới phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, nhưng lại phát huy được tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu thay đổi công việc liên tục, giảm thiểu nguy cơ thất nghiệp. Tất cả những thay đổi trong xã hội sẽ tạo ra một bức tranh giáo dục và đào tạo vô cùng sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng. Hiện nay, các hệ thống giáo dục trên toàn cầu đã lỗi thời, không thể giáo dục và đào tạo cho học sinh sinh viên có được kỹ năng và kiến thức cần thiết cho tương lai, vì vậy các nước phải tiến hành cải cách hoặc đổi mới giáo dục một cách toàn diện, sâu sắc. Ngày nay trước những đòi mới của thời đại, chúng ta không thể xây dựng chương trình, tổ chức dạy và học như trước nữa, giáo viên cũng không chỉ giữ vai trò và nhiệm vụ truyền tải kiến thức đơn thuần, mà giáo viên phải chịu trách nhiệm không chỉ với việc dạy của mình mà còn phải chịu trách nhiệm với việc học của học trò để họ thực sự tiến bộ trong quá trình chiếm lĩnh tri thức mới.
Mặc dù, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ mới bắt đầu, song nó đã và đang để lại cho nhân loại những dấu ấn vô cùng sâu sắc. Rất nhiều quốc gia đã và đang quan tâm nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc cách mạng lần thứ tư; tìm hiểu những tác động của nó đối với từng cá nhân, đơn vị; từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng quốc gia, khu vực và cả trên bình diện toàn cầu.
Đối với Việt Nam có thể dự báo trong thời gian không xa, hầu hết các ngành nghề thuộc các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng, nhưng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất sẽ xuất hiện ở một số ngành, đó là:
*Ngành dệt may, giày dép: với việc ứng dụng công nghệ in 3D để tạo mẫu sẽ có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm phù hợp với những thông số đơn lẻ của từng khách hàng; công nghệ nano sẽ có thể tạo ra nhiều sản phẩm dệt may, giày dép có thể tích hợp các chức năng khác phục vụ đời sống con người, nhất là việc theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng liên tục v.v…); một số công đoạn sản xuất chủ yếu sẽ được tự động hóa, như khâu cắt và khâu may (sử dụng robots, trong khâu may còn được gọi là sewbots). Tất cả sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành dệt may, da giày.
* Ngành điện tử: Việt Nam hiện nay có khoảng 510.000 lao động đang làm việc trong ngành điện tử chủ yếu cho các doanh nghiệp nước ngoài, với khoảng 66% là lao động nữ và khoảng 6,7% có trình độ chỉ ở mức tiểu học và chỉ khoảng 13,5% từ 36 tuổi trở lên. Ngành điện tử trong những năm gần đây có những tăng trưởng vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, những lợi thế của Việt Nam về nhân công rẻ cũng chỉ còn trong trung hạn. Sau đó những công nghệ đột phá như: in 3D; người máy và Internet kết nối vạn vật sẽ làm cho những lợi thế của Việt Nam không còn nữa. Những tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là tự động hóa dây truyền sản xuất đang được triển khai áp dụng nhanh chóng trong ngành điện tử nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất nhờ vào việc máy móc thay thế vị trí việc của con người. Nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới chuyên về sản xuất các bộ phận máy tính và lắp ráp sản phẩm, như Apple, Sony và Nokia đã sử dụng người máy thay thế cho hàng chục nghìn lao động tại các nhà máy của công ty này ở một số nước trên thế giới. Đối với các công ty điện tử, việc thay thế lao động bằng người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máy đang giảm nhanh, đồng thời có thể vận hành liên tục trong hàng chục giờ mà ít bị lỗi, cũng như tránh được chi phí đóng góp an sinh xã hội hay sản xuất gián đoạn do đình công, không bị cáo buộc đối xử không tốt với người lao động v.v…
* Ngành tài chính - ngân hàng: Theo số liệu điều tra Lao động việc làm mới đây, số lượng nhân viên của các ngân hàng Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm vừa qua. Điều này đi ngược lại xu hướng của thế giới. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất là ở các nước có nền kinh tế phát triển, dưới tác động của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, nhiều ngân hàng phải đóng cửa một số chi nhánh và chuyển sang hệ thống sử dụng ít nhân lực hơn. Các ngân hàng tập trung mạnh vào các sản phẩm và dịch vụ kết hợp kỹ thuật mới như ngân hàng điện tử (internet banking) và ngân hàng qua điện thoại di động (mobile banking), những sản phẩm/dịch vụ không đòi hỏi phát triển mạng lưới khách hàng thông qua các chi nhánh. Sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến đang ngày càng phổ biến khiến nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng giảm và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.
Mặc dù thời gian gần đây một số ngân hàng ở Việt Nam đã cắt giảm nhân lực, nhưng số lượng chưa đáng kể; các sản phẩm ngân hàng kết hợp với kỹ thuật mới đã và đang được đầu tư triển khai và dịch vụ ngân hàng điện tử bước đầu phát triển ở tất cả các ngân hàng, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế; lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm này vẫn chiếm phần nhỏ; thói quen dùng tiền mặt cũng như tâm lý e ngại việc bảo mật thông tin cá nhân và lo sợ bị mất cắp thông tin tài khoản khi sử dụng dịch vụ Internet banking của người dân khiến các loại hình dịch vụ tiên tiến chưa phát triển mạnh.
Bên cạnh một số nghành mà Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và rõ nét như đã trình bày ở trên, có thể dự báo trong vòng 5- 10 năm tới, tất cả các ngành nghề thuộc các lĩnh vực, ở mức độ khác nhau đều chịu ảnh hưởng. Con đường nhanh nhất để Việt Nam có thể hòa nhập với thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phải chủ động, tích cực chuẩn bị các nguồn lực, trong đó nhân lực chất lượng cao là nguồn lực quan trọng nhất. Muốn vậy, Việt Nam phải đẩy nhanh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một cách thực chất, đó chính là giải pháp đột phá để Việt Nam phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Đắc Hưng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo TW)
Tài liệu tham khảo:
-
Nguyễn Đắc Hưng - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2017.
-
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhóm nghiên cứu bao gồm TS.Nguyễn Thắng (Trưởng nhóm), TS. La Hải Anh, Ths. Nguyễn Thu Hương, Ths. Phạm Minh Thái, Ths. Nguyễn Thị Kim Thái và Nguyễn Thị Vân Hà: Báo cáo tổng hợp “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”.
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Hơn 300 thanh niên khu vực miền Bắc tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ năm 2023
- Ngày Sách Việt Nam
- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
- THANH NIÊN VIỆT NAM TIÊN PHONG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
- Thủ đoạn lợi dụng ChatGPT để lan truyền tin sai sự thật
- NASA hợp tác với Nhật Bản để lấy mẫu mặt trăng sao Hỏa
- Tiến sĩ Việt phát triển hệ thống xử lý mẫu DNA kích hoạt bằng giọng nói
- Những con số kỷ lục cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới 2023
- Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam
- Thông báo danh sách thí sinh vào Vòng chung kết Quốc gia MOSWC – VIETTEL 2023
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận