Kỹ thuật trồng và thâm canh cây lúa vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Thứ hai, 06/03/2017

Kỹ thuật trồng và thâm canh cây lúa vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để đạt năng suất và hiệu quả cao.
Kỹ thuật trồng và thâm canh cây lúa vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để đạt năng suất và hiệu quả cao.

 

I. YÊU CẦU ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH

1. Yêu cầu nhiệt độ

Nhiệt độ làm lúa sinh trưởng nhanh hay chậm; lúa sinh trưởng thuận lợi ở nhiệt độ từ 25 – 30 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn 17 độ C thì lúa phát triển chậm lại; nếu thấp hơn 13 độ C thì lúa ngừng sinh trưởng; nếu nhiệt độ thấp kéo dài nhiều ngày thì cây lúa sẽ chết. Nhiệt độ lớn hơn hặc bằng 40 độ C cây lúa sinh trưởng nhanh, nhưng tình trạng sinh trưởng xấu; nếu kèm theo gió Lào, ẩm độ không khí thấp thì lúa có thể chết.

2. Yêu cầu về nước
Lúa bị hạn ở mọi giai đoạn đều làm giảm năng suất, đặc biệt là giai đoạn làm đòng và trổ bông. Vào thời kỳ từ 3- 11 ngày trước khi trổ bông, nếu bị hạn 3 ngày liền thì năng suất giảm nghiêm trọng. Lượng mưa cần thiết cho cây lúa trung bình từ 6- 7mm/ngày trong mùa mưa; 8- 9mm/ngày trong mùa khô. Một tháng cây lúa cần khoảng 200mm nước.

3. Yêu cầu ánh sáng
Ánh sáng cần thiết nhất trong 4 giai đoạn: đẻ nhánh, phân hóa đòng, trổ và chín. Nếu thiếu ánh sáng trong các giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa.

II. CHỌN GIỐNG PHÙ HỢP VỚI CÁC VÙNG

Bộ giống lúa ở các vùng:

1. Bắc Trung Bộ
* Lúa lai: Khải Phong số 1, Khải Phong số 7, Nhị ưu 986, Nhị ưu 838, N.ưu 69, GS9, Đắc ưu 11, BT- E1, Syn 6, Nghi hương 2308, PHB71, Arize XL, Kim ưu 725, Bio 404, Nam Dương 99, Dương Quang 18, Thiên Nguyên ưu 9, D.ưu 725, Thục Hưng số 6, TH3- 3, TH3- 4, PAC807, Q.ưu 1, Q.ưu 6, VL 20, VL 24, Thiên Nguyên ưu 16, Xuyên Hương 178…
* Lúa thuần: AC5, BC15, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Vật tư NA1, Vật tư NA2, NA09, VS1, AD1, KD18 đột biến, P6 đột biến, QR1, Nếp 97, Nếp 352, Nếp 87, Nếp DT52, CNR6206, PC6, PHB71…

2. Duyên hải Nam Trung Bộ
* Lúa lai: Nhị ưu 838, BT- E1, Nghi hương 2308, Bio 404, TH3- 3.
* Lúa thuần: BC15, OM1723, OM1490, OMCS96, OM2031, OM4900, MTL499, Khaodaw Mali, TH6, TH330, TH41, ML48, ML202, ML49, ML68, ML213, HT1, ĐV108, Xườn, Xi23, Xi21, NX30, NP12, CH207, Q5, TBR1, BM9820, HT9, QN1, PC6

3. Tây Nguyên
* Lúa lai: Nhị ưu 838, TH3- 3, Nghi hương 2308, Syn6, Nông ưu 28, GS9, Bio404, BT- E1, TH3- 4, HYT108, PHB71,…
* Lúa thuần: Q5, VS- 1, ĐS1, VND95- 20, IR64, Hương cốm, HT1, ML48, ML202, OM4900, ĐV108, Nếp 97, TH205, CH207, TH6, KD18, Q5, Xi23, BM9855, VD20, IR 56279, 13/2, SH2, QN1, ĐB6, TB- R1, KD18 đột biến; lúa cạn: LC93- 1, LC93- 4,…

III. CHỌN THỜI VỤ THÍCH HỢP VỚI CÁC VÙNG

Các địa phương cần áp dụng lịch thời vụ của cơ quan nông nghiệp địa phương hướng dẫn để lúa trổ vào thời gian an toàn nhất, trên cơ sở tham khảo lịch gieo, sạ ở các vùng như sau:
          
Vùng Vụ Đông Xuân Vụ Hè Thu Vụ Mùa
Bắc Trung Bộ 5/12 – 30/1 30/4 – 20/5 Sớm: 20 – 30/5
Chính vụ: Tháng 7
Duyên hải
Nam Trung Bộ
25/12 – 10/1 25/5 – 10/6 15/8 – 30/8
Tây Nguyên 10/12 – 20/1 10/5 – 30/6 1/6 – 1/7

IV. KỸ THUẬT GIEO TRỒNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẤY

1. Làm mạ
a. Kỹ thuật làm mạ ruộng
  • Chọn đất mạ:
Chọn loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất cát pha, thịt pha, đất thịt nhẹ là tốt nhất. Đất phải chủ động tưới tiêu, nhất là khâu tưới. Vụ Mùa chọn nơi cao, vụ Xuân chọn nơi khuất gió để chống rét, nhất là với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cũng có thể bắc mạ ngay trên ruộng cấy, để cấy cho ruộng đó.
  • Làm đất mạ:
- Đất mạ phải cày bừa kỹ, nhuyễn, phẳng, sạch cỏ dại và không lẫn tạp nhiều rơm, rạ.
- Luống rộng 1,2m, rãnh sâu 20cm, rộng 20- 25cm.
  • Kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống và gieo mạ:
- Phơi hạt giống dưới nắng nhẹ 2- 3 giờ trước khi ngâm.
- Ngâm, ủ: Đãi bỏ hạt lép lửng, ngâm trong nước vôi 2%. Có thể xử lý bằng nước ấm (3 sôi + 2 lạnh) trong vòng 10 – 15 phút. Sau khi xử lý, vớt ra rửa sạch và đưa vào ngâm.
+ Đối với lúa thuần: Vụ Đông Xuân ngâm 28- 36 giờ; vụ Hè Thu 24 – 28 giờ.
+ Đối với lúa lai: Vụ Đông Xuân 24 – 28 giờ; vụ Hè Thu 18- 24 giờ.
Trong khi ngâm 12- 16 giờ thay nước và đãi chua 1 lần. Khi hạt no nước vớt ra đãi sạch nước chua và đem ủ bằng thúng, bao tải, đảm bảo nhiệt độ 30- 35 độ C.
- Vụ Xuân, khi mầm dài bằng 1/2 hạt và rễ dài bằng hạt; vụ Hè Thu, vụ Mùa mầm bằng 1/3 hạt và rễ bằng 1/2 hạt thì đem gieo.
- Cách gieo và mật độ: Khi gieo mạ cần đảm bảo gieo đều, gieo chìm 1/3 hạt mộng xuống dưới đất với lượng 50- 60g giống/m2 (25- 30kg/sào).
Lượng hạt dùng cho 01 sào lúa cấy: Lúa thuần từ 3,5- 4kg/sào; lúa lai: 1,2- 1,5kg/sào Trung Bộ.
- Bón phân cho mạ: Bón lót sâu 2 tạ phân chuồng/sào, bón tiếp trên mặt luống mỗi sào 20- 25kg lân supe + 2- 3kg kali clorua + 2- 3kg urê. Bón xong dùng cào hoặc tay vùi khỏa phân vào đất rồi gieo mạ. Khi mạ khoảng 3 lá, nếu sinh trưởng kém có thể bón thúc 2- 3kg urê/sào Trung Bộ.
- Tưới nước, phòng trừ sâu bệnh và chống rét cho mạ.
+ Tưới nước: Khi mạ bắt đầu mọc đưa nước láng mặt ruộng. Thời kỳ mạ 2-3 lá giữ mực nước bằng 1/5 chiều cao của mạ, luôn giữ đủ nước để ruộng mạ mềm bùn.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm ruộng, nếu phát hiện sâu bệnh phải tiến hành phun ngay. Đặc biệt chú ý sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn.

Trong vụ Đông Xuân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ cần chú ý chống rét cho mạ bằng cách che phủ nilông; ruộng mạ sau khi gieo dùng que tre cắm vòng từ bên này mép luống sang bên kia mép luống theo hình vòng cung, sao cho khoảng cách từ đỉnh que cắm xuống mặt luống có độ cao khoảng 45- 50cm. Ngoài phủ nilông có thể áp dụng rắc tro bếp từ 10- 13kg/sào Trung Bộ; đêm cho nước ngập ½- 1/3 cây mạ, ngày tháo nước ra; tăng cường bón phân kali.

b. Kỹ thuật làm mạ trên nền cứng
- Chọn đất, làm đất: Chọn nơi có nền đất cứng hoặc sân gạch, xi măng, chọn đất cát pha đến thịt nhẹ, có kết cấu tươi xốp (và phải sạch cỏ dại) đem trộn với phân (phân chuồng, hoặc phân hữu cơ hoai mục) theo tỷ lệ 2 đất + 1 phân, sau đó dàn mỏng ra một lớp dầy 3-5cm và gieo hạt.
- Ngâm, ủ hạt giống: Tương tự như phần mạ ruộng
- Mật độ: Có thể gieo dầy hơn mạ ruộng, nhưng không nên dầy quá; nên gieo từ 60- 70g giống/m2, tương đương 30- 35kg/sào Trung Bộ.
- Bón phân: Lượng phân cho 01 sào (500m2): 20kg lân supe + 6kg urê + 6kg kali clorua + 250kg phân chuồng hoai mục. Bón lót toàn bộ (trộn với đất) hoặc để lại ½ lượng urê + ½ lượng kali để bón thúc khi cây có từ 3- 3,5 lá.
- Chăm sóc: Sau khi gieo cần chú ý che chắn xung quanh đề phòng chuột, gà… phá hoại. Thường xuyên tưới nước đảm bảo độ ẩm cho cây. Nếu trời rét phải bón tro bếp, phủ nilông để chống rét. Nếu phát hiện sâu bệnh thì tiến hành phun thuốc ngay.

2. Làm đất ruộng cấy

Có 02 phương pháp làm đất chủ yếu

a. Làm ải: Nhằm thải bớt những chất độc trong đất, như: H2S, CH4, Na2CO3…đây là những chất thường gây ngộ độc cho lúa, làm bộ rễ kém phát triển, hoặc thối, năng suất giảm nghiêm trọng. Làm ải tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật háo khí hoạt động, phân giải các chất khó phân hủy thành những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho hoạt động sống của cây lúa, đồng thời tiêu diệt nguồn dịch hại trong đất.

b. Làm dầm: Được tiến hành chủ yếu nơi mưa nhiều, đất thường xuyên bị ngập nước. Làm dầm có tác dụng giúp cho việc phân hủy các loại xác, bã hữu cơ trên ruộng; hòa tan các chất dinh dưỡng thuận lợi bằng cách vùi sâu vào đất; hạn chế cỏ dại, lúa chét; tiêu diệt nguồn dịch hại tồn tại trong đất. Trước khi cấy, cày lật đất trở lại kết hợp với việc bón phân lót, bao gồm: Vôi, các loại phân hữu cơ, lân, phân vi sinh. Cày xong san ruộng bằng phẳng.

3. Tuổi mạ, mật độ và kỹ thuật cấy

a. Tuổi mạ
- Tùy thuộc vào từng giống lúa, do đó tuổi mạ khi cấy khác nhau: Lúa lai cấy khi mạ 2,5- 3 lá; lúa thuần 3- 4 lá.
- Tiêu chuẩn mạ tốt khi đem cấy: Đúng tuổi mạ, đủ số lá, lá màu xanh đậm, cứng cây, đanh dảnh, có chiều cao vừa phải 15- 20cm.

b. Mật độ cấy
Nếu đất tốt, giống chịu thâm canh thì cấy với mật độ thưa; nếu điều kiện thâm canh hạn chế, đất xấu thì cấy dày hơn; lúa lai cấy thưa hơn lúa thuần; chân đất sâu trũng cấy dày hơn đất cao. Có thể tham khảo mật độ cấy như sau:
  • Đối với lúa thuần:
+ Vụ Xuân cấy 40- 42 khóm/m2; 2-3 dảnh/khóm.
+ Vụ Hè Thu, Mùa cấy 40- 45 khóm/m2; 2-3 dảnh/khóm.
  • Đối với lúa lai:
+ Vụ Xuân cấy 38- 40 khóm/m2; 1-2 dảnh/khóm.
+ Vụ Hè Thu, Mùa cấy 40- 42 khóm/m2; 1-2 dảnh/khóm.

c. Kỹ thuật cấy
Nên cấy thẳng hàng, cấy theo băng rộng 1,2- 1,4m, cấy nông tay đảm bảo cho bộ rễ phát triển tốt, tránh bị nghẹt rễ.

4. Bón phân
a. Lượng bón
 
 
 
Mùa vụ
Lượng phân bón cho 01 ha
Phân chuồng
(tấn)
Urê
(kg)
Lân supe
(kg)
Kali clorua
(kg)
Lúa lai
Vụ Đông Xuân 8- 10 250- 300 450- 500 180- 200
Vụ Hè Thu + Mùa 6- 8 220- 240 400- 450 160- 180
Lúa thuần
Vụ Đông Xuân 7- 8 220- 240 350- 400 160- 180
Vụ Hè Thu + Mùa 6- 7 180- 200 350- 400 150- 160
 
Có thể dùng phân hỗn hợp NPK để bón theo tỷ lệ quy đổi tương đương. Nếu đất chua thì bón thêm 400- 500kg vôi bột/ha.
b.Cách bón.
Bón tập trung, bón nặng đầu, nhẹ cuối
 
 
Mùa vụ
Lượng phân bón cho 01 ha
Phân chuồng + vôi Urê Lân supe Kali clorua
Phân đơn        
Bón lót 100% 50% 100% 50%
Thúc lần 1 (sau cấy 12- 15 ngày)   40%    
Thúc lần
(đón đòng)
  10%   50%

Nếu dùng phân hỗn hợp NPK:
+ Bón lót 100% lượng phân chuồng + 100% phân NPK
+ Thúc lần 1: 60 – 70 % urê
+ Thúc lần 2: Toàn bộ lượng đạm urê còn lại + 100% lượng kali clorua

5. Làm cỏ sục bùn
Làm cỏ sục bùn có tác dụng làm cho đất thoáng khí, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, sạch cỏ dại, đảm bảo cho lúa phát triển tốt. Việc làm cỏ sục bùn cần tiến hành 2 lần/vụ: Lần 1, khi lúa bén rễ hồi xanh; lần 2, sau lần 1 khoảng 10- 12 ngày.

6. Phòng trừ cỏ dại
- Nếu ruộng ít cỏ, dùng tay nhổ là tốt nhất, kết hợp dùng cào răng cưa để sục bùn.
- Nếu ruộng nhiều cỏ, có thể dùng thuốc trừ cỏ. Các loại thuốc diệt cỏ phổ biến và quy trình sử dụng có trong danh mục được phép sử dụng và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

7. Tưới nước
Thời kỳ từ khi cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh luôn giữ mực nước trong ruộng 3- 5cm. Khi lúa đẻ đủ nhánh cơ bản có thể tháo kiệt nước. Thời kỳ làm đòng luôn giữ nước 5- 10cm, lúa có đòng già rút nước lần 2, song chỉ để 1- 2 ngày rồi tưới lại ngay. Khi chín sữa thì tháo cạn, chỉ để đủ ẩm.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Bệnh đạo ôn
Nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao, bón nhiều đạm, bón vào lúc nhiệt độ thấp…là điều kiện thích hợp cho bệnh phát sinh và phát triển. ở vùng trồng lúa nương, hoặc lúa bị hạn, biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch cao, nhiều sương mù thì bệnh cũng phát triển và gây hại nặng.
Phòng trừ bằng cách: Chọn giống kháng, giống ít nhiễm; xử lý hạt giống bằng nước nóng 54 độ C ngâm trong vòng 10 phút, hoặc bằng thuốc trừ đạo ôn; vệ sinh đồng ruộng, đốt tàn dư sau thu hoạch, cày vùi; sử dụng phân bón cân đối hợp lý, không bón đạm vào thời kỳ lúa dễ bị nhiễm bệnh; giữ nước thường xuyên cho ruộng… Dùng các loại thuốc trừ bệnh như: Katana 20SC, Beam 75WP, Bump 650WP, Kabim, Kasai, Fuji, Filia…

Bệnh khô vằn
Bệnh phát sinh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Vụ Hè Thu và Mùa bệnh gây hại nặng hơn vụ Xuân. Giai đoạn làm đòng đến cín sáp là thời kỳ nhiễm nặng nhất.
Phòng trừ bằng cách:
  • Làm và dọn sạch tàn dư trên ruộng
  • Cày bừa lật đất để vùi hạch nấm
  • Gieo cấy với mật độ thích hợp
  • Bón phân cân đối, không bón nhiều đạm và bón thúc muộn; tăng cường lượng kali để tăng sức chống chịu cho cây lúa
  • Không để mức nước cao trong điều kiện bệnh đang phát sinh, lây lan mạnh
  • Dùng thuốc trừ bệnh như: Validacin, Anvil, Rovral, Monceren, Topsin, Carbenzim…

Bệnh bạc lá
Bệnh do vi khuẩn gây nên; vi khuẩn xâm nhập qua vết xây xước trên mút và mép lá. Vụ hè Thu, vụ Mùa thường bị bệnh nặng và sớm hơn vụ Xuân.
Phòng trừ băg cách:
  • Chọn giống và xử lý hạt giống trước khi gieo
- Tăng cường bón phân hữu cơ, bón đủ lân, kali; không bón quá nhiều đạm và không bón thúc muộn, nếu có thể thì tiến hành thay nước ruộng.
- Dùng các loại thuốc hợp chất đồng, có thể dùng hỗn hợp đồng với chất kháng sinh Streptomycin, hoặc các chất như Mbamt (Sasa, Xanthomic), Axit Oxolinic (Staner), Ningnamycin (Ditacin) và các chất tăng đề kháng của cây lúa như Axit Salicylic (Exin),… để phòng trị.

Bệnh rầy nâu
Cả rầy non và trưởng thành đều không thích ánh sáng trực xạ nên rầy nâu sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa. Rầy nâu là đối tượng môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nếu mật độ rầy cao, mang môi giới truyền bệnh có thể gây dịch lớn nguy hiểm, làm giảm năng suất, sản lượng lúa.
Phòng trừ bằng cách:
Dùng giống kháng hoặc ít nhiễm rầy, không bón quá nhiều đạm; không gieo cấy quá dày, có biện pháp gieo cấy thích hợp để tránh (né) rầy; hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu, nhất là vào giai đoạn đầu vụ để bảo vệ thiên địch,… chọn các loại thuốc ít độc như: Chess 50WG, Alika 247SC, Sutin 5EC, Penalty 40WP, Actara 25WG, Bassa 50EC,… để điều trị.

Bệnh rầy lưng trắng
Rầy lưng trắng thường xâm nhập sớm hơn so với rầy nâu. Rầy thường gây hại mạnh hơn trong vụ Hè Thu và vụ Mùa. Cách phòng trừ tương tự như rầy nâu.

Bệnh sâu đục thân bướm 2 chấm
Gây hại nặng trong vụ Hè Thu và vụ Mùa. Hàng năm sâu phát sinh 6- 7 lứa. Các lứa có mật độ cao ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa là: Lứa 2 (trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5); lứa 3 (cuối tháng 5 đến tháng 6); lứa 5 (cuối tháng 8 đến tháng 9).
Phòng trừ bằng cách: Bảo vệ thiên địch và áp dụng các biện pháp có hiệu quả cao; cắt bỏ bớt lá mạ trước khi cấy; cắt sát gốc rạ, cày lật đất; ngâm ruộng trước khi gieo cấy và bón phân cân đối. Sử dụng thuốc Regent 800WG, Tango 800WG, Padan 95SP,…

Bệnh sâu cuốn lá nhỏ
Sâu nằm bên trong ăn nhu mô lá, trừ biểu bì mặt dưới và thải phân trong tổ, do vậy khi trời mưa hoặc ẩm độ cao lá dễ bị thối rữa. Hàng năm sâu có thể phát sinh 6- 7 lứa, trong đó lứa 4-5 gây hại trên lúa Hè Thu giai đoạn làm đòng đến trỗ và lứa 6 gây hại trên lúa Mùa chính vụ giai đoạn trỗ.
Phòng trừ bằng cách: Về sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại; sử dụng phân bón hợp lý, đặc biệt dùng phân đạm vừa phải; bảo vệ thiên địch. Sử dụng các loại thuốc như: Amamte 150SC, Rengent, Rambo, Tango 800WG…

Bọ trĩ
Sâu non sống tập trung và gây hại trong nõn lá hay phần lá bị cuốn và có thể chui vào bao đòng khi lá mới ngừng phát triển. Phòng trừ bằng các biện pháp canh tác, như: Giữ mực nước ổn định, bón phân cân đối; với những ruộng lúa non, cạn nước, khi mật độ bọ trĩ cao cần điều tra số lượng thiên địch trước khi quyết định xử lý thuốc. Khi bọ trĩ phá hoại nặng có thể sử dụng các loại thuốc gốc lmidacloprid (Confidor, Gaucho…), Fipronil (Regent) để phòng trừ.

Ốc bươu vàng
Là loài rất phàm ăn. Chúng ăn tất cả các phần của cây lúa, mạ non… Ốc bươu vàng có thể sống đến 3 năm. Con trưởng thành có thể đẻ 200- 300 trứng/tuần, tỷ lệ nở 80%.
Phòng trừ bằng cách:
- Biện pháp cơ học: Bắt ốc và thu gom trứng ốc bằng tay, đặt lưới mắt cáo bằng kim loại, bằng lưới nilông hay bằng tre nứa ở cống, bọng dẫn nước; cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom.
  • Biện pháp sinh học: Thả vịt và cá để chúng ăn ốc
- Biện pháp dùng thuốc thảo mộc: Sử dụng lá cây trúc đào; hạt xoan ta. Rễ, lá và hạt của cây trên được phơi khô nghiền nhỏ rồi rắc đều lên ruộng; giữ nước ở mức 3- 5cm.
- Dẫn dụ sinh học: Dùng cây xương rồng, chặt thả xuống nước, nhựa cây làm ốc say nổi lên mặt nước giúp thu gom dễ dàng. Hặc dùng lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mỳ… bỏ xuống nước để dẫn dụ ốc bám và sau đó thu gom.
- Bẫy: Bẫy thực vật; Dựa vào đặc tính ẩn nấp ban ngày của ốc, cắt cỏ xanh đắp thành mô nhỏ trên ruộng, ốc bám sau đó thu gom. Cần làm liên tục nhiều ngày; bẫy bia chicha (dùng lúa, ngô và đường để làm); bẫy sữa…
- Biện pháp hóa học: Dùng vôi, sun phát đồng (CuSo4) và hóa chất theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật. Một số thuốc thường dùng để trừ ốc là: Mossade 700WP,. Deadline Bullets 4%...

Chuột hại
Chuột là đối tượng gây hại trong tất cả các vụ và trên hầu hết mọi cánh đồng.
Phòng trừ chuột: Chuột có tính đa nghi, bao giờ cũng nếm thử thức ăn trước khi ăn nhiều; do vậy khi đánh bả cần cho chuột ăn thử mồi không có chất độc trước 3- 5 ngày, sau đó mới trộn chất độc vào bả.
- Vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nơi cư trú của chuột, bằng cách phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven ruộng, mương; không để hoang hóa, tìm phá các ổ chuột ngay từ đầu vụ, dọn sạch rơm rạ sau thu hoạch.
- Bảo vệ thiên địch của chuột như: Rắn, mèo, chó, chim cắt, cú mèo, diều hâu…
  • Dùng bẫy cây trồng để bắt chuột từ đầu vụ.
- Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn làm đòng đến trỗ. Chủ động thu hoạch trong điều kiện thuận lợi. Khi lúa chín trên 90% có thể thu hoạch luôn; trong mùa mưa bão có thể thu hoạch khi lúa chín trên 80%. Hạt thóc sau khi phơi khô đến khi ẩm độ còn 13% thì đem quạt sạch và cất giữ. Trong trường hợp chưa phơi được ngay cần rải mỏng để thóc không bị ẩm mốc, nẩy mầm.

V. KỸ THUẬT GIEO TRỒNG LÚA BẰNG CÔNG CỤ SẠ HÀNG

Phương pháp gieo thẳng (sạ) được áp dụng phổ biến ở các tỉnh từ Duyên hải Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Có nhiều hình thức gieo sạ: Sạ lan, sạ vãi, sạ hàng… Sạ hàng là tiến bộ kỹ thuật được áp dụng hơn 15 năm nay tại các tỉnh phía Nam và đang được mở rộng tại các tỉnh phía Bắc. Nếu lượng giống sạ lan lên đến 180- 200kg/ha thì nếu sạ hàng hiện chỉ sử dụng 50kg/ha và 25- 30kg/ha ở các tỉnh phía Bắc. Điều kiện ruộng sạ phải là những chân ruộng vàn, vàn cao, chủ động tưới tiêu; ruộng bằng phẳng; làm đất cho ruộng sạ phải kỹ, nhuyễn hơn ruộng cấy…

1. Công cụ sạ hàng và cách sử dụng
Trong điều kiện diện tích thửa ruộng nhỏ nên chọn loại công cụ có 4 hoặc 6 trống là phù hợp.
Cách sử dụng: Sau khi chuẩn bị đất xong tiến hành kiểm tra công cụ sạ hàng để đảm bảo các lỗ tra hạt không bị đất bịt kín, loại bỏ hạt giống còn lưu lại trong trống từ lần sạ trước; trước khi cho giống vào trống cần dùng bao lót dưới trống, kiểm tra các nắp đậy trước khi kéo.

2. Ngâm ủ
Cách ngâm ủ giống được tiến hành như ngâm ủ thóc để gieo mạ, nhưng cần chú ý kỹ thuật ủ sao cho hạt giống khi gieo ra mầm, rễ bằng ½ hạt giống lọt được qua lỗ thủng của trống.

3. Làm đất
Cần dọn vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ, cày lật đất kết hợp với việc bón vôi để hạn chế sâu bệnh chuyển vụ, nhất là rầy nâu là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Mặt ruộng sạ được lên luống, tạo liếp bằng chiều rộng của công cụ sàng hàng.

4. Bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh

Về lượng phân bón, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đối với ruộng lúa sạ hàng tương tự như lúa cấy. Tuy nhiên cần lưu ý một số điểm khác biệt khi chăm sóc, gieo thẳng như sau:
- Phun thuốc trừ cỏ: Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như: Prefit 300EC hoặc Sofit 300EC,… nồng độ 3- 5% phun ngay sau khi gieo từ 1-3 ngày. Sau khi phun phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, không để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần đầu. Sau khi phun, nếu gặp mưa phải đắp bờ giữ nước trong 24 giờ, sau đó tháo nước từ từ để không ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc.
- Khi lúa đạt 2- 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc 01 lần. Khi lúa đạt 5- 6 lá, đưa thêm nước, bón phân thúc lần 2, kết hợp tỉa dặm định mật độ, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.
- Khi lúa đẻ đủ dảnh cơ bản xung quanh 300 dảnh/m2, tháo cạn để ruộng khô nẻ chân chim, sau đó tưới tháo xen kẽ.
- Khi lúa bắt đầu phân hóa đòng, đưa nước trở lại, kết hợp bón phân đón đòng, giữ nước cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thuận lợi cho thu hoạch.
 
NĐH  (Nguồn: Dự án N0.2283- VIE (SF))
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×