Lê Văn Công - Nhà vô địch không đầu hàng số phận

Thứ ba, 11/07/2017

Hai chân bị liệt ngay từ thuở lọt lòng, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đông con, cùng nhiều tai nạn, gian nan mà số phận thử thách anh đã không thể khiến anh nản lòng, thoái chí.
Hai chân bị liệt ngay từ thuở lọt lòng, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đông con, cùng nhiều tai nạn, gian nan mà số phận thử thách anh đã không thể khiến anh nản lòng, thoái chí. 

Vươn lên từ khó khăn
Lê Văn Công sinh ra trong gia đình nghèo có năm người con tại Hà Tĩnh. Đôi chân anh bị teo tóp từ khi chào đời do mẹ nhiễm sốt xuất huyết lúc mang bầu, đô cử sinh năm 1984 khá trầm tính, khép kín và ít nói. Anh hiếm khi thổ lộ những khó khăn mà mình gặp phải. Vì thế, thời thơ ấu của chàng trai Lê Văn Công không nhiều màu sắc và tươi vui như bạn bè cùng trang lứa.

 
 
Nhà đông anh em lại vất vả, anh luôn ý thức và cố gắng trong khả năng để phụ giúp gia đình. Với suy nghĩ chân yếu nhưng đôi tay vẫn còn khỏe mạnh, Công đã vạch ra cho mình con đường để sống tự lập. Nghị lực và sự vươn lên số phận đã giúp chàng trai Hà Tĩnh chạm tới đỉnh vinh quang.
Vì muốn trở thành người có ích và tự lập, tôi chọn cách rời xa quê hương. Nếu tiếp tục ở quê, tôi sẽ là gánh nặng cho bố mẹ. TP. Hồ Chí Minh là nơi có nhiều trường học, doanh nghiệp, có nhiều cơ hội để lập nghiệp nên tôi chọn thành phố này để bắt đầu hành trình tự lập”, nhà vô địch cử tạ Paralympic chia sẻ.
Ở đôi mươi, Lê Văn Công một thân một mình khăn gói vào miền Nam. Ban đầu anh xin học sửa chữa điện tử ở trường dạy nghề dành cho người khuyết tật, sau đó vừa học, vừa đi làm thêm để tự nuôi sống bản thân. Không đứng được nhưng Công vẫn làm đủ nghề, từ chà nhám gỗ, đánh máy đến cả bán vé số để có tiền vừa ăn, vừa học ngành điện tử ở Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2. Năm 2005, anh đến với cử tạ một cách tình cờ theo chỉ dẫn của bạn bè. Không ngờ Công đã đoạt HCB giải vô địch quốc gia chỉ sau đó vài tháng và gắn bó luôn với nghề, môn thể thao này đã mang đến cho anh niềm vui và cả những giọt nước mắt nhạt nhòa trên sân tập.
Ban đầu, anh làm quen với mức tạ 40kg, 50kg, sau đó tăng dần mức độ để thử thách bản thân. Chỉ sau một thời gian ngắn làm quen với cử tạ, anh đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”.


Không ngừng nỗ lực, tập luyện bền bỉ, quyết tâm cao độ để vượt qua giới hạn của bản thân là sự lựa chọn giúp Lê Văn Công trở thành nhà vô địch cử tạ
 
Năm 2009, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, anh không may bị tai nạn xe máy, dẫn đến đứt dây chằng vai và phải nghỉ thi đấu ba năm. Thời gian ấy, anh không khỏi buồn và suy sụp vì nguy cơ phải từ bỏ đam mê của mình.
Có những lần lên đội thăm anh chị em. Nhìn mọi người tập luyện tôi “thèm” được tập lại một cách kinh khủng. Nhưng vì lo ngại cho sức khỏe của tôi, HLV đã không cho tôi tập. Tôi đành ra ngoài chờ khi mọi người đã đi về thì lén quay lại “tập trôm” một mình”, anh Công bồi hồi nhớ lại.
Nhờ sự đam mê cháy bỏng đó đã giúp anh có quyết tâm và ý chí để quay trở lại với cử tạ và “lợi hại hơn xưa” khi mang về HCV Paralympic đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam.
Để đạt được thành tích cao, Lê Văn Công đã tuân thủ mọi giáo án do ban huấn luyện đề ra. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ tinh thần của gia đình, bạn bè, người hâm mộ và Liên đoàn thể thao đã giúp đô cử gốc Hà Tĩnh chiến thắng bản thân, vượt qua khiếm khuyết cơ thể để trở thành người hùng của thể thao Việt Nam.
Hiện tại Công là lực sĩ hàng đầu thế giới ở hạng cân 49kg nam, dù điều kiện tập luyện thiếu thốn và anh vẫn còn vất vả mưu sinh. Công đang giữ kỷ lục thế giới với thành tích 182kg, tức gần gấp 4 lần trọng lượng cơ thể mình.

Chuyện tình của đô cử Việt Nam

Anh Lê Văn Công rời miền quê nghèo Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 2005, chị Chu Thị Tám cũng từ Nghệ An vào miền Nam học tập và sinh sống năm 2006. Rồi duyên số đưa hai con người xa quê ấy đến với nhau. “Chúng tôi quen nhau trong một dịp tình cờ, khi Công cùng bạn đến chơi với một người bạn của tôi”, chị tiết lộ. “Tôi quý anh ấy ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh ấy nhìn thật thà, hiền lành, điềm đạm nhưng đầy nghị lực”.
Là một người bình thường nên khi quen người thiếu may mắn như Lê Văn Công, chị Tám bị gia đình ngăn cản dữ dội. Bố mẹ còn bắt chị về quê để "ly gián". Vượt mọi trắc trở và ngăn cấm, chị cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình để đến với anh Công. “Có lẽ là do duyên phận nên chúng tôi đã nên duyên vợ chồng. Bố mẹ tôi sau này thương anh ấy còn hơn cả tôi”, chị cười chia sẻ.


Vợ và con trai Lê Văn Công trong một lần đón anh chiến thắng trở về. Ảnh: NVCC
 
Anh chị kết hôn năm 2008 và hiện tại có hai con một bé trai và một bé gái. Năm 2014, họ đã rời căn phòng trọ chật chội ở TP. Hồ Chí Minh để đến với ngôi nhà khang trang ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An bằng số tiền dành dụm bấy lâu nay của hai vợ chồng.
“Chúng tôi cũng muốn ở TP. Hồ Chí Minh để tiện cho anh Công tập luyện, thi đấu và con cái có điều kiện học hành nhưng vì không đủ kinh phí nên mới mua nhà đất ở xa”, chị Tám cho biết. “Mỗi lần đến các giải đấu lớn anh Công đều lên Sài Gòn tập huấn cả tuần. Chủ nhật anh tranh thủ về chơi với con một lúc rồi lại đi”.
Ngoài thời gian tập luyện và thi đấu, rảnh rỗi Văn Công chỉ ở nhà với vợ con. Từng học nghề điện tử hồi mới vào TP. Hồ Chí Minh nên anh còn nhận thêm việc sửa chữa máy móc để có thêm thu nhập hoặc giúp đỡ bà con trong thôn xóm. Dù đi lại khó khăn, ai cần vào bao bì hay thuê làm các việc lao động bằng tay anh cũng không nề hà.
Trước khi giành tấm HC vàng lịch sử ở Brazil, Lê Văn Công đã đoạt HC bạc toàn quốc 2005, HC vàng châu Á 2007, HC bạc giải vô địch cử tạ thế giới 2007, HC vàng Para Games 2009, 2014, HC bạc thế giới tháng 2014, HC vàng Đại hội thể thao châu Á 2014, HC vàng châu Á 2015.
Ngọc Hoa (Tổng hợp)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×