Tuổi thơ khốn khó của "cô gái vàng" Nguyễn Thị Huyền và con đường dẫn tới thành công.

Thứ năm, 10/09/2015

Từ một cô bé giỏi mò cua bắt ốc, cô gái Nam Định Nguyễn Thị Huyền đã toả sáng rực rõ và đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam
Mồ côi cha từ bé, Huyền có một tuổi thơ buồn tủi, là trụ cột trong một gia đình đầy khó khăn ở huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định). Gian khổ đã tôi luyện cho Huyền nghị lực, bản lĩnh để trở thành nhà vô địch Đông Nam Á, phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 20 năm, điền tên mình vào hành trình đến Olympic của điền kinh Việt Nam.

Huyền có một tuổi thơ khốn khó, lớn lên trên đôi bàn tay tảo tần của mẹ. Mẹ sinh Huyền ra đầy vất vả trong sự không chia sẻ của nhiều người. Khi mới chỉ được vài tháng tuổi, không có ai trông con, mẹ đành bế Huyền ra đồng làm ruộng. Mẹ trải lá chuối đặt Huyền nằm đầu bờ ruộng và bảo chị em trông coi, nhưng chị Huyền từ nhỏ đã "ngây ngây dại dại" nên kéo em ra giữa đường. Bất chợt có một con trâu lồng chạy ngang qua, may mắn con trâu lại chừa chỗ cô bé đang nằm để đến giờ thể thao Việt Nam có một VĐV đi vào lịch sử của điền kinh Việt Nam bằng việc giành một lúc 2 chuẩn Olympic ở 2 cự ly 400 m và 400 m rào.
 
Nguyễn Thị Huyền (Ảnh ST)

Một mình mẹ Huyền nuôi hai con gái nhỏ, đứa lớn không tinh khôn, đứa bé quá nhỏ dại (hai chị em chênh nhau 8 tuổi) trong khi nhiều người không chia sẻ lại hay ác lời. Ngay từ nhỏ Huyền đã cảm nhận được rằng gia đình mình vất vả nên cần cố gắng. Sáng sớm khi những đứa bạn đồng trang lứa còn đang ngon giấc, Huyền đã ra đồng bắt cua giúp mẹ rồi về mới đi học, trưa đến lại lội bùn bắt ốc, đêm đến giã cua cho mẹ đi bán. Suốt ngày quần quật cùng mẹ. Ba mẹ con không có nhà ở. Mẹ Huyền chắt chiu mãi mới mua được miếng đất đến giờ vẫn không có sổ đỏ, miếng đất này cũng nằm ở chỗ hẻo lánh mà nhiều dân làng bảo chẳng biết nhà cô Huyền ở đâu cho đến khi có "các bác ở trung ương" về mới đến ngó cho biết. Mái nhà của ba mẹ con lợp bằng rạ nên hễ cứ gió to là tốc hết mái, Huyền lại giúp mẹ làm công việc của người đàn ông trong nhà, bắc thang sửa lại mái.
 
Tất cả công việc trong gia đình từ nặng đến nhẹ đều đến tay Huyền do gia đình thiếu vắng bàn tay người đàn ông. (Ảnh: Chí Diệu)

Nguyễn Thị Huyền sinh ra đã thiếu sự chăm sóc của bố, tất cả những gì cô có là tình yêu thương của người mẹ. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam có một người chị gái nhưng kém may mắn, sinh ra đã không được minh mẫn. Năm nay, người chị đó đã 30 tuổi nhưng chẳng biết làm gì, cứ mẹ đi làm là bỏ trốn đi chơi.“Tôi đi tập, thi đấu liên miên, một năm ở nhà chẳng được mấy bữa, bao vất vả dồn cả lên vai mẹ. Mẹ tôi năm nay 60 tuổi rồi, nhưng vẫn phải vất vả chăm con gái và  làm hơn một mẫu ruộng”, Nguyễn Thị Huyền tâm sự.

Thương mẹ, kiếm được tiền từ chạy, Huyền lại gửi về quê. Rất nhiều lần cô nói mẹ dùng số tiền đó để thuê người cấy, gặt nhưng bà đều im lặng, rồi vẫn tự làm. “Mẹ bảo giờ tôi chạy tốt kiếm được tiền, nhưng không ai biết sau này ra sao. Bao nhiêu tiền tôi gửi về mẹ lại cất tiết kiệm để sau này cho chị em tôi”, vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành vé dự Olympic 2016 tại Brazil nói trong nghẹn ngào.

Với thành tích vừa đạt được tại Singapore và Thái Lan, Nguyễn Thị Huyền nhận được không ít tiền thưởng. Tuy nhiên, cô gái người Nam Định không dám phóng tay mua cho bản thân thứ gì, bởi ngoài tiền gửi về cho mẹ và chị, cô còn phải dành dụm để đóng tiền học. Huyền hiện là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Thể dục Thể thao tại Từ Sơn, Bắc Ninh, nhưng do đi tập huấn, thi đấu triền miên, cô nợ rất nhiều môn, số tiền nộp để học lại cũng không ít.

Nguyễn Thị Huyền là gương mặt nổi bật nhất của điền kinh Việt Nam trong thời gian vừa qua. Tại SEA Games 28 trên đất Singapore, nữ VĐV người Nam Định giành 3 HCV, phá hai kỷ lục đại hội, đồng thời sớm giành vé dự Olympic 2016 tại Brazil. Tiếp nối thành công ở đấu trường khu vực Đông Nam Á, Huyền tiếp tục thể hiện sự vượt trội trên đường đua với 2 tấm HCV tại giải châu Á vừa qua ở Thái Lan.

Không chỉ thể hiện quyết tâm và khao khát chinh phục vinh quang trên đường chạy, Nguyễn Thị Huyền cũng cho thấy nghị lực phi thường ở cuộc sống đời thường của mình. Nhà “nữ hoàng” điền kinh mới của thể thao Việt Nam chỉ còn 3 mẹ con, mẹ Huyền gần 60 tuổi đau ốm quanh năm nhưng lúc nào cũng phải ra đồng để làm ruộng trang trải cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hương, 30 tuổi, chị gái của Huyền sức khỏe không tốt nên chỉ ở nhà phụ giúp việc nhà.

Nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ vượt khó và tấm lòng hiếu thảo của cô gái quê Ý Yên, Nam Định đã được đền đáp xứng đáng. Ngoài khoản tiền thưởng gần 400 triệu đồng đến từ 3 tấm HCV SEA Games và 2 tấm HCV tại Grand Prix châu Á 2015, Nguyễn Thị Huyền vừa được đích thân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến động viên và trao tặng cuốn sổ tiết kiệm có giá trị 400 triệu đồng.

 
Nguyễn Thị Huyền được Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
đến thăm và trao sổ tiết kiệm trị giá 400 triệu đồng. (Ảnh: Hoàng Long)

Đó thực sự là một số tiền quá lớn với gia đình Nguyễn Thị Huyền, cũng như là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực và quyết tâm nhưng cô gái người Nam Định vẫn canh cánh nỗi lo cùng mong mỏi cuộc sống ổn định bởi nghiệp vận động viên “ngắn” và “bạc” lắm.
Đời VĐV điền kinh nói riêng và các môn thể thao khác nói chung, ngắn lắm, trời thương thì ở đỉnh cao phong độ được mấy năm, nếu không may chấn thương thì coi như hết. Em cũng chỉ biết nỗ lực hết mình để chinh phục các mục tiêu đã đề ra khi còn sung sức”, Nguyễn Thị Huyền tâm sự.

Tin vui đã đến với Huyền và gia đình khi Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Nam Định, ông Đỗ Thanh Xuân cho biết, các cơ quan chức năng của Nam Định đã tiến hành phê duyệt các thủ tục để xét đặc cách 2 VĐV xuất sắc của địa phương là Nguyễn Thị Huyền và Dương Văn Thái (người dành 4 HCV liên tiếp qua 3 kỳ SEA Games) vào biên chế chính thức của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Nam Định.

Đây cũng là lần đầu tiên Nam Định xét đặc cách cho VĐV hưởng chính sách này. Việc được xét đặc cách vào biên chế sẽ giúp 2 tài năng này yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến cho nền thể thao nước nhà trong thời gian tới.
Giờ đây, khi giấc mơ đã trở thành sự thật, Nguyễn Thị Huyền đã có thể toàn tâm toàn ý tập luyện và thi đấu cũng như gặt hái vinh quang về cho Tổ quốc trên đường chạy.
Hải Linh (tổng hợp)
 

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×