Chế nước rửa chén từ rác thải

Thứ hai, 23/10/2017

Chị Trịnh Thị Hồng (Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã đạt được những thành công từ sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà được chế biến từ rác thải. Nhưng để có được những sản phẩm nói trên chị đã cố gắng không ngừng, vượt lên khó khăn, và gặt hái thành công bằng niềm đam mê sáng tạo của mình.
Chị Trịnh Thị Hồng (Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã đạt được những thành công từ sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà được chế biến từ rác thải. Nhưng để có được những sản phẩm nói trên chị đã cố gắng không ngừng, vượt lên khó khăn, và gặt hái thành công bằng niềm đam mê sáng tạo của mình.
 

Chị Trịnh Thị Hồng ủ nguyên liệu để tạo ra chế phẩm sinh học.

Sinh ra không may mắn khi phải mồ côi từ nhỏ, việc học ngắt quãng ở lớp năm, chị Trịnh Thị Hồng cùng các chị em tự bươn chải, làm nông nghiệp để sống. Tuy cực khổ nhưng chị vẫn luôn mong muốn được đi học, vì vậy, chị làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống và tiếp tục học bổ túc nhằm hoàn thành việc học còn dang dở. Không chỉ vậy, chị còn nhiệt tình tham gia những hoạt động của tổ dân phố, là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ Hòa Phú 5.

Năm 2012, chị may mắn đại diện cho phụ nữ Đà Nẵng tham dự Hội nghị của Hiệp hội Cộng đồng nghèo đô thị khu vực châu Á tại Phi-li-pin. Tại đây, chị “tâm đắc” với mô hình của người Nhật Bản về việc tận dụng chất thải hữu cơ làm ra sản phẩm hữu ích cho đời sống. Trở về, chị bắt tay ngay vào việc áp dụng mô hình đã được học để làm ra sản phẩm nước rửa chén. Cách làm khá đơn giản, các loại rác thải từ rau, củ, quả, hoa rửa sạch, để ráo cho vào thùng nhựa cùng ba gram đường hòa tan với 10 lít nước, đậy kín, đặt nơi thoáng mát. Sau 30 ngày mang nước ra lọc bỏ phần rác, sẽ thu được dung dịch thô mầu vàng. Cứ 10 lít dung dịch này sẽ cho ra được 2 lít thành phẩm qua quá trình lọc, chiết nhiều lần. Sau đó, trộn với chất hữu cơ chiết xuất từ dừa để tạo độ sánh, có bọt và mùi thơm.

Tuy quy trình đơn giản nhưng những thử nghiệm ban đầu, chị thất bại liên tục. Với lòng đam mê và sự kiên trì không nản lòng, hằng ngày, chị đi quanh phố xin rác về để thực nghiệm. Cuối cùng chị đã thành công với sản phẩm dung dịch nước rửa chén, lau sàn nhà có nguồn gốc từ thực vật, không hóa chất, an toàn với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

Theo báo mới, cách làm của bà, lúc đầu bị những người xung quanh cho là: “điên rồ”, “hão huyền” và chồng thì khuyên ngăn: “Giáo sư, tiến sĩ người ta còn không làm được nữa là mình”.

Nhưng cũng chính từ những lời can ngăn ấy đã thôi thúc người phụ nữ với trình độ văn hóa thấp quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để làm ra được chế phẩm sinh học đa dụng thân thiện với môi trường từ vỏ hoa quả và cuống rau bỏ đi.

Hàng ngày, đi qua những đường phố, đến nhà người dân, đi chợ… Ở đâu bà cũng nhìn thấy vỏ hoa quả và cuống rau vứt ra làm mất vệ sinh môi trường.

Bà Hồng thấy canh cánh trong lòng suy nghĩ: “Làm thế nào để biến những thứ rác bỏ đi kia thành cái có ích? Làm sao bảo vệ được môi trường, làm sao giúp được người dân xóa nghèo và làm sao để chế được sản phẩm thân thiện với môi trường mang nhãn hiệu Made in Vietnam?”.

Những câu hỏi đó chỉ được giải khi bà Trịnh Thị Hồng đi tham quan Thái Lan. Ở đây, qua tìm hiểu, bà biết được người Thái Lan có công nghệ biến rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học. Bà Hồng nghĩ: “Người ta làm được thì mình cũng làm được”.

Theo báo điện tử Nhân dân, trải qua vô vàn những khó khăn vất vả trong khởi nghiệp, chị Trịnh Thị Hồng hiện là chủ doanh nghiệp Nước rửa chén và chế phẩm sinh học Minh Hồng. Quy trình làm ra sản phẩm cũng được chị tập huấn, nhân rộng trên địa bàn quận và các phường, xã khác của TP Đà Nẵng. Từ dung dịch thô thu được sau 30 ngày ủ của các hộ đều được công ty của chị Hồng bao tiêu với giá 3.000 đồng/lít. Mô hình đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định từ hai triệu đến năm triệu đồng/tháng. Chị Huỳnh Thị Lệ (phường Hòa Minh) chia sẻ: "Cách làm của chị Hồng rất hữu ích với chị em trong khu dân cư vì thời gian làm thoải mái, rác thải từ các chợ, khu dân cư đến trong gia đình đều được tận dụng triệt để. Mỗi tháng tôi bán cho công ty chị Hồng hơn 2.000 lít chế phẩm thô, thu được bốn triệu đồng, có thêm kinh phí trang trải cho cuộc sống".

Đầu năm 2016, mô hình của chị được lựa chọn làm “hạt giống” cho vườm ươm doanh nghiệp Đà Nẵng với mong muốn được đào tạo bài bản hơn, áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất của mình. Đến nay, công ty của chị đã có những hợp đồng để đưa sản phẩm đến gần hơn với người dân. “Những việc tôi làm đều với một mục đích là giúp đỡ những gia đình còn khó khăn có điều kiện để thoát nghèo, bởi bản thân tôi đã từng trải qua những giai đoạn như vậy và cũng đã được bà con giúp đỡ rất nhiều. Sắp tới, tôi sẽ tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm sinh học an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường và giải quyết việc làm cho người nghèo” - Chị tâm sự.

Chị Hồng hiện còn là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, được nhiều người biết đến với các phong trào hỗ trợ người nghèo như “Tổ góp vốn tình thương”, “2T - Tiết kiệm và Tận dụng”, “Đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường”... Với sự năng nổ, nhiệt tình, những việc làm của Trịnh Thị Hồng là tấm gương, động lực cho những chị em phụ nữ và các gia đình còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
 
Quốc Bảo tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×