Kinh nghiệm nuôi dạy trẻ tài năng

Thứ sáu, 28/02/2020

"Làm thế nào bạn nuôi dạy trẻ tài năng?" là câu hỏi mà các bậc phụ huynh luôn quan tâm. Trong cuốn sách Off the scale! Educating a Profoundly Gifted Child (Vượt khỏi tầm với), tác giả Amanda Sarabi, sống ở Anh chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trai Sherwyn, 10 tuổi, là trẻ tài năng.
"Làm thế nào bạn nuôi dạy trẻ tài năng?" là câu hỏi mà các bậc phụ huynh luôn quan tâm. Trong cuốn sách Off the scale! Educating a Profoundly Gifted Child (Vượt khỏi tầm với), tác giả Amanda Sarabi, sống ở Anh chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trai Sherwyn, 10 tuổi, là trẻ tài năng.

Từ khi 4 tuổi, Sherwyn Sarabi đã sở hữu IQ 160, ngang với IQ của thiên tài Albert Einstein và nhà vật lý Stephen Hawking. Em là thành viên của tổ chức Mensa, cộng đồng người có IQ cao nhất thế giới. Năm 6 tuổi, Sherwyn theo học GCSE (chương trình giáo dục THPT dành cho học sinh 14-16 tuổi ở Anh).

Khi Sherwyn 20 tháng tuổi, cháu có thể nói câu hoàn chỉnh và đặt câu hỏi suốt cả ngày. Cháu muốn biết mọi thứ trong cuộc sống bằng cách hỏi hết câu này đến câu khác. Tôi không phải là người nói nhiều, thích lắng nghe hơn trò chuyện nhưng tôi đã phải thay đổi thiên hướng của mình để giúp con trai. Thỉnh thoảng tôi đi ngủ với cơn đau quai hàm vì nói chuyện liên tục với con vào ban ngày.

Đối phó với những câu hỏi liên tục

Đây là cuộc trao đổi điển hình giữa tôi và Sherwyn.

Tôi: Con đã đọc xong cuốn sách của mình, giờ là lúc đi ngủ.

Sherwyn: Mẹ ơi, tại sao lại đến giờ đi ngủ?

Tôi: Vì bây giờ là 8h tối rồi.

Sherwyn: Tại sao lại là 8h tối hả mẹ?

Tôi: Chà, vì đồng hồ bảo vậy.

Sherwyn: Thế tại sao chúng ta có một chiếc đồng hồ?

Tôi: Thì vì chúng ta cần xem giờ.

Sherwyn: Nhưng tại sao con phải đi ngủ vào 8h?

Đến lúc này, tôi đã từ bỏ việc trả lời câu hỏi của con. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết chúng tôi có thể mất hàng tiếng để bàn luận về câu hỏi này. Thay vào đó, tôi im lặng và đi về phòng ngủ trong khi Sherwyn liên tục lẩm bẩm: "Trẻ em phải đi ngủ lúc 8h vì điều này là luật pháp. Nữ hoàng nói vậy. Mẹ à, nữ hoàng của chúng ta là nữ hoàng Elizabeth nhưng là nữ hoàng thứ hai. Cha của nữ hoàng Elizabeth I là vua Henry có 6 người vợ. Mẹ ơi, ông ấy có nhiều vợ quá!".

Vừa đánh răng, Sherwyn vừa tiếp tục nói về các vị vua và nữ hoàng trong lịch sử Anh. Tôi đứng cạnh con, gần như kiệt sức và tự hỏi tại sao yêu cầu đơn giản là đi ngủ có thể trở thành cuộc tranh luận kiểu này.
Carol Bainbridge, chuyên gia về trẻ tài năng, cựu thành viên của Hiệp hội trẻ tài năng Indiana (Mỹ) cho rằng để đối phó với những câu hỏi liên tục của trẻ, thay vì cảm thấy khó chịu, phụ huynh nên thay đổi chiến lược và thái độ.

Đầu tiên bạn có thể trì hoãn trả lời các câu hỏi của con. Chiến lược này giúp trẻ chấp nhận ra một số ranh giới giữa việc hỏi quá nhiều và thực hiện chúng. Nếu con bạn vẫn cố truy hỏi đáp án đến cùng, bạn có thể nói rằng: "Bố/mẹ không biết". Hoàn toàn ổn khi thừa nhận bạn không biết đáp án cho tất cả mọi câu hỏi trên đời. Câu trả lời này thậm chí kích thích khả năng tư duy của trẻ, giúp chúng hiểu rằng luôn có những điều mới mẻ cần tìm hiểu mỗi ngày.

Điều quan trọng là khi bạn lấy lại bình tĩnh, hãy cùng con tìm ra câu trả lời vì không đứa trẻ nào muốn bị phớt lờ. Bạn có thể cùng con đọc sách khoa học hoặc tài liệu để tìm ra câu trả lời trong những thời điểm thích hợp hơn.


Cậu bé Sherwyn Sarabi. Ảnh: Yahoo.
 
 
Đối phó với hành vi bất thường

Trẻ tài năng thường có những hành động kỳ quặc, khác thường so với bạn bè đồng trang lứa. Dù vì lý do gì, những hành động này cũng khiến cha mẹ lo lắng. Chẳng hạn, con bạn ngủ ít hơn những đứa trẻ bằng tuổi. Từ sáng sớm, khi bạn còn đang say giấc, con đã yêu cầu bạn thức dậy để chơi cùng. Thay vì lo lắng trẻ ngủ không đủ giấc, hãy đặt trong phòng con nhiều đồ chơi hoặc sách để chúng có thể tự chơi an toàn cho đến khi mọi người trong gia đình thức dậy. Tương tự, nếu bạn biết rằng con đặc biệt nhạy cảm với tiếng động, mùi hương hoặc các kích thích khác, hãy cố gắng tránh xa chúng.

Đối với hành vi bất thường của Sherwyn, thay vì lo lắng, tôi sẽ hỏi han con thật cặn kẽ để tìm ra lý do và từ đó ủng hộ hoặc giúp chúng phát huy những hành động phù hợp. Ví dụ, khi Sherwyn dùng bút đánh dấu vẽ lên tất của cháu, tôi đã hỏi lý do tại sao. Sherwyn trả lời rằng: "Những đôi tất này hay bị tuột ra lúc con chạy nên con đánh dấu là tất dùng cho thứ ba và thứ năm, những ngày con không có tiết thể dục".

Chà, đây là ý tưởng sáng tạo không tồi đấy chứ! Vì vậy tôi không trách mắng mà cùng Sherwyn tìm ra giải pháp phù hợp hơn, chẳng hạn mua những đôi tất nổi bật hơn để phân biệt.

Điều quan trọng là tạo sự tin tưởng để trẻ tự tin thực hiện những ý tưởng của mình mà không sợ cha mẹ lo lắng, tức giận hay la mắng. Trẻ tài năng suy nghĩ theo cách riêng của chúng với những ý tưởng sáng tạo giúp xây dựng thế giới tương lai. Bạn có thể nhận những ánh nhìn đánh giá từ phía mọi người xung quanh, những người không hiểu rõ đứa trẻ của bạn, nhưng đổi lại bạn sẽ giúp con phát huy tài năng của mình.

Đối phó với thái độ của mọi người xung quanh

Một thực tế đáng buồn là trẻ tài năng thường phải chịu đánh giá, ánh nhìn tiêu cực từ mọi người xung quanh. Và phụ huynh có nhiệm vụ cung cấp cho trẻ những kỹ năng cần thiết để đối phó thế giới bên ngoài.

Khi ai đó nhận xét rằng bạn đang cướp đi tuổi thơ của con bằng cách ép chúng học quá nhiều, bạn có nên phản kháng lại không? Một số phụ huynh theo bản năng muốn bảo vệ con và bắt bẻ ý kiến của người khác. Số khác chỉ mỉm cười cho qua. Nếu trong phút cáu giận, bạn quyết định thách thức ý kiến của người khác, bạn cần xem xét lại ảnh hưởng từ những lời nói đó đối với con bạn. Trẻ có thể học cách xử lý bất đồng bằng xung đột giống như cha mẹ.

Thay vào đó, hãy cư xử nhẹ nhàng để dập tắt sự tò mò hoặc nghi ngờ của mọi người xung quanh. Thách thức của phụ huynh là đánh giá liệu quyết định nuôi dạy của mình có phù hợp với mong muốn và khả năng của trẻ. Nếu con bạn yêu thích học tập, chúng sẽ tự tìm thấy niềm vui trong kiến thức và việc bạn kích thích niềm đam mê của trẻ là đúng. Nếu không phải như vậy, bạn cần xem xét lại phương pháp nuôi dạy của mình.

Đối phó với bạn bè và người thân

Bạn bè và người thân có thể thoải mái hỏi bạn về những phương pháp nuôi dạy trẻ tài năng vì nghĩ rằng với sự thân thiết của đôi bên, đây không phải câu hỏi tế nhị dù có thể chính bạn cũng không biết lý do tại sao trẻ lại thông minh vượt trội. Không giống như khi nói chuyện với người ngoài, cuộc trò chuyện với bạn bè và người thân có thể xảy ra trong nhà nên bạn cần tránh bàn luận về chủ đề này trước mặt trẻ.

Việc con cái có tài năng thiên bẩm không phải là điều đáng để kiêu ngạo. Nhiệm vụ của bạn là làm cầu nối giữa con và thế giới bên ngoài, giúp mọi người hiểu rõ hơn về năng khiếu, mong muốn của trẻ, dẫu đó là những nguyện vọng khác biệt so với bạn bè thông thường.

Thời gian nghỉ

Là phụ huynh của trẻ tài năng cũng giống như cha mẹ của những đứa trẻ bình thường khác, bạn vẫn có những vai trò, nhiệm vụ khác trong xã hội. Thay vì dành toàn bộ thời gian chăm lo, chú ý đến từng thay đổi của trẻ, phụ huynh đừng quên dành thời gian cho cá nhân. Đó là những khoảnh khắc bạn tạm dừng suy nghĩ đến con, để con tự do khám phá thế giới, xây dựng mối quan hệ bên ngoài.

Thế giới gần đây chứng kiến nhiều trẻ tài năng khi còn rất nhỏ

Tiara Abraham, thần đồng âm nhạc người Mỹ gốc Ấn ở bang California, trở thành tân sinh viên Cao đẳng American River khi 14 tuổi.

Năm 4 tuổi, Tiara gia nhập tổ chức Mensa, cộng đồng người có IQ cao nhất thế giới. Ba năm sau, cha mẹ đăng ký cho em ba chương trình cùng lúc gồm thanh nhạc, học phổ thông và học bán thời gian tại Cao đẳng American River.

Ban đầu, giảng viên trường cao đẳng hoài nghi về năng lực của Tiara nhưng sau đó ấn tượng với khả năng sắp xếp thời gian, tiếp nhận kiến thức của cô bé. "Tiara là sinh viên trẻ nhất mà tôi từng dạy. Em vô cùng thông minh và hiếu học", Susan Hamre, giảng viên nhà trường nhận xét.

Tháng 11/2019, khi 13 tuổi, Tiara tốt nghiệp trung học với điểm tuyệt đối 4.0. Em gia nhập Cao đẳng American River, chuyên ngành Nhạc cổ điển vào học kỳ mùa xuân (tháng 2).


Tiara Abraham biểu diễn tại lễ trao giải âm nhạc tại Vatican. Ảnh: Tiara Abraham.
 
 
Taji, mẹ của Tiara, cho biết ngoài năng khiếu toán học và khoa học, nữ sinh đam mê ca hát. Từ nhỏ, em có thể hát bằng nhiều ngôn ngữ. Năm 10 tuổi, Tiara phát hành album đầu tay mang tên Winter Nightingale, tập hợp chín bài hát thể hiện bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Latin và tiếng Pháp.

Tiara thường đi lưu diễn khắp thế giới. Năm 2017, em được trao tặng giải thưởng âm nhạc Premio Internazionale Giuseppe Sciacca tại Vatican. Năm 10 tuổi, Tiara quyết định theo đuổi con đường biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp.

Chia sẻ tự hào về con gái, Taji nói: "Chúng tôi rất vui vì con gái đã để lại dấu ấn trên thế giới này và truyền cảm hứng cho những đứa trẻ khác".

Sau khi hoàn thành hai năm cao đẳng, Tiara dự định đăng ký chương trình cử nhân về Biểu diễn thanh nhạc và tiến sĩ về Âm nhạc. "Cháu muốn trở thành ca sĩ hát nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới và được hợp tác cùng nhiều nghệ sĩ", Tiara nói, cho hay nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình.

Tiara là "em gái của thần đồng Tanishq". Tanishq bộc lộ tố chất thần đồng từ rất sớm. Năm 9 tuổi, em trở thành sinh viên Cao đẳng American River. Năm 15 tuổi, em tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kỹ thuật y sinh tại Đại học California Davis. Hiện Tanishq theo học chuyên ngành bác sĩ y khoa, dự định lấy bằng 2-3 năm tới.

Laurent Simons, 10 tuổi, thần đồng người Bỉ có IQ 145 được cho là thông minh nhất thế giới đã đến đại sứ quán Israel tại Brussels chia sẻ mong muốn được học tập tại Israel.

Trong buổi gặp ngài Emmanuel Nahshon, đại sứ Israel tại Brussels vào đầu tuần vừa rồi, bố mẹ của Laurent chia sẻ đã nghe những điều tốt đẹp về nghiên cứu học thuật ở Israel và tin rằng con trai sẽ phát triển mạnh trong sự nghiệp cũng như được tận hưởng cuộc sống tốt đẹp trong một cộng đồng phù hợp với một cậu bé 10 tuổi ở Israel. Laurent đã bày tỏ sự quan tâm với việc nghiên cứu các lĩnh vực khoa học, nhưng trước tiên là muốn thành thạo tiếng Do Thái. Laurent đặc biệt quan tâm đến công nghệ sinh học, y học và kỹ thuật sinh học. Cậu bé hy vọng sẽ nghiên cứu các ngành học này song song để có thể thực hiện ước mơ thiết kế các cơ quan giả cho cơ thể người khi lớn lên.


Laurent Simons trong buổi gặp Đại sứ Israel tại Brussels (Bỉ). Ảnh: Đại sứ quán Israel 
 
 
Đại sứ Nahshon khẳng định sẽ truyền đạt sự quan tâm của gia đình Laurent đến các đại học ở Israel. "Việc đứa trẻ này chọn học ở Israel là một niềm tự hào. Nó cho thấy cậu bé không chỉ là một thiên tài mà còn thực sự thông minh", ông Nahshon nói.

Mặc dù chưa bao giờ đến thăm Israel, gia đình của Laurent đã nghe về vẻ đẹp và ngành công nghiệp công nghệ cao tiên tiến của Israel. Họ tỏ ra phấn khích trước viễn cảnh được sống và học tập ở quốc gia này.

Laurent từng học hệ cử nhân ngành Kỹ thuật điện của Đại học Công nghệ Eindhoven - TUE (Hà Lan) và dự định lấy bằng cử nhân vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, tranh cãi đã nổ ra giữa TUE và gia đình Laurent về thời điểm tốt nghiệp của cậu bé khi nhà trường từ chối để Laurent hoàn thành chương trình học theo kế hoạch mà bố mẹ cậu bé đã đề ra.

Bố mẹ Laurent cuối cùng quyết định không cho con lấy bằng cử nhân ở TUE nữa để theo học một đại học chưa được công bố tên tại Mỹ. Cậu bé có kế hoạch học tiếp để lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện ở Mỹ. Vì vậy, việc gia đình Simons đổi ý muốn để con trai học ở Israel là điều bất ngờ.

Laurent sinh năm 2010 tại thành phố Ostend (Bỉ), sau đó theo bố mẹ đến Hà Lan sinh sống. Cậu bé có chỉ số IQ 145 bắt đầu học trung học từ năm 6 tuổi và trở thành thành viên một dự án nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Học thuật ở thành phố Amsterdam. 8 tuổi, Laurent tốt nghiệp trung học phổ thông rồi trở thành tân sinh viên Đại học Công nghệ Eindhoven hồi tháng 3/2019.

Cậu bé Muhammad Haryz Nadzim, 3 tuổi, đạt 142 điểm IQ, được mời tham gia Mensa, tổ chức dành cho những người thông minh nhất thế giới.

Đại diện Mensa cho biết hiện Haryz là thành viên trẻ nhất trong tổ chức. "Các thành viên của Mensa có tính cá nhân rất cao, có xuất phát điểm và thành công khác nhau, nhưng đều có những yếu tố vượt trội giống nhau", ông nói.

Haryz là con của hai kỹ sư gốc Malaysia Anira và Mohd, hiện sống tại Durham. Anh Anira (cha của Haryz) cho biết bảy tháng tuổi, Haryz đã làm gia đình ngạc nhiên khi nói những từ đầu tiên. Hai tuổi, em có thể tự đọc truyện trước khi đi ngủ, quan tâm đến vũ trụ, số học và thích đọc sách.

Cậu bé có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Malay. "Ở nhà, chúng tôi trao đổi với Haryz bằng tiếng Malay và cháu tiếp thu rất nhanh", ông Anira giải thích.

Vì chưa từng có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ em, vợ chồng Anira không cho rằng những dấu hiệu trên là đặc biệt. Đến năm 2 tuổi, Haryz đi nhà trẻ, giáo viên nhận xét là tiến bộ hơn các bạn cùng lớp, cha mẹ em mới nghĩ đến hai từ "tài năng".

Đầu tháng 1, gia đình đã mời Lyn Kendall, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về trẻ có năng khiếu làm bài kiểm tra đánh giá IQ cho Haryz. Kết quả, cậu bé đạt 142 điểm, lọt vào nhóm 0,3% người có IQ cao nhất thế giới.

Gia đình Haryz bày tỏ rất vui mừng trước kết quả của con và hy vọng đây là bước đầu tiên trong hành trình chạm đến thành công. "Kết quả này sẽ mang lại cho Haryz một chút tự tin vào bản thân để tạo ra những giá trị hữu ích cho xã hội trong tương lai", Anira nói, hy vọng có thể thúc đẩy con không ngừng học hỏi.


Năm 2 tuổi, Haryz có thể tự đọc truyện trước giờ đi ngủ. Ảnh: Nur Anira Asyikin Hashim.
 
 
Bên cạnh đọc sách, Haryz thích vẽ tranh, nghịch nước và ca hát. Chương trình yêu thích của em là phim hoạt hình Story Bots và Numberblocks. Ngoài ra, Haryz đang sở hữu kênh YouTube tên Little Haryz, kể chuyện cổ tích cho các em nhỏ trên thế giới.
Đức Anh tổng hợp (theo vnexpress)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×