Chiến lược đúng sẽ lôi kéo nhân tài bán dẫn toàn cầu về nước

Thứ tư, 10/04/2024

Chuyên gia người Việt ở nước ngoài là nguồn bổ sung nhân lực cho ngành bán dẫn Việt Nam. Để tạo động lực, Việt Nam cần phải có những chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân tài.
Một trong những lời giải cho “cơn khát” nhân lực bán dẫn trình độ cao của Việt Nam là nguồn lực nước ngoài. Khảo sát của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cho thấy, hiện nhiều người Việt đang làm trong lĩnh vực bán dẫn ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, có cả những công ty danh tiếng top đầu ngành bán dẫn như Qualcomm, Amkor hay Texas Instruments. 
 
Tại diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2023 (Diễn đàn Make in Viet Nam), ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM nhận định, bối cảnh Việt Nam hiện đang thuận lợi để các chuyên gia bán dẫn ở nước ngoài về nước. Muốn phát triển ngành bán dẫn trong nước, lực lượng người Việt ở nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng. 
 
Trên thực tế, theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, nhiều người Việt ở Mỹ sẵn sàng từ bỏ các hãng công nghệ lớn để về Việt Nam làm việc. Đây sẽ là nguồn bổ sung nhân lực quan trọng cho ngành bán dẫn Việt Nam ở cả khía cạnh nghiên cứu, phát triển và đào tạo. Tuy nhiên, để tạo động lực, lôi kéo nhân tài bán dẫn thế giới về nước, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân tài. 
 
tam wafer de khac chip ban dan.jpg
Tấm Wafer - vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp. Ảnh: NYTimes
 
Dưới góc nhìn của một người đang vận hành doanh nghiệp về bán dẫn, ông Trịnh Khắc Huề - Tổng giám đốc Corvo Việt Nam cho rằng, muốn phát triển nguồn lực, tìm kiếm nhân tài, Việt Nam nên có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. 
 
Theo GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội), để thu hút nhân tài toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn về Việt Nam, điều đầu tiên cần phải có là môi trường làm việc tốt, tiếp đến là lương và các chế độ đãi ngộ khác. 
 
“Chúng ta cũng cần phải có các chính sách về phát triển khoa học công nghệ. Lĩnh vực công nghệ cao phải có sự đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu phát triển. Nếu chúng ta không có đầy đủ chính sách như vậy thì sẽ rất khó thu hút nhân tài”, GT.TS Trần Xuân Tú phân tích. 
 
Theo vị chuyên gia này, tham vọng với ngành bán dẫn của Việt Nam là rất lớn, điều này đã đủ gây sự chú ý với các nhân tài. Điều quan trọng là Việt Nam cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể và bắt tay ngay vào công việc. Điều này cần đến sự chung tay của các bộ, ban, ngành, cũng như các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, kết nối để cùng triển khai. 
 
Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập kiêm CEO Got It cho rằng, một trong những lợi thế của Việt Nam là có một nhóm người Việt hoặc người gốc Việt rất lớn đang làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. 
 
Một số người Việt còn trở thành nhân vật tầm cỡ, nổi bật là bà Lê Duy Loan, người Châu Á đầu tiên và là người phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật (Senior Fellow - Nhà nghiên cứu thâm niên), tương đương vị trí Phó chủ tịch hãng Texas Instruments.
 
W-chip-ban-dan-fpt-5-1.jpg Chip bán dẫn Make in Viet Nam được tích hợp vào mạch điện của bóng đèn thông minh. Ảnh: Trọng Đạt
 
Ở góc độ một người làm công nghệ tại nước ngoài, theo ông Hùng, để thu hút nhân tài về nước, trước tiên Việt Nam cần phải có một chiến lược, có thể chưa có con đường cụ thể nhưng phải có định hướng rõ ràng chứ không phải đi đến đâu mở đường đến đó.
 
Theo ông Trần Việt Hùng, việc có chiến lược và đặt ra mục tiêu cho ngành công nghiệp bán dẫn là rất quan trọng. Nếu các chuyên gia người Việt ở nước ngoài thấy mục tiêu của Việt Nam đủ lớn, đủ tham vọng, đem lại ít nhiều lợi ích thì họ sẽ tham gia. Lợi ích ở đây chưa chắc đã phải là tiền mà còn là những cơ hội khác. Chỉ khi dự án đủ thú vị chúng ta mới thu hút được nhân tài. 
 
Trên thực tế, Bộ TT&TT đã xây dựng Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Mục tiêu của chiến lược là giúp Việt Nam có 50.000 kỹ sư thiết kế, hàng trăm nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật trong các ngành liên quan.
 
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Từ mục tiêu này, Bộ TT&TT sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
 
Theo Bộ TT&TT, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chính là một trong những cơ hội để thay đổi thứ hạng Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử. 
Theo Vietnamnet.vn

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×