Cách nhận biết rau và cá bẩn

Thứ bảy, 20/07/2019

Bó cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường được cho là do bón nhiều phân đạm nitrat.

Cách nhận biết rau “bẩn”


 Bó cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường được cho là do bón nhiều phân đạm nitrat.

​Việc nhận biết rau an toàn bằng cảm quan hết sức quan trọng. Thông thường trên các loại rau nhiễm thuốc trừ sâu, phân hóa học, thuốc kích thích... bạn có thể nhìn thấy những hạt bụi nhỏ, ngửi thấy mùi vị khác thường. Khi ăn nếu để ý sẽ thấy rau có mùi vị lạ.

Rau cải


Bạn nên chú ý khi chọn rau cải.

Đây là loại rau thu hút nhiều sâu bọ khi trồng trên đất. Vì vậy, các chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào thời gian trước khi thu hoạch. Điều này rất nguy hiểm vì khi đưa vào sử dụng, dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong rau còn rất cao do không có đủ thời gian để phân hủy.

Khi bạn cầm trên tay bó cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường, được cho là rau được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng loại cải này, nhất là ăn sống.

Mướp đắng

Khi mua, tốt nhất bạn nên tìm những quả mướp đắng nhỏ, dài, trên thân có nhiều sớ gân nhỏ li ti. Quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt, thân phình nhưng sớ gân bóng loáng là những quả bị lạm dụng hóa chất làm tươi.

Đậu cô-ve

Những quả đậu cô-ve bóng, ít lông tơ, dài, đốt nào rõ đốt nấy là kết quả của việc người trồng lạm dụng phân bón lá. Nếu tất cả số đậu được bày bán đều không có vết sâu bọ, chứng tỏ đậu đã bị phun thuốc trừ sâu trước khi đưa ra tiêu thụ.

Giá đỗ


Bạn nên chọn loại giá đỗ có rễ. (Ảnh: N.P).

Cọng giá tròn lẳn, thân trắng phau, ít rễ thường hấp dẫn các bà nội trợ. Thế nhưng, đó có thể là những cọng giá sản xuất sử dụng các loại hóa chất kích thích độc hại.

Khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với thuốc trừ sâu có pha loãng, tưới lên mầm giá rồi ủ kín lại. Loại thuốc này giúp giá đỗ nảy mầm và phát triển nhanh. Loại giá đỗ này khi xào sẽ tiết ra thứ nước đục ngầu.

Rau cần nước

Nếu bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, thân rau sẽ to, ngó trắng phau bất thường. Nếu để một ngày không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại.

Lưu ý: Khi chế biến các loại rau có bẹ như cải, cải thảo, cải bắp... bạn nên cắt bỏ phần gốc, tách rời từng lá, nhặt bỏ lá sâu. Sau đó, bạn ngâm rau vào nước muối loãng hoặc nước hòa thuốc tím loãng khoảng 15 phút rồi rửa kỹ từng lá dưới vòi nước chảy vài lần trước khi đưa vào chế biến tiếp.

Phương pháp này đơn giản nhưng có thể làm sạch phần lớn thuốc trừ sâu, phân bón bám trên rau, nhất là ở các kẽ lá. Ngoài ra, nó còn giúp làm sạch được trứng giun, sán và các chất bẩn bám trên rau.

Ớt chuông



Những quả ớt bóng đẹp, không một vết cắn của côn trùng hì đích thị đây là những loại thực phẩm chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu.

Ớt chuông là loại quả dễ thu hút côn trùng, chúng gây ra nhiều vết cắn nhỏ trên vỏ ớt mà bạn có thể không nhận ra. Nếu mua loại quả này bạn chỉ cần để ý, những quả ớt bóng đẹp, không một vết cắn của côn trùng, sâu bọ thì đích thị đây là những loại thực phẩm chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu.

Cà chua

Để cà chua chín đều, đẹp thì người trồng hay sử dụng các loại thuốc ủ chín hoa quả. Chính vì vậy bạn nên lựa chọn những trái cà chua xanh và chờ chín dần để sử dụng cho gia đình thì sẽ an toàn hơn.

Cách tốt nhất để không bị ngộ độc thực phẩm khi mua phải những loại rau hay bị phun hóa chất là bạn nên mua rau ở các cửa hàng rau sạch và thực hiện những cách loại bỏ thuốc trừ sâu trên rau, củ quả để yên tâm hơn khi sử dụng.

Bắp cải, súp lơ

Bắp cải, súp lơ thông thường được trồng vào mùa lạnh để tránh sâu bệnh nhưng không thể hoàn toàn tránh được bởi đây là những loại rau thu hút cực kỳ đối với các loại sâu bệnh hại.

Sâu trên bắp cải ăn rất tạp, từ 5-6 ngày đã phải đánh. Người trồng súp lơ, bắp cải khá tốn kém các loại thuốc trừ sâu bởi 1 tháng có khi phải mất 10 ngày để đánh thuốc. Tính đến lúc thu hoạch có tổng cộng cỡ khoảng 14-15 lần phun thuốc trừ sâu lên rau. Súp lơ cũng phải đánh cỡ mươi mười lăm lần mới ổn. 

Chủ yếu tại những vùng trồng rau, người ta chẳng theo liều lượng của nhà sản xuất làm gì mà phải tăng gấp rưỡi, gấp đôi liều họ khuyến cáo. Bởi quá nhiều sâu nên hễ cứ thấy sâu là phun thuốc đến khi sâu chết thì thôi. Thế nên, cứ thấy những bắp cải hay cây súp lơ nào xanh non mỡ màng không một vết cắn của sâu bọ thì chắc chắn đó là rau bị phun nhiều thuốc trừ sâu.
 

Cách nhận biết hải sản tẩm urê


Theo các chuyên gia về thủy-hải sản, urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp. Đây là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng phân urê để bảo quản nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu không bị ươn thối.

Hải sản là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng khi chúng bị tẩm ướp urê, chất tẩy javel thì không còn nguyên chất nữa và có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng.


Khi mua thủy, hải sản, người mua cần kiểm tra, quan sát kỹ để không mua phải hải sản ngâm tẩm hóa chất. (Hình minh họa)

Khi sử dụng urê để tẩm ướp, bảo quản hải sản, urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá, tôm. Sau đó, thực phẩm này dù có được rửa kỹ nhiều lần vẫn không loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê đã ngấm sâu vào thực phẩm.

Trong cơ thể người, nếu lượng urê cao quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Nhẹ là chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp sẽ gây tử vong.

Để đánh lừa người tiêu dùng, trước khi đem bán, người ta đã ngâm nước, rửa thật kỹ những sản phẩm được bảo quản bằng urê. Do đó người mua không tinh ý vẫn sẽ "dính đòn". Tuy nhiên, mọi người có thể nhận biết được bằng cảm quan.

Với các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Người tiêu dùng kiểm tra kỹ sẽ phát hiện dễ dàng dù chúng đã được xử lý để giảm bớt mùi.

Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với cá ướp urê nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên, độ đàn hồi thân cá không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình cá lõm xuống, ngửi kỹ cá có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng.

Ngoài ra, sau khi rửa vài nước cá sẽ mềm, lúc chiên hay kho cá sẽ rã ra và không có mùi thơm tự nhiên của cá biển. Tương tự, với mực, bạch tuộc, tôm… nhìn bằng mắt thì tươi nhưng sờ tay vào sẽ mềm oặt. Khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà thịt hải sản ướp ure thường mềm, nhũn, có mùi hôi…

Để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, khi chọn hải sản người mua nên kiểm tra kỹ. Nên mua đồ còn sống, bằng không cần chọn những cửa hàng có uy tín, xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.
 
                                                                              Bích Thùy tổng hợp (newzing, khoahoc.tv)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×