Đề xuất xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ

Thứ hai, 13/11/2017

Một số vấn đề để chữa“Bệnh thành tích”, “Bệnh tư duy lối mòn” và “Bệnh ếch ngồi đáy giếng”; đề xuất ý kiến góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ.
Một số vấn đề để chữa“Bệnh thành tích”, “Bệnh tư duy lối mòn” “Bệnh ếch ngồi đáy giếng”; đề xuất ý kiến góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ.



Xác định mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng từ Trung ương đến địa phương. Tạo cơ chế mới trên khắp các phương diện, các ngành nghề… để từng bước hội nhập. Song bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, còn có những hạn chế đáng kể, đó là “Bệnh thành tích”, “Bệnh tư duy lối mòn” “Bệnh ếch ngồi đáy giếng”.

Với “Bệnh thành tích”, nhiều chủ trương, chính sách tích cực của Nhà nước trở nên xa vời, không phát huy hết được hiệu quả, nhiều báo cáo kết quả thực hiện không sát với thực tế.

Với “Bệnh tư duy lối mòn”, nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp còn bảo thủ, nhiều sáng kiến bị bỏ qua, nhiều cơ hội phát triển không được nắm bắt, tư duy tập thể không được phát huy, nhiều tài năng trẻ bị lãng phí, nhiều bộ máy tổ chức chưa được trẻ hóa.

Với “Bệnh ếch ngồi đáy giếng” thì tính bảo thủ, cố hữu càng được phát huy, xem sự phát triển của bên ngoài như những điều không tưởng, dẫn đến không chịu thay đổi, khi phát hiện ra thì đã muộn, điều này cũng tương tự như vấn đề môi trường của nhân loại, khi không khí còn trong lành thì không ai để ý đến việc bảo vệ, chỉ khi nó bị ô nhiễm, thậm chí là có những ảnh hưởng xấu đáng kể thì mới bắt đầu quan tâm... Những điều đó quả thực đã kéo chậm lại đáng kể sự phát triển chung của đất nước.

Để đất nước phát triển vững chắc, tôi nghĩ chúng ta cần phải “Chữa” được những căn bệnh đó. Chữa thế nào thì ở mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực phải có cách riêng phù hợp, nhưng theo tôi, với “Bệnh thành tích” thì là phải làm tốt hơn nữa khâu giám sát, đánh giá, phải phát huy tính độc lập của các cơ quan, bộ phận giám sát, đánh giá; Với “Bệnh tư duy lối mòn”, cần phải có cơ chế đánh giá, khen thưởng, sâu hơn, thiết thực hơn cho những sáng kiến có giá trị. Cần coi trọng, tin tưởng giao việc lớn hơn cho đội ngũ trẻ; bảo vệ và quan tâm hơn nữa đến đội ngũ trẻ, chú trọng nhiều hơn đến công tác đào tạo và trẻ hóa cán bộ để phát huy tính sáng tạo, năng lực tiếp thu, vận dụng cái mới trong quá trình phát triển. Và trên hết, tôi nghĩ ở mỗi đơn vị, những người đứng đầu cần phải có cái nhìn mới, cái nhìn khách quan, sáng tạo thì mới nhận định rõ được vị trí của đơn vị mình, doanh nghiệp mình. Từ đó có những thay đổi cho phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Rất nhiều người hiểu rằng doanh nghiệp năng động là doanh nghiệp biết thay đổi, thay đổi liên tục, nhưng hầu như tôi thấy nhiều doanh nghiệp của chúng ta chỉ luôn chạy theo sau, vặn mình để đuổi theo sự thay đổi của xã hội và ngày càng lùi xa. Với “Bệnh ếch ngồi đáy giếng”, tôi nghĩ không có cách nào hay hơn là quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo đi đôi với thực hành, tham quan học tập kinh nghiệm, đào tạo đi đôi với việc đánh giá hiệu quả đào tạo, đánh giá kết quả tham quan học tập kinh nghiệm. Đặc biệt là hiện nay, nước ta đã tham gia sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đó là cơ hội để học hỏi, kế thừa và phát triển, nhưng cũng là thách thức để chúng ta có thể sàng lọc, lựa chọn những nhân tố mới, thay đổi và phát huy sức cạnh tranh trong nước, cùng đưa đất nước ngày một phát triển đi lên.

Ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trí thức trẻ không được xem trọng, phải luôn đi theo sau để học hỏi kinh nghiệm, “xếp hàng chờ đến lượt”, lao động chưa được đánh giá đúng năng lực, trả công chưa xứng đáng... Những điều đó khiến cho một phần không nhỏ nguồn nhân lực có tri thức rời bỏ tổ chức, doanh nghiệp. Vai trò của Đoàn thanh niên ở nhiều nơi cũng chưa thực sự được trú trọng đặc biệt là ở khối doanh nghiệp, chủ yếu chỉ được coi như một tổ chức phong trào...
 

Để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ, tôi nghĩ chúng ta cần chú trọng đến một số vấn đề:

Thứ nhất, có các chính sách cụ thể để nâng cao vai trò của thanh niên trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Thanh niên được tham gia vào nhiều công tác quan trọng như nhân sự, hoạch định đường lối của đơn vị...
Thứ hai, thanh niên cần được khuyến khích và và tạo điều kiện để thực hiện những ý tưởng mới; được đánh giá, quý trọng ý tưởng, sáng kiến mới, được tuyên dương, tôn vinh khi các ý tưởng, sáng kiến đó mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trẻ, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, về đào tạo kiến thức làm kinh tế, về đầu ra sản phẩm...

Thứ , cần có nhiều hơn nữa các sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, đặc biệt là ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Cho chúng tôi có được nhiều cơ hội được học hỏi, được tin tưởng, được đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của địa phương, đơn vị...
 

Đỗ Bảo Long               
(Công ty cổ phần dược phẩm Yên Bái, Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2015)


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×