Làm sao thu hút và sử dụng tài năng trẻ?

Thứ năm, 14/09/2017

Doanh nhân trẻ Phan Thị Ngọc Diễm (Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008) chia sẻ về giải pháp thu hút và sử dụng tài năng trẻ Việt Nam hiện nay để cùng chung tay dựng xây và phát triển đất nước.
TAINANGVIET.vn - Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về trí thông minh, sáng tạo và cần cù; với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, những người trẻ Việt Nam càng có nhiều công cụ để tiếp cận thế giới và nhiều cơ hội để khẳng định tài năng của mình. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách bồi dưỡng, thu hút và sử dụng tài năng trẻ, nhưng việc triển khai thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn; còn nhiều tài năng trẻ chọn làm việc nước ngoài thay vì về nước, hoặc từ bỏ ước mơ của mình khi những sáng tạo, khát vọng khó có thể thực hiện ở nước nhà.

Chất xám chảy máu ngày càng nhiều, các tài năng trẻ thường chọn ở nước ngoài làm việc thay vì về lại Việt Nam để cống hiến. Thực tế, chưa có sự công bằng trong chính sách bồi dưỡng tài năng trẻ của nhà nước ở các khối ngành, các đơn vị quốc doanh và ngoài quốc doanh. Đối với khu vực kinh tế tư nhân, cơ hội để được bồi dưỡng, đào tạo thêm của các doanh nhân trẻ là không nhiều, và hầu hết phải tự bỏ tiền. Công tác giáo dục, bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ cũng chưa đồng đều, phần lớn tập trung ở cấp Tiểu học, THCS, THPT và dần ít đi từ sau đại học. Các chương trình tìm kiếm, phát hiện tài năng trẻ phần lớn được tổ chức bởi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và mặc dù đã có sự quản lý của nhà nước, nhưng chưa tác động trực tiếp và sâu sát. Chưa có kênh truyền thông rộng rãi trong việc thu hút, ghi nhận ý tưởng sáng tạo của các tài năng trẻ để từ đó tạo điều kiện cho họ phát huy; cũng như chưa xây dựng được cầu nối, sự kế thừa các thành tựu của thế hệ đi trước và thế hệ đi sau là các tài năng trẻ hiện tại.

Riêng với doanh nghiệp, vốn là một lĩnh vực vô cùng khó khăn đối với những người trẻ, do vậy rất cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan nhà nước để họ “dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân”.


Doanh nhân trẻ, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 Phan Thị Ngọc Diễm 

Để tháo gỡ những khó khăn trên, xin nêu mấy giải pháp:

Một là, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách công bằng để các tài năng trẻ phấn đấu trong học tập, lao động và sáng tạo. Chính sách rõ ràng và sự công bằng là nền tảng để các tài năng trẻ có niềm tin và cơ hội khẳng định tài năng; cần phải có sự công bằng trong tất cả các khối ngành, các lĩnh vực, các đơn vị cả trong và ngoài các cơ quan nhà nước. Đã là tài năng thì dù ở lĩnh vực nào cũng cần được ghi nhận và tạo cơ hội phát triển. Tăng cường quản lý của nhà nước đối với tài năng trẻ; xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ từ khâu tìm kiếm, phát hiện, sàng lọc và quy hoạch đến bồi dưỡng, thu hút, sử dụng và trọng dụng một cách hợp lý. Chính sách thu hút, đãi ngộ người tài cần được quan tâm sâu sắc hơn về lương bổng, chế độ, cơ hội phát triển và ước mơ của họ. Dựa trên những mối quan tâm chung của các tài năng trẻ để xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ người tài hợp lý. Cần cụ thể hóa chủ trương bằng những chính sách và hành động cụ thể, như:

- Chính sách phát huy tài năng trẻ càng thách thức, càng khó khăn thì tài năng trẻ càng sáng tạo, càng được bộc lộ và càng có nhiều đóng góp cho đất nước.

- Chính sách quản lý nguồn tài năng trẻ, nhằm hạn chế tình trạng chảy máu chất xám bằng cả “tình” và “lý”, bằng tình cảm yêu quê hương, đất nước lẫn các chế tài khi đầu tư cho tài năng trẻ đi học ở nước ngoài.
Cần tìm hiểu, tham khảo các chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng tài năng trẻ ở các quốc gia làm tốt việc này và áp dụng một cách chọn lọc, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Hai là, Công tác bồi dưỡng tài năng trẻ cần được chú trọng toàn diện và đồng đều. Bồi dưỡng không chỉ ở kiến thức, kỹ năng mà còn ở tư tưởng, đó là trách nhiệm, tình yêu đối với quê hương đất nước, sự phát triển cá nhân gắn liền với sự phát triển của quê hương, đất nước – đó chính là sự phát triển bền vững. Xây dựng cơ sở vật chất, môi trường tập trung, tiệm cận với chất lượng nghiên cứu và giáo dục quốc tế, để ươm mầm tài năng trẻ; đặc biệt đối với các tài năng về nghiên cứu, sáng tạo ngay từ khi đang trong giai đoạn học tập ở nhà trường, nhất là bậc Đại học. Đi đôi vớ việc bồi dưỡng, cần định hướng các tài năng trẻ đóng góp cho quê hương, đất nước một cách thiết thực.

Ba là,  Các tài năng trẻ cần được vinh danh, ghi nhận thành tích gắn liền sự tự hào cá nhân với truyền thống gia đình và dân tộc Việt Nam. Đồng thời tin tưởng và giao cho tài năng trẻ vị trí xứng đáng với tài năng của họ mà không phụ thuộc vào độ tuổi. Thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc thi để các tài năng trẻ có cơ hội khẳng định mình, được phát hiện và vinh danh.

Bốn là, Tài năng trẻ cần được  phát hiện, bồi dưỡng, phát triển ngay từ gia đình, nhà trường, cơ quan và các tổ chức xã hội. Tập trung xây dựng các mô hình định hướng giáo dục và bồi dưỡng tài năng trẻ ngay trong các cơ quan, đơn vị và các tổ chức.

Năm là, Tổ chức các chương trình thường niên, gặp gỡ và giao lưu các tài năng trẻ trong nước (cùng một lĩnh vực hay tập trung nhiều lĩnh vực), chương trình giao lưu quốc tế, để các tài năng trẻ được mở rộng tầm nhìn, tiếp cận với cái mới, nhằm tích lũy kinh nghiệm biến ước mơ thành hiện thực, hoặc tổ chức các chương trình giao lưu, sân chơi sáng tạo quốc tế tại Việt Nam theo từng lĩnh vực, để các tài năng trẻ thế giới và khu vực về Việt Nam tham gia hoạt động.

Sáu là, Cần có kênh truyền thông, hoặc diễn đàn chính thức của nhà nước, hoặc của Đoàn thanh niên để quy tụ các tài năng trẻ. Đây cũng là kênh ghi nhận các sáng kiến, sáng chế, ý tưởng sáng tạo.., tránh trường hợp tài năng trẻ có ý tưởng, có sáng kiến mà không biết tìm ai để trình bày, chia sẻ, hoặc được tư vấn, hỗ trợ để biến ý tưởng thành giải pháp, sản phẩm thực tế. Đồng thời, đây cũng là kênh truyền thông nhằm tranh thủ sự ủng hộ của xã hội trong công tác xã hội hóa việc phát triển tài năng trẻ.
 
Phan Thị Ngọc Diễm
Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh
(Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008, Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2015)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×