Start up từ... đồ bỏ đi

Thứ năm, 05/10/2017

Tưởng chừng những đồ bỏ đi mà các bạn trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích

1. Bắt đầu từ những thùng carton...

 

Tân (giữa) cùng với các thành viên của Magix. ẢNH: NVCC

Theo Thanh niên, chỉ với số vốn 40 triệu đồng và chưa đầy 1 năm khởi nghiệp, Đỗ Hữu Tân, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, Tân làm việc cho một công ty điện tử của Đức. Tuy nhiên, nhận thấy công việc này không phải là đam mê của mình nên Tân chuyển hướng khởi nghiệp.

Trong một lần mua hàng trực tuyến và sau khi nhận hàng lại vứt bỏ hộp đựng, rất lãng phí, Tân đặt câu hỏi: làm sao tái chế được những chiếc hộp như thế này? Thế là anh bắt tay vào nghiên cứu. Trong vòng 6 tháng, Tân đã nghĩ ra được hướng đi và sản phẩm đầu tay của anh là chiếc móc áo.

“Bây giờ mọi người mua quần áo qua mạng rất nhiều, chỉ cần biến các hộp gói thành móc thì khách hàng có thể tận dụng để treo áo quần. Rất tiện lợi”, Tân chia sẻ.

Cứ nghĩ như trò chơi của trẻ nhỏ, nhưng thật ra để làm sao cho việc tái chế nhanh gọn và dễ dàng nhất, khiến khách hàng cảm thấy thích thú và không tốn nhiều thời gian của họ là cả một vấn đề.

Sau sản phẩm đầu tiên, Tân nghĩ ra các tiện ích khác như: hộp carton thành khung ảnh, thành giá sách, “con heo” bỏ tiền... Mang sản phẩm đi dự các cuộc thi khởi nghiệp và đều đoạt giải thưởng cao, nhưng để sản phẩm này ra thị trường lại là vấn đề nan giải. Bởi theo Tân, sản phẩm còn quá mới lạ và không biết thị trường có chấp nhận được hay không.


Một sản phẩm tái chế từ hộp carton của Magix


Dù vậy Tân không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích khác, rồi mang đi chào mời khách hàng.

Khi thấy sản phẩm sáng tạo của Tân, khách hàng rất ưng ý, nhưng lại đề xuất là mỗi ngày họ có mấy ngàn đơn hàng và yêu cầu Tân làm thế nào để tối ưu hóa việc gói hàng thì họ sẽ đặt hàng sản phẩm. Từ đó, thương hiệu đóng gói Magix của Tân ra đời.

Về các tính năng của Magix, Tân phân tích thứ nhất là đảm bảo được việc bảo quản hàng hóa. Thứ hai là tiết kiệm 30% chi phí vận chuyển bởi tất cả hộp carton Magix đều tối ưu kích thước đóng gói cho khách hàng, vì trong vận chuyển ngoài khối lượng thực thì còn có khối lượng được quy ra bởi thể tích chiếm chỗ của sản phẩm đã được đóng gói. Hãng vận chuyển thường quy định hàng hóa dưới nấc 0,25 kg thì không phải trả thêm phí, còn nếu vượt thì khách hàng phải trả thêm 3.000 - 3.500 đồng. Magix đã giải quyết được các vấn đề này. Thứ ba là, Magix còn xây dựng hệ thống ghép đơn hàng tạo ra những nhu cầu giống nhau. Chẳng hạn như với số lượng đặt hàng ít, thì nhà sản xuất sẽ rất tốn thời gian và chi phí, thay vì đó Magix sẽ tìm những khách hàng có cùng nhu cầu và ghép lại với nhau tạo ra một nhu cầu đủ lớn cho nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, Magix còn giúp tiết kiệm được chi phí đóng gói, tiện lợi mà điều đặc biệt là thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm lãng phí xã hội.

Chính nhờ sự sáng tạo và chọn đúng sản phẩm thị trường đang cần, nên thành lập chưa tròn 1 năm, nhưng Magix đã đạt được những thành công bước đầu. Đó là mỗi tháng Magix bán được hơn 50.000 đơn vị sản phẩm, trong đó từ 22.000 đến 25.000 đơn vị là bán lẻ.

Và mới đây, Tân đã xuất sắc giành được gói hỗ trợ 1 tỉ đồng từ chương trình Speedup 2017 do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM tổ chức.

2. Bạn nghĩ lốp xe cũ chỉ để vứt đi? Startup này đã chứng minh điều ngược lại

Chỉ từ những chiếc lốp xe ô tô, xe máy bỏ đi, một cặp vợ chồng người Philippines đã tận dụng để sản xuất những chiếc túi xách vừa thời trang lại vừa chống nước.



Startup có tên Siklo Pilipinas của Philippines bắt tay vào chế tạo túi xách sử dụng một loại vật liệu mới không ai ngờ tới: lốp cao su cũ. Thay vì để những chiếc lốp ô tô, xe máy chất đống ở bãi rác và trở thành nơi trú ngụ cho muỗi, Siklo Pilipinas đã cho chúng một “cuộc đời” mới.

"Chúng tôi thường thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu gắn liền với sông, biển vì vậy cần một loại túi xách để bảo vệ đồ đạc khỏi ngấm nước. Chồng tôi đã nghĩ đến những chiếc lốp xe nằm gần nhà chúng tôi. Bạn biết đấy, chất liệu cao su thường bền và có thể bảo vệ đồ đạc khỏi các cú rơi, va chạm", Clarice Ecuacion, đồng sáng lập Siklo Pilipinas cho biết, cafebiz viết.

Kể từ khi có ý tưởng, Lyndon Ecuacion, nhà thiết kế sản phẩm, chồng của Clarice, bắt đầu nghiên cứu khả năng ứng dụng của lốp cao su và thử nghiệm với những san phẩm như thắt lưng, ví, móc chìa khóa, túi đeo trên xe đạp…

“Vì không có số liệu nào cho thấy tỷ lệ phân hủy của lốp cao su là bao nhiêu, chúng tôi tin các sản phẩm từ lốp xe có thể tồn tại vượt xa tuổi thọ của con người. Điều này làm chúng tôi cảm thấy càng thêm thú vị”, Clarice nói.


 

Khó khăn trong quá trình tái sản xuất
 

Để có đủ nguyên liệu sản xuất, cặp đôi đã tìm đến các cửa hàng bán xe đạp, cửa hàng bán lốp xe hoặc thậm chí các bãi phế liệu trong khu vực Metro Manila và Laguna. Thay vì để công nhân vệ sinh thu dọn và mang tới bãi rác, Clarice và Ecuacion thuyết phục các chủ cửa hàng liên hệ với họ khi có nhiều lốp xe cần mang đi và cặp đôi sẽ trả tiền để mua lại.

Theo Ecuacion, sau khi thu nhặt lốp xe, họ sẽ tiến hành gia công và tái sử dụng.

“Quá trình này khác hoàn toàn với tái chế. Nếu tái sử dụng sản sinh ra lượng carbon thấp và cần nhiều sức người trong quá trình chế tác thì tái chế tạo ra nhiều khí carbon hơn vì có sự tham gia của máy móc và tiêu tốn nhiều năng lượng”.

“Quá trình tái sử dụng gần như không biến đổi vật liệu trong khi đó quá trình tái chế sẽ thay đổi vật liệu hoàn toàn”, Ecuacion giải thích.

Trong quá trình sản xuất, cặp đôi cũng nhận ra không phải loại tất cả các loại lốp xe đều có thể tái sử dụng và tỷ lệ thành công của mỗi loại lốp cũng khác nhau, “đó là lý do các sản phẩm tái chế khá nhiều chứ sản phẩm tái sử dụng còn rất hạn chế”.

Mỗi sản phẩm do Siklo Pilipinas sản xuất sẽ được bán với giá từ 30 đến 80 USD. Các dòng sản phẩm chính bao gồm balo, túi đựng quần áo, túi đeo trên vai, túi đeo chéo và một số loại ví cầm tay.

Với một đội ngũ chỉ khoảng 6 người, Siklo Pilipinas đã truyền cảm hứng cho nhiều khách hàng không chỉ ở Philippines mà còn ở những quốc gia khác trên thế giới.

Mặc dù các quốc gia khác cũng có những sản phẩm tái sử dụng từ lốp xe giống chúng tôi nhưng một số khách hàng vẫn dành cho chúng tôi những lời khen có cánh như: ‘Tôi thấy túi xách tương tự ở Thái Lan nhưng tôi cho rằng túi của các bạn tốt hơn’, ‘tôi mang túi xách của bạn sang Việt Nam và một người ban của tôi đã rất hứng thú khi nhìn thấy nó, ‘Tôi muốn hợp tác để bán túi của Siklo Pilipinas ở California vì tôi không có sản phẩm nào tốt hơn nữa’,” Ecuacion nói.

Hiện tại một số khách hàng cũng đề nghị được đặt thương hiệu của họ lên sản phẩm của Siklo Pilipinas, nhằm mục tiêu tiếp cận thị trường địa phương dễ dàng hơn nhưng Clarice và Ecuacion đều từ chối.
“Bản thân các sản phẩm của chúng tôi đã tự truyền tải được thông điệp rồi”, Clarice kết luận.
 

Minh Trang tổng hợp


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×