Đam mê với nghề truyền thống

Thứ tư, 29/05/2019

Có 2 bạn trẻ đã thổi luồng gió mới, vực dậy nghề thêu truyền thống, tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ công để nghề thêu xưa gần gũi với giới trẻ hiện đại.

1. Thổi sức trẻ vào nghề thêu truyền thống


Có 2 bạn trẻ đã thổi luồng gió mới, vực dậy nghề thêu truyền thống, tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ công để nghề thêu xưa gần gũi với giới trẻ hiện đại.


Lưu Thị Hải (phải) và nghệ nhân thêu ở làng thêu Thanh Hà
ẢNH: NVCC


Phá cách sản phẩm thêu

Những ngày còn là sinh viên ngành thiết kế thời trang của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Nguyễn Lan Chi (29 tuổi, sống ở TP.HCM) đã được biết đến bởi những sản phẩm họa tiết thêu.

Bước vào thế giới thời trang, Chi trung thành với sản phẩm thêu thủ công. Đến năm 2012, sau 4 năm nghiên cứu, Chi bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên cung cấp những sản phẩm tự làm. Thời điểm đó, Chi chỉ nghĩ đơn giản là làm những gì mình thích. Thời gian đầu, vì sản phẩm hơi phá cách, mọi người chưa quen với các hoa văn ấn tượng trên váy, trên áo… nên Chi quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển, hiện đại hóa nghề thêu.

Tất cả sản phẩm do Lan Chi thiết kế đều dựa trên tiêu chí sáng tạo thời trang kết hợp với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhờ các trang phục thêu, nhiều người trẻ dần quen thuộc với tranh Đông Hồ như: Đám cưới chuột, Em bé ôm gà, Lợn âm dương… Người trẻ cũng dần quen với hoa văn thổ cẩm trên áo, mặt nạ tuồng cổ ngày xưa…

Không học thiết kế thời trang như Lan Chi, nhưng Lưu Thị Hải (32 tuổi, hiện sống ở Hà Nội) sinh ra ở làng nghề thêu ren Thanh Hà nổi tiếng của Hà Nam.

“Từ bé Hải đã mê mẩn các sản phẩm thêu. Năm học lớp 11, Hải muốn mở một xưởng thêu nhưng bố mẹ không cho vì muốn mình tập trung học hành”, Hải chia sẻ.
 
Thời gian gần đây, khi về lại làng nghề, thấy nghề mai một Hải xót xa. Hơn nữa, nhận thấy ở các thành phố lớn, nhu cầu hàng thêu đẹp khá lớn nên Hải quyết định mở xưởng, mở lớp dạy học thêu. “Giáo viên và người làm hàng đều là thợ giỏi, họ là những tay kim tốt nhất trong làng nghề với thâm niên từ 20 năm trở lên. Mình có nhiều điều kiện thuận lợi, lại nhận được sự quan tâm ủng hộ của bạn bè”, Hải cho biết.

Mặt hàng chủ lực hiện Hải đang cung cấp là hàng thêu ren xuất khẩu như chăn, drap, gối, đệm, túi thơm, khăn ăn, khăn trải bàn. Sắp tới, Hải triển khai thêm sản phẩm áo, váy và túi cao cấp thêu ren 100% bằng tay.


 
Giữ nghề và phát triển nghề
 
Sáu năm phát triển một thương hiệu thêu, với Nguyễn Lan Chi là khoảng thời gian dài nếu đem so sánh với sự thay đổi chóng mặt của ngành thời trang, nhưng chỉ là khoảng thời gian khá ngắn so với nghề thêu.

Lan Chi chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện giờ là có quá ít thợ có thể thực hiện những ý tưởng. Họ quen với nghề thêu truyền thống nên đôi khi những sản phẩm phá cách nhiều, họ cần thời gian để thay đổi và học hỏi. Hiện xưởng thêu của tôi có 15 nghệ nhân, mọi người làm việc với nhau phần lớn vì đam mê, yêu và muốn giữ gìn nghề thủ công độc đáo của cha ông. Nhờ sự tâm huyết của những nghệ nhân này mà mình càng phải sáng tạo hơn nữa”.

Còn với Lưu Thị Hải, ngoài tình yêu với quê hương, còn là sự tiếc nuối nên Hải không ngừng cố gắng để nghề thêu của làng không mất đi. “Giờ nghề thêu tay truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Hầu hết ở làng nghề đều sử dụng thêu máy cho các đơn hàng lớn. Nhiều thợ giỏi không còn việc để làm. Mình hy vọng xưởng của mình sẽ phát triển để góp phần phát triển và giữ nghề”, Hải tâm sự.
 

2. Khởi nghiệp với vải nhuộm chàm, củ nâu


​​​​​​"Bất kể cô gái Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải. Tôi tự hỏi mình tại sao không thể tiếp nối công việc này, vừa có hàng để bán, vừa có thể là địa điểm cho khách du lịch tham quan?"


Sùng Thị Lan khởi nghiệp bằng nghề của gia đình
ẢNH: THIÊN HÀ

Học hết lớp 12, Sùng Thị Lan (32 tuổi, bản Tả Van Giáy, xã Tả Van, H.Sa Pa, Lào Cai) chỉ ở nhà trồng lúa, nuôi gà lợn nhưng chỉ đủ ăn nên cô quyết định vay mượn tiền, khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống của gia đình.

“Tôi là con thứ 5 trong tổng số 11 người con của bố mẹ, gia đình cực kỳ thiếu thốn, khó khăn. Ngay cả khi tôi đã lập gia đình, cái nghèo vẫn đeo bám. Chúng tôi, bất kể cô gái Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải. Tôi tự hỏi mình tại sao không thể tiếp nối công việc này, vừa có hàng để bán, vừa có thể là địa điểm cho khách du lịch tham quan?”, Lan nói. Lấy chồng người Giáy, Lan học hỏi nghề làm vải lanh (đay) nhuộm chàm và củ nâu của đồng bào nơi đây. Cô dùng hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay mượn cho đủ 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề. Cô thuê thêm 7 phụ nữ trong bản thành thạo nghề phụ giúp mình theo thời vụ để tiết kiệm chi phí nhân công. Công việc này cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, bởi nếu nhuộm và phơi vải khi không có nắng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Không chỉ bán sản phẩm ở địa phương, mới đây vải nhuộm, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm của Lan đã đến TP.HCM. Cô vừa xuất hơn 1.000 m vải tới thị trường sôi động nhất cả nước và hy vọng trong tương lai, con số này sẽ tăng trưởng thường xuyên.

Ngoài làm vải thủ công, hiện tại Lan và những người phụ nữ trong bản Tả Van Giáy cũng đang làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có. Cô mới chuyển hơn 520 hộp hương vào TP.HCM tiêu thụ. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc làm vải, hương mang về cho Lan khoảng 12 triệu đồng, gấp nhiều lần việc trồng lúa, ngô. Lan cho hay, ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, Lan cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương.
 
Hoàng Trang tổng hợp (Theo Thanh niên)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×