Tài năng trẻ
Khởi nghiệp với trà mãng cầu
Chủ nhật, 01/09/2019

Chàng trai trên cao nguyên Đắk Lắk đã thành công khi khởi nghiệp với một sản phẩm nông nghiệp quen thuộc là trái mãng cầu.
Khởi nghiệp với trà mãng cầu
Chàng trai trên cao nguyên Đắk Lắk đã thành công khi khởi nghiệp với một sản phẩm nông nghiệp quen thuộc là trái mãng cầu.

Sơn trong cơ sở chế biến trà mãng cầu tại nhà của mình. Ảnh: Trung Chuyên
Tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột vừa qua, Nguyễn Văn Sơn (27 tuổi, trú xã Ea Kly, H.Krông Pắk, Đắk Lắk) được tỉnh hỗ trợ một phần chi phí để tham gia gian hàng dành cho thanh niên khởi nghiệp trong hội chợ - triển lãm.
Sản phẩm Sơn giới thiệu, trưng bày là trà mãng cầu được khá đông khách hàng tham quan và họ rất thích sản phẩm của Sơn.
Ban đầu làm trà trái cây với quả mãng cầu xiêm, Sơn cũng chật vật với cách làm thủ công khi chế biến từ quả mãng cầu tươi sang sấy khô. Sơn cũng cất công chở sản phẩm trà mãng cầu đóng gói đi giới thiệu, ký gửi ở các cửa hàng trong tỉnh. Dần dà, được khách hàng sử dụng, tin tưởng, số lượng hàng đặt tăng lên, Sơn đầu tư hơn 150 triệu đồng mua máy móc, thiết bị phục vụ việc chế biến cắt lát, sấy mãng cầu. Sơn cũng đưa sản phẩm của mình đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá để được cấp chứng nhận về chất lượng, an toàn, vệ sinh. Trong năm 2018, sản phẩm trà mãng cầu của Sơn đã được giới thiệu ở nhiều hội chợ trong nước, được nhận giải ba cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.
Sơn cho biết hiện mỗi tháng làm ra khoảng 60 kg trà mãng cầu khô, giá bán 1,15 triệu đồng/kg. Ngoài ra, cứ 2 tháng Sơn gia công chế biến cho một cơ sở ở Hà Nội khoảng 50 kg để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sau 1 năm khởi nghiệp, Sơn đã đưa sản phẩm trà mãng cầu lên kệ của 20 cửa hàng, đại lý ở Đắk Lắk và nhiều tỉnh, thành khác; đồng thời số lượng người đặt mua qua mạng cũng ngày càng tăng.
“Ngoài trà mãng cầu, hiện mình cũng đang học hỏi, nghiên cứu để làm thêm mứt, nước ép từ quả mãng cầu, trước khi tiến đến chế biến sản phẩm từ các loại trái cây khác”, chàng trai này thổ lộ.
Đưa trà mãng cầu đến xứ người
Anh Dương Minh Trung (29 tuổi), tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ, trở về quê xã Vĩnh Quới, TX.Ngã Năm, Sóc Trăng, thực hiện ước mơ sản xuất trà mãng cầu phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Anh Dương Minh Trung. Ảnh: Tô Phục Hưng
Anh Trung cho biết quê anh có rất nhiều mãng cầu, nếu bán trái tươi dễ rơi vào tình trạng trúng mùa, rớt giá. Thêm vào đó, loại trái này khi chín nếu chậm tiêu thụ sẽ bị thối. Vì vậy, anh quyết tâm nghiên cứu sản xuất trà mãng cầu để giải quyết cùng lúc những hạn chế trên.
Với lợi thế gia đình có sẵn 10 công vườn trồng mãng cầu đã cho thu hoạch, mỗi ngày anh Trung hái được khoảng 100 kg với tiêu chuẩn trái vừa mới chín và thu mua thêm mãng cầu tươi từ các hộ lân cận. Với công thức 12 kg mãng cầu tươi chế biến thành 1 kg trà mãng cầu, mỗi tháng cơ sở của anh Trung sản xuất được 250 - 270 kg trà. Giá bán hiện nay khoảng 850.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Trung thu lãi 30 - 35 triệu đồng/tháng.
Điều đặc biệt là trà mãng cầu do anh Trung sản xuất được cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm xác nhận không sử dụng loại hóa chất và phẩm màu nào từ khâu để trái tươi đến sau khi chế biến thành trà. Với ưu thế sản phẩm sạch 100%, trà của anh Trung đã và đang được nhiều người ưa chuộng, an tâm khi sử dụng. Hiện nay, anh đã có nhiều đại lý phân phối sản phẩm tại TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Sóc Trăng…
Anh Trung cho biết các công đoạn chế biến trà là mãng cầu nguyên liệu vừa chín sẽ được hái xuống rửa sạch, gọt gai ngoài vỏ, xắt lát to, loại bỏ hạt rồi xắt lại lần hai theo chiều dọc của múi mãng cầu. Sau khi xắt nhuyễn, mãng cầu được phơi nắng trên các tấm vỉ sạch được chất cao để tránh bụi và tạp chất. Nếu nắng tốt sẽ phơi 2 - 3 ngày. Công đoạn tiếp theo là rang trà với lửa được giữ độ nóng thật đều. Đây được xem là công đoạn khó nhất trong suốt quá trình chế biến. Cuối cùng là đóng gói thành phẩm và xuất bán.
Ngoài việc hoàn thiện các quy trình sản xuất để cho ra những sợi trà chất lượng cao, mới đây Công ty TNHH trà mãng cầu Cẩm Thiều do anh Trung làm giám đốc đã đầu tư hệ thống nhà kính để phơi trà. Do màng nhà kính sử dụng hiệu ứng năng lượng mặt trời nên nhiệt độ trong nhà kính lúc nào cũng cao hơn bên ngoài khoảng 15 - 20 độ. Do đó, trà phơi nhanh khô và tránh được côn trùng, bụi bẩn. Quy mô sản xuất của công ty ngày càng mở rộng, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Quan trọng hơn là mới đây, sản phẩm này đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Trung phấn khởi báo tin hiện đã có nhiều thương lái từ Mỹ, Canada, Úc… đến đặt hàng với số lượng lớn.
Hồng Hoa tổng hợp (Theo Thanh niên)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Sản xuất axit lactic từ phần hạt mít thải bỏ
- Chàng trai miền Tây thu nhập tiền triệu/ngày nhờ trồng sen bán bông
- Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình
- 'Bún ngũ sắc' thắng giải khởi nghiệp nông nghiệp
- Khởi nghiệp từ 4 con heo giống, 8X làm chủ trang trại tiền tỷ
- Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng, cô gái Nam Định mua nhà, mua ô tô trước năm 30 tuổi
- 8X cất bằng kỹ sư, liều nuôi chim nhả 'vàng trắng', không ngờ trúng lớn
- Cô giáo 8X khởi nghiệp với xà phòng bồ ngót
- Khởi nghiệp thành công với nghề trồng rau quả hữu cơ ở các buôn làng
- Dự án khởi nghiệp cung cấp người giúp việc gia đình
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận