Những chàng trai khiếm thị nghị lực

Thứ tư, 04/10/2017

Ý chí nghị lực của chàng trai khiếm thị đã làm nhiều người khâm phục

1. Ý chí 'làm chủ' của chàng trai khiếm thị

 


Sinh ra đã thiệt thòi vì chỉ có thị lực 1/10, nhưng anh Phạm Nguyên Lượng (24 tuổi, ngụ xã Chấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) luôn nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, không muốn trở thành gánh nặng cho người thân.

Trên đường tìm đến với anh Lượng, tôi đã tưởng tượng đến một nhà xưởng rộn rã tiếng máy, tiếng người. Ở đó, anh Lượng đang cặm cụi làm việc bên những công nhân của mình để cho ra hàng tấn củi trấu nhãn hiệu Fire Blue đình đám. Điều đó khiến tôi hứng khởi và tự hứa sẽ chụp cho chàng thanh niên ấy thật nhiều ảnh đẹp. Thế nhưng, khu xưởng rộng 200 m2 của anh Lượng lại đóng cửa im ỉm. Thấy tôi đứng ngơ ngác, một phụ nữ đi qua mách nước: “Tìm Lượng hả, đi ra chợ Ngải hỏi nhà chủ xưởng, đóng cửa hơn tuần nay rồi”, theo báo thanh niên.

Lúc tôi đến, anh Lượng đang í ới gọi điện. Đôi tay gầy gò bấm số cứ thoăn thoắt. “Mình ra xưởng nhưng thấy đóng cửa”, tôi hỏi chuyện. “Dạo này em chỉ chạy cầm chừng thôi anh ạ. Giá lợn xuống quá, mấy mối lấy củi nấu chế biến thức ăn gia súc cũng gặp khó khăn”, anh Lượng cười nhẹ, đưa tay gãi mái tóc rối bù.

Cùng tôi quay lại nhà xưởng, anh Lượng cho biết: “Hồi học đại học, em luôn ấp ủ những ý định kinh doanh về các sản phẩm thân thiện với môi trường, quen thuộc với người dân. Khi đọc về củi trấu, em đã thích ngay. Trấu trong dân quá nhiều. Một lượng rất ít được sử dụng trong chăn nuôi, đun nấu, còn lại vứt không ai lấy, bán không ai mua. Bây giờ mình thu gom, làm thành sản phẩm ra tiền thì đúng là một công đôi việc”.

Sau khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, anh Lượng được gia đình và nhiều người hỗ trợ hơn 800 triệu đồng đầu tư một dây chuyền ép trấu thành củi tự động. Mỗi ngày (chạy 8 tiếng), dây chuyền sẽ sản xuất được khoảng 3 tấn củi trấu. Mỗi cân củi trấu, anh Lượng bán với giá 1.700 đồng. Thời điểm ổn định nhất trong 1 năm qua, anh thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng (trừ hết chi phí nguyên liệu, điện, nhân công). Anh Lượng đặt tên sản phẩm của mình là Fire Blue. Cuối năm 2016, tại lễ phát động thanh niên khởi nghiệp do T.Ư Đoàn tổ chức, anh Lượng vinh dự là 1 trong 10 gương mặt sinh viên, thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 50 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp củi trấu.

Theo ông Bùi Xuân Tuấn, nguyên Phó giám đốc Sở Khoc học - Công nghệ thành phố Hải Phòng, ưu điểm của củi trấu là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguồn cung dồi dào và liên tục, thân thiện với môi trường hơn than đá, than củi, dễ vận chuyển, lưu trữ. Củi trấu khi đốt cho nhiệt cao và tro của củi trấu sau khi đốt được dùng cải tạo đất. Loại nguyên liệu này có thể dùng trong các nhà máy dệt nhuộm, các lò gạch, gốm sứ, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ở phía Nam, củi trấu đã khá phổ biến. Ở miền Bắc, tại Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa đã có một số nơi sản xuất củi trấu.

Những ngày đầu sản xuất, anh Lượng gặp khá nhiều khó khăn. Việc ép trấu thành củi tưởng như đơn giản: trấu được đổ vào máy nghiền, dưới tác dụng của nhiệt, trấu sinh ra chất kết dính như nhựa đường, sau đó máy sẽ ép nén nguyên liệu thành các thanh củi rồi được đóng vào bao, tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nhiều lúc máy tạo nhiệt độ không ổn định, điện nhảy liên tục, trục xoay bị hỏng…

“Tháng đầu em chỉ chạy được 1 tuần 3 buổi, còn lại phải bổ máy ra sửa. Rồi mùa đông phải điều chỉnh nhiệt độ khác mùa hè, nói chung là không dễ như mình nghĩ”, anh Lượng chia sẻ, và cho biết, thời gian gần đây, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn khiến con đường khởi nghiệp của anh càng chông gai. “1 tuần em chỉ chạy máy 3 lần để tiêu thụ trấu vì em vẫn nhập liên tục của bà con về. Em đang tìm đầu ra mới”, anh Lượng trầm tư.

Anh Đào Phú Dương, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, cho biết các tổ chức Đoàn sẽ vào cuộc giúp anh Lượng vượt qua thời kỳ khó khăn. Đáng mừng hơn, sau khi anh Lượng tham dự triển lãm Khởi nghiệp sáng tạo Hải Phòng lần thứ nhất (diễn ra vào chiều 8.9 vừa qua), Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải đã nhập 10 tấn củi trấu Fire Blue để làm nhiên liệu. Sau khi dùng thử, ông Vũ Văn Cao, Phó giám đốc công ty này, cho biết: “Củi của Lượng chắc hơn nhiều nơi khác nên cho nhiệt tốt hơn, dùng tiết kiệm hơn củi cây bình thường. Chúng tôi sẽ xúc tiến hợp đồng và nhập lâu dài với cậu ấy”.

Tiếp cận được đầu ra mới nói trên khiến Lượng tự tin hơn. “Em sẽ mạnh dạn đi tìm kiếm và gặp gỡ khách hàng hơn. Em tin em sẽ thành công và chứng minh cho mọi người thấy người khiếm thị hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc sống, công việc mà không cần đến sự thương hại hay trở thành gánh nặng của người khác”, anh Lượng nói.

2. Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ

 

Lê Minh Tâm dạy đàn ghi ta cho các em ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh

Theo báo thanh niên, chàng sinh viên khiếm thị Lê Minh Tâm (27 tuổi, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, H.Hòa Thành, Tây Ninh) đã chạm tay vào giấc mơ trở thành thầy giáo sau bao nhiêu nỗ lực.

Lê Minh Tâm, sinh viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM (khóa 2012 – 2016) hiện đang là giáo viên của Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị (thuộc Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh).

Sinh ra trong một gia đình nghèo và bị khiếm thị bẩm sinh, Tâm từng bước chinh phục những khó khăn trong cuộc sống để được chạm tay vào giấc mơ trở thành thầy giáo. 


Ước mơ trở thành thầy giáo của Tâm đã thành hiện thực. ẢNH: GIANG PHƯƠNG

 
 
Một ngày nắng gắt, chúng tôi tìm đến Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh để gặp Tâm. Từ bên ngoài cổng, tiếng hát thầy giáo Tâm vẳng ra từ góc phòng dạy nhạc nép bên góc trung tâm.

Đó là một lớp học nhạc và đàn do Tâm phụ trách. Lúc này đàn em học trò nhỏ cùng chung phận đời khiếm thị như Tâm ngồi quây quần cạnh thầy.

Tất cả đều chăm chú nghe thầy giảng. Những cặp mắt bé nhỏ trong căn phòng ấy chốc chốc chỉ biết nheo nhè nhẹ hoặc chỉ đánh qua đánh lại theo thói quen. Nơi đây cũng chính là cái nơi nuôi giấc mơ tìm con chữ của thầy giáo Tâm từ nhỏ.


Lớp học đàn do Tâm phụ trách. ẢNH: GIANG PHƯƠNG


Đôi mắt Tâm mắc chứng khiếm thị bẩm sinh như các anh chị ruột. ẢNH: GIANG PHƯƠNG

 
 
Dù chưa một lần thấy được ánh sáng mặt trời nhưng từ nhỏ, Lê Minh Tâm không buông xuôi từ bỏ ước mơ trở thành thầy giáo.

Và ước mơ đến nay đã thành hiện thực khi được Trung tâm nhận vào giảng dạy văn hóa và âm nhạc cho đàn em. Ít ai dám nghĩ ước mơ ấy có ngày thành hiện thực khi cuộc đời Tâm từng là cảnh đời khốn khó ngay từ lúc lọt lòng.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó tột cùng với 11 anh chị em nhưng có đến 4 anh chị khác đều khiếm thị như Tâm.

10 tuổi, Tâm được gia đình cho đến học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật - nơi Tâm đang trở về giảng dạy. Việc học của Tâm khó khăn ngay từ khi đặt tay mò mẫm con chữ nổi lạ lẫm đầu tiên.

Trong khi đó, khi cần diễn đạt một vấn đề, cậu học trò nhỏ phải căng mình cảm nhận bởi mọi màu sắc, sự vật, âm thanh, hiện tượng xung quanh đều chỉ nằm trong trí tưởng tượng. Và rồi những con chữ nổi sáng dần trên những ngón tay cậu học trò nghèo.


Những đôi mắt khiếm thị của học trò cùng cảnh ngộ với thầy Tâm trong lớp học. ẢNH: GIANG PHƯƠNG

 
 
Nối tiếp câu chuyện về Lê Minh Tâm, chị Cao Thị Thu Thanh, giáo viên - Tổ trưởng tổ chuyên môn của Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh kể, do Trung tâm không có cấp 2 và cấp 3 nên hết lớp 5, Tâm bước chân ra khỏi khoảng không gian nhỏ của người khiếm thị.

Tâm đến Sài Gòn và đặt chân mình vào thế giới của người sáng mắt để học tiếp cấp 2 và cấp 3 ở trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là lúc Tâm đối mặt với hàng loạt những “chướng ngại vật” của cuộc sống.

Nhờ có khiếu hát hay, đàn giỏi học từ anh chị, Tâm cùng anh chị bươn chải khắp các ngỏ ngách ở Sài Gòn, đến tận các tỉnh Long An, Bình Dương mưu sinh… bằng nghề hát rong, bán vé số dạo. Số tiền kiếm được, Tâm chi trả vào tiền ở trọ, mua tập sách để nuôi giấc mơ đại học.

Chị Thanh xúc động nói: “Quá trình học tập của người bình thường vốn đã khó khăn vất vả nhưng với những người khiếm thị càng vất vả hơn. Tâm đã nỗ lực vượt qua và hiện tại như một sự đền đáp xứng đáng”.

Chúng tôi hỏi Tâm có bao giờ thấy tủi thân hay xấu hổ với bạn bè vì phải lang thang bán vé số dạo: “Kiếm tiền chân chính sử dụng cho mục đích chân chính của bản thân thì đó là niềm tự hào nhất của em” Tâm nói.

Càng đáng nói, suốt thời gian đi học ở TP.HCM, thành tích học tập của Tâm đều khá giỏi khiến nhiều bạn cùng trang lứa nể phục.
 

Chạm vào giấc mơ


Và rồi, giấc mơ đại học hé sáng khi Tâm được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM (khóa 2012 - 2016) và chính thức trở thành sinh viên khoa Ngữ văn. Dù không tốn tiền học phí nhưng tiền trọ, tiền sách vở lại đè nặng lên vai. Tâm lại phải bôn ba nhiều hơn cùng với anh chị ruột để kiếm tiền.

Nói về chuyện học, Tâm kể: “Mỗi khi giảng viên giảng bài, em xin được ghi âm để về nghe lại. Đối với giáo trình, tài liệu thì em ra ngoài nhờ tiệm scan từ giấy ra file pdf. Từ file này em lại chuyển sang bản word rồi đưa vào máy tính nhờ phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị để ôn bài”.

Cứ thế, 4 năm đại học trôi qua, như một câu chuyện cổ tích khi giờ đây, Tâm tốt nghiệp, trở về quê hương và trở thành thầy giáo.

“Không ai có thể hiểu được hết những gì người khiếm thị tụi em trải qua bằng chính những người cùng cảnh ngộ. Chính những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống đã giúp em có thêm vốn sống để chỉ dạy lại cho đàn em chung cảnh đời với mình”, Tâm nói.

Tâm chia sẻ: "Em nhận ra một điều, để được thành công, bản thân chúng ta phải luôn cố vượt qua khó khăn. Không bao giờ tuyệt vọng".

Nói đoạn, Tâm cất cao giọng ca đầy ngọt ngào lời bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu, rơi rụng giữa mùa đông. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi, và tôi cũng là em”
 
Quốc Bảo tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×