Những người trẻ nỗ lực vì môi trường
Chủ nhật, 17/06/2018

Ống hút bằng cỏ, tái chế rác thải nhựa, xe đạp lọc nước... là những dự án mà người trẻ đang hằng ngày mày mò nghiên cứu, cải tiến và đưa vào sử dụng, góp phần giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ống hút bằng cỏ, tái chế rác thải nhựa, xe đạp lọc nước... là những dự án mà người trẻ đang hằng ngày mày mò nghiên cứu, cải tiến và đưa vào sử dụng, góp phần giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tái chế rác thải nhựa thành sợi filament in 3D
Sau khi tốt nghiệp, Trương Bội Linh (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ở lại trường cùng tiến sĩ Nguyễn Trà My và các sinh viên khóa dưới nghiên cứu việc tái chế rác thải nhựa.
Linh cho biết: “Hiện máy in 3D đang rất phát triển nhưng giá của cuộn nhựa cho máy in lại rất đắt. Không những thế, khi máy in hoạt động, chỉ cần sơ suất nhỏ là cuộn nhựa sẽ bỏ đi. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu chế tạo máy có thể tái chế cuộn nhựa bỏ đi đó, cũng như các chất thải nhựa khác trên thị trường thành sợi filament để in 3D chất lượng tốt”, Linh lý giải.
Từ đó, nhóm bắt đầu chế tạo 3 loại máy là máy cắt, máy đùn và máy tạo sợi filament. Ba loại máy này được chế tạo để cắt chất thải nhựa thành những miếng nhỏ bằng máy cắt, làm tan chảy các miếng nhựa bằng máy đùn và tạo thành sợi filament bằng máy tạo sợi.
Linh cũng cho biết không chỉ tái chế sợi filament cho máy in 3D mà tùy vào từng loại nhựa khác nhau, có thể tái chế để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Như chai nước nhựa có thể chế tạo ra những sợi mỏng như sợi tóc nên nhóm đang tiến hành nghiên cứu tái chế thành tóc giả. Không những thế, nhóm muốn thiết kế tiếp một máy để cuốn những sợi này lại thành dạng khuôn hình tròn để làm đồng hồ…
“Những ngày này, nhóm đã được các anh chị từ các Fablab (công xưởng nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số) ở các nước hỗ trợ rất nhiệt tình để nhóm có thể chế tạo máy cuốn cũng như nâng cao công suất cho máy cắt, giảm giá thành. Khi dự án hoàn thành, nhóm sẽ viết đề cương sử dụng, lắp ráp các loại máy này rồi phổ biến trong trường đại học và sau đó ra mắt đại trà. Mỗi con đường, mỗi khu phố đều sẽ có các máy này để người dân cùng chung tay tái chế, bảo vệ môi trường”, Linh mong muốn.

Các Fablab hỗ trợ nhóm tài năng trẻ Việt
Ống hút từ tre và cỏ bàng
Cũng trăn trở về vấn đề sử dụng túi ni lông và ống hút nhựa đang phổ biến hiện nay, Trần Minh Tiến, cựu sinh viên Trường CĐ Sư phạm Long An, đã bỏ ngang chuyên ngành theo học để bắt tay thực hiện các dự án sử dụng đồ tái chế thiên nhiên thay cho vật liệu nhựa.
Tiến bắt đầu với những sản phẩm làm từ cỏ như thảm tập yoga, túi xách đi chợ… Sau đó, Tiến làm ống hút bằng tre và ống hút bằng cỏ bàng.
“Mình làm những sản phẩm này vì muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để thay thế chất liệu nhựa. Mình tận dụng những cây trúc quanh vườn, những loại tre nhỏ không dùng đan lát được để làm ống hút. Tương tự, các loại cỏ bàng ống to không dùng để đan thành thảm, mình nghiên cứu kỹ về thành phần sinh, hóa của cỏ rồi chế tạo sản phẩm trên”, Tiến giải thích.
Tiến cũng cho biết đã được các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ sáng chế lò sấy bằng năng lượng mặt trời. “Với lò sấy này mình không còn lo lắng về vấn đề thời tiết và côn trùng như khi phơi trực tiếp ngoài trời như trước nữa. Đây là điều rất quý giá, giúp mình hoàn thiện được quy trình sản xuất ống hút”, Tiến bày tỏ.
Xe đạp lọc nước
20 bạn trẻ đa phần là sinh viên tại TP.HCM đã sáng lập nên Tổ chức ECO Vietnam Group với các dự án hoạt động vì cộng đồng.
Mô hình xe đạp lọc nước của họ phối hợp cùng nhóm sinh viên đến từ Singapore. Khi về tỉnh Trà Vinh, chứng kiến cảnh người dân nhiều nơi ở đây còn thiếu nước sạch để dùng, nhóm đã nghiên cứu để vừa tạo ra nước lọc miễn phí cho người dân, vừa bảo vệ môi trường sống.

“Xe đạp lọc nước này hoạt động trên nguyên lý điện từ trường, trên xe sẽ lắp rất nhiều lõi đồng và nam châm ở bánh sau, khi đạp sẽ tạo ra điện dùng để lọc nước (máy lọc nước được gắn ở phần bánh sau của xe). Không những thế, điện này còn có thể dùng cho nhiều mục đích khác như xạc điện thoại, chiếu sáng...”, Châu Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thành viên nhóm dự án, chia sẻ.
Tuy nhiên, do các thành viên của nhóm đa phần đều học ngành xã hội nên kiến thức chuyên sâu về công nghệ còn hạn chế. Họ đang nhờ các chuyên gia giúp đỡ để nghiên cứu tạo ra dòng điện bền vững hơn cho máy lọc nước hoạt động.
Rủ nhau lên Đà Lạt… nhặt rác
Nhóm bạn trẻ đó là: Bùi Thị Thuỷ, 27 tuổi, sáng lập dự án vì môi trường Book Ambassadors & Green Ambassadors Worldwide đang làm việc tại TP.HCM; Trịnh Xuân Thành, 26 tuổi, đến từ Nghệ An; Himkaar Sign đến từ Nam Phi, cựu sinh viên Trường đại học Thủy lợi Hà Nội; Quách Mỹ Hảo và Ngô Thị Hảo (sinh ra và lớn lên ở TP.HCM); Tú Anh quê ở Đắk Lắk; Ngô Doãn Đạt đang là học sinh cấp 2 và Hạnh - chủ trang trại vườn bơ Đà Lạt...
Trước đó, nhóm bạn trẻ này cùng đi tới một vườn rau tại quận 2, TP.HCM; một huyện của Đồng Nai để làm sạch môi trường. Không chỉ nhặt rác, nhóm các bạn trẻ còn có buổi nói chuyện với các em thiếu nhi về môi trường, lan tỏa tình yêu đọc sách cho các em.

Nói về mục đích của hành trình, Bùi Thị Thủy, người khởi xướng chuyến đi chia sẻ: “ Mọi người có thể nghỉ ngơi sau những chuỗi ngày làm việc vất vả, điều này hoàn toàn thoải mái tự nhiên. Nhưng với bản thân chúng tôi dành thời gian này để để thực hiện những lý tưởng sống. Lý tưởng này được cụ thể ở việc đi nhặt rác, truyền tải tìm yêu sách…Những ngày nghỉ lễ gắn với công việc nhặt rác giúp cuộc sống của chúng tôi ý nghĩa hơn. Tình yêu dành cho cuộc sống được thể hiện qua hành động. Nó không chỉ là những ngày phục vụ bản thân mình nữa, nó còn là sự chia sẻ, mở rộng tấm lòng, mở rộng trái tim”.
KHÁNH NGỌC tổng hợp từ Thanh niên
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Tiểu hành tinh lớn hơn tháp Eiffel sắp sượt qua Trái Đất
- Canva tích hợp AI khiến Adobe phải 'lo lắng'
- Cha đẻ của khẩu súng máy đầu tiên trên thế giới
- Động cơ đẩy khai thác năng lượng vô hạn từ Mặt Trời
- 3 tiểu hành tinh to ngang nhà chọc trời bay qua Trái Đất
- Tàu tự hành chạy bằng hydro lỏng đầu tiên
- Hệ thống hút trực tiếp carbon từ nước biển
- Bạn trẻ trải nghiệm quan sát vũ trụ từ nhà chiếu hình di động
- Sợi chỉ công nghệ cao có thể sản xuất điện
- World Cup 2022: Những siêu công nghệ được sử dụng trong các trận đấu mà bạn có thể chưa...
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận