Từ cậu bé tật nguyền đến họa sỹ vẽ gam màu hy vọng

Thứ ba, 17/10/2017

Cậu bé khuyết tật Lê Minh Châu trở thành họa sĩ tài ba vẽ tranh bằng miệng. Vượt qua mặc cảm và muôn vàn khó khăn, Châu ước mơ mang tranh đi triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.
Cậu bé khuyết tật Lê Minh Châu trở thành họa sĩ tài ba vẽ tranh bằng miệng. Vượt qua mặc cảm và muôn vàn khó khăn, Châu ước mơ mang tranh đi triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.
Cậu bé ở làng Hòa Bình

Châu được gia đình đưa vào làng Hòa Bình khi cậu chỉ mới 6 tháng tuổi. Những đứa trẻ ở làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TP. HCM là nỗi đau của các ông bố bà mẹ bất lực trước số phận, và vì thế họ đã bỏ các em lại từ khi mới sinh ra. Hằng năm có từ 30-40 đứa trẻ dị tật bẩm sinh ra đời tại BV Từ Dũ bị cha mẹ bỏ rơi. Đó là nơi mà Châu đã lớn lên, cùng với những anh em bè bạn đồng cảnh ngộ với mình.


Họa sĩ Lê Minh Châu

Năm Châu 9 tuổi, có một cô giáo đến vẽ trang trí cho những bức tường ở Bệnh viện. Cậu nhóc Lê Minh Châu tay chân teo tóp, di chuyển khó khăn đến bên cô giáo, nhìn cô phác thảo từng đường nét trên giấy, rồi vẽ lên tường, sơn màu… Châu vẫn lặng lẽ đứng sau lưng cô, và cậu biết rằng, à, thì ra vẽ tranh là như thế.

“Em có thích vẽ không?” - Khi thấy cậu bé khuyết tật chăm chú nhìn mình vẽ, cô giáo đã mỉm cười và quay lại hỏi - “Nếu em muốn học, cô sẽ xin phép ở lại làng Hòa Bình mở lớp dạy vẽ miễn phí cho các em”.

Và  từ đó, Lê Minh Châu bắt đầu tập cầm bút để vẽ nên những bức tranh đầu tiên. “Ban đầu tôi cố gắng sử dụng tay, điều này rất khó khăn vì tay của tôi bị dị tật, khó điều khiển và rất yếu. Tôi vẽ một bức tranh mất từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Sau này, tôi chuyển sang vẽ bằng… miệng. Và mọi thứ có vẻ ổn hơn rất nhiều dù đã có lần tôi bị cọ vẽ đâm vào quai hàm”, Châu cười, kể lại.

Năm học đầu tiên, Châu và các bạn được học vẽ cơ bản, nhận biết màu sắc. Rồi cô giáo phải đi Mỹ để kết hôn, nên lớp học cũng vì thế tan rã. Châu kể rằng anh vẫn nhớ như in lời cô giáo trước khi đi: “Nếu con thực sự muốn học, con phải tự mày mò”. Sau đó, anh tự tìm tòi các bảng màu, từ 4 màu đến 6, đến 12 và cuối cùng anh làm quen với 100 màu sắc đa dạng trong hội họa.
 

Nhân vật chính trong bộ phim tài liệu tranh giải Oscar 2016

 
Cũng vào thời gian này, nữ đạo diễn Courtney Marsh khi ấy là một tình nguyện viên được giới thiệu đến làng Hòa Bình. SAO star trích dẫn“Khi đến đây trái tim như thôi thúc tôi làm một điều gì đó và tôi quyết định ở lại ngôi làng, làm tình nguyện viên trong 1 tuần, sau đó tôi ở lại VN trong 7 năm để thực hiện bộ phim về Lê Minh Châu”, Courtney Marsh chia sẻ với truyền thông nước ngoài.

Lý do vì sao Courtney Marsh lại chọn một bộ phim về Châu mà không phải một ai khác ở làng? Châu nói rằng, có lẽ vì anh đã hứa với Courtney sẽ đem đến một kết thúc có hậu cho bộ phim tài liệu của chị ấy.

Em sẽ theo đuổi uớc mơ của mình và biến nó thành hiện thực để chứng minh cho mọi người thấy là em làm được - Tôi nói với Courtney như thế. Khi bộ phim có được những tư liệu đầu tiên, Courtney đã trở về nước để khoe với bạn bè nhưng mọi người đều khuyên cô nên bỏ cuộc vì nhân vật thật sự chưa có điểm nhấn, chưa có một thành quả hay cái kết thuyết phục. Vì thế tôi nói rằng Courtney, chị hãy tiếp tục ở lại làng Hòa Bình và em sẽ viết tiếp cái kết cho bộ phim của chị”, Châu chia sẻ..
 

Lê Minh Châu vượt qua khó khăn, theo đuổi đam mê hội họa

Ở tuổi 17, vượt qua những tự ti của một nạn nhân chất độc da cam, với niềm khao khát thực hiện ước mơ cháy bỏng, Châu đã rời khỏi làng Hòa Bình và tự mở một phòng tranh cho mình, nuôi sống bản thân qua những bức tranh do chính cậu vẽ - bằng miệng.

Hành trình vượt lên số phận của Lê Minh Châu đã được thể hiện suốt 34 phút trong phim “Chau, beyond the Lines”. Đây là bộ phim tài liệu do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm, phim đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 Phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016 vào ngày 14/1/2016.
 

Vẽ gam màu hi vọng

 
Nhiều bức được Lê Minh Châu thử nghiệm giữa việc tìm tòi, sáng tạo với phong cách hội hoạ cổ điển trường phái Đông dương thế hệ vàng của mỹ thuật Việt kết hợp lồng ghép các nội dung và cách thể hiện của nghệ thuật đương đại. Bức tranh phong cảnh Hà Nội được Lê Minh Châu thực hiện phần vẽ mái ngói đặc trưng của phố cổ Hà Nội theo phong cách cổ điển nhưng các cành cây ở phía trên được sáng tạo với chất liệu khăn giấy, tạo độ thực cho cành cây, các góc nổi của cành, lá, và ngay cả sự chảy của màu cũng y như sắc màu phản chiếu từ ánh sáng chuyển động qua một cành cây thực. Và điều quan trọng là dù giữ gìn phong cách cổ điển nhưng sự tươi sáng trong các gam màu đã mang lại ấn tượng mạnh mẽ về tính hiện đại và tình yêu cuộc sống toả ra nồng nàn, ấm áp.


Tranh phong cảnh Hà Nội

Thật khó có thể tưởng tượng các bức vẽ đẹp tuyệt vời, tinh tế và tràn đầy sức sống trên cơ thể các người mẫu được thực hiện bởi chàng hoạ sĩ tật nguyền không thể cầm cọ bằng đôi tay. Trong không gian của hội hoạ cổ điển là các bức vẽ, cùng với âm nhạc và ánh sáng, Lê Minh Châu dự kiến sẽ tổ chức “bữa tiệc” nghệ thuật thị giác, trình diễn các tác phẩm “sống” của mình trước sự chứng kiến của người thưởng lãm.

Lê Minh Châu sinh ra ở Đồng Nai, là nạn nhân của chất độc da cam dioxin, trong gia đình, chỉ có Châu là người khuyết tật, còn anh trai và em gái đều bình thường. Do dị tật bẩm sinh, Châu phải tập đi bằng đầu gối. Càng ngày, các cơ càng teo hơn, chàng trai chỉ còn lại da bọc xương, bằng sức vóc của một cậu bé. Hai mươi sáu tuổi nhưng chỉ nặng có 35kg, thân hình gầy nhom chỉ còn da bọc xương, nhìn Châu ai cũng thương cảm, áy náy, nhất là những lúc Châu phải di chuyển lên xuống cầu thang bộ, nhưng ai chứng kiến cuộc sống của cậu cũng phải bất ngờ trước tốc độ mà Châu có thể đạt được dù phải di chuyển bằng hai gối. Hai đầu gối anh chàng bị tróc hết da, chai sạn, đen sì.

Việc đi lại quá khó khăn, sau những biến chứng, đôi bàn tay của Châu co quắp, không thể cầm nắm bất cứ thứ gì. Mọi hoạt động hầu như Châu đều dùng miệng. Nhìn anh chàng ấy, ai mà nghĩ anh có thể đeo đuổi ước mơ, khát vọng? Thế nhưng, thật kỳ lạ, không chịu khuất phục trước sự an bài trớ trêu của tạo hoá, ngay từ bé Châu đã mê vẽ, và khi được tham gia một lớp học dù là không chuyên, tại một trung tâm đào tạo nghề, chàng trai đã lao mình theo đam mê, sử dụng chính cái miệng của mình để cầm cọ. Lê Minh Châu là hoạ sĩ tật nguyền đầu tiên bán được tranh để sống.

Vẽ bằng miệng vô cùng cực nhọc, mỏi mệt, không thở được, không có tầm nhìn để quan sát tổng thể tác phẩm, có khi bị rách cả quai hàm vì cọ gãy, có lần đổ màu, uống phải màu vẽ... Vậy mà hàng xóm xung quanh ai cũng biết Châu thường xuyên thức đêm ròng rã để vẽ. Và những tác phẩm nghệ thuật đầy tìm tòi, đầy đam mê lần lượt ra đời.

Lê Minh Châu đang dần dần khẳng định được tài năng sáng tạo bẩm sinh với những tác phẩm đương đại rực rỡ, ấn tượng. Sau mấy năm liên tục triển lãm, nhiều người đã tìm tới mua tranh của Lê Minh Châu vì yêu thích chứ không phải mua để ủng hộ.
 

Lê Minh Châu chính là bức tranh tươi đẹp nhất

Rất nhiều tranh phong cảnh vẽ những cánh đồng miền Tây quê Châu, vẽ hoa lá cỏ cây thiên nhiên tươi rói và tranh theo phong cách trừu tượng được khách nước ngoài ưa chuộng, tranh chân dung được yêu thích đặt hàng... Lê Minh Châu tự sự, anh đã quên những gam màu u tối.


Màu sắc tranh tươi sáng
 
Dân Chí cho biết, Lê Minh Châu lên kế hoạch rất khoa học cho việc rèn luyện ngoại ngữ. Trong những lần gặp gỡ và sau thì trở thành tri kỷ với đạo diễn người Mỹ Courtney N Marsh khiến chị xúc động và đã làm bộ phim tài liệu về nhân vật đặc biệt chính là chàng hoạ sĩ tật nguyền vượt qua hoàn cảnh trớ trêu của di chứng do chất động da cam. Bộ phim “Chau, beyond the lines” được đề cử nằm trong top 5 “Giải Oscar cho phim tài liệu ngắn haynhất” năm 2016. Từ đó, cái tên Lê Minh Châu đã được biết đến nhiều hơn.


Một phần triển lãm tranh của Lê Minh Châu

Lê Minh Châu là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được mời tham gia kỳ họp thứ 9 “Công ước về quyền của người khuyết tật” tại Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York hồi cuối tháng 6-2016. Trong hội nghị có trình chiếu bộ phim “Chau, beyond the lines” khiến khán giả sững sờ xúc động về cuộc đời chàng trai tật nguyền vượt lên số phận. Cũng tại kỳ hội nghị này, Lê Minh Châu có buổi triển lãm cá nhân, bán đấu giá thành công toàn bộ 11 bức tranh mà anh mang tới New York.

Lê Minh Châu từng tham gia nhiều cuộc thi vẽ tranh và cũng giành nhiều giải thưởng, top 3 tại cuộc thi của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nét vẽ xanh… Châu cho biết lần tham gia để lại nhiều cảm xúc nhất với anh là cuộc thi với chủ đề “Chiến thắng nỗi đau”. Lê Minh Châu đã vẽ như thể hiện chính nỗi đau anh đã vật lộn trải qua, trải lên những bức vẽ hy vọng, niềm tin và tình yêu cuộc sống.

Ngắm những tác phẩm hội họa đương đại rực rỡ sắc màu của hoạ sĩ trẻ Lê Minh Châu, không ai biết tác giả của nó là một hoạ sĩ tật nguyền với thân hình bé nhỏ và tứ chi biến dạng bởi ảnh hưởng của chất độc da cam. Bằng một nghị lực phi thường, sự khổ công tìm tòi về nghệ thuật hội hoạ và năng khiếu trời phú, Lê Minh Châu - một họa sĩ đặc biệt phải vẽ tranh bằng miệng đã gặt hái được thành công trên con đường chinh phục nghệ thuật hội họa của mình.

Thanh Thủy tổng hợp


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×