Bí quyết làm giàu: Liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu

Thứ sáu, 23/02/2018

Đó là trường hợp của ông Cao Đông Hải (ngụ TT.Di Linh, H.Di Linh, Lâm Đồng).
Đó là trường hợp của ông Cao Đông Hải (ngụ TT.Di Linh, H.Di Linh, Lâm Đồng).


Ông Cao Đồng Hải trong vườn lan vũ nữ        
                                              

Trước đây, gia đình ông Hải canh tác cà phê như hầu hết các nông hộ khác trong vùng. Tuy nhiên, do cà phê giá cả bấp bênh nên ông tìm cách chuyển đổi sang trồng hoa công nghệ cao.

Năm 2012, ông Hải tìm đến một công ty chuyên trồng lan vũ nữ xuất khẩu ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) để học hỏi và đăng ký làm “đối tác”. Sau khi nắm bắt kỹ thuật và tính toán phương án kinh doanh, ông kêu gọi thêm 2 anh em trong gia đình cùng liên kết trồng hoa. Đầu năm 2013, ông xây dựng 5.000 m2 nhà lưới đầu tiên theo công nghệ kỹ thuật của Đài Loan, nguyên vật liệu làm nhà lưới phần lớn đều nhập ngoại. Bên trong nhà lưới, ông Hải trang bị hệ thống nước tưới tự động được xử lý qua các công đoạn lấy từ giếng khoan nước ngầm rồi lắng, lọc thành nước “siêu sạch” để tưới cho hoa.

Các chậu hoa cũng được đặt trên giàn cao cách mặt đất khoảng 0,5 m. Dưới mặt đất được phủ một lớp màng lưới để ngăn côn trùng và cỏ dại. Ông Hải cho biết chi phí đầu tư cho 5.000 m2 nhà lưới đầu tiên để trồng lan vào khoảng 4 tỉ đồng. “Khi mới bắt tay vào trồng lan vũ nữ, tôi khá lo lắng, bởi chưa có kinh nghiệm đối với loại cây này cộng thêm chi phí đầu tư rất cao. Tuy nhiên, nhờ phía công ty hỗ trợ kỹ thuật nên sau một năm rưỡi, lứa hoa đầu tiên đã cho thu hoạch và đạt chất lượng khá tốt”, ông Hải chia sẻ.

Hiện nay, vườn lan vũ nữ của ông Hải được mở rộng lên 1,3 ha với gần 100.000 chậu, mỗi tháng cho thu hoạch trung bình 20.000 cành/ha. Sau khi thu hoạch, hoa được phân loại, đóng gói và chuyển đến xưởng sơ chế của công ty ở H.Đức Trọng. Tại đây, hoa được đóng thùng, gắn nhãn mác và mã số riêng mà công ty cấp cho từng nông hộ rồi mới chuyển đi xuất khẩu.

Ông Hải cho biết thêm: “Việc đánh mã số cho từng hộ nhằm truy xuất nguồn gốc từng cành hoa để đánh giá hoặc so sánh xem sản phẩm của hộ nào chất lượng tốt nhất. Qua đó giúp nông dân chúng tôi có trách nhiệm hơn đối với từng cành hoa của mình từ khi chăm sóc đến lúc xuất bán”. Hiện tất cả các trang trại hoa trong nhóm nông dân liên kết được sản xuất, chăm sóc theo cùng một quy trình chung để chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Sản phẩm sau khi thu hoạch đều được tập trung về một nơi để xử lý, trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước. Hoa lan vũ nữ của nhóm liên kết sản xuất này chủ yếu được xuất khẩu qua Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Singapore… nhờ đó thu nhập từ vườn lan ổn định và cao hơn hẳn so với trồng cà phê hay trồng những loại hoa khác. Ông Hải tiết lộ, trung bình 1 ha lan vũ nữ giúp ông thu về từ 1,5 - 2 tỉ đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc.

Ông Đặng Văn Khá, Phó phòng NN-PTNT H.Di Linh, nhận xét: “Trang trại trồng lan vũ nữ của ông Hải là mô hình trồng hoa công nghệ cao hiện đại nhất tại Di Linh. Không chỉ cho thu nhập cao mà còn mang tính bền vững do liên kết sản xuất và có đầu ra ổn định”.
 

Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, điều khiện sinh trưởng và nở hoa cho hoa lan Vũ Nữ (Oncidium) trong nhà lưới cấp II 

 


1. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC 


1.1. Chuẩn bị nhà lưới 

Nhà lưới để sản xuất hoa lan vũ nữ yêu cầu phải làm kiên cố, có lưới che nắng, nilon che mưa và lưới chống côn trùng. 

Trong quá trình trồng lan còn phải điều tiết ánh sáng theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây. Điều tiết ánh sáng chủ yếu dùng lưới cản quang. 

 
1.2. Chuẩn bị giá thể 

Giá thể của Oncidium có thể là Dớn, Xơ dừa, than nhưng nếu là than thì kích thước phải nhỏ với đường kính ф0.5-2cm. 

1.3. Chuẩn bị dụng cụ và chậu trồng lan


Chậu trồng lan là chậu nhựa có lỗ thoát nước và nông để cho rễ phát triển thuận lợi. Nên nhớ lan vũ nữ là loài không thích bị ngập úng.

Cây con dùng chậu 5cm, sau 6-8 tháng cây nhỡ chuyển sang chậu 12cm. 

1.4. Chăm sóc 

1.4.1. Giai đoạn cây con 

Sau khi ra ngôi cây con được trồng trong chậu có đường kính khoảng 5cm, trồng xong tiến hành phun phòng mấm khuẩn ngay, có thể dùng streptomycin 72% với nồng độ 3.000 lần. Sau trồng khoảng 15 ngày rễ mới bắt đầu phát triển, lúc này có thể dùng phân bón Plant – Soul tỷ lệ 30-10-10 pha với tỷ lệ 3 gam/10 lít nước, tưới mỗi tuần một lần. 

Trong thời kỳ này cần đảm bảo lượng nước cho cây sinh trưởng tốt vì sức chịu hạn của cây con yếu. Ánh sáng tốt nhất khống chế ở 5.000 – 7.000 lux, sau đó sẽ tăng dần (tối đa 12.000 lux). Nhiệt độ ở giai đoạn này tốt nhất ở khoảng 25 – 30 độ C. 

1.4. 2. Giai đoạn sau chuyển chậu

Ánh sáng : Oncidium là loài ưa ánh sáng nhưng không chịu được ánh sáng trực tiếp, để cây ra hoa tốt cần 70% ánh sáng. 

Nhiệt độ : Oncidium là giống Lan thích nghi được với biên độ sinh thái khá rộng, chúng có thể trồng được ở khắp nơi: các tỉnh phía Nam, phía Bắc và trên vùng cao nguyên. Nhiệt độ thích hợp là từ 20 – 25oC. 

Ẩm độ: Oncidium là cây cần ẩm độ cao, đặc biệt trong thời kỳ tăng vì vậy trong suốt mùa sinh trưởng cây cần được tưới 3lần/ngày vào mùa khô, 2lần/ngày trong mùa mưa.. 

Phân bón : Phân bò khô vò thành từng viên đặt trên bề mặt giá thể rất hữu hiệu cho việc hấp thu của cây qua quá trình tưới nước hàng ngày. Các loại phân vô cơ thường được dùng có công thức 20-20-20 tưới với tỷ lệ 4 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần giúp cây phát triển cân đối, bản lá dày, cứng cáp và ít bị bệnh. 

 

2. XỬ LÝ PHÂN HÓA MẦM HOA 

 
- Việc điều khiển ra hoa vũ nữ cần phải có sự tác động tổ hợp của nhiều yếu tố như: cường độ ánh sáng vườn trồng, chất lượng cây, chế độ dinh dưỡng, chế độ tưới nước (xốc khô), chất kìm hãm sinh trưởng (Kháng Giberellin). 

- Đường kính giả hành: Cây hoa vũ nữ đưa vào xử lý ra yêu cầu cây có đường kính giả hành > 4cm. 

- Xử lý xốc khô: trong quá trình phân hóa mầm hoa tiến hành xử lý xốc khô 10 ngày có tác dụng nâng cao tỷ lệ ra hoa cho lan Vũ nữ 

- Ánh sáng: Cường độ ánh sáng trong quá trình xử lý khoảng 15000 lux - 20000 lux. 

- Chế độ nhiệt độ: Duy trì điều kiện nhiệt trung bình 200C – 280C 

- Chế độ dinh dưỡng: sử dụng loại phân có tỷ lệ NPK là 9:45:15, pha với tỷ lệ 4gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần xen kẽ trong suốt quá trình xử lý. 

- Xử lý chất kìm hãm sinh trưởng: ( Kháng Giberellin) (7g/l) 1lần trong 30 ngày 

- Phân bón lá: Sử dụng phân bón lá 20: 20: 20 với nồng độ 2g/l, phun 2 lần/tuần 

- Chế độ tưới nước: Khi cây có hoa không nên tưới nước theo kiểu phun mù mà 

chỉ nên tưới ướt đẫm gốc. 

 

3. CHĂM SÓC GIAI ĐOẠN SAU PHÂN HÓA MẦM HOA 


3.1. Điều khiển chế độ nhiệt độ 

Chế độ nhiệt thích hợp nhất cho sự sinh trưởng giai đoạn sau phân hóa mầm hoa và chất lượng hoa lan Hồ điệp là từ 25-280C. 

3.2. Bón phân 

Sử dụng loại phân bón thích hợp nhất cho sự sinh trưởng, phát triển, đặc biệt là chất lượng hoa cao nhất cho lan vũ nữ giai đoạn sau phân hoá mầm hoa là phân bón Plant – Soul 3 (tỷ lệ N:P:K là 10 – 20 – 20), với liều lượng 4gam/10 lít nước, cách 5 - 7 ngày phun 1 lần. 

3.3. Tưới nước 

Thường xuyên kiểm tra độ ẩm giá thể, không nên để giá thể khô quá hoặc ướt quá. Tốt nhất khi tưới dùng vòi phun cầm tay để tưới cả lên lá và gốc cây, cách 3 - 5 ngày tưới một lần, tưới vào lúc sau 10h sáng và trước 3h chiều, nếu điều kiện cho phép sau khi tưới nước nên để cho cây được thoáng khí thông gió, để cho nước đọng trên mặt lá bị bay hơi hết, giảm sự phát sinh của bệnh hại. 

 

4. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH 


4.1. Bệnh do nấm 

4.1.1. Bệnh thán thư (Collectotrichium sp) 

- Triệu chúng: Vết bệnh có màu nâu đen, màu xám nhạt, hình trứng hoặc hình không quy cách, có khi là những vòn tròn đồng tâm nhỏ màu nâu đen hoặc màu phấn hồng. Bệnh gây hại chủ yếu là lá già và lá bánh tẻ của cây làm cây sinh trưởng kém. 

- Nguyên nhân: do nấm Collectotrichium sp, bệnh phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 22 – 25oC, vì vậy bệnh có thể phát sinh quanh năm. 

- Phòng trừ: 

+ Kịp thời ngắt bỏ lá già, lá khô, lá bị thối nát, bị rét hại và bị cháy do nhiệt độ cao để loại bỏ nguồn bệnh. 

+ Khi cây bị bệnh cần dùng dụng cụ đã được khử trùng cắt bỏ chỗ có bệnh, bôi thuốc sát khuẩn vào vết thương. Nếu bệnh nặng thì loại bỏ cả cây. 

+ Phun định kỳ thuốc phòng bệnh: Boocdo 1%, Topsin 5 – 10 ml/10 lít. 

4.1.2. Bệnh mốc tro (Botrytis cinerea) 

- Triệu chúng: Thời kỳ đầu trên chóp lá có đốm nhỏ như giọt nước, trơn nhẵn, hơi lõm xuống sau đó lá biến mầu tạo thành mốc tro, khi độ ẩm không khí cao chỗ bị bệnh tạo thành lớp tro dày đặc. 

- Nguyên nhân: Do nấm Botrytis cinerea có cuống bào tử phân sinh dài, bào tử phân sinh màu tối thành từng đám, hình trứng, đơn bào, không màu. 

- Phòng trừ: 

+ Kịp thời ngắt bỏ lá già, lá khô, lá bị thối nát, bị rét hại và bị cháy do nhiệt độ cao để loại bỏ nguồn bệnh. 

+ Khi cây bị bệnh cần Hạ thấp nhiệt độ, giảm thời gian nước đọng trên mặt lá, khử trùng cắt bỏ chỗ có bệnh, bôi thuốc sát khuẩn vào vết thương. Nếu bệnh nặng thì loại bỏ cả cây. 

+ Phun định kỳ thuốc phòng bệnh: 

Sumi–Eight 1,25 WP nồng độ 3 - 5g/ bình 10 lít 

Rovral 50 WP nồng độ 10 - 20g/ bình 8 lít. 

Ridomin nồng độ 20 - 25 g/ bình 10 lít. 

4.2. Bệnh do vi khuẩn 

4.2.1. Bệnh thối nhũn (Pseudomonas gadioli) 

- Triệu chứng: Lá bị bệnh lúc đầu có đốm hình giọt nước, vết bệnh trong suốt. Trong điều kiện thích hợp, vết bệnh loang rộng ra sau 1 –2 ngày. Mỗi ngày rộng ra 2 – 3cm, sau 3 ngày lan tới 4 – 6cm. Vì vậy, sau 4 – 5 ngày là bị chết. Lá bị nhiễm bệnh, ở nơi bị bệnh biểu bì và thịt lá rời nhau ra, khi bị lực tác động (tưới nước, bón phân) rất dễ rách. Khi đó sẽ thải ra một lượng dịch mang mầm bệnh gây ô nhiễm lá và giá thể trồng cây, tăng tốc độ phát sinh bệnh. 

- Nguyên nhân: do vi khuẩn Pseudomonas gadioli, bệnh phát triển mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 7, khi nhiệt độ và ẩm độ cao. 

- Phòng trừ: 

+ Đảm bảo nguồn nước tưới sạch, không có vi khuẩn gây bệnh 

+ Không nên đặt chậu dầy đặc, cần có khoảng cách hợp lý, bón đạm vừa đủ và đảm bảo đủ ánh sáng cho vườn để tăng sức đề kháng cho cây. 

+ Tăng độ thông thoáng của vườn, giảm độ ẩm, nhiệt độ, sau khi tưới nước không để nước đọng trên lá. 

+ Tiêu huỷ ngay cây bị bệnh 

+ Phun thuốc kháng sinh: 1g Streptomicin + 1g Tetracyclin hoà trong 1,5 lít nước. Ngừng tưới khi xử lý bệnh 1 ngày. 

4.3. Sâu hại 

4.3.1. Rệp, rệp sáp 

- Triệu chứng: Chủ yếu là rệp sáp vàng, rệp sáp cafe, rệp sáp phấn. Ký sinh trên lá lan, trên tai lá và trên thân, dùng vòi chích hút châm vào khí khổng lá để hút dinh dưỡng. Sâu non mới vũ hoá bò khắp các bộ phận của cây tìm nơi thích hợp cố định để gây hại. Lá bị hại nặng, bị vàng khô héo và rụng. Có một số loại phát sinh ở mặt lưng lá, có loại ở mặt bụng lá, khi nhiều thì ký sinh cả ở nõn lá. 

Phát sinh nhiều ở nơi độ ẩm cao, thiếu ánh sáng, không thoáng gió. Loại côn trùng này tiết dịch ngọt dẫn dụ bệnh muội than, ảnh hưởng vẻ đẹp của cây. 

- Phòng trừ: 

+ Khi mới phát sinh dùng vải ướt lau, loại bỏ trứng sâu hoặc cắt bỏ bộ phận bị bệnh đốt đi 

+ Phòng trừ bằng sinh vật. Bọ nhảy là thiên địch của rệp 

+ Dùng tấm bìa màu vàng dẫn dụ rồi diệt 

+ Dùng thuốc phun: Malathion hoặc Trebon với lượng 10ml/8 lít. 

4.3.2. Lớp lưỡng thê (ốc sên và ốc dẹt) 

Đây là loài sống hoang dại, ban ngày chúng ẩn kín trong các hốc, bụi cây hoặc chui xuống đất. Khi đêm xuống, chúng xuất hiện và phá hoại; nhất là ăn phần non của cây. Đặc biệt, chúng phát triển mạnh trong mùa mưa và những vườn lan được tưới nước thường xuyên trong mùa nắng. 

Phòng trừ: 

+ Thường xuyên vệ sinh vườn trồng lan để chúng không còn chổ trú ngụ và phá hoại. 

+ Dùng thuốc Deadline Bullét, có thành phần hoạt chất Metaldehde 4%. Đây là thuốc đặc trị ở dạng bã, có chứa chất dẫn dụ để thu hút ốc đến ăn và chúng bị tiêu diệt tại chỗ. Liều dùng 1-2kg/ha, rải thuốc ở những nơi ốc thường tập trung. Với mật độ ốc khoảng 10 con/m2, có thể sử dụng 6-8kg/ha. 

 
Ngọc Mai tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×