Các sản phẩm và giải pháp thông minh, thiết thực của sinh viên
Thứ hai, 22/04/2019

Nhóm sinh viên thuộc Khoa Điện - Điện tử viễn thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đưa ra một số giải pháp giám sát và cảnh báo tự động tại các nút giao nhau giữa đường sắt và đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Sinh viên đưa giải pháp giảm tai nạn đường sắt
Nhóm sinh viên thuộc Khoa Điện - Điện tử viễn thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đưa ra một số giải pháp giám sát và cảnh báo tự động tại các nút giao nhau giữa đường sắt và đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Nhóm nghiên cứu gồm: Nguyễn Duy Quốc Thái, Đỗ Tấn Phước, Nguyễn Phúc Thịnh. Nói về ý tưởng để thực hiện nghiên cứu này, trưởng nhóm Quốc Thái chia sẻ:
“Trong những năm gần đây, ngành đường sắt VN được dư luận đặc biệt quan tâm do có nhiều vụ tai nạn, dẫn đến những cái chết thương tâm, làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, gián đoạn hoạt động của ngành đường sắt và gây tổn thất lớn về tài sản của nhà nước. Phần lớn các vụ tai nạn đường sắt thường xảy ra ở những nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ, những nơi có tuyến đường dân sinh cắt ngang.
Nguyên nhân các vụ tai nạn thường là do ý thức của người dân tham gia giao thông còn quá thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị cảnh báo, tín hiệu tại các vị trí giao cắt đường sắt quá lạc hậu, cũ kỹ.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều điểm giao cắt giữa đường tàu và đường bộ chưa có lực lượng canh gác. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, nhóm nghiên cứu một số giải pháp giám sát và cảnh báo tự động”.
Theo Quốc Thái, giải pháp này gồm có 5 hệ thống chính, gồm cảnh báo đường sắt, giám sát bằng camera, đèn đường thông minh, ghi lại thời gian của tàu khi qua các trạm, phát hiện vật cản trên đường ray. “5 hệ thống này hoạt động rất mạnh mẽ nhờ sử dụng các cảm biến và vi điều khiển, được kết nối nhuần nhuyễn tạo nên một hệ thống an toàn và đạt hiệu quả rất cao”, Thái nói.
Để đề phòng những tai nạn đáng tiếc khi có người cố ý vượt qua rào chắn tàu hoặc có vật cản trên rào chắn, Đỗ Tấn Phước, thành viên của nhóm, cho biết:
“Còn có thêm hệ thống phát hiện vật cản sẽ quét xung quanh nút giao thông. Chỉ cần có vật cản xuất hiện gần đó có thể ảnh hưởng đến tàu thì hệ thống này sẽ phát tín hiệu cho người lái tàu và người gác trạm để họ có thể xử lý kịp thời.
Ngoài ra để tăng tính an toàn, sản phẩm còn có thêm hệ thống giám sát qua camera để có thể quan sát được toàn bộ hệ thống và quan sát nút giao nhau”.
Chia sẻ về tính ưu việt của hệ thống, Nguyễn Phúc Thịnh, thành viên của nhóm, cho rằng: “Hệ thống hoàn toàn tự động, thay thế con người ở những nơi gác trạm, giúp ngành đường sắt giảm bớt nhân lực; đồng thời nó có tính ứng dụng thực tế rất cao, có thể lắp ở thành phố, nông thôn, đồi núi…”.
Hết bối rối, lạc lối với thiết bị chỉ đường không cần GPS của sinh viên
Một ngày đẹp trời, bạn đến một nơi lạ lẫm, không biết đường và đúng lúc đang vội, chắc chắn bạn sẽ thấy rất bối rối. Nhưng chiếc thẻ thông minh của nhóm sinh viên sẽ giúp bạn giải quyết rắc rối này.
Thẻ từ xác định vị trí người dùng ở trong một khoảng không gian nhất định để điều hướng theo mong muốn là sản phẩm của sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Sản phẩm của nhóm. Ảnh: NVCC.
Cầm trên tay thiết bị của mình, bạn Bùi Quốc Khôi cho biết, việc tìm được đường đi trong các trung tâm hội nghị hay nói chung là các không gian nhỏ trong nhà (nơi mà tín hiệu dẫn đường GPS không thể hoạt động) đôi khi rất cần thiết.
“Em đã gặp vấn đề này trong thực tế rằng, nhiều lúc em đến những chỗ lạ, không biết đường và đúng lúc đang gấp gáp khiến em khá bực mình. Do đó, em nghĩ ra thiết bị này có vai trò như một chiếc bảng điện tử lắp ở trước cửa các căn phòng có thể giúp cho mọi người có thể tự tin mỗi khi cần di chuyển đi đâu đó”, Khôi cho biết.
Thiết bị gồm 1 module con có màn hình, các linh kiện và 1 máy chủ để nhận, xử lý tín hiệu. Sản phẩm được lắp ở trước cửa phòng các tòa nhà như trung tâm hội nghị, khách sạn, trường học, resort... Mỗi người khi đến tòa nhà đó sẽ được cấp một chiếc thẻ gọi là thẻ RFID (thẻ này hiện tại ở Việt Nam đã được áp dụng vào hệ thống giữ xe)
Khi cần chỉ đường, người dùng sẽ quét thẻ của mình lên module, module sử dụng khả năng kết nối tầm xa (lên đến 15km) để liên lạc với máy chủ. Máy chủ lưu dữ liệu ở Google firebase sẽ tiến hành xử lý bằng các thuật toán tìm đường và trả về đường đi tối ưu nhất cho người sử dụng. Tốc độ hiển thị kết quả chưa tới 1-2 giây.
Chính chiếc thẻ này sẽ là một giấy thông hành đảm nhiệm việc dẫn đường cho người sử dụng đến nơi mình mong muốn.
Theo Khôi, hiện tại chưa có mô hình nào giống như vậy được áp dụng. Công nghệ của Khôi có ưu điểm là tính tiện lợi và khả năng hoạt động khi không có GPS vì tín hiệu GPS không hoạt động trong không gian hẹp hay trong nhà. Ở một vài siêu thị cũng có màn hình chỉ đường nhưng lại yêu cầu người dùng phải nhớ đường đi, trong khi với sản phẩm của Khôi thì người dùng sẽ nhận được chỉ đường nhờ thẻ từ mà không cần nhớ đường.

Các thành viên đang thuyết trình tại cuộc đua lập trình DevFest Hackathon 2018. Ảnh: NVCC.
Sản phẩm công nghệ chỉ đường được đánh giá là hoàn toàn có khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Mặc dù vẫn cần phải nghiên cứu thêm về mức độ an toàn, bức xạ cũng như sản xuất công nghiệp, nhưng sản phẩm hứa hẹn sẽ tạo nên một phương thức tìm đường tiện lợi, nhanh chóng và dễ sử dụng nhất có thể.
“Em hài lòng ở việc hoàn thành sản phẩm trong thời gian ngắn và cũng là một sản phẩm được mọi người đánh giá cao, trong quá trình thực hiện được khen là ý tưởng tốt là một thành công rất lớn của em”, Khôi cho biết.

Đề tài nhận được nhiều đánh giá tích cực từ Ban giám khảo. Ảnh: NVCC.
Sản phẩm này cũng được cho là mang tính nhân văn, giúp mọi người giữ tâm lý thoải mái và tác phong chuyên nghiệp khi đảm bảo không bị trễ giờ do lạc đường. Đồng thời, sản phẩm cũng có thể tham gia cứu nạn như chỉ đường thoát hiểm khi có vấn đề hoặc tìm trẻ lạc...
Đề tài đã giành Giải tài năng trẻ của cuộc đua lập trình DevFest Hackathon 2018 diễn ra ở Đà Nẵng và cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ ban giám khảo.
Sinh viên làm sốt tỏi đen, lên men “thuận tự nhiên”
Tỏi lên men được dùng làm nước sốt với vị ngọt cay tự nhiên, không chất bảo quản giúp tạo ra các món ăn với hương vị độc đáo mới lạ và tốt cho sức khỏe.
Món nước sốt tỏi đen này là sản phẩm của nhóm sinh viên trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Sản phẩm đã giành được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ tại cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” tổ chức mới đây.
Tỏi được lên men để làm nước sốt vừa tiện dùng vừa dễ dàng tiếp cận đến khách hàng. Đại diện nhóm bạn Nguyễn Thị Thủy Tiên cho biết, nguyên liệu chính từ tỏi đen và hạt tiêu xay.
Khi tiến hành sản xuất, nhóm thường xuyên phải tiếp xúc với tỏi nên rất quen với mùi và vị của chúng nhưng nhiều người lại 'sợ' vì tỏi hơi nặng mùi.
“Chính vì điều này nhóm em đã tiến hành đánh giá cảm quan nhiều lần để tạo ra một hương vị 'thân thiện' với mọi người nhất”- Tiên nói.
Tiên cho biết, nước sốt tỏi đen sẽ được dùng để ăn kèm cùng với các món chiên rán hoặc làm nguyên liệu để ướp thịt BBQ. Ngoài ra, nước sốt tỏi đen có thể được dùng để tạo ra các món ăn mới với hương vị độc đáo như tôm rang me, cua rang me. Nhưng thay vì dùng nước sốt me sẽ dùng sốt tỏi đen tạo thành một món ăn hoàn toàn mới. Trong khi đó nhiều loại đồ chấm khác sẽ khó để tạo thành các món mới như vậy.
Thủy Tiên nói thêm, sản phẩm sốt tỏi đen sử dụng nguyên liệu và lên men 100% tự nhiên không có chất phụ gia hay chất bảo quản, vị ngọt và cay tự nhiên từ tỏi và hạt tiêu.
"Sau khi có thành phẩm sẽ đem đốt nóng và đóng hộp ngay lập tức, rồi thanh trùng ở nhiệt độ 85 độ C để tiêu diệt hết vi sinh vật mà không làm mất đi hương vị đặc trưng. Sản phẩm chúng em mang đến cuộc thi hôm nay là thành phẩm sản xuất được hơn 6 tháng", Tiên nói.

Nhiều bạn sinh viên và khách mời thích thú khi ăn thử và hỏi về quy trình sản suất sản phẩm sốt tỏi đen. Ảnh: Thanh Tuyền
Sản phẩm có vị ngọt thanh tự nhiên của tỏi, cay nhẹ nhưng đậm và hương vị rất khác biệt so với các sản phẩm nước sốt, tương ớt khác.
Ngoài ra, nhóm đã tìm hiểu các nghiên cứu khoa học về tỏi đen và kết luận, trong nông nghiệp, tỏi tươi là một sản phẩm cực kỳ phổ biến, bản thân tỏi tươi đã chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, B6, kẽm, chất chống ôxy hóa… cùng các hoạt chất tốt khác.
Đặc biệt, sau khi lên men để thành tỏi đen, hàm lượng các chất này được tăng lên nhiều lần. Ngoài ra tỏi đen còn chứa nhiều chất khác mà trong tỏi tươi không có giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa ngừa bệnh ung thư.
Tỏi đen lần đầu tiên xuất hiện tại Hàn Quốc nhưng chỉ sau khi được các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu thì mới thực sự phát triển và trở thành sản phẩm được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Đây là lần đầu tiên Thủy Tiên và nhóm tham dự cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch”.
“Các sản phẩm tham gia cuộc thi rất đa dạng, có nhiều sinh viên của các trường đến thăm quan. Em cảm cảm thấy rất là vui vì có rất nhiều người đã đến dùng thử và hỏi về quy trình sản suất sản phẩm sốt tỏi đen của tụi em. Em thấy mô hình cuộc thi rất ấn tượng, là một cơ hội tốt để các bạn sinh viên có thể thăm quan học hỏi các sản phẩm hay mà ít ai nghĩ tới”, Tiên nhận xét.
Màng sinh học từ vỏ tôm cua và trà xanh giữ chuối tươi ngon đến 10 ngày
Hoạt chất chitosan có trong các loài động vật giáp xác cùng với dịch tiết polyphenols từ lá trà xanh tạo thành màng bảo quản nông sản, ngăn chặn nấm mốc, đốm thâm, giữ được độ xanh tươi của nông sản.

Bùi Thị Khánh Linh (phải) giới thiệu sản phẩm của mình với một bạn sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.
Sản phẩm màng sinh học chitosan của nữ sinh viên Bùi Thị Khánh Linh, khoa Công nghệ vật liệu, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xuất sắc vượt qua 38 sản phẩm khác để giành giải Nhất cuộc thi "Công nghệ chế biến sau thu hoạch". Cuộc thi do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Linh chia sẻ, chitosan có nguồn gốc từ loài giáp xác (tôm, cua) có khả năng tạo màng bảo quản phân hủy sinh học. Tuy nhiên, chitosan lại có khả năng kháng oxi hóa và kháng khuẩn kém. Để khắc phục nhược điểm này, Linh tiến hành nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh tạo màng bảo quản nông sản, ngăn chặn xuất hiện nấm mốc, đốm thâm, giữ được độ xanh tươi của nông sản.
“Sản phẩm, nhằm hướng đến nguồn nguyên liệu từ tự nhiên để bảo quản nông sản, thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Giúp cho việc bảo quản nông sản dễ dàng hơn, giảm chi phí bảo quản mà vẫn giữ giá trị của nông sản sau thu hoạch”- Linh nói.
Thực nghiệm với trái chuối cau, Linh phun màng chitosan này lên bề mặt chuối. Kết quả, chuối có thể giữ được lên đến 10 ngày.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (phải) và Th.s Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM trao giải nhất cho Khánh Linh. Ảnh: Hà Thế An.
Đánh giá về sản phẩm này, GS.TS Đống Thị Anh Đào, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, đây là một nghiên cứu có sự đầu tư và hàm lượng khoa học cao. Sinh viên đã giải thích được cơ chế giúp nông sản kháng khuẩn tốt hơn, mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng, chất lượng như ban đầu.
Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Cuộc thi được chia thành 2 bảng: Chế biến thực phẩm, đồ uống và khoa học thực phâm, dinh dưỡng.
Cuộc thi là cơ hội để sinh viên thỏa sức thể hiện khả năng thiết kế, sáng tạo ở lĩnh vực bao bì, đóng gói sản phẩm nông nghiệp và những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khampha.vn/ Thanh niên.vn)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam có thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Na Uy mở đường hầm dài nhất thế giới cho xe đạp
- Ngày mai có thể quan sát nhật thực lai hiếm gặp
- Phó giáo sư Việt làm hệ thống sạc không dây cho ôtô điện
- Thủ tướng: 'Tập trung nhân lực cho công nghệ chip, vi mạch là hướng đi đúng'
- Tuổi Trái Đất được tính như thế nào?
- Ngoại trưởng Mỹ xem trình diễn robot tại Đại học Bách khoa Hà Nội
- Vì sao khi huấn luyện mô hình ChatGPT cần tới 700.000 lít nước?
- Ảnh chụp chưa từng có về 'tinh vân con cua'
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận