Cách nhận biết phân bón giả

Thứ năm, 08/04/2021

Phân bón giả kém chất lượng không chỉ làm người dân tốn kém chi phí ma còn ảnh hưởng đến đất đai và cây trồng. Sử dụng nhầm phân bón giả có thể gây ra các hiện tượng như đất trồng bị chai cứng, cây yếu kém, dễ bị sâu bệnh…
Phân bón giả kém chất lượng không chỉ làm người dân tốn kém chi phí ma còn ảnh hưởng đến đất  đai và cây trồng. Sử dụng nhầm phân bón giả có thể gây ra các hiện tượng như đất trồng bị chai cứng, cây yếu kém, dễ bị sâu bệnh…, sau đây là cách phân biệt phân bón giả đối với một số loại phân bón:



a) Phân Ka-li clo-rua (KCl) chứa 60% K2O:

– Màu sắc đặc trưng: đỏ hồng, hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng. Đây là loại phân chứa Ka-li phổ biến nhất, và cũng là loại phân bị lợi dụng làm giả, làm nhái nhiều nhất, gây tổn thất nặng nề nhất cho người nông dân do chênh lệch giá giữa hàng thật-hàng giả rất lớn, lại dễ làm giả.

– Nông dân dễ bị mua phải phân Ka-li giả do trên thị trường có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân Clo-rua Ka-li về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kali, nhưng thực chất chỉ có từ 10 – 30 % là Ô-xit Ka-li, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, do đó khi mua hàng, người nông dân cần yêu cầu đại lý: Bán cho loại phân Ka-li thật, có hàm lượng K2O ≥ 60%, sau đó phải xem bao bì có đúng là hàng nhập khẩu hay không. Các loại phân do các cơ sở trong nước sản xuất, trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái.

– Khi mua hàng nên mang theo một chiếc cốc thủy tinh nhỏ, trắng và trong suốt cùng một ít nước sạch trong cốc. Thả một nhúm chừng 3 – 5 gam sản phẩm vào trong cốc nước có dung tích 50 – 100 ml để làm thực nghiệm và quan sát kết quả như sau:

+ Cách thử: Cho 3 – 5 gam phân khô ráo vào cốc nước trong.

+ Phân Kali clorua thật:

Cốc nước chưa có màu hồng đỏ

Một phần chìm xuống nước, một phần vẫn nổi trên mặt cốc nước

Sau khi khoắng mạnh, dung dịch chuyển sang màu hồng nhạt, không vẩn đục, có váng đỏ bám quanh thành cốc. Phân tan hết.

+ Phân Kali clorua kém chất lượng:

Cốc nước lập tức có màu hồng đỏ

Toàn bộ phân chìm xuống và tan rất nhanh. Sau khi khoắng mạnh, dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục, không có váng đỏ bám quanh thành cốc. Có thể để lại cặn không tan hết.

b) Phân Ka-li sunfat (K2SO4) chứa 50% K2O:

Màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, cũng là loại phân phải nhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến, dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng. Cách phân biệt như sau:

– Cách thử: Cho 7 – 10 gam phân vào cốc nước trong.

– Phân thật: Tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt.

– Phân giả: Có thể không tan hết, để lại cặn lắng (bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng.

c) Phân U-rê:

– Có hai loại phân U-rê chính là loại hạt trong và hạt đục, cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng ni-tơ như nhau, tối thiểu là 46%.

– Phân U-rê hạt trong: là loại phổ biến nhất, phân rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuy nhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân U-rê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân U-rê. Đặc điểm để nhận biết là phân U-rê thật chỉ có dạng hạt tròn, còn nếu có lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh. Hiện nay nước ta chỉ có 2 nhà máy sản xuất được U-rê hạt trong là Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, còn lại là U-rê nhập khẩu. Do đó, phân U-rê của các cơ sở sản xuất khác ở trong nước đều là hàng giả. Vì vậy, bà con nông dân nên chọn mua 2 loại U-rê Hà Bắc và Phú Mỹ, hoặc U-rê trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc nhập khẩu.

– Phân U-rê hạt đục: đây là loại phân rất tốt, phân có dạng hạt to, đường kính hạt 2- 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, rất khó làm giả hoặc việc làm giả không đem lại lợi ích đáng kể. Bà con nông dân có thể an tâm khi mua và sử dụng loại phân này.

– Đối với các loại phân hỗn hợp NPK nói chung rất khó phân biệt được thật – giả và xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm phân tích. Kinh nghiệm chung để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân NPK là chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó.

D) Phân DAP

+ Màu sắc đặc trưng: xanh ngọc, xanh nõn chuối, vàng, trắng ngà, xám, nâu, đen. Phân có dạng hạt tròn.

+ Chất lượng phân phụ thuộc vào hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm.

+ Đây là loại phân vẫn nhập khẩu. nên khi mua phân DAP phải kiểm tra bao bì có ghi rõ nguồn gốc nhập khẩu từ nước nào, hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm…

E) Phân Sun-phát A-môn (SA, (NH4)2SO4)

+ Màu đặc trưng: màu trắng trong hoặc trắng ngà, dạng tinh thể lấp lánh như kim cương hoặc như đường kính trắng, nhưng cỡ hạt lớn hơn, hoặc dạng hạt nhỏ, mịn.

+ Tính chất: Dễ tan và tan hết trong nước, khi tan hấp thu nhiệt rất mạnh

Dùng để bón trực tiếp cho cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày, hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất phân hỗn hợp NPK

f) Phân Supe Lân:

+ Màu đặc trưng:  có màu xám và xám xanh

+ Tính chất: dạng bột mịn, hàm lượng lân (P2O5 hữu hiệu) khoảng 15,5%-16%

g) Lân nung chảy:

+ Màu đặc trưng: đen, xanh đen hoặc xám sẫm. 

+ Tính chất: có dạng  bột mịn và dạng mảnh

h) Phân Mô-nô A-mô-ni-um Phốt-phát (MAP) 

+ Màu sắc: nâu, xám, đen, xanh, vàng

+ Tính chất: có dạng hạt tròn, đường kính 1-4mm

Loại phân này chủ yếu dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại phân NPK

i) Phân hỗn hợp NPK

 Phân NPK chia ra làm 2 nhóm:

– Nhóm phân khoáng trộn:

+ Sản xuất bằng cách phối trộn từ các loại phân nguyên liệu chứa đạm, lân và kali theo một tỷ lệ nhất định.

+ Có công nghệ sản xuất đơn giản, nhưng sản phẩm khó làm giả mà chỉ có làm kém chất lượng. 

+ Người tiêu dùng có thể nhận biết bằng cảm quan từng thành phần phân bón có trong hỗn hợp (hạt đạm, hạt Ka-li, hạt Lân….) 

– Nhóm phân phức hợp:

+ Sản xuất bằng cách: nghiền nhỏ, trộn đều các loại nguyên liệu thành phần, sau đó tạo thành các hạt phân tổng.

+ Nhóm này dễ bị làm giả, làm nhái bằng cách vê viên các nguyên liệu rẻ tiền như đất mùn, than bùn, bột sét, bột màu… tạo thành sản phẩm có hình dáng và màu sắc giống như hàng thật.

Những chú ý để tránh mua phải phân bón giả:

+ Không ham rẻ, không ham khuyến mại, giá rẻ mà có khuyến mại lớn chỉ có thể là phân giả, phân kém chất lượng.

+ Không mua phân vón cục, đóng rắn, cứng ngắc hoặc chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng.

+ Chọn mua phân của các doanh nghiệp lớn, uy tín và có bề dày lịch sử.

+ Chọn loại phân chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau bởi cây trồng cần nhiều các chất dinh dưỡng trung và vi lượng khác ngoài NPK.

+ Chọn phân bó chậm tan trong đất: để tăng hiệu quả sử dụng phân bón cũng như hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

+ Chọn mua phân bón phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây, bởi mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây trồng cần nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.

+ Mua phân bón phù hợp với cây trồng và đất: đất chua phải dùng loại phân kiềm.
 
Nguồn: Báo điện tử Đài tiếng nói VN, sức khỏe cuộc sống (TL)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×