Cán bộ, công chức trẻ với cải cách hành chính thực trạng và giải pháp

Thứ sáu, 01/12/2017

Hiện nay, chúng ta đang tập trung chú trọng thực hiện cải cách hành chính, nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả
Hiện nay, chúng ta đang tập trung chú trọng thực hiện cải cách hành chính, nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; đây là một trong những giải pháp quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông qua việc cải cách hành chính sẽ gỡ bỏ những rào cản đối với môi trường kinh doanh và đời sống, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc cải cách hành chính còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng trước cộng đồng trong nước và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đây là những giá trị vô hình, nhưng có tác động to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tích cực đến việc đầu tư trong và ngoài nước; đến xuất nhập khẩu, việc làm an sinh xã hội. Do đó, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, đời sống của người dân được nâng cao thì việc thực hiện cải cách hành chính là vấn đề cấp bách cần được chú trọng; thực hiện quyết liệt, liên tục và phải trở thành nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm trong hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị và của cả hệ thống chính quyền.



Trong công cuộc cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ công chức đóng vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đối với sự thành công của chiến lược. Bởi họ là sản phẩm, đồng thời là chủ thể của nền hành chính nhà nước. Trong quá trình hoạt động công vụ mang tính quyền lực nhà nước, họ tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích của công dân, tổ chức và cả cộng đồng xã hội. Mọi yếu tố của nền hành chính nhà nước như thể chế, cơ cấu tổ chức, tài chính công và tiến trình quản lý đều do đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện.

Hiện nay, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức đang dần được trẻ hóa với trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản. Đa số những người trẻ này đã và đang có những đóng góp tích cực cho tiến trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn có những cán bộ công chức tuy tuổi trẻ nhưng tư duy, cách làm lại không trẻ, chưa thật sự là lực lượng nòng cốt với vai trò thúc đẩy công tác cải cách hành chính. Từ thực tiễn, tôi xin nêu 06 vấn đề tồn tại như sau:

 Thứ nhất, một bộ phận cán bộ công chức, trong đó có người trẻ chưa thật sự hiểu và làm theo chủ trương cải cách hành chính

Họ chưa thật sự thay đổi về tư duy, cách làm, chưa ý thức được ý nghĩa sống còn của việc chuyển từ nền hành chính quan liêu, bao cấp, cơ chế “xin cho” ngự trị sang nền hành chính mang tính phục vụ.

Thứ hai, tình trạng công chức trẻ làm việc theo lối mòn còn rất phổ biến

Tình trạng này, nghĩa là người trước chỉ như thế nào thì người sau làm như vậy việc thực hiện công việc đã trở thành hệ thống, thói quen áp dụng từ người này chuyển sang người khác; người mới chỉ cần tiếp thu, làm đúng như người trước chỉ dẫn thì xem như hoàn thành công việc, rất an toàn và không cần phải mất nhiều công sức, thời gian suy nghĩ, tìm tòi. Tư tưởng này rất nguy hiểm vì không những triệt tiêu mục đích của cải cách hành chính mà còn có thể dẫn đến việc làm sai "dây chuyền", sai với số lượng và hậu quả lớn.

 Thứ ba, nhiều công chức tuy còn trẻ nhưng không biết, không quen tư duy, sáng tạo trong công việc

 Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân cốt yếu là chất lượng của nền giáo dục chưa cao, phương pháp mang tính thụ động, chưa khơi dậy, kích thích được sự sáng tạo trong người học. Nhiều năm học tập trên ghế nhà trường, đa số học viên có thói quen thầy dạy gì thì trò học đó, bài học như thế nào thì đề thi giống như vậy, rất ít có sự tổng hợp, sáng tạo, liên hệ thực tiễn. Với kiểu giáo dục như thế, thì đương nhiên tạo ra những "sản phẩm" người học thụ động, không quen với việc động não, tư duy nên khi đem những "sản phẩm" này vào công việc thì cũng khó có thể có những chuyển biến lớn.

 Thứ tư, việc bố trí cán bộ công chức trẻ không đúng sở trường, chuyên môn, năng lực công tác cũng là nguyên nhân làm suy giảm hiệu quả cải cách hành chính

Khi người trẻ đảm đương những công việc mà họ thiếu kiến thức, năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn thì họ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có quan điểm cho rằng do tuổi trẻ có "sức bật" nên phân công ở đâu cũng có thể thích nghi và làm được. Quan điểm này có lẽ không hoàn toàn đúng; người xưa từng có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nên nếu phân công, phân việc không hợp lý sẽ vừa lãng phí nguồn nhân lực, vừa cản trở tiến trình cải cách hành chính.

Thứ năm, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công chức như hiện nay chưa thật sự là đòn bẩy khuyến khích người công chức trẻ tận tâm với nhiệm vụ được giao

Với mức lương thấp hơn mặt bằng chung của xã hội, trong điều kiện giá cả sinh hoạt ngày càng tăng (thu nhập thấp và chậm tăng), chưa đảm bảo được yêu cầu cơ bản của cuộc sống và nghĩa vụ chăm lo cho gia đình, nên rất khó để thu hút được những người trẻ, giỏi. Với những công chức trẻ đang công tác, vấn đề thu nhập cũng tác động không nhỏ đến động cơ và thái độ làm việc. Họ chưa thấy được những cú hích thật sự về chế độ khen thưởng, về việc tăng thu nhập khi cố gắng sáng tạo, làm việc hiệu quả, năng suất cao. Mức thu nhập giữa người công chức làm việc ở mức trung bình và công chức có những sáng kiến, hiến kế hữu ích, làm việc hiệu quả hiện nay đều ngang nhau, nên tư tưởng làm "vừa đủ", không cần làm nhiều đang xuất hiện trong một bộ phận cán bộ công chức trẻ. Đó là chưa kể đến một bộ phận có những biểu hiện tiêu cực, lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để móc ngoặc, trục lợi, nhũng nhiễu.

 Thứ sáu, một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự cổ động cho tính mới, cho những sáng kiến, hiến kế, đóng góp của cán bộ công chức trẻ trong cải cách hành chính

Những lãnh đạo này thường chuộng xu thế ổn định, không muốn thay đổi để đỡ phải tốn nhiều công sức điều hành, quản lý. Do đó, khi người trẻ kiến nghị, đề xuất cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, họ thường không đồng ý hoặc phớt lờ, hứa hẹn cho qua chuyện. Chính lối suy nghĩ, cách hành xử nêu trên sẽ làm triệt tiêu đi suy nghĩ sáng tạo, đổi mới trong cán bộ công chức trẻ. 

Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả đóng góp của cán bộ công chức trẻ trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và trong công cuộc cải cách hành chính nói riêng, tôi đề xuất các giải pháp như sau:

Một là, thay đổi phương pháp giáo dục trong nhà trường để hình thành thói quen tư duy phản biện trong người học

Việc thay đổi chương trình, nội dung giảng dạy rất khó và cần thời gian để làm nhưng việc thay đổi, bổ sung phương pháp, cách thức giảng dạy thì không khó và có thể làm ngay. Hiệu quả của việc hình thành tư duy phản biện rất hữu ích cho người học trong công việc. Khi tham gia vào nền hành chính, từ thực tiễn công việc cộng với tư duy phản biện đã hình thành từ lúc còn học tập, người cán bộ công chức trẻ sẽ biết tìm tòi, nghiên cứu để đề xuất những cách làm hay và hiệu quả.

Hai là, tăng cường giáo dục cho đội ngũ cán bộ công chức trẻ về cải cách hành chính và những hiệu quả mà cải cách mang lại

Việc giáo dục này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa lãnh đạo cơ quan, đơn vị với các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Công đoàn…) và các cơ quan truyền thông. Khi người trẻ thực sự hiểu được những điều hay, những ý nghĩa thiết thực của cải cách hành chính thì chắc chắn họ sẽ làm theo và tạo sự lan tỏa ra những người xung quanh.

Ba là, cần có chế độ đãi ngộ hợp lý

Người cán bộ công chức trẻ chỉ có thể an tâm công tác, cống hiến khi thu nhập đảm bảo được cuộc sống của bản thân, gia đình. Họ chỉ thực sự có động lực sáng tạo, làm việc hiệu quả khi họ nhận được những phần thưởng xứng đáng, không chỉ về cơ hội thăng tiến trong công việc mà còn là những khoản thưởng vật chất giúp cuộc sống tốt hơn.

Bốn là, bố trí đúng người đúng việc

Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ công chức trẻ cần nắm rõ trình độ chuyên môn, sở trường, tính cách của người trẻ để có phương án bố trí vị trí công việc hợp lý, giúp người trẻ có cơ hội phát huy khả năng và tham gia hiệu quả vào công cuộc cải cách hành chính.

Năm là, luôn tin tưởng, ủng hộ đối với những sáng kiến, hiến kế trong cải cách hành chính của cán bộ công chức trẻ

 Người trẻ sẽ cảm thấy có ích, có động lực để phấn đấu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo khi những thành quả lao động của họ được trân trọng và vận dụng vào thực tiễn.

Với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; với sức trẻ và khát khao cống hiến, sẽ có những đóng góp ngày càng hiệu quả hơn trong nền hành chính nước nhà nói chung và công cuộc cải cách hành chính nói riêng.

Nguyễn Đức Thông
                                              Phó Chánh Văn phòng, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×