'Cha đẻ' Internet: 'Tương lai sẽ là nhiều Internet hơn'

Thứ sáu, 23/12/2022

GS Vinton Gray Cerf (Mỹ), một trong số 5 nhà khoa học nhận giải chính VinFuture cho rằng, "tương lai của Internet sẽ là nhiều Internet hơn, tốc độ truy cập và truyền dữ liệu nhanh hơn".

GS Vinton Gray Cerf (Mỹ), một trong số 5 nhà khoa học nhận giải chính VinFuture cho rằng, "tương lai của Internet sẽ là nhiều Internet hơn, tốc độ truy cập và truyền dữ liệu nhanh hơn".
 

Một ngày sau lễ vinh danh giải thưởng VinFuture 2022 tại Hà Nội, nhóm nhà khoa học giành giải chính với nghiên cứu về Internet và mạng toàn cầu đã có chia sẻ về con đường đến với thành công của họ. Theo giáo sư Vinton Gray Cerf, tương lai của Internet sẽ là nhiều Internet hơn, tốc độ truy cập và truyền dữ liệu nhanh hơn, nhiều thiết bị thông minh được kết nối hơn, và Internet sẽ còn vươn khỏi Trái Đất. "Đến thế hệ của bạn, có thể bạn sẽ chứng kiến Internet giữa các hành tinh và sự kháng cự của chúng ta với tương lai này là vô nghĩa", ông nói.
 

Để giúp hàng tỷ người có thể ngồi một chỗ truyền thông tin với tốc độ ánh sáng cho toàn cầu, cách đây gần 50 năm Robert Elliot Kahn và Vinton Gray Cerf (thiết kế ra Internet). Sau đó David Neil Payne và Emmanuel Desurvire (phát triển Internet cáp quang, xương sống của mạng viễn thông và Internet) còn Timothy John Berners-Lee (phát minh ra World Wide Web). Công trình của họ giành được giải thưởng 3 triệu USD nhưng công nghệ họ tạo ra giúp toàn cầu có thể giao tiếp với nhau bằng phương thức không giới hạn.
 

Trong câu chuyện của Giáo sư Vinton Gray Cerf (79 tuổi) cho thấy, ông đến với nghiên cứu Internet chỉ vì thấy cần giao tiếp nhanh hơn thay vì phải dùng điện thoại có dây, bấm số. Với ông, máy tính giống như một vũ trụ thu nhỏ khiến ông say mê. Ban đầu ông tìm cách kết nối giữa các máy tính với nhau nhưng rồi ông gặp vấn đề khi chúng đến từ nhiều nhãn hàng khác nhau và không có phương thức liên kết chung.
 

Giáo sư Vinton Gray Cerf trong buổi giao lưu sau lễ trao giải ngày 21/12 tại Hà Nội. Ảnh: Phương Linh

Giáo sư Vinton Gray Cerf trong buổi giao lưu sau lễ trao giải ngày 21/12 tại Hà Nội. Ảnh: Phương Linh
 

Cerf cùng với đồng nghiệp là Robert Elliot Kahn cùng thiết kế và triển khai giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức Internet (TCP/IP). Họ gặp nhau lần đầu năm 1969 khi TS Kahn đến Đại học California, Los Angeles (UCLA). Họ đã tìm ra cách để giúp máy tính liên lạc với nhau dễ dàng - đó là ARPANET. Nhưng cách này vẫn hạn chế vì phải là các máy tính kết nối ở vị trí cố định, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ (năm 1973) muốn quản lý dữ liệu tốt hơn, thông tin có thể truyền trên thuyền hay trên máy bay theo cơ chế chỉ huy và kiểm soát.
 

Cerf cùng với Kahn đã xây dựng các nguyên tắc thiết kế cơ bản của mạng, TCP/IP được cụ thể hóa và tạo nguyên mẫu để đáp ứng các yêu cầu này và giám sát việc triển khai giao thức cho phép trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho Internet.
 

Với yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ "chúng tôi mất 6 tháng đề giải bài toán và năm 1974 trở thành dấu mốc cho sự ra đời của Internet", GS Vinton kể.
 

Công trình biến internet thành hiện thực

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) trao giải chính cho nhóm nghiên cứu, tối 20/12. Ảnh: Giang Huy
 

Sự kết hợp hoàn hảo
 

Nếu như nghiên cứu của Kahn và Ceft đặt nền móng cho sự ra đời của mạng lưới toàn cầu, thì sự phát triển của Internet cáp quang được kích hoạt bởi công trình nghiên cứu bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium là công trình của hai nhà khoa học David Neil Payne (78 tuổi) và Emmanuel Desurvire (67 tuổi).
 

Đó là năm 1985, trong lĩnh vực sợi pha tạp đất hiếm, Payne dẫn đầu nhóm tại Đại học Southampton tập trung nghiên cứu và làm hồi sinh bước sóng viễn thông 55μm. Những báo cáo ban đầu này đã tạo động lực cho Desurvire, một chuyên gia về khuếch đại sợi quang học Raman khởi xướng nghiên cứu về Bộ khuếch đại sợi pha tạp Erbium (EDFA) tại Phòng thí nghiệm AT&T Bell. Các nghiên cứu đã công bố trước đó cũng chứng minh tiềm năng về bộ khuếch đại tăng cường trong giai đoạn sớm của Internet cáp quang. Sau đó sự kết hợp của các phòng thí nghiệm tại Southampton và Bell Labs đã tạo ra bước phát triển với tốc độ ngoạn mục.
 

Công nghệ sợi quang là một trong những thành công khoa học lớn nhất trong ba thập kỷ qua và những dấu ấn của Payne và Desurvire được công nhận là tinh hoa trong nhiều lĩnh vực. Việc khám phá, phát minh và phát triển sớm các bộ khuếch đại sợi quang thực tế đã cách mạng hóa viễn thông hiện đại, cả về công suất (băng thông) và phạm vi toàn cầu. Internet không thể được triển khai nếu không có gần một tỷ km cáp quang mà ngày nay mang 99% lưu lượng truy cập Internet.
 

Nền tảng của Internet cũng được thực hiện về mặt vật lý nhờ các liên kết cáp quang xuyên đại dương và lục địa, trong đó EDFA trong luồng tái tạo các tín hiệu thông tin cứ sau 50 - 100 km, mà không bị biến dạng cũng như tắc nghẽn dung lượng của băng thông cáp quang khổng lồ. Nếu không có EDFA, Internet đã bị giới hạn ở dung lượng cáp khoảng 40-100 Gbit/s giữa các lục địa, dẫn tới có thể tăng đột biến về chi phí và thời gian chờ đợi. Mặc dù nghiên cứu này đã có 35 qua, hiện chưa có công nghệ nào có thể cạnh tranh với EDFA.
 

Sau này GS Timothy John Berners-Lee (67 tuổi), Đại học Oxford, Anh, là nhà khoa học máy tính nổi tiếng với phát minh ra mạng lưới toàn cầu World Wide Web. Sự kết hợp giữa World Wide Web (WWW), Internet và Internet cáp quang ở các giai đoạn khác nhau, nhưng đã trở thành mắt xích quan trọng làm nên thành công biến "Internet trở thành hiện thực", trở thành công cụ giao tiếp thống trị trên toàn thế giới, được hàng tỷ người sử dụng để lấy thông tin, trao đổi và kết nối dễ dàng.
 

Ba nhà khoa học của giải thưởng chính tại buổi giao lưu Chào tương lai hôm 21/12. Ảnh:Phương Linh

Ba nhà khoa học của giải thưởng chính tại buổi giao lưu Chào tương lai hôm 21/12. Ảnh:Phương Linh
 

Hãy tò mò và tìm hỗ trợ từ người thông minh hơn
 

Bản thân Vinton Gray Cerf là người gặp vấn đề với thính giác. Ông đeo máy trợ thính từ năm 13 tuổi, nhưng ông vô cùng lạc quan, cho biết đó không phải vấn đề quá nghiêm trọng bởi máy trợ thính đã giúp tạo nên sự khác biệt lớn. "Đó là một ví dụ của việc ứng dụng công nghệ giúp giải quyết vấn đề", ông nói.
 

Chia sẻ với những người trẻ ông cho rằng, bài học đầu tiên, nếu muốn làm bất cứ điều gì lớn lao, hãy tìm đến sự giúp đỡ, đặc biệt từ những người thông minh hơn.
 

Bài học thứ hai, đừng sợ mắc sai lầm. Trên thực tế, chúng ta sẽ học được từ những sai lầm của chính mình nhiều hơn là học từ thành công.
 

Bài học thứ ba, đừng quá coi trọng công trạng. Khi sự việc diễn ra không như ý, chúng ta không phải nhận chỉ trích quá nhiều.
 

Bài học thứ tư, hãy khiêm tốn và lắng nghe người khác. Đôi khi tôi phải cố gắng để các kỹ sư có thể thoải mái nói với mình rằng tôi đang làm điều gì đó ngu ngốc.
 

Còn với nhà khoa học người Pháp Emmanuel Desurvire, ông thừa nhận phát minh đến với ông hoàn toàn tình cờ, gọi đó là một phần của may mắn. Song ông thừa nhận "để có được chúng ta cần trang bị, trau dồi" và nuôi dưỡng đam mê, trí tò mò.
 

Desurvire khuyên những người trẻ cần phải lựa chọn xem bản thân có muốn làm khoa học hay không. "Người trẻ cần tò mò về thế giới", ông nói và giải thích trong quá khứ, những cô cậu bé nói rằng: "Khi lớn lên, tôi muốn trở thành lính cứu hỏa, thành nhà du hành vũ trụ hay phi công". Ngày nay những đứa trẻ nên mơ ước "tôi muốn trở thành nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, khám phá mọi thứ, đoạt giải Nobel - điều này có thể không cần thiết, nhưng cần niềm vui khi sáng chế", ông nói. Theo ông khám phá lớn tiếp theo nằm ở các phương pháp mã hoá dữ liệu để đảm bảo việc truyền tin có thể giảm được tỉ lệ lỗi xuống còn 0%.
 

Theo VnExpress


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×