Chàng sinh viên chạy 50km về làng dạy tiếng anh

Thứ tư, 19/07/2017

Cuối tuần, Hứa Văn Lộc (sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) lại chạy xe 50km về quê để kịp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ vào buổi tối. Sáng hôm sau, Lộc tất tả quay về thành phố làm thêm, kiếm tiền duy trì lớp học.
Cuối tuần, Hứa Văn Lộc (sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) lại chạy xe 50km về quê để kịp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ vào buổi tối. Sáng hôm sau, Lộc tất tả quay về thành phố làm thêm, kiếm tiền duy trì lớp học. Dù bận rộn với việc học trên giảng đường hay những buổi làm thêm để trang trải cuộc sống, nhưng một năm qua cứ thứ bảy hàng tuần, Lộc lại chạy xe cõng tiếng Anh về làng, về với lớp học ở thôn Phước Long, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) với niềm đam mê ngoại ngữ dành cho những bạn nhỏ.

Lớp học không bàn ghế, bảng phấn.  Dưới ánh đèn điện, sau mỗi câu, từ phát âm của Lộc, từng em một đứng lên phát âm lại để được “thầy Lộc” chỉnh sửa.
Phương pháp truyền đạt đơn giản được lặp lại nhiều lần như thế. “Ban đầu thì em phát âm, rồi giải thích nghĩa. Sau đó các em tự học và tự tập nói với nhau. Những em đã học chữ, học tiếng Anh ở trường thì về nhà các em luyện tập thêm bằng cách viết ra giấy, còn những em mầm non thì chỉ cần ghi nhớ thông qua giao tiếp hằng ngày”, Lộc cho biết.
Buổi học kéo dài từ 7 giờ đến 10 giờ đêm. Giữa các giờ học phát âm, Lộc lồng ghép tổ chức các trò chơi để tạo không khí vui vẻ, tập thói quen phản xạ nhanh trong giao tiếp cho các em. Thi thoảng, vào dịp lễ, chàng sinh viên nghèo này còn tích cóp tiền ăn sáng, mua những phần quà bánh để tạo không khí hứng khởi cho lớp học.
 

Lớp học tiếng Anh thỉnh thoảng diễn ra… ngoài đồng và có người nước ngoài đến giao lưu


Về lớp học, “thầy giáo” Lộc đứng giữa sân Nhà văn hóa thôn Phước Long (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đọc mẫu từng câu tiếng Anh cho mấy chục học trò đang ngồi xung quanh nhắc lại.
Lớp học “cây nhà lá vườn” là thế nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện mấy “ông Tây, bà Tây” từ Hà Lan, Mỹ, Úc... đến giảng bài. Tranh thủ ngoài giờ học, Lộc làm quen trò chuyện với các vị khách nước ngoài nói tiếng Anh thông qua trang web giới thiệu về cộng đồng du lịch bụi. Rồi Lộc giới thiệu với họ về làng quê của mình. Vị khách nào muốn đến thăm làng Lộc sẵn sàng cho họ ở trọ miễn phí ngay tại nhà mình với điều kiện: khách bỏ ra một khoảng thời gian trò chuyện, giao tiếp với lớp học của Lộc. Nhờ đó, lớp học ngày càng sôi động, hấp dẫn hơn.
Ông Bruce, đến từ nước Úc phấn khởi cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào đầu năm 2016. Tôi tình cờ biết chàng sinh viên Hứa Văn Lộc và đã tìm về quê thông qua lời giới thiệu của cậu ấy. Với tôi đó là một chuyến du lịch rất thú vị. Các em nhỏ dù chưa thông thạo tiếng Anh nhưng vẫn rất ham trò chuyện, học hỏi”. Đó cũng là lý do, dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, vị khách này tiếp tục trở lại làng Phước Long, dành 3 ngày đi loanh quanh làng để chuyện trò, tập những câu giao tiếp ngắn cho “học trò” của Lộc. Cơ hội để khách nước ngoài đến với một làng quê còn nghèo khó như Phước Long còn rất ít nhưng bọn trẻ ở làng đã có một môi trường giao tiếp tốt nhất.
Lộc kể ở quê, môn tiếng Anh hầu hết học sinh chỉ được dạy ngữ pháp để làm bài kiểm tra và thi đại học. Phần nghe - nói chưa được chú trọng nhiều lắm.
“Mình nhớ lần đầu tiên gặp người nước ngoài, mình đã vận dụng hết vốn liếng tiếng Anh học sáu năm để bắt chuyện. Nhưng thật bất ngờ, họ không hiểu mình đang nói gì hết. Hóa ra lâu nay mình phát âm sai bét” - Lộc nhớ lại.
Chính vì lý do đó, Lộc mở lớp tiếng Anh miễn phí để sửa cách phát âm cũng như dạy những từ vựng thông dụng cho các bạn nhỏ trong xã.
“Mình không có tham vọng dạy các em nói tiếng Anh lưu loát. Mình chỉ giúp các em có ý thức hơn về việc phát âm tiếng Anh chuẩn xác cũng như thêm yêu thích môn học này. Từ sự yêu thích ban đầu ấy, các em mới có mong muốn tìm hiểu và học hỏi sâu hơn” - Lộc chia sẻ về công việc của mình.
Chàng sinh viên bách khoa cũng cho biết việc mời người nước ngoài đến giao lưu với lớp sẽ giúp các em dần làm quen với tiếng Anh bản xứ, đặc biệt là trở nên dạn dĩ hơn. “Ban đầu mình cũng chả dám bắt chuyện với người nước ngoài đâu, sợ lắm” - Lộc cười nhớ lại.
Và để các em nhớ bài lâu hơn, cuối mỗi buổi học “thầy Lộc” luôn tổ chức những trò chơi có thưởng. Tiền mua bánh kẹo, quà tặng cho các em là do Lộc tự bỏ ra.
Lộc nói: “Cả tuần mình đều đi học, nên chỉ có thể tranh thủ làm thêm kiếm tiền vào ngày chủ nhật. Có lần mình chở người bạn nước ngoài ra sân bay về nước, ông dúi vào tay mình 500.000 đồng, bảo để mua quà cho mấy đứa nhỏ, mình vừa mừng vừa cảm động”.
Dù vất vả và bị cha mẹ phản đối nhưng Lộc cũng đã duy trì lớp học tiếng Anh được một năm.
“Giờ mình về quê, đi từ đầu đến cuối thôn, chỗ nào có mấy đứa nhỏ chơi là tụi nó cũng chạy ra chào mình. Đợt 20-11 vừa rồi, 5-6 đứa chung tiền lại mua một bông hoa tặng thầy Lộc - nhiêu đó thứ là đủ để mình gắn bó với lớp rồi” - Lộc tâm sự.
Chia sẻ về thời gian học, Lộc cười hiền: “Em luôn sắp xếp việc học trên giảng đường một cách khoa học nhất để chiều thứ 7 là có thể về với các em ở làng”. Nhưng để làm được điều đó với chàng sinh viên này không phải là điều dễ dàng. Vừa học, em vừa phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. “Ban đầu ba mẹ em lo lắng nên phàn nàn về việc dạy học ở làng. Nhưng nhìn thấy các em nhỏ ham học hỏi, em cũng đảm bảo việc học ổn nên ba mẹ bớt lo. Thú thật đôi khi vào mùa mưa gió, tuần nào cũng chạy về em thấy khá mệt, nhưng mỗi lúc như vậy em lại nhớ đến câu hỏi của tụi nhỏ: “Anh ơi, hôm nay có học tiếng Anh không?, thế là lại tất tả tìm về”, Lộc chia sẻ.
Hoài Nam (Tổng hợp)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×