Chỉ sợ lòng người ngại núi, e sông

Thứ ba, 25/08/2015

TS. Đỗ Thị Hồng Tươi nữ tài năng trẻ đạt Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2011
 "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người ngại núi e sông" là triết lý sống của giảng viên trẻ Đỗ Thị Hồng Tươi (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) - chủ nhân của "Quả cầu vàng năm 2011".

"Tươi Bacillus subtilis"

Đây là nickname mà những người thân, thầy cô và bạn bè đặt cho cô tiến sỹ sinh năm 1981 này trong khoảng thời gian từ năm 2002-2006. Bacillus subtilis là tên một loại vi khuẩn, nguyên liệu để sản xuất một loại thuốc điều trị bệnh tai mũi họng mà Tươi là một trong những thành viên tích cực của nhóm nghiên cứu ra loại thuốc "made in Việt Nam" này. Loại thuốc này được thai nghén và "sinh nở" từ đề tài cấp Sở Khoa học công nghệ TP.Hồ Chí Minh: "Nghiên cứu sử dụng Bacillus subtilis làm chế phẩm phòng và điều trị bệnh Tai - Mũi - Họng thông thường"của cố PGS.TS. Trần Thu Hoa và GS.TS.Nguyễn Văn Thanh. Những kết quả thu được từ đề tài này là một trong những "bệ phóng" để Tươi "ẵm" Quả cầu vàng năm 2011.

Theo TS.Tươi, đề tài đã tiến hành nuôi cấy và tinh chế Bacillus subtilis, chứng minh được tính đối kháng in vitro của Bacillus subtilis với một số vi khuẩn điển hình gây bệnh đường tai - mũi - họng cũng như khả năng lưu lại trên mũi chuột của Bacillus subtilis.

Đề tài chứng minh tác dụng kháng viêm xoang mũi của Bacillus subtilis trên mô hình chuột nhắt. Từ đó, tiến hành bào chế dạng thuốc viên ngậm và thuốc xịt mũi Bacillus subtilis, khảo sát độ ổn định về hàm lượng cùng các thông số hóa lý của thuốc.

Các chế phẩm này đã được thử nghiệm lâm sàng về tác dụng điều trị viêm xoang và viêm họng trên bệnh nhân tình nguyện tại bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy các chế phẩm cải thiện được các triệu chứng lâm sàng, mức độ nhiễm khuẩn và mức độ tổn thương của các tổ chức thuộc xoang mũi, họng khi khám nội soi.

Đề tài đã được báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học, đăng nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín, đoạt nhiều giải thưởng tại các hội nghị cũng như bằng khen các cấp.

Theo nhóm nghiên cứu, thuốc xịt mũi Bacillus subtilis mới được nghiên cứu sản xuất ở quy mô nhỏ (pilot), muốn đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp tại các nhà máy thì phải nghiên cứu lại độ ổn định của công thức, khả năng tự động hóa các giai đoạn trong sản xuất. Tuy nhiên, một vấn đề các nhà máy xí nghiệp cần cân nhắc thận trọng là thuốc có nguồn gốc từ vi khuẩn có lợi, khi đưa vào sản xuất cần một khu riêng biệt để không nhiễm vi khuẩn qua các chế phẩm bình thường khác.

"Hiện nay, chúng tôi vẫn đang thảo luận với một công ty dược để tìm hướng phát triển, lên kế hoạch nghiên cứu độ ổn định của công thức khi sản xuất ở quy mô công nghiệp và vấn đề xử lý như thế nào để tránh nhiễm vi khuẩn sang các chế phẩm khác", TS.Tươi cho biết.

Ít ai biết, để hoàn thành đề tài nghiên cứu có ý nghĩa này, TS.Tươi và các cộng sự tại Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh đã phải trải qua những ngày ăn ngủ trong phòng thí nghiệm cùng với... vi khuẩn và chuột. Bắt đầu tham gia đề tài từ khi còn là cô sinh viên năm thứ 3, dưới sự hướng dẫn của thầy cô chủ nhiệm đề tài, phải mất 4 năm bền bỉ "chạy tiếp sức", Tươi và các bạn mới đi tới các đích vinh quang của người nghiên cứu khoa học.

Muốn biết được khả năng kháng thể của Bacillus subtilis, Tươi và các bạn trong nhóm phải thực hiện rất nhiều thí nghiệm trong nhiều điều kiện, nồng độ khác nhau để phát hiện ở nồng độ nào Bacillus subtilis sẽ phát huy được tác dụng nhiều nhất. Mỗi thí nghiệm đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chỉ cần "lơ là" một chút là bao công sức sẽ bị đổ xuống sông xuống biển hết. "Trong vô số những thí nghiệm làm đi làm lại có những sự cố "chết người" đã xảy ra. Có khi chuột đang mang mầm bệnh thì bị mèo ăn. Có khi chuột bỗng dưng lăn ra chết không rõ nguyên nhân... Bây giờ, những sự cố "chết người" đó đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình", TS.Tươi nhớ lại và chia sẻ.

"Gia tài" khoa học

"Nghiên cứu sử dụng Bacillus subtilis làm chế phẩm phòng và điều trị bệnh tai - mũi - họng thông thường" là một trong số những đề tài có ý nghĩa thực tiễn mà TS. Tươi đã thực hiện.

Từ năm 2002, lúc bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học đầy gian khó, đến nay, "gia tài khoa học" của Tươi đã có 16 công trình nghiên cứu, bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Mỗi công trình, mỗi bài báo đều đánh dấu một mốc đáng nhớ trong cuộc đời làm khoa học của TS.Tươi. Ngoài công trình về Bacillus subtilis, Tươi cũng đã tham gia đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ thử nghiệm phát hiện Staphylococcus aureus đề kháng methicillin (MRSA)"thuộc Chương trình Vườn ươm của Sở Khoa học và công nghệ TP.Hồ Chí Minh nhằm nghiên cứu sản xuất bộ kit phát hiện nhanh MRSA trực tiếp từ bông quẹt mũi, tiến hành nhanh chóng, đơn giản và có thể triển khai ở quy mô lớn tại các bệnh viện.

Trong thời gian "làm" thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại Pháp, nhà khoa học trẻ đến từ Việt Nam Đỗ Thị Hồng Tươi đã tham gia thực hiện đề tài "Nghiên cứu tác dụng của rượu lên quá trình tăng trưởng và biệt hóa tế bào trên dòng tế bào ung thư gan người: chứng minh mối liên quan với quá trình chuyển hóa sắt và polyamine".

Đề tài đã nghiên cứu được cơ chế gây bệnh trên gan của rượu thông qua tác động ức chế quá trình tăng trưởng và đẩy nhanh quá trình biệt hóa của tế bào gan theo hướng giảm số lượng tế bào gan, tăng biểu hiện của các marker chuyên biệt của tế bào gan. Đề tài đã chứng minh được sự làm phình to tế bào gan khi uống rượu ở cấp độ tế bào và phân tử bằng những kỹ thuật hiện đại của công nghệ tế bào và phân tử; rượu gây các bệnh về gan thông qua cơ chế gây rối loạn quá trình chuyển quá sắt trong cơ thể nói chung và trong tế bào gan nói riêng. Chính sự thừa sắt do rượu gây ra tích lũy trong tế bào gan làm tăng sinh các gốc tự do, dẫn đến quá trình peroxy hóa lipid... làm tổn thương tế bào.

Rượu cũng gây bệnh trên gan thông qua cơ chế gây rối loạn quá trình chuyển hóa polyamine, những chất rất cần thiết cho cấu tạo và hoạt động sinh lý của các vi tổ chức trong tế bào gan như ADN, ARN, protein... Rượu gây thiếu hụt polyamine làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cũng như hoạt động chức năng của gan. Dựa vào những cơ chế chứng minh nêu trên, Tươi và các đồng nghiệp nghiên cứu tác dụng điều trị các bệnh về gan do rượu bằng các hoạt chất mới giúp phục hồi những rối loạn về chuyển hóa sắt và polyamine do rượu gây ra. Kết quả in vitro rất khả quan, là tiền đề cho những nghiên cứu in vivo trước khi nghiên cứu sản xuất các chế phẩm phòng và điều trị các bệnh về gan do rượu.

Suốt thời gian học tập ở Việt Nam, TS.Tươi rất tích cực tham gia viết bài dự thi các giải thưởng về nghiên cứu khoa học như: "Sinh viên nghiên cứu khoa học" của Bộ giáo dục và Đào tạo, "Khoa học sinh viên - EUREKA" của Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh. Lúc đó, cô sinh viên này cũng đã có nhiều báo cáo được đánh giá cao tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế như: Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường Đại học Y dược Việt Nam, Hội nghị PharmaIndochina... Khi trở thành nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Tươi đã tham gia báo cáo 13 bài báo dưới dạng oral và poster tại các hội nghị khoa học của Pháp, châu Âu và quốc tế.

Trở về nước, đứng trên bục giảng củaTrường đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, tiến sỹ chuyên ngành Y sinh này đã tham gia và hoàn thành tốt công tác giảng dạy các lớp dược sĩ trung cấp, dược sĩ đại học, cao học chuyên ngành Dược lý - Dược lâm sàng tại Khoa Dược.

"Con đường ngắn nhất đi đến thành công đó là sự đam mê"

TS. Đỗ Thị Hồng Tươi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường

"Sống phải có mục tiêu, xác định rõ mình muốn làm gì, cần chuẩn bị những gì để làm được điều mình muốn, biết ước mơ và tìm ra niềm đam mê của mình! Nếu đã có mục tiêu thì cứ mạnh dạn chuẩn bị hành trang cần thiết và bước đi. Có thể trên đường đi có khó khăn nhưng chúng ta sẽ tìm được cách để vượt qua", TS.Tươi tâm niệm.

Dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học từ khi còn là một cô sinh viên năm thứ 3, đến nay TS.Tươi đã gặt hái được những thành công bước đầu, được đồng nghiệp và xã hội ghi nhận với rất nhiều giải thưởng, bằng khen. "Đó là niềm động viên, khích lệ để mình tiếp tục vững tin bước đi trên con đường khoa học đầy gập ghềnh, trắc trở", TS.Tươi tâm sự.

Theo TS.Tươi, chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp cô luôn nỗ lực để vượt qua những khó khăn, nhiều lúc là chiến thắng chính bản thân mình. "Tôi rất tâm đắc với câu nói: "Con đường ngắn nhất đi đến thành công đó là sự đam mê" và xem đó như là một trong những triết lý sống của bản thân", TS.Tươi nói.

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của TS.Tươi được khơi nguồn và thổi bùng lên từ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, đau khổ vì bệnh tật của các bệnh nhân. Mỗi lúc gặp khó khăn, TS.Tươi lại nghĩ đến những người bệnh, những người đang phải đối mặt với một "núi" khó khăn, đau đớn, buồn phiền. "Họ luôn lạc quan, luôn có một mong muốn duy nhất là được sống để tiếp tục làm việc, chấp nhận khó khăn và sẵn sàng vượt qua... nhưng không có cơ hội. Vậy tại sao với những khó khăn nhỏ xíu như thế mà mình đã vội nản chí! Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng mình ngại núi, e sông", TS.Tươi nói.

Với suy nghĩ ấy, mỗi lần gặp khó khăn, TS.Tươi thường đi ngang qua các bệnh viện, thấy bệnh nhân, người nhà luôn phải chịu đớn đau, tuyệt vọng... và liên tưởng đến nỗi đau của họ, đến mong muốn của họ, đến sự kiên cường của họ để tự lên dây cót tinh thần cho mình.

Hiện nay, TS.Tươi đang tiếp tục trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ thầy cô, đồng nghiệp và tham khảo tài liệu, nâng cao trình độ, nghiệp vụ để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học "góp phần vào sự phát triển và đổi mới của ngành y tế Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân".

TS.Tươi cũng đang ấp ủ "giấc mơ" tiến hành các nghiên cứu ở mức độ dược lý tế bào và phân tử, góp phần phát triển các mô hình, phương pháp, kỹ thuật ứng dụng trong việc nghiên cứu các chế phẩm phòng và điều trị bệnh cho mọi người. "Thời gian vừa qua, mình đã viết đề cương, bảo vệ thành công trước hội đồng xét duyệt và được Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cấp kinh phí để thực hiện đề tài trong 2 năm. Đề tài đang trong giai đoạn đầu thực hiện", TS.Tươi bật mí.

Nữ cán bộ Đoàn, Hội năng nổ

Không chỉ ham học hỏi, đam mê nghiên cứu, TS.Tươi còn được biết đến như một cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên năng nổ và bản lĩnh, luôn biết sống với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Trong thời gian học tại khoa Dược Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, sinh viên Đỗ Thị Hồng Tươi đã "nắm giữ" một loạt chức vụ như Phó Chủ tịch Liên chi Hội Sinh viên Khoa Dược, ủy viên Ban chấp hành Hội sinh viên Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh... Với những nỗ lực và cống hiến cho phong trào của tuổi trẻ, Tươi được tặng giấy khen của Hội Sinh viên Khoa Dược và bằng khen của Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh "vì có nhiều đóng góp trong công tác tổ chức Hội và phong trào sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh từ năm 1999 đến 2004". Từ 2004-2006, giảng viên Tươi vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa phụ trách phong trào Đoàn khối Dược sĩ Trung học, Ban liên lạc vận động và tổ chức Đại hội thành lập Chi đoàn cán bộ công chức trẻ Khoa Dược.

Trong thời gian học tập tại Pháp, Đỗ Thị Hồng Tươi tích cực tổ chức và tham gia công tác Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, của Chi hội Sinh viên Việt Nam tại Thành phố Rennes. Là ủy viên Ban chấp hành Chi Hội Sinh viên Việt Nam tại thành phố Rennes phụ trách về sức khỏe, đời sống và học tập, Tươi tham gia tư vấn những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải đáp thắc mắc về vấn đề học tập và tư vấn, giúp đỡ làm hồ sơ xin học bổng, tham gia tổ chăm sóc y tế cho các hội thao. Tươi cũng tham gia tổ chức Gala Chào Xuân đón Tết, tuần lễ "Bonjour Vietnam", triển lãm "Việt nam-mon pays", làm clip video giới thiệu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giao lưu văn hóa của Hội hữu nghị Côtes d`Armor-Vietnam... tham gia hoạt động từ thiện, giao lưu văn hóa của Hội Jeunes Pousses, Côtes d`Armor-Vietnam, Bretagne-Vietnam, trao đổi khoa học của Tổ chức Ngôi nhà thế giới của Thành phố Rennes (Maison international de Rennes)...

Tháng 3 năm 2010, Đỗ Thị Hồng Tươi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đảng ủy Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Hải Linh (Theo Minh Quân - Gương tài năng trẻ KHCN tiêu biểu)

 


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×