Đặc điểm và kỹ thuật trồng sầu riêng
Thứ hai, 24/08/2015

Tại Việt Nam, cây sầu riêng đã phát triển từ lâu, được quan tâm và đầu tư phát triển trong thời gian gần đây, nếu được trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sầu riêng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.
1. Đặc điểm cây trồng
Cây sầu riêng mọc rất cao nếu trồng bằng hột, nhưng nếu tháp thì cây mọc thấp hơn, cao không quá 10 m. Hoa mọc từng chùm ở cành chính và ra trái lớn, dài hơn 20 cm và nặng từ 1 đến 4 kg. Trái màu vàng xanh lợt, vỏ đầy gai nhọn và ngắn. Khi trái chín thì vỉ nứt ra năm ngăn, mỗi ngăn hai ba múi có hột lớn hoặc lép, cơm dày ăn béo như mỡ, nhiều xơ dính vào hột. Mùi vị sầu riêng rất khó chịu đối với dân Âu Mỹ, nhưng được dân chúng Đông Nam Á quen ăn ưa chuộng. Một số vườn tiêu ở Campuchia trước đây trồng sầu riêng với khoảng cách rất xa để sau đó biến thành vườn sầu riêng thay cho vườn tiêu.
Sầu riêng thường trồng bằng hột, nhưng tháp giâm cành đều dễ dàng. Điểm đáng lưu ý là hột sầu riêng cũng như hột mít mất sức nảy mầm mau lẹ. Vườn sầu riêng trồng nhiều giống khác nhau để thụ phấn chéo thì sẽ cho nhiều trái hơn. Khoảng cách là 12 m hay 10 m và tỉa dần sau nhiều năm sản xuất, chỉ để lại 50 cây một hecta. Trái để chín trên cây chừng non 4 tháng sau khi nở hoa và thu lượm trái rụng. Dạo vườn ban đêm coi chừng lủng đầu vì trái hay rụng về đêm. Một vườn sầu riêng tốt sản xuất từ 10-18 tấn trái một hecta.
Sầu riêng có thể bị bệnh nứt nẻ thân (canker) từng mảng do nấm Phytophthora sp. gây ra. Một loài bướm Daphnusa có thể ăn trụi lá và có khi còn gặp cả sâu đục thân, đục trái nữa.
Hình ảnh cây sầu riêng
2. Đặc điểm hình thái, sinh thái và sinh học
Cây gỗ lớn 15-20m. Lá đơn, mọc so le, phiến lá dày hình trứng thuôn dài, mặt dưới màu vàng. Chùm hoa to mọc ở thân, nụ hoa tròn. Cánh hoa màu trắng, nhiều nhị, thụ phấn nhờ giơi. Quả nang mở vách to, có gai nhọn. Hạt to, vàng, quanh hạt có áo hạt mềm, màu ngà, có mùi đặc biệt, ăn ngon, vị ngọt bùi.
Cây nở hoa tháng 3-4, có quả tháng 5-9. Gốc ở quần đảo Malaixia, được trồng để lấy quả.
3. Đặc tính thực vật
Trong tự nhiên cây sầu riêng có thể đạt độ cao 27-40 m; thân mọc thẳng, vỏ thô ráp với đường kính lên đến 1,2m. Trong sản xuất, chiều cao cây thấp hơn (10-12 m). Tán to phía dưới và nhỏ dần lên phần ngọn. Nhánh mọc hơi ngang nhất là lúc mang quả nặng. Ngọn non có màu đồng với các vảy nhỏ bao phủ khi còn non. Lá thường xanh rụng lá thay phiên.
Lá có phần phía cuống hơi nhọn đến gần tròn nhưng nhọn phía chót lá. Lá đơn hơi rũ; mặt trên màu xanh đậm, phẳng và bóng láng; mặt dưới màu nâu nhạt óng ánh làm cho cây có một dáng vẻ hấp dẫn, rực rỡ và sinh động.
Hoa có mùi hương rất mạnh; cuống hoa đính thành từng chùm treo trên cành. Cần một giai đoạn từ 3-4 tuần thời tiết khô để kích thích ra hoa. Mất khoảng 1 tháng cho hoa phát triển từ mới nhú đến nở hoa. Khi trưởng thành nứt ra để lộ 5 đài hoa liên kết với nhau và 5 cánh hoa mà có màu trùng hợp với thịt quả. Hoa thuộc loại lưỡng tính, nhị đực và nhụy cái trong cùng một hoa. Tự thụ phấn hiếm khi xảy ra bởi khi hoa nở (thường từ 15 giờ đến nửa đêm) nhụy cái và nhị đực không nở cùng một lúc. Thông thường phải được thụ phấn chéo để đậu quả. Tuy nhiên có một vài giống có khả năng tự tương hợp cao.
Mặc dù hoa hấp dẫn nhiều côn trùng; như ong, bướm, muỗi và kiến; cấu trúc hoa sầu riêng là đặc trưng cho kiểu thụ phấn nhờ dơi. Bướm đêm và dơi nhỏ (chủ yếu Eoncyteris spelea) được xem là những động vật thụ phấn quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Ong mật cũng đến hoa nhưng thường quá sớm (trước khi hạt phấn sẳn sàng).
Quả có áo hạt là phần ăn được (thịt quả), bắt đầu hình thành từ 4 tuần sau khi hoa thụ phấn. Lúc bắt đầu như một lớp mỏng màu trắng sau đó mở rộng bao phủ toàn bộ hạt. Thịt quả thay đổi rất lớn giữa các giống. Chất lượng thịt quả thường tăng theo tuổi cây nhưng có thể quả sẽ nhỏ hơn.
4. Thông tin thị trường
Sầu riêng đã được trữ lạnh bán trái tươi hay múi tươi đựng trong hộp nhựa dẻo trong các siêu thị thực phẩm Á Đông ở Âu Mỹ với giá cao cho dân sành điệu. Ăn quen thì kem sầu riêng khá ngon.
Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất thế giới, nhờ hầu hết các vườn chuyên canh đều trồng các giống lai 3n như: Mon-tong, Chanee, Kradom, Khan Yoa... Các giống này đã lai tạo theo định hướng của nhu cầu xuất khẩu như hạt lép (100%), cơm ráo (có thể tách lấy múi (cơm), trái bảo quản và vận chuyển lâu hư, hương thơm trung bình (khách nước ngoài không thích mùi hương quá mạnh của sầu riêng), màu vàng sáng hấp dẫn. Hiện nay, nhiều đơn vị, cá nhân đã nhập giống sầu riêng Thái Lan về trồng, chọn giống Mon-tong ngon nhất.
Khuynh hướng thâm canh ở Thái Lan là chỉ trồng cây tháp để đảm bảo chất lượng như cây mẹ, mau ăn (sau 3 năm trồng có trái bán), mật độ dầy (khoảng cách 6-7 m, thay vì 10-12 m) để đạt năng suất cao ngay những năm đầu cho trái, sau 15-20 năm lại thay giống mới có nhiều đặc tính ưu việt hơn. Cây sầu riêng ở Thái Lan không chỉ trồng ở vùng đất thịt, đất đỏ basalt mà còn phát triển mạnh ở vùng đất cát xám có đầu tư hệ thống tưới và chăm sóc thâm canh cao. Tỷ lệ phân bón NPK cho sầu riêng thời kỳ cây còn nhỏ là 2-3-1, còn cây đã vào giai đoạn khai thác (cho trái) vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể theo tỷ lệ 2-1-1, ở miền Đông, miền Trung cần tăng kali hơn: 2-1-2 hay 2-1-3, dạng kali sulfat tốt hơn dạng clorur vì phân clorur làm giảm phẩm chất trái, trái sượng. Nếu đất thiếu mùn, cần bón lượng phân hữu cơn cao (30-50 kg/gốc/năm).
5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
5.1 Thiết kế vườn trồng
- Thiết kế vườn trồng phải đảm bảo các yêu cầu như thoát nước tốt trong mùa mưa, đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh gây hại và chống xói mòn để giữ độ phì cho đất.
5.2 Kỹ thuật trồng
- Thời điểm trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa (tháng 5 - tháng 8).
- Tùy thuộc vào loại đất, giống và chế độ chăm sóc để bố trí mật độ trồng cây cho phù hợp. Tuy nhiên, loại đất tốt giàu dinh dưỡng như đất đỏ bazan nên trồng 100 cây/hécta, tương đương 10mx10m/cây. Còn đất xám trồng 125 cây/hécta khoảng 8mx10m/cây. Trong giai đoạn đầu cây còn nhỏ nên trồng xen canh một số cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài, tránh lãng phí đất và chống xói mòn.
- Đào hố trồng cây trước khi trồng khoảng 1 - 2 tháng. Hố đào sâu khoảng 0,7m và dài, rộng 1mx1m. Sau đó, mỗi hốc sử dụng 0,5kg vôi để xử lý một số loại sâu bệnh. Khi đào hố được 2 tuần, mỗi hố tiếp tục dùng 20 - 40kg phân hữu cơ hoại mục, 1kg phân lân, 0,5kg vôi bột và một nửa lớp đất mặt đào từ hố lên trộn đều cho xuống và lấp lại cao hơn mặt đất tự nhiên. Lúc trồng cây, đào hố vừa bằng bầu cây giống, nếu thấy cây có rễ già nhiều dùng kéo sắc tỉa bỏ bớt rễ già rồi đặt cây vào hố trồng, nén đất chặt xung quanh bầu cây. Trồng cây xong, cắm 3 cọc hình tam giác chụm xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để chống cho cây khỏi bị nghiêng ngả khi có mưa, gió lớn. Dùng rơm, cỏ khô ủ gốc để giữ ẩm, che mát cho cây trong thời kỳ đầu và thường xuyên giữ ẩm cho cây. Nếu có nắng hạn kéo dài nên dùng vòi hoa sen tưới nước bổ sung cho cây.
5.3 Cách bón phân
- Qua đúc kết kinh nghiệm thực tế của nhiều nhà vườn thì dùng phân hữu cơ nhiều, hạn chế phân hóa học thì chất lượng cơm của trái sầu riêng tốt hơn và tỷ lệ trái sượng rất ít.
- Mỗi năm bón 20 - 30kg phân hữu cơ/cây để cây phát triển tốt còn phân hóa học bón theo từng giai đoạn phát triển. Song, trong 2 năm đầu phân hóa học pha vào nước tưới cho cây sẽ hiệu quả hơn. Những năm sau bón chung quanh tán cây và rải đều dưới tán, dùng cào trộn với đất mặt nếu không mưa tưới nhẹ. Chú ý, không bón phân Kali cho cây vì dùng loại phân này trái sẽ bị sượng.
+ Năm thứ 1: Bón 5 lần, mỗi lần 0,5kg phân 16-16-8-13S hoặc 20-20-15/cây.
+ Năm thứ 2: Bón 4 lần, mỗi lần 1kg phân 16-16-8-13S hoặc 20-20-15/cây.
+ Năm thứ 3: Bón 3 lần, mỗi lần 1,5kg phân 16-16-8-13S hoặc 20-20-15/cây.
+ Năm thứ 4: Bón 3 lần, mỗi lần 3,5kg phân 12-12-17.2 + TE/cây.
+ Năm thứ 5: Bón 4 lần, mỗi lần 5kg phân 12-12-17.2 + TE/cây.
+ Năm thứ 6: Bón 4 lần, mỗi lần 6kg phân 12-12-17.2 + TE/cây.
- Sau sáu năm cây sẽ đến thời kỳ kinh doanh cho trái ổn định. Lúc này các nhà vườn dùng nhiều loại phân bón để cung cấp đủ dưỡng chất cho cây. Cụ thể, sau thu hoạch bón 2-4kg phân 20-20-15 và 10-20kg phân chuồng hoai mục/cây. Trước khi cây trổ bông 1-2 tháng bón 1-2kg 10-52-17/cây, khi quả bằng trái cam bổ sung thêm 2-4kg phân 20-20-15 và 9 tuần sau khi đậu trái bón 2-4kg 20-20-15/cây.
- Nếu có điều kiện, các nhà vườn nên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân hóa học qua đường ống cho cây sầu riêng. Hệ thống này giúp nông dân giảm được 85% công tưới, bón phân, đồng thời hạn chế thất thoát phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân của cây. Như vậy, cây sẽ rút ngắn được thời gian cho trái, năng suất, chất lượng tăng cao và tuổi thọ được kéo dài.
5.4 Tỉa cành, tạo tán
- Khi cây nhỏ chỉ để 1 ngọn, tỉa bỏ hết chồi gốc. Cành đầu tiên để cách mặt đất 30cm, sau đó để các cành nhỏ trên thân chính cách nhau từ 8-10cm, cùng một vị trí không để 2 cành vì cây sẽ bị chẻ khi mang nhiều quả. Tỉa bỏ hết cành vọt, cành gầy yếu để cây phát triển tốt.
Sầu riêng của Đồng Nai tại Festival Trái cây Việt Nam được nhiều du khách đánh giá cao.
- Thời kỳ cây mang trái tỉa cành gầy yếu, khô, bệnh khoảng 3 lần/năm. Lần 1 sau thu hoạch, lần 2 vào tháng 8-9 và lần 3 vào thời điểm cây cho trái bằng quả quýt.
- Cây sầu riêng ra hoa 2-3 đợt/năm, nhưng chỉ chọn một đợt chính còn lại loại bỏ hết để cây có sức nuôi trái. Khi hoa nở 20-30 ngày tỉa bỏ một nửa số hoa, hoa nở 35-42 ngày tỉa tiếp, chỉ để 200- 300 trái/cây và sau khi hoa nở 50- 56 ngày, chỉ để số trái phù hợp với sức của cây từ 60-150 trái/cây.
5.5 Thu hoạch
Thời gian thu hoạch tùy theo đặc tính của từng giống, song giống địa phương Chín Hóa, khổ qua, sầu riêng hạt lép Long Thành, TX. Long Khánh từ khi xả nhị đến lúc thu hoạch khoảng 105-110 ngày. Các giống nhập như sầu riêng Dona từ lúc xả nhị thu hoạch 130-135 ngày.
* Chú ý, khi trái non vừa đậu đến khi trái non bằng quả quýt nên phun 15cc Toba Fruit để ngăn ngừa hiện tượng rụng trái non. Đồng thời, giữ ẩm đều cho cây không để ẩm độ trong đất thay đổi đột ngột dễ gây ra hiện tượng rụng trái non. Giai đoạn trái to khoảng 1kg trở lên phải thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu đục trái. Khi trái có cơm, thời tiết mưa nhiều lưu ý bệnh thối trái.
Thành Long (tổng hợp)
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam có thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Na Uy mở đường hầm dài nhất thế giới cho xe đạp
- Ngày mai có thể quan sát nhật thực lai hiếm gặp
- Phó giáo sư Việt làm hệ thống sạc không dây cho ôtô điện
- Thủ tướng: 'Tập trung nhân lực cho công nghệ chip, vi mạch là hướng đi đúng'
- Tuổi Trái Đất được tính như thế nào?
- Ngoại trưởng Mỹ xem trình diễn robot tại Đại học Bách khoa Hà Nội
- Vì sao khi huấn luyện mô hình ChatGPT cần tới 700.000 lít nước?
- Ảnh chụp chưa từng có về 'tinh vân con cua'
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận