Đam mê sáng chế

Thứ bảy, 15/06/2019

Cô học trò H’Truyên H’Long ở xã Yang Mao, H.Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk không chỉ học giỏi mà còn đoạt giải quốc gia về sáng chế...

Hệ thống 'điều hòa nhiệt độ' của học trò M’Nông


Cô học trò H’Truyên H’Long ở xã Yang Mao, H.Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk không chỉ học giỏi mà còn đoạt giải quốc gia về sáng chế...

Cô học trò H’Truyên H’Long. QUANG VIÊN

Thầy Y Sang Niê là Hiệu trưởng Trường THCS Yang Mao, nơi H’Truyên theo học, sốt sắng đưa tôi đến nhà cô học trò “cưng” ở buôn Kiều. Chiều muộn, H’Truyên cũng từ rẫy đeo gùi về đến nhà. Cô bé người M’Nông với đôi mắt to tròn, đen láy, lễ phép mời chúng tôi vào căn nhà rộng chừng 10 m2, trống huơ trống hoác.

Thầy Y Sang Niê cho biết: Gia đình của H’Truyên là hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ em có vài sào đất trồng hoa màu nên không nuôi được 5 miệng ăn. Đi học nhưng H’Truyên còn phải thường xuyên đi kiếm củi, làm cỏ lúa, đào sắn, giữ bò... giúp bố mẹ. Mấy lần cô học trò nghèo bỏ học nhưng giáo viên chủ nhiệm luôn động viên em tiếp tục đến trường.

H’Truyên thật thà tâm sự với đôi mắt đượm buồn: “Nhà cháu quanh năm ăn không đủ no. Bữa ăn có thịt cá chỉ là giấc mơ thôi. Lâu lâu bố kiếm được ít cá suối, còn món thường xuyên ăn với cơm là lá sắn xào với dầu. Cháu thèm được ăn một tô bún lắm”.

Thầy Y Sang Niê cho biết thêm: “Nhiều năm rồi, H’Truyên phải đi nhờ xe đạp của bạn để đến trường. Năm nay, nhà em mới có điện và góc học tập của em là nền nhà”. Nghèo khó như vậy, nhưng suốt từ lớp 1 đến lớp 9, H’Truyên luôn là học sinh giỏi hoặc tiên tiến. Đặc biệt, trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được tổ chức vào tháng 3.2018 tại TP.Đà Lạt, H’Truyên H’Long đã xuất sắc đoạt giải nhì. Sản phẩm dự thi của cô học trò nghèo này mang tên dự án “Điều hòa nhiệt độ nhà ở bằng phương pháp tiếp đất và thông khí”.

Ý tưởng thực hiện dự án của H’Truyên bắt nguồn từ mơ ước muốn giúp bà con nghèo sống trong những căn nhà cực nhỏ luôn nóng hừng hực vào mùa hè và lạnh lẽo vào mùa đông có được thiết bị thay thế máy điều hòa vừa rẻ tiền, vừa tiết kiệm điện.

Ngồi ngay trên nền nhà, H’Truyên vẽ ra rồi thuyết minh cho tôi về dự án đoạt giải của mình. Đó là hệ thống điều hòa nhiệt độ nhà ở bằng phương pháp tiếp đất và thông khí. Hệ thống điều hòa này tận dụng nhiệt ở tầng đất sâu 2 m để làm mát hoặc làm ấm cho ngôi nhà. Để lấy được không khí đã làm mát hoặc đã làm ấm thì sử dụng hệ thống ống chôn dưới đất, kết hợp việc lưu thông khí bằng quạt hút. Quạt hút, ống thoát khí sử dụng năng lượng mặt trời để giảm điện năng đến mức thấp nhất.

Mặc dù có năng khiếu vật lý, nhưng ước mơ của H’Truyên H’Long là trở thành bác sĩ để sau này chữa bệnh cho bà con nghèo ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
 

Cậu học trò trường làng mê sáng chế

 
Với đam mê sáng chế, Nguyễn Nhật Lâm, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đạt giải cao trong nhiều cuộc thi khoa học với những sản phẩm thông minh, hướng đến người khuyết tật.

Nam sinh Nguyễn Nhật Lâm mày mò chế tạo chiếc chân robot cho người khuyết tật. ẢNH PHẠM ĐỨC

“Biến” xe đạp cà tàng thành xe điện

Về thôn Phú Long (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hỏi nhà cậu học trò đoạt nhiều giải cao về sáng tạo khoa học kỹ thuật Nguyễn Nhật Lâm, ai cũng biết. Ngôi nhà cấp 4 nằm khuất phía sau nhà văn hóa thôn là nơi gia đình Lâm đang sinh sống. Trò chuyện với chúng tôi, cậu học trò có đôi mắt sáng và dáng người nhỏ nhắn cho biết cơ duyên đưa cậu đến với việc sáng tạo là từ chiếc xe đạp cũ.

“Đầu năm học cấp 2, mỗi ngày em cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ từ nhà đến trường với khoảng cách 7 cây số. Những ngày trời nắng, để đạp xe vượt quãng đường dài như thế là một cực hình. Em luôn ao ước mình sẽ có một chiếc xe đạp điện như các bạn để đến trường, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép. Vì thế, em đã nảy ra ý tưởng biến chiếc xe đạp này thành chiếc xe đạp điện”, Lâm kể.

Để thực hiện ý tưởng của mình, Lâm bắt đầu tìm các thiết bị có sẵn tại địa phương, như động cơ điện, bo điều khiển, bình ắc quy... Sau đó, gắn các thiết bị này lên chiếc xe đạp thường của mình. Gần 1 năm mày mò, đầu năm học lớp 7, Lâm đã có chiếc xe đạp điện do mình tự sáng chế để đến trường. Từ thành công ban đầu, cậu học trò đam mê sáng tạo tiếp tục lên mạng học hỏi thêm cách cài các phần mềm và thiết kế đồ họa.

Từ ngày thấy con trai có khả năng sáng tạo, việc học tập cũng mỗi ngày một tốt lên, bà Nguyễn Thị Duyễn (52 tuổi, mẹ Lâm) mừng lắm. Bà càng thêm tự hào khi Lâm còn giúp đỡ được rất nhiều người dân trong việc cài đặt lại các phần mềm bị lỗi trên điện thoại và máy tính. Gia đình không mấy khá giả nên vợ chồng bà Duyễn cũng chỉ biết động viên con cố gắng học tập và sáng tạo để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn.

Sáng chế chân robot cho người khuyết tật

Trong căn phòng nhỏ, chiếc bàn học của Lâm chất đầy các thiết bị và linh kiện điện tử, trông không khác gì phòng làm việc của một thợ sửa chữa điện tử lành nghề. Lâm bật mí: “Đây là toàn bộ “đồ nghề” mà em sử dụng để sáng tạo ra máy khắc laser hồi kỳ nghỉ hè năm lớp 10 và chân robot cho người khuyết tật vào hè lớp 11”. Hỏi cậu lấy ý tưởng từ đâu để sáng tạo, Lâm chia sẻ: “Tất cả các ý tưởng của em đều xuất phát từ cuộc sống. Em muốn chế tạo ra một sản phẩm gì đó thật hữu ích cho người dân nhưng không quá đắt đỏ, đặc biệt là với những người khuyết tật”.

Nói về ý tưởng sáng chế chân robot cho người khuyết tật vừa giành giải ba Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018, Lâm cho biết xuất phát từ việc thấy người khuyết tật nơi cậu sinh sống sử dụng chân giả cơ học có giá thành cao nhưng không bền, nên khao khát nghiên cứu ra một loại chân có thể vừa điều khiển theo ý muốn của người dùng, vừa có giá thành thấp.

Sau khi lên kế hoạch và được nhà trường hỗ trợ kinh phí, Lâm lên các website nước ngoài đặt mua động cơ silanh, ắc tuor ở Canada và hệ thống cảm biến đo cơ bắp ở Mỹ. Chỉ mất khoảng 2 tháng, Lâm đã sáng chế ra chiếc chân robot có 2 chế độ hoạt động, gồm chế độ người dùng tự điều khiển bằng cảm biến cơ bắp và chế độ tự động bằng cảm biến thăng bằng MPU. “Điểm ưu việt của chiếc chân này là ở chế độ tự động, khi người khuyết tật bước đi thì chân sẽ tự động co duỗi theo ý muốn. Ngoài ra, chân còn được trang bị 1 nút cứu trợ để giúp người khuyết tật báo tin cho người thân khi gặp sự cố. Khi ấn nút cứu trợ, 1 tin nhắn chứa thông tin tọa độ sẽ được gửi đến số điện thoại của người thân để họ biết vị trí người đang yêu cầu cần giúp đỡ”, Lâm hào hứng nói.

Trước đó, sản phẩm máy khắc laser với tính năng vượt trội và có tính ứng dụng cao do Lâm tự sáng chế cũng xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2016-2017.

Hôm chúng tôi đến cũng là thời điểm Lâm vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Hỏi về dự định sắp tới, Lâm cho biết đã đăng ký xét tuyển vào Khoa kỹ thuật Hóa học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê sáng chế của mình. 
 
Bảo Ngọc tổng hợp (Theo Thanh niên)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×