Đam mê sáng chế vì cộng đồng

Thứ bảy, 06/04/2019

Thầy giáo Tin học Trần Trung Hiếu (sinh năm 1985, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, An Giang) không chỉ nghiên cứu chế tạo ra “Chú nông robot” và bình xịt thuốc bảo vệ thực vật sử dụng năng lượng mặt trời, mà thầy còn hướng dẫn nhiều học trò cùng sáng tạo.

Chú nông robot của thầy giáo trẻ


Thầy giáo Tin học Trần Trung Hiếu (sinh năm 1985, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, An Giang) không chỉ nghiên cứu chế tạo ra “Chú nông robot” và bình xịt thuốc bảo vệ thực vật sử dụng năng lượng mặt trời, mà thầy còn hướng dẫn nhiều học trò cùng sáng tạo.


Từ bình xịt đến máy đa năng
​​​​​​
 Bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời của thầy giáo Trần Trung Hiếu có ưu điểm sử dụng đơn giản, trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng 4-6kg, phun sương mạnh phù hợp áp dụng cho cây lúa và hoa màu. Đồng thời tiết kiệm điện năng và hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường.

Với nguyên lý hoạt động nạp năng lượng mặt trời vào hệ thống tích điện và tự động ngắt khi nạp đầy, bình xịt có thể hoạt động cả ngày khi sử dụng phun thuốc trên rau màu.

“Thí điểm trên diện tích 3 công đất trồng cam của gia đình, bình xịt năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn so với khi sử dụng máy bán trên thị trường từ 40-50%. Nếu trước đây, mỗi lần phun thuốc phải dùng 15 bình thì nay giảm xuống còn 7 bình, hiệu quả không thay đổi”, Hiếu cho biết.

Mặc dù bình xịt đã đạt hiệu quả và được chứng minh qua thực tế sử dụng, có hàng chục hộ nông dân tới đặt hàng, nhưng Hiếu vẫn chưa hài lòng.

Nhận thấy bình xịt chỉ hiệu quả trên diện tích canh tác vừa và nhỏ, cậu tiếp tục bắt tay nghiên cứu chế tạo chiếc máy nông cụ nhiều chức năng, đạt năng suất lao động cao hơn, bảo vệ sức khoẻ cho nông dân sử dụng.

Năm 2017, Hiếu cho ra đời chiếc máy đa năng có thể xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân,… đồng thời vẫn giữ các ưu điểm thời gian sử dụng dài, tiết kiệm lượng thuốc cần phun xịt.

Xe có chiều dài 2m, ngang 1,5m và cao 1,5m với các bộ phận: Pin năng lượng mặt trời, hệ thống sạc, hệ thống bơm áp lực, hộp điều khiển... Hiếu cho biết, sử dụng máy sẽ giảm nhân công lao động, giảm lượng thuốc phun thừa, không gây ảnh hưởng sức khỏe con người và giảm chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Mỗi ngày xe có thể làm việc trên dưới 200 công ruộng. Sản phẩm sáng tạo này của Hiếu đã đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2017.

“Hiện tôi đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến chiếc máy nông nghiệp đa năng này hoạt động bằng cách điều khiển từ xa thông qua điện thoại di động thay cho việc người trực tiếp điều khiển máy trên đồng.Demo chiếc máy đã có, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thiện”, Hiếu tiết lộ.

Cùng học trò sáng tạo

Trần Trung Hiếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp đông anh em ở ấp Hoà Lợi 2, xã Vĩnh Lợi (huyện Châu Thành, An Giang).Ngoài những buổi đến trường, cậu còn giúp đỡ cha mẹ làm ruộng vườn nên thấu hiểu cảnh vất vả của người làm nông.

“Hình ảnh người cha ngày càng có tuổi phải căng mình làm 3 công cam và 60 công ruộng với hàng đống máy móc cồng kềnh đã thôi thúc tôi tìm tòi, sáng chế máy móc để hỗ trợ cho cha”, Hiếu chia sẻ.

Hiếu cho biết thêm, ý tưởng bình xịt năng lượng mặt trời hình thành từ hè năm 2015 và mất 4 tháng sau để ra mắt sản phẩm đầu tiên. Giờ đây, cậu đang có ý định chế tạo chiếc máy cho tôm, cá ăn.

Không chỉ tự mày mò nghiên cứu, phát triển ý tưởng của mình, Hiếu còn hỗ trợ về kỹ thuật, kiến thức cho nhiều học trò tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho đối tượng thiếu niên nhi đồng.

Với sự hỗ trợ của thầy Hiếu, sản phẩm Hệ thống chăm sóc cây thông minh của học trò đã đạt giải Ba cấp tỉnh, giải Khuyến khích cấp quốc gia. Hiếu đang hướng dẫn học trò sáng tạo máy dẫn dụ côn trùng nhằm góp phần hạn chế thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa.

Còn sản phẩm của thầy Hiếu mới đây lọt vào TOP 10 Chung kết Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn lần thứ I, do T.Ư Đoàn tổ chức.
 
 

Chàng trai mê sáng chế vì cộng đồng


Đam mê sáng chế từ nhỏ, Trương Công Hoàng, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đã dành cả thanh xuân chỉ để sáng chế những chiếc máy giúp ích cộng đồng.



Những chế tạo độc đáo

Nghe đến gia tài hơn 10 chiếc máy đã được sáng chế và đi vào hoạt động, ít ai dám tin rằng tác giả chỉ mới 27 tuổi và là thành quả sáng chế trong khoảng 4 năm. Điều đặc biệt, những chiếc máy này với công suất cao và phục vụ rất tốt cho nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp lớn chứ không đơn thuần chỉ giúp cho các hộ gia đình đỡ vất vả như mục đích ban đầu mà Hoàng nhắm đến.

Hỏi về những chiếc máy đã chế tạo, Hoàng chia sẻ: “Mình làm nhiều lắm rồi, mỗi máy với cùng chức năng còn có nhiều loại khác nhau... Thậm chí nếu vô tình xuất hiện một ý tưởng nào độc đáo là mình làm ngay, nên đến giờ không nhớ hết được.

Nếu tính từng loại máy với các chức năng khác nhau thì đã hơn 10 cái rồi, như: máy lột vỏ trứng cút, máy lột vỏ trứng gà, máy tách gáo dừa, máy xay, cắt dừa công nghiệp, máy tuốt cáp, máy tách vỏ sầu riêng, máy chiết nhân sầu riêng, máy chiên gà xối mỡ…”.

Cặn kẽ hơn về những “đứa con tinh thần” của mình, Hoàng cho biết đối với máy chiên gà xối mỡ, tên gọi là như vậy nhưng công dụng của nó gần như là một chiếc máy đa năng do được thiết kế cả hai chế độ ngâm nhúng và xối.

Chính vì thế, máy có thể chiên, ngâm, nhúng, xối và làm chín các loại thực phẩm khác nhau như gà, thịt, cá, khoai tây chiên và các loại rau củ quả cần làm chín bằng dầu…

Hiện máy đã được sử dụng ở nhiều tỉnh thành, chủ yếu là các quán ăn vừa và lớn, các công ty, cơ sở chế biến gà theo dây chuyền hay các khu công nghiệp phục vụ bữa ăn hằng ngày cho hàng ngàn người…

Đối với máy xay dừa, Hoàng nói: “Thời điểm chưa có máy xay này, đa số mọi người kể cả công ty, xí nghiệp đều dùng máy truyền thống tốn khá nhiều thời gian, nhân công, và cung cấp cho thị trường tiêu thụ không đủ nên đây là một điểm bất lợi lớn. Máy xay của mình ra đời đủ khả năng giải quyết được vấn đề này.

Máy hoạt động nhanh và làm một lần theo quy trình nên tránh được tình trạng làm mệt rồi nghỉ. Máy sử dụng đĩa xay nên bền hơn, lâu thay dao và thay đĩa đơn giản hơn rất nhiều. Đặc biệt hơn nữa sẽ làm dừa xay ra mịn và đồng đều”.

Thế nhưng tâm đắc nhất với Hoàng có lẽ là chiếc máy lột vỏ trứng gà vì đây là chiếc máy khiến anh “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất. “Với máy này không phải làm một lần mà ra được, vì phải làm rất nhiều chi tiết, các chi tiết lại thay đổi liên tục mà mỗi lần thay đổi mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức.

Nghĩ ra thì đơn giản nhưng làm được lại là vấn đề hoàn toàn khác, đặc biệt là khi lắp đặt các chi tiết, khoảng cách và độ lớn nhỏ của các chi tiết rất khó khăn. Để bóc được quả trứng thì máy phải có độ chính xác của 2 trục lột phải vừa khít để lúc quay có thể lột được vỏ và cho công suất cao”, Hoàng nói.

Máy có công suất 3.000 quả trứng mỗi giờ, trứng sau khi luộc chín được cho vào máng làm dập vỏ, sau đó trục xoắn phía dưới sẽ tạo ra lực ép để tách bỏ phần vỏ trứng. Máy có tích hợp hệ thống nước làm sạch và làm giảm ma sát khi tách vỏ trứng, tạo ra trứng thành phẩm còn nguyên vẹn và sạch.

Tâm huyết vì cộng đồng

Tốt nghiệp ra trường, đi làm cho công ty được 1 năm rưỡi thì Hoàng quyết định nghỉ để toàn tâm toàn lực cho đam mê sáng chế.

1 năm rưỡi đi làm là khoảng thời gian rất vất vả. “Không đi làm thì không có kinh phí để trang trải đam mê, sau một ngày làm việc 8 tiếng tại cơ quan, về đến phòng trọ là mình xắn tay vào miệt mài công việc sáng chế. Vất vả đến quên cả ăn, cả ngủ nên mình quyết định nghỉ làm và chỉ tập trung sáng chế”, Hoàng thổ lộ.

 Ông Trương Cao Long (bố Hoàng) nói: “Lên thăm con mà thấy con miệt mài quá, xót lắm. Làm đến quên ăn, quên ngủ. Chưa nghĩ ra được cái gì là người bứt rứt khó chịu, mà nghĩ ra được rồi là cứ miệt mài làm cho xong. Nhiều lúc làm mệt quá trải luôn tấm carton ra nền nhà ngổn ngang rồi chợp mắt, đầu óc Hoàng lúc nào cũng thôi thúc phải suy nghĩ, phải sáng tạo”.

“Bất cứ sản phẩm nào mình bắt tay vào sáng chế, với mình đều xuất phát từ việc chứng kiến những khó khăn, vất vả của người lao động, những lúc đó mình đều nghĩ phải làm một điều gì đó, và từ đó những chiếc máy của mình lần lượt ra đời. Tuổi trẻ là thời gian sung sức và nhiều ý tưởng nhất, nếu không phải bây giờ thì là khi nào nữa”, Hoàng chia sẻ.

Chính những tâm huyết và ý nghĩa mà sản phẩm do Hoàng sáng chế mang lại cho cộng đồng, Hoàng đã được nhận giải thưởng “Sáng kiến vì cộng đồng” do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM trao tặng.
 
 

Nữ giáo viên biễn rác thải… có ích


Nữ giáo viên môn sinh học ở Quảng Bình vừa thành công với ý tưởng 'biến' rác thải thành những vật dụng có ích, một thông điệp bảo vệ môi trường không thể hấp dẫn và thú vị hơn!

Kết quả “khảo sát” mà cô giáo Nguyễn Thị Nga (30 tuổi, Trường THPT Hùng Vương, ở xã Cự Nẫm, H.Bố Trạch, Quảng Bình) thu được sau khi phát phiếu điều tra đến 890 học sinh ở 25 lớp về tác hại của bao ni lon và nhựa đối với môi trường sinh thái đã hé lộ một sự thật: không phải học sinh nào cũng tường tận về ô nhiễm môi trường, nhất là tác hại với chính sức khỏe của bản thân.

Số lượng người tham gia tái chế rác thải ở trường học và gia đình cũng chưa nhiều; hầu hết bỏ rác thải không đúng nơi quy định, còn rác thực vật thì chủ yếu... quẳng ra môi trường chung quanh.



Ý tưởng xanh

Thực tế này đã thôi thúc cô Nga nghĩ chuyện tái chế rác, mà việc tạo phân hữu cơ từ rác thực vật là một trong các phương án hữu hiệu mà cô theo đuổi. Đầu tiên phải chọn nơi có địa hình cao ráo trong khuôn viên trường, thoát nước tốt, xa khu vực vui chơi và học tập của học sinh rồi đào hố khoảng 2x2m, sâu 1 m.

Miệng hố tạo gờ để chống nước mưa tràn vào, sau đó lót bạt dưới đáy, cho một ít đất tơi xốp dày khoảng 10 cm, bổ sung ít giun đất. Lớp phía trên là hỗn hợp gồm 70% rác thực vật (như lá phượng, rác từ cắt tỉa hoa trong trường, cỏ từ các bồn hoa) cắt nhỏ bằng máy cắt chuối, trộn với 2% đạm và ka li, thêm phân men (phân chuồng, lân). Sau đó tưới nước đảm bảo độ ẩm, phủ trên bề mặt một lớp đất mỏng 1 - 2 cm rồi dùng bạt phủ kín…

Cứ thế, đến cuối tuần lại thu gom rác cắt nhỏ, trộn đều thành mẻ thứ hai, cho vào hố và đảo đều với mẻ thứ nhất. Cứ làm như vậy cho đến khi đầy hố. Cuối tháng thứ 2, hố sẽ cho ra một lượng phân bón và mang dùng cho các bồn hoa trong trường, vườm ươm hoa và nghề rừng…

Rác thải hữu cơ ở nhà cũng được xử lý theo quy trình tương tự, có thể dùng thùng xốp nhỏ thay vì đào hố đất. Sau khoảng 1 - 2 tuần ủ, thùng phân xanh đã sẵn sàng phát huy tác dụng để bón cho cây, hoặc mang cây trồng trực tiếp lên thùng ủ phân.

Còn với chất thải nhựa? Các vỏ chai nhựa cũng được cô Nga đưa vào ý tưởng… tái chế làm dụng cụ học tập: chậu cây cảnh hoặc chậu cây môn sinh học lớp 11 từ chai nhựa. Những thứ tưởng vô dụng, bỏ đi nay được cắt tỉa, trang trí (bằng giấy gói quà đã sử dụng, giấy gián tường, vải, keo nến); rải một ít sỏi dưới đáy chậu tạo độ thoáng khí và thoát nước, thêm hỗn hợp đất tơi xốp và phân hữu cơ, sau đó trồng cây.

Mô hình ấy đã thuyết phục và huy động rất đông học sinh, đoàn viên – thanh niên tham gia. Với chủ nhân của ý tưởng, điều mà cô giáo Nga tâm đắc là tạo ra hiệu quả “2 trong 1”: vừa góp phần bảo vệ môi trường sống, vừa tăng tính sáng tạo cho học sinh. “Học đi đôi với hành, các em hiểu sâu hơn về kiến thức các môn học và kỹ năng vận dụng các kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn”, cô giáo Nga nói.

Đây cũng là nguyên do khiến cô tìm mọi cách tổ chức trò chơi tái chế rác thải, chuyển tải thông điệp đến với các bạn trẻ ở địa phương trong dịp nghỉ hè vừa qua, và linh hoạt đưa vào thảo luận tại các tiết sinh hoạt lớp…
 
 

Chàng sinh viên xứ Quảng mang "bàn tay robot" chi phí 3 triệu đồng đến với người khuyết tật nghèo


Sau nhiều lần thử nghiệm, sinh viên Ngô Văn Dết (sinh năm 1996) khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đã chế tạo thành công “bàn tay robot” cho người khuyết tật.
Hơn 8 tháng miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu các hoạt động, cử động bàn tay và các mô hình trên thế giới, sinh viên Ngô Văn Dết đã chế tạo thành công “bàn tay robot” với mong muốn tất cả người khuyết tật nghèo đều có điều kiện sử dụng bàn tay robot, hòa nhập với cộng đồng, tham gia mọi công việc.


Sinh viên Ngô Văn Dết chế tạo bàn tay robot cho người khuyết tật sử dụng.

Dết cho biết: “Bàn tay robot hoạt động bằng lực thông qua cảm biến áp suất. Khi cảm biến áp suất nhận lực từ phần cơ tay sẽ truyền tín hiệu lực đến bộ vi xử lý, động cơ kéo dây và các ngón tay có thể nắm lại tự nhiên theo ý muốn, việc cầm nắm dễ dàng hơn nhờ được cố định bằng các chốt đàn hồi”.

Nguyên lý hoạt động của bàn tay robot rất đơn giản, sau khi cấp nguồn cho arduino, servo và cảm biến, ta tác dụng lên cảm biến, giá trị điện trở của cảm biến sẽ thay đổi từ thấp đến cao tùy theo lực tác dụng. Tín hiệu được truyền đến để xử lý, các ngón tay nắm lại, tùy vào độ to nhỏ của vật mà ta tác dụng lực nhất định vào cảm biến đủ để các ngón tay có thể nắm chắc được vật. Khi không có lực tác dụng lên cảm biến, các ngón tay sẽ mở ra.

Về chất liệu làm bàn tay robot, Dết sử dụng chất liệu nhựa in 3D, chốt nhựa dẻo đàn hồi kết nối các đốt ngón tay. Để duy trì hoạt động bàn tay robot, người sử dụng có thể sạc pin ngoài.

Ông Lê Quang Trọng (72 tuổi, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) bị mất bàn tay, ông đã trải qua một quá trình sử dụng bàn tay giả với số tiền khoảng 100 triệu đồng.
 

Ông Trọng cảm thấy rất thoải mái sau khi lắp bàn tay robot.
​​​​​​
Tuy nhiên, việc cử động, sinh hoạt của ông vẫn còn nhiều khó khăn. Sau khi được Dết lắp thử bàn tay robot, ông cảm thấy thuận tiện hơn trong cử động.

Ông Trọng cho biết: “Những người khuyết tật như chúng tôi có thể vì nhiều lý do mà mất đi bàn tay của mình và từ đó, cuộc sống thường nhật cũng trở nên rất khó khăn. Sản phẩm của Dết rất đơn giản và dễ sử dụng, tôi rất mong muốn nhiều người khuyết tật có thể được sử dụng những bàn tay robot này để cải thiện cuộc sống”.

Dết cho biết: “Em mong rằng sản phẩm này có thể đến được người cần sử dụng, với giá thành chỉ khoảng 3-4 triệu. Hiện tại, việc tiến hành thử nghiệm và xây dựng sản phẩm của riêng em đã tốn chi phí 6 triệu đồng. Nếu loại bỏ những chi tiết không cần thiết, đơn giản hóa hoạt động thì chi phí chỉ khoảng 3 triệu đồng”.

Sản phẩm “bàn tay robot” của Dết vừa được giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường do Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) tổ chức.
Đông Trần tổng hợp (sangkiencongdong.vn)
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×