Đánh thức sáng tạo

Thứ hai, 09/04/2018

Trước khi là người sáng tạo, phải có đam mê, tri thức và tinh thần ham học hỏi.
Trước khi là người sáng tạo, phải có đam mê, tri thức và tinh thần ham học hỏi.


Sáng tạo thường xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Theo PGS-TS Lê Thị Lý, giảng viên Trường ĐH Quốc tế, để luôn đổi mới và sáng tạo thành công, bạn trẻ cần giữ trong tim niềm đam mê học hỏi và ước mơ làm cho cuộc sống của mình và nhân loại tốt hơn.

TS Lê Thị Lý cho rằng để sáng tạo thì phải đọc rất nhiều về những vấn đề mình quan tâm, từ tin tức đến sách vở, các tạp chí khoa học. Tuy nhiên, cái thiếu của giới trẻ VN hiện nay là văn hóa đọc. “Không chỉ tìm hiểu thông tin từ sách báo, người đó còn cần biết cách trao đổi với những người có kinh nghiệm hơn để có được những góp ý. Nếu không thì trong hành trình đi tìm cái mới, rất có thể mình sẽ đi làm những thứ không thể hoặc những thứ người khác đã làm rồi”, tiến sĩ Lý chia sẻ.

Tiến sĩ Lý nhấn mạnh: “Một người ngồi một chỗ thì sẽ không thể có ý tưởng mới. Thay vào đó cần phải tham gia nhiều hoạt động thực tế, với người làm nghiên cứu thì đó là hội thảo khoa học, luôn nắm bắt những thay đổi mới nhất của tri thức nhân loại về vấn đề đó và những kiến thức liên ngành xung quanh đó. Nhưng trong nhiều yếu tố cần thiết thì đam mê được xem là quyết định. Nhất là trong nghiên cứu, ít ai có thể thành công ngay mà rất nhiều người phải mò mẫm nhiều ngày mới có thể thành công”.

Một GS tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nêu ý kiến: “Để sáng tạo, trước hết cần phải có kiến thức cơ bản tốt. Sau đó phải đọc thật nhiều, đọc xong thì học hỏi nhưng không lặp lại y nguyên mà phải tìm cách làm khác. Trong một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu mỗi ngày có tới mấy chục bài báo chuyên ngành xuất hiện, phải đọc thật nhiều mới có ý tưởng được. Một người nghiên cứu mà vài tuần không đọc báo chuyên ngành là thấy đã bị lạc hậu”. GS này cũng cho rằng: “Quan trọng nhất là phải có đam mê. Làm nghiên cứu thì thành công ít, thất bại nhiều. Nếu không đam mê thì dễ bỏ cuộc giữa chừng, nói chi đến sáng tạo”.

Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng để đánh thức được khả năng sáng tạo của con người, đặc biệt là người trẻ thì phải có kỹ năng về vấn đề này. Cụ thể là cần có tư duy phản biện, khả năng quan sát và đánh giá, phân tích, giải quyết vấn đề.

Theo thạc sĩ Sơn, để rèn luyện tư duy sáng tạo cần có quá trình rèn luyện lâu dài. Ngoài việc rèn luyện các kỹ năng trên cần có tính cởi mở, không ngại khó khăn, chịu dấn thân tìm hiểu và chấp nhận rủi ro trong khả năng chấp nhận được, có tính chủ động, có óc tưởng tượng và phải phá vỡ những nguyên tắc. Đáng lưu ý là mọi sự sáng tạo thường xuất phát từ những vấn đề của cuộc sống, nhất là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vì vậy, muốn phát triển tư duy sáng thì cần trải nghiệm thực tế, đi ra ngoài nhiều hơn.

“Để có khả năng tư duy sáng tạo thì một trong những nguyên lý tư duy cần có là áp dụng nguyên lý quả chanh (lemonade). Hiểu đơn giản là nếu bị ném quả chanh chua vào mặt, thay vì né nó thì hãy chụp lấy nó như một cơ hội để có được ly đá chanh ngon lành. Đây là nguyên lý đòn bẩy dự phòng, tức hãy tìm kiếm cơ hội trong những thất bại và thách thức, chớp lấy cơ hội để thành công”, thạc sĩ Sơn phân tích.
 

Nhiều ý tưởng, công trình sáng tạo của người trẻ với mong muốn tạo được không gian cho bạn trẻ phát huy hết tiềm năng sáng tạo của mình.

 
Trồng rau trong... tủ điện

 

Ba chàng trai đã có ý tưởng nghiên cứu thiết kế một tủ điện, mà khi đưa hạt giống vào đó chỉ cần bấm nút rồi chờ thu hoạch những bó rau tươi sạch.

Ba chàng trai đó là Phan Thanh Phong, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Văn Hiến; Phan Thanh Nhân, cựu SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Lê Hoàng Tuấn, SV Trường CĐ Cao Thắng.

Theo Phong, thực trạng các loại rau quả phun hóa chất xuất hiện nhiều, khiến người tiêu dùng luôn hoài nghi về tính an toàn của thực phẩm. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập và sinh sống ở TP.HCM, nhận thấy người dân ở đây không có nhiều không gian để tự tay trồng rau nên đã nghĩ ra ý tưởng làm thùng điện để... trồng rau.

Sau khi có ý tưởng, cả nhóm mày mò gia công gỗ, suy nghĩ hình dáng của tủ rồi thiết kế... Để có thể hiểu biết thêm những kiến thức về kỹ thuật, nông nghiệp, sinh học..., các thành viên đã mày mò tự học, tự nghiên cứu từ internet cũng như đi khắp các tỉnh thành, tìm đến các vựa rau, nông trại để gặp gỡ người dân hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm.

Và chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm đã biến ý tưởng ấy thành sản phẩm thực tế mang tên IFF. Theo đó, cơ chế hoạt động của thùng điện IFF rất đơn giản. Chỉ cần gieo hạt vào khay đựng, cho nước và dung dịch dinh dưỡng vào khung được quy định sẵn. Chọn loại cây trên màn hình bằng nút bấm và nhấn nút khởi động, chờ ngày có rau sạch.

“Chỉ bấm nút, còn lại tất cả mọi công đoạn sẽ có thùng điện lo, tất cả đều được tự động hoàn toàn. Cho dù ngoài trời mưa gió bão bùng hay nắng nóng đi chăng nữa, thùng điện ấy 'bất chấp' thời tiết, vẫn cho ra đời những bó rau tươi tốt, đủ chất dinh dưỡng”, Phong nói.

“Tủ sử dụng khoảng 10.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Và dù trong điều kiện cúp điện thì rau trong tủ vẫn có thể sinh trưởng bình thường, rễ cây không bị khô. Nhiều người lo ngại rau trồng trong tủ thì làm sao quang hợp, nhưng chúng tôi đã sử dụng hệ thống đèn led để thay thế ánh sáng mặt trời, nên chất lượng rau vẫn luôn đảm bảo”, Lê Hoàng Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo Phong, với thùng điện trồng rau này, người sử dụng có thể điều khiển nhiệt độ, hàm lượng dinh dưỡng, độ ẩm... và kiểm tra qua ứng dụng điện thoại do nhóm cung cấp. Mỗi lần thu hoạch được hơn 5 kg rau.

Khi được hỏi “sâu hơn” về thùng điện do nhóm sáng chế, Phan Thanh Nhân cho biết hiện tại có thể trồng được 22 loại rau, bao gồm tất cả các loại rau thông dụng như xà lách, rau muống, quế... Theo Nhân, hiện tại ở VN chưa có tủ điện trồng cây “made in VN” như sản phẩm của nhóm, thế nên việc khởi nghiệp với chiếc tủ “hô biến ra rau” này không gặp nhiều cạnh tranh trên thị trường.

“Nhóm nhắm tới một phân khúc khách hàng là những người có ít không gian và thời gian để trồng rau. Nhu cầu của người dùng ở TP.HCM và các thành phố hiện đại là có nên chúng mình tự tin với việc khởi nghiệp. Sản phẩm này còn đánh vào yếu tố tiện lợi và thẩm mỹ, có thể kết hợp trồng cây cảnh tạo mỹ quan cho nhà thông minh rất tiện lợi. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho IFF. Ngoài ra, trong tủ điện ấy có lắp thêm bộ phận điều hòa nhiệt độ hoạt động theo nguyên lý bán dẫn, giúp sản phẩm hoàn toàn khác lạ so với những sản phẩm “made in nước ngoài”, Nhân cho biết.

Bà Trần Thanh Hoài (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhận xét: “Thùng điện trồng rau này rất tiện lợi. Nhìn vào như thùng trồng cây cảnh trong nhà, rất thẩm mỹ, có kích thước vừa phải, nhỏ gọn. Cách trồng rau này có thể thay thế phương pháp trồng rau thủy canh, vốn chưa thẩm mỹ và tốn diện tích. Nhà tôi không có nhiều không gian nhưng vẫn có thể trồng được rau sạch để ăn nhờ sản phẩm hữu ích này”.

Đến thời điểm này, “thùng điện” của nhóm cũng đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp, như: giải 3 cuộc thi Startup Student Idea do T.Ư Hội Sinh viên VN tổ chức, giải nhì cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tổ chức... Bên cạnh đó, hiện đã có hai nhà đầu tư đang đàm phán, ngỏ lời muốn đầu tư để phát triển sản phẩm này.

Lê Hoàng Tuấn cho biết, trong thời gian tới sẽ thay đổi lại mẫu mã sản phẩm, phù hợp với thị hiếu nhiều người hơn. Bên cạnh đó cập nhật thêm nhiều loại giống rau, cải thiện tính ổn định... để người dân tin dùng, lựa chọn.
Ngọc Mai tổng hợp

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×