Đất sỏi có chạch vàng

Thứ ba, 25/08/2015

Chiến sĩ - Bác sĩ Kiều Văn Khương tài năng trẻ đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2011


Các cụ xưa thường bảo "Đất sỏi có chạch vàng", ý nói những vùng đất nghèo khó vẫn có thể sinh người tài giỏi làm rạng danh cho quê hương đất nước và hiển vinh cho gia đình, dòng tộc... Trường hợp của bác sĩ quân y Kiều Văn Khương có lẽ đúng là như vậy... Anh sinh ra và lớn lên ở một vùng trung du nghèo khó của xứ Đoài mây trắng... Cái vùng đất ấy có nhà thơ đã từng đau đáu: "Cha ơi, cha cho con phép / Mở đất phong bao / Từ ngày cha lên núi... / Con đã thành những tảng đá ong / Mẹ nhỏ vào con nước mắt / Cha lại đi trong sấm người trai Đông Chấn / Mẹ lại xa trong sóng rợn Tây Đoài...". Vùng quê thuộc Phủ Quốc xưa này tuy nghèo khó nhưng lại hội tụ được khí thiêng sông núi và rất nên thơ. Chẳng phải thế mà Quang Dũng đã từng khắc khoải thế này sao: "Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn / Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng / Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc / Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...". Có lẽ tuổi thơ của Kiều Văn Khương đã được thấm đẫm cái hơi thở của văn hóa Phủ Quốc và tất nhiên cả ý chí của con người xứ Đoài nữa...

Suốt 12 năm học phổ thông, Kiều Văn Khương luôn là học sinh xuất sắc của huyện và được thầy hiệu trưởng đặt cho biệt danh: "Con chạch vàng của quê hương đất sỏi". Câu nói của thầy bắt nguồn từ tục ngữ, ý nói vùng núi trung du đất sỏi mà lại có chạch vàng, thật hiếm hoi... Và, đúng là "đất sỏi có chạch vàng" thật. Thi đại học, Khương đỗ cả 4 trường (hồi đó đăng ký thoải mái): Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Thủy lợi và Học viện Quân y... Cuối mùa hè năm 1994, sau khi biết tin đỗ một lúc 4 trường đại học Khương và gia đình mừng lắm nhưng cũng có nhiều băn khoăn, là chọn trường nào đây? Trường nào thì phù hợp nhất? Sau nhiều đêm suy nghĩ, Khương quyết định chọn học ở Học viện Quân y. Bây giờ nhớ lại cái quyết định ấy, anh lý giải rằng, lúc đó nó bắt nguồn từ hai lý do: Thứ nhất là vì từ bé anh đã yêu màu áo bộ đội. Anh kể: "Năm học lớp 6 có 1 kỷ niệm đáng nhớ là phong trào gửi thư cho các chú bộ đội đảo Trường Sa, thư của tôi vinh dự được chọn lựa gửi ra đảo. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ một câu trong bức thư đó - các chú như những vì sao sáng lung linh giữa biển khơi dẫn đường chỉ lối cho chúng cháu đi theo"... Còn lý do thứ hai xuất phát từ mong ước và nguyện vọng của mẹ anh. Mẹ muốn anh học làm bác sĩ để chữa bệnh và cứu người... Quả thật đến giờ anh vẫn luôn thấy rất hạnh phúc vì mang lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân nặng, nguy kịch. Mỗi khi khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống, chỉ nghĩ đến nụ cười của những bệnh nhân khi xuất viện, Khương lại thấy tăng thêm năng lượng và ý chí làm việc...

Đầu thu năm 1994, Khương rời vùng quê Đông Yên, tạm biệt Phủ Quốc để nhập học tại Học viện Quân y. Từ đây, anh bắt đầu bước vào một giai đoạn học tập kéo dài trong 7 năm trời trong một môi trường "rèn luyện kép", vừa là trường quân đội, lại vừa là ngành y. May mắn với Khương là môi trường học tập ở Học viện Quân y khá hoàn chỉnh, hầu hết đều được xây dựng cơ bản, các điều kiện vật chất và tinh thần tương đối thuận lợi (tổ chức chặt chẽ, hội trường, giảng đường, thư viện, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, không gian...). Đây thực sự là những điều kiện khách quan tạo nên môi trường học tập tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt, còn việc sử dụng, tận dụng, tự tạo môi trường học tập cho phù hợp trong quá trình học tập như thế nào, điều đó lại phụ thuộc vào sự nỗ lực, tích cực, lựa chọn của chính anh. Và, Khương đã tự sắp xếp, bố trí hợp lý thời gian, công việc rất hợp lý để tận dụng tối đa những điều kiện hiện có trong việc học tập. Anh cũng tự lựa chọn cho mình một không gian học tập phù hợp với khả năng cùng một phương pháp học tập rất tốt. Nếu nói phương pháp học tập là công cụ hữu hiệu giúp người học thu nạp thông tin, rèn luyện kỹ năng, từng bước hoàn thiện năng lực cá nhân thì thành công trong học tập của Khương chính là nhờ anh đã áp dụng rất tốt phương pháp đó...

Trong những năm tháng học tập tại Học viện Quân y với nỗ lực trong học tập và rèn luyện, Khương đã vinh dự được kết nạp vào Đảng khi còn là sinh viên. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ, anh sớm ý thức được vinh dự và trách nhiệm lớn lao của một đảng viên. Khương luôn tâm niệm: Là đảng viên- bác sỹ phải luôn giữ vững lập trường tư tưởng, đặc biệt là tinh thần vượt khó khăn để chuyên tâm chữa bệnh cứu người, như lời Bác Hồ kính yêu đã từng nhắn nhủ những người làm nghề y: "Thầy thuốc như mẹ hiền".

Sau 7 năm đằng đẵng, miệt mài học tập và nghiên cứu, tháng 10 năm 2001, Kiều Văn Khương tốt nghiệp Học viện Quân y và về nhận công tác tại Quân khu III. Sau ba năm tiếp tục rèn luyện trong môi trường thực tế tại vùng Đông Bắc của Tổ quốc, năm 2004, anh được về học cao học nội chung khoá 13 tại Học viện Quân y. Hai năm sau, năm 2006, Khương bảo vệ thành công Thạc sỹ và được nhà trường giữ lại công tác tại Bộ môn khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 103.


Bộ môn khoa Hồi sức tích cực thường được ví von là "nơi đầu sóng ngọn gió", bởi nhiệm vụ của các y, bác sỹ của Bộ môn này là: cấp cứu kịp thời bệnh nhân nguy kịch vào nhập viện và hồi sức điều trị bệnh nhân nặng, chức năng sống bị đe doạ ở tất cả các chuyên khoa toàn Bệnh viện. Lúc đầu, với Khương không thể nói là không có tâm lý e ngại. Bởi nơi đây, nhiệm vụ rất nặng nề, hầu hết các y, bác sỹ đồng nghiệp đều là những người có kinh nghiệm và bản lĩnh với nhiều năm công tác, mà anh thì mới ra trường. Tuy nhiên, vượt qua tâm lý e ngại ban đầu, người bác sỹ quân y trẻ có sẵn nền tảng chuyên môn vững, lại luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất cộng với sự ham học hỏi và cầu tiến đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.

BS. Kiều Văn Khương thực hiện kỹ thuật mổ khí quản trong
Hội thao kỹ thuật STTT toàn quốc (Ảnh ST)

Cho đến tận bây giờ, những kỷ niệm của giai đoạn đó vẫn còn hiển hiện trong Khương. Anh nhớ lại: "Hôm đó, bệnh viện tiếp nhận một ca tai nạn giao thông nặng. Khuôn mặt bệnh nhân bị dập nát và không thể thở được. Mặc dù, bác sỹ phẫu thuật đã sẵn sàng, nhưng không thể tiến hành gây mê để mổ được. Bệnh nhân được hội chẩn và mời bác sĩ trực hồi sức là tôi lên giúp. Đánh giá tình hình bệnh nhân xong, tôi thấy phải mở khí quản khẩn cấp nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Tuy nhiên, nếu đợi bác sỹ tai mũi họng đến thì không kịp. Bởi vậy, tôi quyết định dùng dụng cụ mở khí quản TC 08. Chính nhờ những quyết định táo bạo đó bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời và bình phục sau 20 ngày". Bây giờ mỗi khi kể lại kỷ niệm này, Kiều Văn Khương vẫn nở nụ cười rất tươi. Tôi biết, anh rất vui và hạnh phúc vì đã góp sức mình giành lại sự sống cho những bệnh nhân từ tay thần chết... Công việc của một người bác sỹ vô cùng vất vả, không ít thử thách, khó khăn. Trong khi đó, điều kiện trang thiết bị của ngành y tế chúng ta còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, để chiến đấu chống lại những căn bệnh hiểm nghèo, mang lại cuộc sống cho người dân, Khương và các đồng nghiệp phải cố gắng, phải nỗ lực rất nhiều... Tuy nhiên, môi trường làm việc khó khăn vất vả đó cũng chính là nơi để hun đúc niềm đam mê và tạo điều kiện tốt nhất để chàng trai đất Phủ Quốc phát huy năng lực và sự sáng tạo của mình...

Trong công tác điều trị, Kiều Văn Khương đã tích cực chủ động sáng tạo, áp dụng sáng kiến kỹ thuật mới, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, đồng thời mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, đó là kỹ thuật đặt xông HS-103 (một loại xông tự tạo cải tiến dựa theo nguyên lý của xông Sengstaken Blackmore) trong cấp cứu bệnh nhân giãn vỡ tĩnh mạch thực quản; kỹ thuật mở khí quản bằng dụng cụ TC-08 (dụng cụ mở khí quản qua da trong trường hợp khẩn cấp), góp phần cứu sống hàng chục bệnh nhân nguy kịch...

          
BS. Kiều Văn Khương thực hiện kỹ thuật MKQ mới trong hồi sức (Ảnh ST)


Với
những thành tích đã đạt được, Kiều Văn Khương đã được thủ trưởng Học viện Quân y, thủ trưởng bệnh viện cử đi học tại nước ngoài về chuyên nghành hồi sức sau ghép tim. Quyết tâm không để phụ lòng tin của lãnh đạo, trong quá trình học, Khương luôn cố gắng khắc phục khó khăn về ngôn ngữ cũng như những điều kiện hoàn cảnh khó khăn nơi đất khách quê người để nắm bắt những vấn đề cốt yếu, chú trọng thực hành lâm sàng... Đến khi về nước, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của các thầy cô, thủ trưởng cấp trên, cùng với nỗ lực hết mình của bản thân, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé vào thành công chung của ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam, do Học viện quân y, Bệnh viện 103 thực hiện... Có thể nói đó là thời khắc lịch sử không chỉ của những người thầy thuốc ở Bệnh viện 103 mà là của cả ngành Y tế nước nhà. Tôi còn nhớ rất rõ, đó là vào ngày 17.6.2010, Bệnh viện 103 đã tiến hành thành công ca ghép tim trên người đầu tiên cho bệnh nhân Bùi Văn Nam quê ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Trước đó, bệnh nhân đã bị bệnh cơ tim thể dãn, suy tim độ 4. Cuộc phẫu thuật thành công sau 1 giờ 55 phút, trong đó có sự đóng góp công sức của người bác sĩ trẻ Kiều Văn Khương...

Sau sự kiện lịch sử của ngành Y đó, với những đóng góp của mình, bác sĩ trẻ Kiều Văn Khương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đấy là niềm vinh dự tự hào không chỉ của Khương mà là cả của gia đình, bạn bè anh. Và, đấy còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy anh luôn vươn lên, trau dồi cả về phẩm chất chính trị lẫn chuyên môn, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo, mang lại nụ cười, niềm tin yêu cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình họ.

Tôi thực sự khâm phục sức làm việc và niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Khương. Hàng ngày, ngoài công tác chuyên môn, cấp cứu điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhân nội khoa, ngoại khoa, chống độc, Kiều Văn Khương còn tham gia hồi sức cho bệnh nhân mổ tim mở, bệnh nhân sau ghép thận... Không chỉ vậy, là một cán bộ giảng dạy của bộ môn khoa Hồi sức cấp cứu - Học viện Quân y, anh còn luôn đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ để truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho các em sinh viên thế hệ sau... Người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết Kiều Văn Khương luôn để lại những tình cảm yêu mến, kính trọng của các sinh viên Học viện Quân y...


Một điều đáng nể nhất ở Khương có lẽ là sự đam mê nghiên cứu khoa học. Anh là một bác sĩ trẻ đi tiên phong trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, sẵn có lòng say mê nghiên cứu khoa học, Kiều Văn Khương đã hoàn thành nhiều công trình đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia Hội thao Kỹ thuật Sáng tạo Tuổi trẻ và Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các cấp đạt nhiều giải thưởng cao như: Giải ba Hội thao Kỹ thuật Sáng tạo Tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXII - 2007. Giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ Bệnh viện năm 2008; Giải nhất Hội nghị KH&CN tuổi trẻ Bệnh viện năm 2009. Giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Tuổi trẻ Học viện Quân y năm 2008. Giải nhì Hội nghị KH&CN Tuổi trẻ Học viện Quân y năm 2009. Giải nhì Hội nghị KH&CN Tuổi trẻ các Trường Y - Dược toàn quốc năm 2010...

Đặc biệt, anh đã được cấp trên tin tưởng giao chủ nhiệm 2 đề tài nhánh của đề tài cấp Nhà nước. Chủ nhiệm đề tài "Xây dựng quy trình hồi sức sau ghép tim thực nghiệm" - đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước: "Nghiên cứu một số vấn đề ghép tim thực nghiệm trên động vật, tiến tới ghép tim trên người tại Việt Nam" - chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Đặng Ngọc Hùng, đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt, được Hội đồng khoa học đánh giá cao. Đồng chủ nhiệm đề tài "Xây dựng quy trình hồi sức sau ghép tim` thuộc đề tài nhánh đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não" - chủ nhiệm đề tài GS. TS. Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, đã nghiệm thu cấp cơ sở đạt kết quả tốt. Tham gia nghiên cứu hai đề tài cấp bộ: "Nghiên cứu xây dựng quy trình mở khí quản qua da bằng dụng cụ cải tiến, đề xuất các giải pháp phòng và xử trí các tai biến sớm do mở khí quản"; "Nghiên cứu cải tiến và chế tạo xông HS 103 theo nguyên lý Sengstaken- Blackemore trong cấp cứu chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản", đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt.

Với một bác sĩ trẻ như Kiều Văn Khương, vừa phải đảm bảo tốt công tác chuyên môn ở Bệnh viện, vừa tham gia giảng dạy ở Học viện lại vừa nghiên cứu khoa học hiệu quả thì đúng là đáng khâm phục...

Có một điều thật đáng quý nữa ở Khương là anh rất ít khi nói về mình. Hôm chúng tôi trao đổi với anh về một số vấn đề liên quan đến tư liệu bài viết này, Khương cứ một mực chối đây đẩy. Anh không muốn tự nói về mình và những thành tích mà anh đã đạt được. Có lẽ Khương nghĩ như vậy là không khách quan chăng... Thế nên, ngoài cảm nhận của chúng tôi về anh là một chàng trai trẻ với khuôn mặt hiền hậu với đôi mắt sáng, dáng vẻ nhanh nhẹn cùng sự sôi nổi nhiệt huyết qua mỗi lời nói... Chấm hết. Buộc lòng chúng tôi phải tìm hiểu về anh qua nhiều kênh thông tin khác để có đủ tư liệu nhằm phần nào phác họa về một con người mà chúng tôi nể phục... Đấy cũng là nguồn cơn mà sau này trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi biết được thêm rất nhiều điều thú vị về con người Khương qua bạn bè đồng nghiệp và học trò của anh... Không chỉ có thành tích trong chuyên môn nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học, mà trong nhiều hoạt động phong trào đặc biệt là phong trào thể dục thể thao, Khương cũng rất đam mê... Minh chứng cho điều đó là rất nhiều giải thưởng ở nội dung thi đấu đơn nam và đồng đội nam môn bóng bàn của Học viện Quân y cũng như tại các giải giao lưu với các đơn vị trong khu vực mà anh từng giành được. Ngoài ra, anh còn tham gia tích cực các phong trào hoạt động của tuổi trẻ trong Bệnh viện, được nhận bằng khen của Giám đốc Học viện, bằng khen của Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua... Khương còn là một gương mặt xuất hiện khá nhiều trong các Game show của các đài truyền hình và giành giải thường cao như: Giải nhất "Hành trình văn hóa" (2005 - VTV3); giải nhất "Vượt qua thử thách" (2009 - TH Hà Nội ); giải nhất "Sáng tạo Việt` (2012 - VTV3)... Không quản ngại khó khăn, gian khổ, biết bao lần Khương đã cùng các đồng nghiệp trẻ, các em sinh viên của Học viện Quân y băng suối, vượt đèo lên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu vùng xa...

Chưa hết, Khương còn tham gia viết sách giảng dạy, viết bài đăng trên các tạp chí y học, kỷ yếu trong nước như: tham gia biên soạn cuốn sách "Hồi sức cấp cứu" (giáo trình sau đại học, tập 1, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2009) với bài giảng "Theo dõi và chăm sóc hồi sức sau phẫu thuật trong phẫu thuật tim mạch"; bài đăng trên tạp chí "Y dược học quân sự" số 6/2007: "Biến đổi nồng độ acid uric máu ở bệnh nhân suy tim mạn tính"; bài đăng trên kỷ yếu Hội thao sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ nghành y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXIII (tháng 3, 2009): " Kỹ thuật mở khí quản bằng dụng cụ TC 08", bài đăng trên "Tạp chí Y dược học Thành phố Hồ Chí Minh..."....

Sau buổi trò chuyện với chàng trai Phủ Quốc Kiều Văn Khương, tôi chợt nhớ, có lần mình đã đọc được ở đâu đó một nhận xét về tính cách con người xứ Đoài của một nhà nghiên cứu văn hóa. Nhận xét đó đúng với tính cách và con người của Khương: Người dân xứ Đoài khá bộc trực và ngay thẳng, nhưng lại có phần nhường nhịn, ít háo danh... Con trai xứ Đoài cũng có tiếng là tài hoa, lại luôn nhanh nhạy với cái mới.....

Với tố chất sẵn có, cộng với lòng hăng say học hỏi, nghiên cứu khoa học, lại được sự dìu dắt của tập thể các y - bác sỹ dày dạn kinh nghiệm trong Bộ môn - Khoa Hồi sức tích cực nói riêng và Bệnh viện nói chung, chắc chắn trong thời gian tới bác sỹ - thạc sỹ Kiều Văn Khương sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong sự nghiệp của mình, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo mang lại niềm vui cho người bệnh và hạnh phúc cho gia đình họ.... Bằng chứng là ngay từ bây giờ Kiều Văn Khương đã định hướng nghiên cứu trong tương lai rất rõ ràng: nghiên cứu sản xuất máy ép tim nhân tạo; nghiên cứu hồi sức sau phẫu thuật tim mở: sau mổ thay van tim, bắc cầu nối mạch vành... Chúng tôi tin, người chiến sĩ - bác sĩ trẻ Kiều Văn Khương sẽ sớm đạt được thành công trong những công trình nghiên cứu tiếp theo của anh!

 Hải Linh (Theo Nguyễn Sông Lam - Gương tài năng trẻ KHCN tiêu biểu)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×