Đồng hành cùng con học tập và phát triển kỹ năng xã hội

Thứ bảy, 21/09/2019

Phụ huynh cần giữ liên lạc, cởi mở với nhận xét của giáo viên để cùng tìm ra cách hỗ trợ, không để trẻ bị cô lập tại trường. Đầu năm học 2019-2020, cô Mandy Manning, giáo viên tiếng Anh trường trung học Joel E. Farris, Washington (Mỹ), người nhận giải Giáo viên của năm 2018-2019, chia sẻ năm điều bố mẹ nên làm để theo sát quá trình học tập của con.

5 cách giám sát con học tập

 
Phụ huynh cần giữ liên lạc, cởi mở với nhận xét của giáo viên để cùng tìm ra cách hỗ trợ, không để trẻ bị cô lập tại trường. Đầu năm học 2019-2020, cô Mandy Manning, giáo viên tiếng Anh trường trung học Joel E. Farris, Washington (Mỹ), người nhận giải Giáo viên của năm 2018-2019, chia sẻ năm điều bố mẹ nên làm để theo sát quá trình học tập của con.

Cởi mở với nhận xét của giáo viên

Đối với phụ huynh, việc lắng nghe nhận xét của giáo viên về ý thức, năng lực học tập của con không thật sự dễ dàng, đặc biệt là người kỳ vọng nhiều vào con. Nhiều bố mẹ cảm thấy như thầy cô đang nói về một đứa trẻ khác chứ không phải con mình bởi những gì trẻ thể hiện trên lớp không giống ở nhà.

Cô Manning khuyên phụ huynh nên đặt mình vào vị trí của giáo viên. Việc luôn dành lời khen cho một đứa trẻ không phải lúc nào cũng tốt, có thể gây ra sự ảo tưởng của bố mẹ về khả năng của con. Cởi mở lắng nghe những phản hồi của thầy cô, cùng tìm ra cách giải quyết phù hợp tránh làm tổn thương trẻ mới là cách tốt nhất giúp con bạn thay đổi tích cực.

Duy trì liên lạc với giáo viên

Cách dễ nhất để gặp gỡ và nói chuyện với giáo viên là thông qua những buổi họp phụ huynh. Tuy nhiên, để duy trì liên lạc với thầy cô giáo, phụ huynh cần chủ động xin số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội (nếu được). Việc liên lạc có thể giúp bố mẹ và đại diện nhà trường nắm bắt kịp thời thông tin, dành cho trẻ sự quan tâm đúng lúc và hợp lý nhất. 

Liệu sắp tới gia đình bạn có kế hoạch đi du lịch hay có trận cãi vã nào vừa xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ? Chia sẻ những điều đó để giáo viên có thể hỏi thăm, động viên trẻ trên lớp, tránh việc trẻ không tập trung học, bị cô lập cảm xúc. Việc duy trì liên lạc với giáo viên cũng giúp thầy cô hiểu hơn về thói quen và tính cách của trẻ khi ở nhà, từ đó có những điều chỉnh giúp trẻ thay đổi một số thói quen xấu.

Có mặt trong các hoạt động tại trường 

Mặc dù phụ huynh đều bận rộn với những công việc riêng, nhưng hãy cố gắng thay nhau đến tham dự, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động ngoại khóa. Nếu con bạn là nhân vật chính trong các hoạt động thể thao, múa hát, diễn kịch..., sự hiện diện của bạn có ý nghĩa càng lớn. Sẽ rất tuyệt vời khi trẻ thấy bố mẹ trong đám đông, dõi mắt nhìn theo và khích lệ chúng. 

Việc có mặt tại các hoạt động ngoại khóa của con còn giúp phụ huynh thêm cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với giáo viên, bạn bè của trẻ, các phụ huynh khác.

Giám sát việc sử dụng công nghệ tại nhà

Dù lên mạng để giải trí một cách lành mạnh nhưng việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ trong lớp. Phụ huynh cần đảm bảo thiết bị này không làm gián đoạn giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi cần thiết sau một ngày học tập tại trường.

Bố mẹ có thể thiết kế không gian ngủ của trẻ thành nơi không có thiết bị công nghệ như TV, máy chơi game và hẹn giờ tắt tất cả thiết bị điện tử. Nếu muốn sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính, trẻ cần đến một khu vực nhất định, để lại thiết bị tại đó sau khi dùng trong thời gian cho phép.

Giúp trẻ xây dựng thói quen tốt và lịch trình trong ngày

Các thói quen tốt và lịch trình được sắp xếp hợp lý sẽ giúp trẻ tránh được cảm giác quá tải mỗi khi đến hạn chót một công việc nào đó. Cô Manning cho rằng, không nên ép trẻ học quá nhiều, đặc biệt là khi mới đến trường. Khi trẻ về nhà sau một ngày đi học, cha mẹ hãy để trẻ tham gia các hoạt động mình thích. 

Việc xây dựng lịch trình xen kẽ hợp lý giữa học và chơi sẽ tạo cho trẻ những thói quen tốt. Nếu ngay từ nhỏ, con bạn có thể tuân thủ kế hoạch được sắp xếp thì không chỉ giúp ích cho trẻ ở hiện tại mà còn giúp con thoát khỏi áp lực, khủng hoảng trong học tập và công việc sau này.
 

6 kỹ năng xã hội quan trọng của trẻ


Trang Verywell Family chỉ ra sáu kỹ năng xã hội trẻ cần rèn luyện từ nhỏ nhằm cải thiện các mối quan hệ, hình thành đức tính tốt.

Chia sẻ

Việc sẵn sàng chia sẻ bữa ăn nhẹ hay món đồ chơi sẽ giúp trẻ kết bạn và giữ các mối quan hệ bạn bè. Theo một nghiên cứu năm 2010, trẻ từ 2 tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với người khác khi chúng có nhiều, trong khi trẻ 3-6 tuổi thường ích kỷ hơn. 

Trẻ cảm thấy tốt hơn khi có khả năng chia sẻ. Cha mẹ nên động viên con cho mượn đồ chơi, chia sẻ đồ ăn với bạn bè, đặc biệt với những có hoàn cảnh khó khăn hơn. Việc này giúp trẻ nâng cao sự đồng cảm, sống chan hòa và nhân ái.

Hợp tác

Hợp tác là làm việc cùng nhau để đạt mục đích chung. Khi hợp tác, trẻ biết lắng nghe ý kiến, tham gia đóng góp, giúp đỡ đối tác. Khoảng 3 tuổi rưỡi, trẻ có thể bắt đầu hợp tác với bạn bè những việc như xây tháp đồ chơi hoặc cùng tham gia một trò chơi đồng đội nào đó. 

Cha mẹ cần nói với con tầm quan trọng của tinh thần đồng đội và công việc sẽ được giải quyết tốt hơn khi mọi người cùng tham gia. Thông qua việc hợp tác, cha mẹ có thể biết được con mình ưa thích vị trí lãnh đạo hay thoải mái hơn khi là người thi hành các mệnh lệnh. Nhưng dù theo cách nào, hợp tác cũng là cơ hội tuyệt vời để trẻ tìm hiểu thêm về bản thân.


Chia sẻ và hợp tác là hai kỹ năng xã hội quan trọng đối với trẻ. Ảnh: sleeping should beeasy

 
 
Lắng nghe

Không phải là hoàn toàn giữ im lặng, lắng nghe là thấu hiểu và cảm thông với những gì người khác nói. Đây là kỹ năng mọi người đều cần và phụ huynh nên hình thành thói quen này cho con ngay từ nhỏ. 

Khi đọc sách cho trẻ, bạn hãy dừng lại, hỏi trẻ nhớ và hiểu gì về những điều bạn vừa đọc. Nếu con ngập ngừng hoặc chưa hiểu đúng, bố mẹ cần giải thích giúp con. Để có thể lắng nghe những người bạn ngoài đời thực, trẻ nên được tập thói quen hiểu và đồng cảm với các nhân vật trong truyện. Cùng với việc làm bài tập về nhà, khả năng lắng nghe giáo viên sẽ giúp thành tích học tập của trẻ được cải thiện. 

Làm theo hướng dẫn

Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo chỉ dẫn có thể tạo thành thói quen xấu và gây ra nhiều hậu quả. Từ việc làm sai hoặc không làm bài tập về nhà, sau này trẻ có thể gặp rắc rối với các hành vi vi phạm nội quy, không tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là thành tạo trong việc đưa ra hướng dẫn hợp lý và thuyết phục, khác với việc bắt ép trẻ phải nghe theo. Bố mẹ không nên liên tiếp yêu cầu trẻ "nhặt giày của con lên", "đi rửa tay đi", thay vào đó hãy đợi trẻ thực hiện xong rồi đưa ra hướng dẫn cho nhiệm vụ tiếp theo. Cuối cùng, đừng quên khen ngợi con vì đã tuân thủ và thực hiện tốt nhiệm vụ theo hướng dẫn của người lớn.

Tôn trọng không gian cá nhân

Bố mẹ hãy giải thích cho trẻ có nhiều người không thích người khác vào phòng hoặc thậm chí chạm vào đồ dùng cá nhân. Việc này là quy tắc cá nhân nên trẻ cần phải tôn trọng. Ngay trong không gian gia đình, phụ huynh cần dặn con phải biết gõ cửa khi vào phòng, đóng cửa khi đi ra. Những quy tắc tưởng chừng rất nhỏ sẽ giúp trẻ biết tôn trọng sự riêng tư và không gian cá nhân của người khác.

Cư xử lịch sự

Giáo viên, bạn bè và những phụ huynh khác sẽ tôn trọng, dành nhiều tình cảm cho một đứa trẻ ngoan ngoãn, không ngại nói cảm ơn và xin lỗi. Để hình thành thói quen này cho trẻ, không có cách nào tốt hơn bằng việc bố mẹ làm gương. Phụ huynh cần đảm bảo việc cư xử đúng mực trước mặt con, đưa ra lời nhắc nhở nếu con hành động và có lời nói chưa phù hợp, khen ngợi khi con ứng xử tốt.
 
Đức Anh tổng hợp (theo VnExpress.net)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×