Giáo sư gốc Việt được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh vinh danh

Thứ sáu, 16/06/2023

GS Nguyễn Thục Quyên là nhà khoa học duy nhất giành giải thưởng de Gennes Prize với những đóng góp trong nghiên cứu về vật liệu và thúc đẩy hóa học trong công nghiệp.
GS Nguyễn Thục Quyên, người gốc Việt đang giảng dạy tại Khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB), Mỹ được vinh dạng ở hạng mục Giải Hóa học vật liệu 2023 mở rộng (de Gennes Prize 2023). Thông tin được công bố trên trang của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh (RSC). Giải thưởng ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, trong đó tôn vinh những người đặc biệt đã thúc đẩy khoa học hóa học trong ngành công nghiệp và trường đại học.

"GS Nguyễn Thục Quyên chiến thắng giải thưởng với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vật liệu bán dẫn hữu cơ và vật lý thiết bị của quang điện hữu cơ để giảm thiểu biến đổi khí hậu", trang RSC giới thiệu.
 
GS Nguyễn Thục Quyên được công bố chiến thắng giải thưởng của RSC. Ảnh chụp màn hình
GS Nguyễn Thục Quyên được công bố chiến thắng giải thưởng của RSC. Ảnh chụp màn hình
 
Sinh ra ở Buôn Mê Thuột trong gia đình nghèo, đến năm 1991, Nguyễn Thục Quyên sang Mỹ định cư cùng gia đình với vốn tiếng Anh bằng không. Sau đó bà trở thành một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015 và liên tiếp 4 lần có mặt trong danh sách này. Đồng thời là một trong số ít nhà khoa học nữ nhiều năm liền vào top 1% những nhà nghiên cứu khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới.
 
GS Quyên được giới khoa học chú ý nhờ những đóng góp đi đầu trong vai trò lãnh đạo cho cộng đồng khoa học, giáo dục và nghiên cứu về vật liệu bán dẫn hữu cơ, tối ưu hóa hiệu suất quang điện hữu cơ (OPV) ứng dụng trong thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
 
Bà công bố và là đồng tác giả của 292 công trình nghiên cứu, bài báo. Hướng nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ...
 
Trong sự nghiệp khoa học, bà từng nhận nhiều giải thưởng lớn như Harold Plous Award (2007); Giải thưởng Học giả - Giáo viên Camille Dreyfus (2008), giải Nghiên cứu viên của Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng Alfred Sloan năm (2009), giải thưởng Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực cạnh tranh Mỹ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015. Đặc biệt, bà được bình chọn là trong danh sách các trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015-2019. Hồi tháng 2, bà được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ. Hiện bà đảm nhiệm vai trò là đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture.
 
GS Nguyễn Thục Quyên trong một buổi giao lưu trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng VinFuture năm 2021. Ảnh:Hải Nam
GS Nguyễn Thục Quyên trong một buổi giao lưu trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng VinFuture năm 2021. Ảnh:Hải Nam
 
Hạng mục Giải Hóa học vật liệu 2023 mở rộng (de Gennes Prize 2023) thuộc Giải thưởng về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Research & Innovation Prizes) được RSC công bố hàng năm, vinh danh những nhà hóa học xuất sắc đã có đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và ngành công nghiệp. Giải thưởng với nhiều hạng mục tương ứng với các chuyên ngành hóa học, giải thưởng liên ngành hoặc vai trò cụ thể trong lĩnh vực. Năm nay có 46 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới được vinh danh.
Theo Vnexpress

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×