Giáo sư Mỹ gợi ý hướng phát triển nông nghiệp cho người trẻ Việt

Thứ hai, 19/12/2022

Giáo sư Pamela C.Ronald cho rằng, những người theo đuổi nghiên cứu nông nghiệp có hội học tập và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Giáo sư Pamela C.Ronald cho rằng, những người theo đuổi nghiên cứu nông nghiệp có hội học tập và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.
 

Trước ngày tới Việt Nam tham dự Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022, Giáo sư Pamela C.Ronald - Khoa Bệnh học thực vật và Trung tâm bộ gen tại Đại học California (Davis, Mỹ) đã có những chia sẻ về nghiên cứu nông nghiệp - lĩnh vực mà bà đã dành nhiều công sức theo đuổi.
 

Giáo sư Pamela hồi tưởng lại quá trình giúp bà đạt được thành tựu phân lập thành công loại gen giúp cây lúa có thể chống chọi với điều kiện ngập nước kéo dài. Ngoài ra, nữ giáo sư dành nhiều tâm huyết chia sẻ về mong muốn phát triển thế hệ nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp.
 

Giáo sư Pamela C.Ronald. Ảnh: Vingroup

Giáo sư Pamela C.Ronald. Ảnh: Vingroup
 

 

Truyền cảm hứng nghiên cứu cho thế hệ trẻ
 

Theo Giáo sư Pamela C.Ronald, tại Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ có gia đình làm nghề nông, nhưng phần lớn trong số này đều có chung suy nghĩ rằng làm nghề này sẽ không giúp họ kiếm ra tiền và phát triển. Trong khi đó, thực tế, nông nghiệp và đặc biệt là nghiên cứu trong lĩnh vực này, đang phát triển rất nhanh ở quy mô toàn cầu. Bởi thế, những người theo đuổi nghiên cứu nông nghiệp sẽ có hội học tập và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.
 

Nữ giáo sư đưa ra dẫn chứng, tại phòng thí nghiệm nơi bà đang làm việc cũng có một nhà khoa học tới từ Việt Nam. Bà khẳng định, được làm việc với nhà khoa học Việt là một "điều tuyệt vời".
 

"Các bạn trẻ có thể theo đuổi các lĩnh vực như di truyền học, nhân giống cây và có cơ hội học lên cao học. Những kiến thức học được sẽ giúp bạn có những phát minh và khám phá mà một ngày nào đó có thể giúp ích trực tiếp cho chính của gia đình bạn", bà nói.
 

Quan trọng hơn, theo bà, việc giáo dục và truyền cảm hứng đóng vai trò quan trọng giúp những người trẻ tuổi hiểu rằng "làm nông nghiệp cũng hoàn toàn có thể dẫn tới thành công".
 

Liên hệ tới giải thưởng VinFuture lần thứ 2 sắp diễn ra tại Việt Nam, Giáo sư Pamela C.Ronald cho rằng đây sẽ là cơ hội giúp thế hệ trẻ xây dựng niềm đam mê, hứng thú với nghiên cứu, thông qua việc tôn vinh những công trình tiêu biểu và cập nhật những tiến bộ khoa học mới nhất của nhân loại.
 

Tại Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022, Giáo sư Pamela C.Ronald sẽ có buổi chia sẻ về chủ đề "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới", nằm trong khuôn khổ chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" diễn ra ngày 19/12.
 

"Tôi biết mình phải đóng góp cho xã hội"
 

Sự nghiệp nghiên cứu của Giáo sư Pamela C.Ronald gắn liền với việc phân lập thành công loại gen giúp cây lúa có thể chống chọi với điều kiện ngập nước kéo dài. Chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với công trình lớn này, nữ giáo sư kể, thời gian đó là vào năm 1995, lúc bà vừa tham gia vào một dự án nông nghiệp và khám phá về quá trình phân tách gen.
 

Khi ấy, có rất nhiều người nông dân bị mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng lũ lụt và có tới 4 triệu tấn gạo bị phá hủy vì những trận lũ mỗi năm. Bà cũng từng tới Bangladesh - một quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng. Những hình ảnh tại đất nước ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc với giáo sư. Ngay khi được một đồng nghiệp mời tham gia dự án phát triển giống lúa có khả năng chịu ngập, bà Pamela đồng ý.
 

"Bố tôi là người tị nạn. Ông là thế hệ đầu tiên trong gia đình chuyển tới Mỹ sinh sống. Tôi hiểu rằng không phải ai cũng được hưởng điều kiện về giáo dục và có cơ hội để phát triển bản thân như mình. Vì vậy, tôi biết mình cần phải đóng góp cho xã hội như một cách để đền ơn", bà nhớ lại.
 

Một giống lúa mang loại gen mới có thể tồn tại 2 tuần trong điều kiện ngập nước đã được Giáo sư Pamela C.Ronald và đồng nghiệp phát triển thành công. Khi ấy, phần lớn các giống lúa trên thế giới không thể sống quá 3 ngày trong điều kiện tương tự. Giống lúa mới này sau đó đã tới tay 6 triệu người nông dân Ấn Độ và Bangladesh và chứng minh được khả năng trong thực tiễn.
 

Giáo sư Pamela C.Ronald làm việc trên cánh đồng lúa. Ảnh: Vingroup

Giáo sư Pamela C.Ronald làm việc trên cánh đồng lúa. Ảnh: Vingroup
 

 

Liên hệ tới Việt Nam thời điểm này, bà Pamela nhận định đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như lũ lụt, bão, lũ quét... với tần suất cao. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của cả nước, đặc biệt là lúa gạo.
 

Bởi vậy, bà cho rằng ngoài việc bảo tồn các giống lúa hiện tại, Việt Nam cần hỗ trợ cho các dự án phát triển giống lúa mới. Trong đó, giáo sư người Mỹ nhấn mạnh về giống lúa chịu mặn, trong bối cảnh tình trạng ngập mặn đang diễn ra ở nhiều nơi và người nông dân sẽ cần những biện pháp để ứng phó.


Theo VnExpress


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×