Gương sáng nhà nông ứng dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến mang lại giá trị kinh tế cao

Thứ năm, 08/03/2018

Trong chăn nuôi, nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến mà đem lại giá trị kinh tế cao

1. Ứng dụng công nghệ sinh học nuôi gà đẻ trứng, lãi trên 700 triệu đồng/năm:Anh Cấn Văn Mai ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng trong nông hộ. Trong chuồng hiện có hơn 10.000 gà đẻ trứng liên tục 9 tháng/năm, anh thu được trên 2 triệu quả trứng/năm...



Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của hộ anh Cấn Văn Mai (Ảnh: Hương Mai)
                                                 
Nhận thấy diện tích đất đai trong vùng còn nhiều, gia đình anh Mai đã mạnh dạn nhận thầu khoán diện tích trên 5.400m2 đất thuộc khu đồng trũng, cấy lúa bấp bênh, kém hiệu quả để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp: đào ao thả cá, nuôi gà và trồng cây ăn quả.

Hiện gia đình anh Cấn Văn Mai đã đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng khép kín trên diện tích 750m2 với số lượng hơn 30.000 con, giống gà siêu trứng. Trong đó 2 chuồng gà chuyên đẻ trứng, 1 chuồng gà bố mẹ và gà con. Trong chuồng hiện có hơn 10.000 gà đẻ trứng liên tục 9 tháng/năm, anh thu được trên 2 triệu quả trứng/năm, bán buôn với giá thị trường 1.500 – 2.000 đ/trứng; sau khi trừ các chi phí, anh thu về hơn 700 triệu đồng/năm. 

Để đàn gà đẻ phát triển tốt thì khâu chọn giống và phòng trị bệnh là vô cùng quan trọng. Do vậy trong quá trình nuôi, anh luôn chú ý lịch tiêm vắc-xin cho đàn gà đúng thời gian và thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, phun thuốc khử trùng.
Anh Mai cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi gà theo mô hình vừa thương mại vừa khép kín. Nguồn thức ăn, nước uống cho gà phải sạch sẽ, không có nguồn bệnh và phải thay thường xuyên; gà đẻ phải được cho ăn theo đúng khẩu phần thì sẽ cho năng suất cao".

Mặc dù nuôi hơn 30.000 gà, nhưng khi bước vào trại không cảm nhận thấy mùi hôi của phân gà và chất thải khác. Đây là kết quả mà anh Mai đã ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm men vi sinh trộn vào thức ăn, nước uống cho gà và chất lót nền.


Anh Cấn Văn Mai (người ngồi ngoài cùng bên phải) trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi gà (Ảnh: Hương Mai)
 
Không chỉ chăn nuôi tại trang trại mà gia đình anh Mai còn đầu tư con giống, thu mua sản phẩm trứng cho các hộ trong và ngoài xã. Mô hình kinh tế trang trại của anh không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương có thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng mà còn giúp đỡ các hộ khác về vốn, con giống, kinh nghiệm chăn nuôi, mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho họ.

Ông Hoàng Trần Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai cho biết, mô hình nuôi gà đẻ trứng của anh Cấn Văn Mai đạt hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Đây cũng là mô hình mà Hội Nông dân xã Cấn Hữu đang khuyến khích hội viên nhân rộng trong thời gian tới. 
 

2. Nuôi tôm sạch theo công nghệ Semi Biofloc, kiếm tiền tỷ mỗi năm:
 

Tôm nuôi ở đây cứ 2,5 - 3 tháng là thu hoạch, đạt size 40 con/kg, bán với giá khoảng 160 ngàn đ/kg, cao hơn giá tôm nuôi truyền thống. Nhờ tôm lớn nhanh, kiểm soát được dịch bệnh, mỗi năm trang trại nuôi từ 4 - 5 vụ...

Nhờ nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc, không dùng thuốc kháng sinh, anh Chính Mỹ ở xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm.


Anh Chính, cho biết nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc cho sản phẩm sạch
 
Hiện quy mô trang trại của anh Mỹ đã mở rộng lên đến 3ha, tăng 2ha so với trước đây. Theo anh thì công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.

Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Khi trang trại chuẩn bị thu hoạch, anh chỉ cần gọi là thương lái là đến ngay và họ rất tin tưởng vào sản phẩm, không cần test kháng sinh.

“Tôm nuôi ở đây cứ 2,5 - 3 tháng là thu hoạch, đạt size 40 con/kg, bán với giá khoảng 160 ngàn đ/kg, cao hơn giá tôm nuôi truyền thống. Nhờ tôm lớn nhanh, kiểm soát được dịch bệnh, mỗi năm trang trại nuôi từ 4 - 5 vụ. Trung bình mỗi ao (1.500m2), thả từ 200 - 250 con/m2, thu 4 - 5 tấn tôm thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại lãi hàng tỷ đồng”, anh Chính cho biết.


Trang trại đầu tư ao lắng bạt để xử lý nước trước khi cấp nước nuôi chính thức
 
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Chính giới thiệu công nghệ nuôi tôm được anh học hỏi từ Thái Lan, kết hợp nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ năm 2014 đến nay, trang trại của anh vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ đã dần ổn định và hoàn thiện bài bản. Vì vậy anh đặt tên cho công nghệ là Chính Floc (The Real Floc).

Cũng theo anh Chính, để nuôi tôm theo công nghệ này các ao đều lót bạt nền đáy và bờ ao; có hố thu chất thải, kết hợp hệ thống xi phông tự động được anh thiết kế.

Nước để nuôi được xử lý cẩn thận. Trước tiên nước biển được bơm vào bể lọc, sau đó đưa vào ao lắng đất, rồi đưa vào ao lắng bạt. Tại đây, nước được xử lý diệt khuẩn bằng Clorin từ 25 – 30kg/1.000m3 nước đối với mùa đông và 20kg/1.000 m3 nước đối với mùa hè. Sau 72 giờ đồng hồ nước sẽ sử dụng để cấp hoặc bù nước cho các ao ương, ao nuôi…


 
Đối với con giống thả nuôi được trang trại chọn nơi SX uy tín hàng đầu Việt Nam. Để kiểm soát dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh chết nhanh, cũng như rút ngắn thời gian nuôi trang trại đầu tư bể ương nổi tròn làm bằng khung sắt, được lót bạt có thể tích 100 m3, với giá 27 triệu đồng.

“Bể này ương khoảng 1 triệu con giống, giúp trang trại giảm nhiều chi phí, giám sát được dịch bệnh. Nếu trước 15 ngày tôm phát sinh dịch bệnh thì sẽ tiến hành tiêu hủy hoặc chỉ dùng nuôi cho ao quảng canh. Và, DN cung cấp tôm cũng phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại, không đổ thừa thời tiết, vì nuôi bể này tôm được chăm sóc trong điều kiện rất tốt”, anh Chính nói.

Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, trang trại còn đầu tư các khu nuôi cây vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi. Sau đó, chạy quạt và sục khí để biofloc phát triển để ức chế vi sinh vật gây bệnh… Đây là yếu tố quan trọng để giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát tốt.


Trang trại nuôi được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản
 
Về thức ăn cho tôm cũng được trang trại mua các nhãn hiệu uy tín. Khi tôm nuôi được 25 ngày sẽ được cho ăn bằng máy tự động.

Theo anh Chính, chi phí đầu tư cho 1ha khoảng 1 tỷ đồng (bao gồm công trình và thiết bị). Tuy hơi cao nhưng quy trình này giúp người nuôi an toàn hơn, hiệu quả hơn và mang tính bền vững cao. Hơn nữa quy trình này không sử dụng kháng sinh, chủ yếu sử dụng vi sinh. Nhờ vậy sản phẩm sạch, cải thiện vượt bậc năng lực cạnh tranh của người nuôi.

Qua tham quan trang trại, ông Tô Mỹ Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú đánh giá cao hiệu quả mô hình không chỉ nuôi bền vững, cho sản phẩm sạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Bởi trang trại của Chính được đầu tư hệ thống xử lý nước thải qua 3 ao lắng trước khi xả ra môi trường.


Khu nuôi cấy vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh

Nhờ nuôi tôm hiệu quả nên anh Chính có tiếng tăm. Trang trại liên tục đón đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng với người nuôi tôm khắp cả nước đến tham quan và học tập. Tính đến nay, đã có khoảng 200 học viên đến học hỏi mô hình, sau đó về triển khai nuôi rất hiệu quả, nhất là các học viên ở Quảng Ninh và Cà Mau.


3. Nuôi gà ta theo hướng an toàn sinh học, thu nhập khá
 

Là một nông dân từng trải qua nhiều nghề nuôi heo, cá, vịt... nhưng nghề nào cũng bấp bênh do đầu ra không ổn định nên ông Nguyễn Văn Mun đã chuyển sang mô hình nuôi gà thịt , hai năm liền đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Mun quê ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới lai, TP Cần Thơ. Nhờ có điều kiện về đất vườn nên ông đầu tư xây chuồng trại với nhiều dãy chuồng, quy mô trên 2.000 con gà, nuôi theo hướng an toàn sinh học.


Gà ta 2 tháng tuổi
Sau khi nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là tìm được nguồn con giống, ông bắt đầu thả nuôi vài trăm con. Hiện trong trại thường xuyên có 2.000 con gà thịt đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, chưa kể gà mới thả. Sau ba năm phát triển, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi cũng được nâng cao nên ông đã mở rộng diện tích chuồng trại, mỗi tháng xuất chuồng 1.000 con, bình quân mỗi con nặng từ 1,8 - 2,2kg, bán giá dao động từ 80.000 - 85.000đ/kg (cao hơn cùng kỳ năm rồi 10.000đ).

Sau mỗi lần xuất chuồng, ông lại thả thêm lứa mới, nhờ vậy mà trại gà lúc nào cũng đủ gà thương phẩm để cung cấp cho bạn hàng. Đối với ông, khâu chọn giống và phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Do vậy, ông rất quan tâm đến lịch tim vacxin cho đàn gà đúng theo quy định. Các máng ăn và máng uống đều thường xuyên được phun thuốc khử trùng. Mỗi lần xuất chuồng ông đều làm vệ sinh thật kỹ, thay nền trấu mới. Tất cả chất lót nền cũ được vô bao bán cho các nhà vườn trồng cây ăn trái. Nhờ vậy mà trại gà của ông ít có mùi hôi.

Để bảo đảm an toàn, ông đã thường xuyên mời cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn và hỗ trợ chăn nuôi, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên dù thời tiết có thay đổi bất thường, đàn gà vẫn phát triển bình thường.

Ông cho biết trại nuôi toàn gà ta (giống Bến Tre) nhốt chung trống với mái, bình quân 5 con/m2 gà thịt, đủ chỗ cho gà vận động. Theo kinh nghiệm của ông, gà ta giống nòi lai dễ nuôi, ít bệnh, thịt ngon. Nhưng người nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, trong đó vệ sinh phòng dịch là yếu tố quyết định đối với việc thành bại. Kế đến là thức ăn phải đảm bảo chất lượng, nước uống cũng phải sạch. Hai năm đầu ông phải mua con giống từ Bến Tre. Hiện ông đã nuôi thêm gà mái đẻ để lấy trứng ấp, đỡ tốn tiền con giống.

Nhằm tăng thêm thu nhập, ông mở thêm một dãy chuồng nuôi toàn gà tre gồm gà trống và 60 con mái để lấy trứng ấp. Gà tre thịt giá cao hơn gà thường 10.000đ/kg.


 
Để cho đàn gà phát triển mạnh, giảm thiểu dịch bệnh, bên cạnh mỗi chuồng ông đều thiết kế thêm một sân rộng ngoài trời cho gà tắm nắng và tự do ra vào vận động giúp thịt săn chắc. Nhờ vậy mà thương lái và thị trường rất thích đàn gà của ông. Ngoài ra ông còn bố trí trại gà cách xa nhà dân để không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo ông, người nuôi gà phải chú ý đến thời tiết, do đó chuồng phải có màn che phủ, nhất là ban đêm hoặc vào những ngày mưa gió, đảm bảo ấm áp vì nơi ẩm thấp, gió lạnh gà sẽ dễ bị cảm lạnh và lây nhiễm, nhất bệnh hô hấp và tiêu chảy.

Ngọc Mai (tổng hợp từ nguồn: NNVN.VN)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×