Học sinh với những sản phẩm vô cùng độc đáo và hữu ích

Thứ năm, 27/12/2018

Không ngừng học hỏi, tìm tòi khám phá, đam mê và sáng tạo, đó là những phẩm chất rất đáng quý của không ít các em học sinh hiện nay, những bạn trẻ luôn tìm cách thiết kế và chế tạo ra các máy móc hay công cụ, vật dụng rất hữu ích, có thể ứng dụng vào cuộc sống để trợ giúp con người, cải thiện năng suất lao động hay bảo vệ môi trường,... Dưới đây là những sáng chế hữu ích, thông minh đó, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Không ngừng học hỏi, tìm tòi khám phá, đam mê và sáng tạo, đó là những phẩm chất rất đáng quý của không ít các em học sinh hiện nay, những bạn trẻ luôn tìm cách thiết kế và chế tạo ra các máy móc hay công cụ, vật dụng rất hữu ích, có thể ứng dụng vào cuộc sống để trợ giúp con người, cải thiện năng suất lao động hay bảo vệ môi trường,... Dưới đây là những sáng chế hữu ích, thông minh đó, mời các bạn cùng tìm hiểu.
 

1. Học sinh chế tạo xe lăn thông minh


“Xe lăn - giường nằm điều khiển bằng smartphone, giọng nói và cử chỉ hỗ trợ người già, người bệnh, người khuyết tật” vừa được thử nghiệm thành công tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Phần cứng là một chiếc xe lăn khung sắt phủ đệm, bên trong có gắn thiết bị xử lý trung tâm để nhận tín hiệu từ thiết bị điều khiển từ xa.
 

Hai tác giả Quốc Thông, Hồng Ngọc cùng thầy giáo Phúc Thịnh đang hướng dẫn người dùng thao tác trên xe lăn. Ảnh: Báo Cần Thơ

Riêng phần mềm lập trình các thiết bị điều khiển từ xa, có thể điều khiển bằng nút bấm thông thường, điều chỉnh tốc độ xe, tư thế nằm ngồi theo ý muốn, điều khiển bằng cử chỉ và bằng giọng nói cùng với nút bấm đèn và còi báo động. Theo thiết kế, xe lăn dành cho người có trọng lượng tới 130kg.

Sản phẩm do Nguyễn Quốc Thông, lớp 11 và Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc, lớp 10, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) sáng tạo dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Phúc Thịnh.
 

2. Đĩa, bát, cốc từ bẹ cau, bẹ chuối




 Đĩa, bát, cốc từ bẹ cau, bẹ chuối là ý tưởng đầy sáng tạo của Phạm Ngọc Đăng, Phạm Thùy Dương, học sinh trường THCS Phù Vân, Phủ Lý, Hà Nam.

Bộ đôi tác giả cho biết, cuộc sống hiện nay có rất nhiều sản phẩm làm từ nhựa. Điều đáng nói chất liệu của nhiều loại nhựa được cảnh báo là có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Chính vì thế, Ngọc Đăng và Thùy Dương nảy ra ý tưởng tạo ra những sản phẩm thay thế nhựa để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Khi bắt tay hiện thực hóa ý tưởng, nhóm phát hiện bẹ cau, bẹ chuối vốn là những phế phẩm thải bỏ trong cuộc sống có thể tận dụng để làm bát, đĩa, cốc thân thiện môi trường.

Quy trình sản xuất bát, đĩa, cốc từ bẹ cau, bẹ chuối được thực hiện khá đơn giản: Bẹ cau, bẹ chuối sau khi tách ra khỏi cây phải còn tươi, trắng, màu sắc đẹp và không bị rách. Bước tiếp theo là rửa sạch bẹ cau, bẹ chuối sau đó đem phơi từ 1 - 2 nắng với bẹ cau và 3 - 4 nắng với bẹ chuối sao cho khô. Sau khi phơi xong bẹ cau, bẹ chuối vẫn phải đảm bảo màu sắc và hình thức đẹp. Sau đó bẹ được mang đi hấp ở nhiệt độ cao, sấy khô để hết nước, ép phẳng và cuối cùng là đưa vào khuôn ép với áp lực lớn để thành hình sản phẩm.

Nhóm tác giả cho biết bát, đĩa, cốc làm từ bẹ cau, bẹ chuối đều dễ phân hủy, thân thiện với môi trường, thậm chí có thẻ sử dụng được cả trong lò vi sóng.
 

3. Máy tách vỏ quả dẻ



 
Hiện nay công đoạn tách hạt ra khỏi quả dẻ vẫn được thực hiện thủ công. Cách này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời rất mất thời gian, năng suất thấp hạt bị hỏng, vỡ. Từ thực tế này, Nông Thị Trang và Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh trường THPT chuyên Chu Văn An, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã thiết kế máy tách vỏ quả dẻ.

Lấy ý tưởng từ cách bóc thủ công, nhóm tác giả đã sáng tạo ra máy tách vỏ quả dẻ với cơ cấu trục bóc đặc biệt gồm hai lô trục. Khi hai trục quay ngược, hàng răng trên hai chục tác động làm thay đổi cấu trúc hình học bên trong của quả dẻ. Lúc này máy chưa tách hạt dẻ ra khỏi vỏ ngay.  Sau đó, quả dẻ rơi chạm thanh đệm đỡ sẽ được vát thuôn.

Tại đây, hạt dẻ mới được các răng đồng thời tiến hành bóc tách. Cách bóc tách đặc biệt trên giúp giảm thiểu tối đa tỷ lệ hạt hỏng, vỡ và hạt còn sót lại trong vỏ. Sau khi tách, vỏ và hạt được rơi xuống sàn rung, hạt dẻ lọt xuống tầng dưới và theo đường thoát hạt rơi vào dụng cụ chứa, vỏ được giữ lại ở tần trên và theo đường thoát vỏ.

Qua nhiều lần chế tạo và thử nghiệm, nhóm nhận thấy, máy tách vỏ quả dẻ tự động giúp rút ngắn thời gian bóc, đặc biệt nâng cao chất lượng quả sau tách vỏ, quả không bị vỡ, hỏng, từ đó nâng cao năng suất.
 

4. Lồng bẫy ốc sên




Thiết kế, chế tạo lồng bẫy ốc sên là ý tưởng của Vũ Quang Huy và Trịnh Minh Thi, học sinh trường THCS Cao Ba Quát, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk.

Ốc sên là loài phá hoại mùa màng khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên việc diệt trừ ốc sên hiện nay có nhiều bất cập, nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật thì gây ô nhiễm cho môi trường và nhiễm độc cho rau, củ, quả; nếu bắt bằng tay rất mất thời gian… Ý tưởng này ra đời nhằm tạo ra một công cụ bắt ốc sên hiện quả, ít tốn công sức và thời gian.

Cấu tạo của Lồng bẫy gồm: cầu xoay (khi ốc sên bò vào sẽ bị mất thăng bằng và rơi xuống chậu nước muối); khay chứa dung dịch muối (chứa ốc sên rơi xuống từ cầu xoay); hộp chứa mồi nhử (đựng các loại mồi và có thể khuếch tán hương ra xung quanh để dụ ốc sên đến), phễu lấy gió (gió dẫn vào và khuyến tán hương mồi dụ); ống dẫn hơi (dẫn gió từ phễu xuống hộp chứa mồi để khếch tán tán hương mồi dụ)…

Lồng không chỉ có ưu điểm là bẫy tự động mà còn có chức năng bẫy vào ban đêm. Đặc biệt, không chỉ tạo ra lồng bẫy, nhóm tác giả còn xác định được các loại mồi dụ ưa thích của ốc sên như mật ong, dưa hấu đỏ, mít chín, nước ngọt…

Nhóm tác giả hi vọng chiếc lồng sẽ giúp bà con nông dân giảm được sức lao động, thời gian, tiền bạc trong việc diệt trừ ốc sên cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
 

5. Hỗ trợ thu hoạch nghêu



Máy hỗ trợ thu hoạch nghêu là ý tưởng của hai học sinh lớp 10A1, trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Na) là Trịnh Phạm Như Trúc và Nguyễn Quốc Khánh.

Nhóm tác giả cho biết, nghêu là loại hải sản có giá trị kinh tế cao nhưng việc nuôi và Thu hoạch nghêu lại không hề dễ dàng. Người thu hoạch phải dùng các công cụ này để xới từng cm đất, dùng sức tay cào bới liên tục, tốn rất nhiều sức. Chính vì thế bộ đôi mê sáng tạo đã bắt tay thiết kế máy thu hoạch nghêu.

 Máy thu hoạch nghêu gồm bánh lồng (răng lược và lưỡi xúc); băng chuyền (được thiết kế các lỗ nhỏ để lọc cát, sạn); bộ chuyển động; bánh răng đổi chiều. Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản: khi thu hoạch, người dân đẩy xe về phía trước, bánh lọc quay kéo theo bánh quét quay, đồng thời lưỡi xúc sẽ xúc nghêu khỏi mặt đất và quét nghêu vào băng tải.

 Lúc này, các bộ phận chuyển động, liên kết với nhau theo một chuỗi truyền nhất định làm cho các thao tác diễn ra hoàn toàn tự động, linh hoạt, đạt được hiệu quả như mong muốn của người sử dụng. Nghêu lẫn cát và các tạp chất khác sau khi được gầu xúc múc lên sẽ được tự động đưa lên băng chuyền. Sau đó, nghêu theo băng chuyền sẽ rớt vào bệ hứng, rồi đưa vào bao. Nhóm tác giả cho biết, chiếc máy này không chỉ tạo thuận lợi khi thu hoạch mà còn giúp sàng lọc và làm sạch nghêu một cách hiệu quả. 
 

6. Lọc nước lưu động




Lớn lên ở nơi phải sinh hoạt bằng nước giếng và nước suối chưa qua xử lý, thực tế này đã thôi thúc học sinh Ngô Việt Anh thiết kế máy lọc nước lưu động.

Để thiết kế máy lọc nước lưu động, Ngô Việt Anh, học sinh trường tiểu học Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sử dụng nguyên liệu để làm dụng cụ lọc nước bao gồm: ống nhựa PVC Ø 60 dài 0,55m và Ø 140 dài 0,6m, ống Ø 21 dài 0,3m và 2 van xả Ø 21, nắp đậy Ø 60 1 cái,… cát, sỏi, than củi, lưới nhựa 0,5m2. Theo đó, tác giả cắt và lắp ghép các ống nhựa lại với nhau tạo thành thiết bị lọc nước. Luồn ống phi (Ø) 60 vào trong Ø 140 sao cho giữa tâm.

Đổ lần lượt sỏi đến than lớp cuối cùng là cát vào khoảng cách giữa ống Ø 60 và Ø 140 (giữa các lớp vật liệu lọc có màn lưới để lọc). Sản phẩm gọn, nhẹ, dễ dàng di chuyển, đặc biệt khi đi rừng có thể mang theo để lọc nước dùng khỏi phải sử dụng nước trực tiếp từ khe suối.

Ngoài ra, một ưu điểm nữa là sản phẩm có thể thay đổi kích thước của sản phẩm tùy theo nhu cầu sử dụng lượng nước nhiều hay ít của gia đình. Sản phẩm rất thích hợp với nguồn nước tự chảy được lấy từ các khe, suối. Sản phẩm có giá thành thấp do sử dụng những vật liệu đơn giản và những vật liệu có sẵn, thời gian để hoàn thành sản phẩm không nhiều.
 

7. Robot truyền thông tác hại của thuốc lá




Robot truyền thông tác hại của thuốc lá được thiết kế khá đơn giản gồm: Đế xe gắn 4 bánh, khung để gá, đặt các bộ phận khác lên... Robot có thể đặt tại các nơi công cộng như bệnh viện, trường học.

Robot truyền thông tác hại của thuốc lá được thiết kế khá đơn giản. Thứ nhất là khung robot gồm có đế xe gắn 4 bánh giúp di chuyển trên mọi địa hình; khung để gá, đặt các bộ phận khác lên. Thứ hai là hình ảnh người robot nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đến mô hình và thông điệp mà mô hình mang đến.

Thứ ba là bộ phận cảm biến, cảm biến chuyển động phát hiện chuyển động khi có người qua lại để đóng mở nguồn giúp robot hoạt động. Thứ tư là bộ phận tạo quá trình hít thở của phổi: mô phỏng lá phổi hoạt động và hút thuốc, dẫn khói qua phổi gây biến màu ở phổi như thế nào. Thứ năm là bộ phận tạo khói, ống chứa khói… mô phỏng khói thuốc lá. Cuối cùng là bộ phận truyền thông bằng âm thanh và hình ảnh truyền đi thông điệp hút thuốc lá có hại như thế nào, gây những bệnh tật gì… giúp mọi người hiểu rõ và tránh xa thuốc lá.

Việc vận hành robot cũng khá đơn giản: Khi có người chuyển động đến gần khu vực robot, nhờ cảm biến chuyển động nhận biết, robot sẽ hoạt động. Khói thuốc được tạo ra và dẫn vào phổi của robot gây biến màu phổi kèm theo đó là bộ phận tuyên truyền sẽ phát đi các thông điệp về tác hại của thuốc lá và đưa ra các hình ảnh về chất độc có trong thuốc lá.

Robot có thể đặt tại các nơi công cộng như bệnh viện, trường học…

Đây là ý tưởng của Lò Mạnh Cường, học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội. và Trần Quang Anh, học sinh trường THCS Ngôi Sao, Thanh Xuân, Hà Nội.
 
Trần Ngọc tổng hợp (Nguồn: Khoahoc&Doisong)
 
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×