Huy chương Bạc tay nghề thế giới được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Thứ ba, 03/03/2020

Đó là Trương Thế Diệu (sinh năm 1997) lớn lên tại Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nỗ lực không ngừng để trở thành người Việt Nam đầu tiên mang chiếc Huy chương Bạc về cho đất nước trong kỳ thi Tay nghề thế giới vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 trong số 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 ở lĩnh vực Lao động sản xuất.
Đó là Trương Thế Diệu (sinh năm 1997) lớn lên tại Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nỗ lực không ngừng để trở thành người Việt Nam đầu tiên mang chiếc Huy chương Bạc về cho đất nước trong kỳ thi Tay nghề thế giới vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 trong số 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 ở lĩnh vực Lao động sản xuất.


Chàng trai 22 tuổi là người đầu tiên mang chiếc Huy chương Bạc về cho đất nước trong kỳ thi Tay nghề thế giới.

Để làm được những điều đó, Diệu cho rằng bản thân “luôn xác định được vị trí của mình và biết mình là ai”. Thời THPT, Diệu nhận ra bản thân yêu thích việc tưởng tượng hình khối, vật thể 3D thông qua môn Công nghệ lớp 11. Vì thế, cậu bắt đầu tìm hiểu thế mạnh của bản thân và quyết định lựa chọn học ngành cơ khí.

Diệu cũng từng ước mơ sẽ đỗ vào một trường đại học lớn, nơi có cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt để phát triển sở trường. Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Diệu không đạt được điểm số như mong muốn. Vì thế, cậu quyết định nộp hồ sơ học nghề vào Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội, ngành Cắt gọt kim loại.

“Em không ngại khi người ta nói học nghề có vẻ không sang như học đại học. Khi ấy, em chỉ nghĩ rằng, việc lựa chọn giữa một trường đại học không chuyên và trường nghề, thì học trường nghề sẽ giúp em có một công việc tốt và phù hợp với đam mê của bản thân hơn”, Diệu chia sẻ. 

Học tại Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội được một năm, chàng trai Nghệ An biết tin DENSO, một trong những doanh nghiệp liên kết với trường, đang tìm ứng viên cho cuộc thi tay nghề thế giới 2019 tại môn nghề phay CNC. Vì thế, Diệu quyết định đăng ký.

Kể từ lúc ấy, cậu bắt đầu bước vào hành trình luyện tập khắc nghiệt. Để chuyên tâm cho kỳ thi, Diệu quyết định bảo lưu kết quả học tập tại Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội.

“Khi tham gia chương trình đào tạo này, một ngày em phải luyện tập tại công ty khoảng 8-10 tiếng, không có giờ giải lao. Một tuần cũng chỉ có một ngày nghỉ duy nhất là chủ nhật. 

Nghề CNC đòi hỏi độ tỉ mỉ và chính xác cao. Đôi khi chỉ cần sai một chi tiết nhỏ cũng có thể phải làm lại rất nhiều lần. Trong quá trình luyện tập, cũng có lúc em cảm thấy mệt mỏi do phải nhìn màn hình máy tính hoặc đứng cả ngày gia công. Đây có lẽ là quãng thời gian khắc nghiệt nhất với em”.

Trong 2 năm luyện thi tay nghề, Diệu cũng được đi cọ xát ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Thái Lan. Dù là cuộc thi cọ xát nhưng sự khắc nghiệt và học búa của đề bài cũng khiến Diệu từng phải bật khóc.

Trải qua 2 năm luyện tập, vượt qua nhiều đối thủ, Trương Thế Diệu đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới tại môn nghề phay CNC.

 Đây là một áp lực không hề nhỏ với Diệu. Nhưng bản lĩnh được tôi rèn trong các cuộc thi qua 2 năm đã khiến chàng trai 22 tuổi giữ được sự bình tĩnh và hoàn thành bài thi sớm hơn thời gian quy định. 


Trương Thế Diệu nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Sự nỗ lực không mệt mỏi đã mang về cho Diệu chiếc huy chương Bạc, đồng hạng với các thí sinh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng là kết quả cao nhất của Việt Nam sau 7 năm tham gia cuộc thi này.

Chia sẻ về những điều bản thân đã làm được, Diệu cho rằng đó là trái ngọt của niềm đam mê  và sự khổ luyện. 

“Khi theo đuổi bất cứ lĩnh vực gì, muốn thành công phải có niềm đam mê thực sự. Chỉ có sự đam mê mới đem đến sự tập trung và dám đứng lên khi vấp ngã”.

Bản thân Diệu cũng đã từng nhận được không ít câu hỏi: “Sao không lựa chọn con đường đại học”, nhưng với cậu: “Nếu cố chấp theo học ngành nghề mà bản thân không có hứng thú thì mỗi ngày đến trường chỉ là một ngày chán nản.

Ngược lại, khi có đam mê, chúng ta sẽ có động lực để vượt qua mọi thử thách để đi đến đích cuối cùng”.

Hiện tại, Diệu vừa hoàn thành chương trình học ở trường, vừa làm việc tại Công ty DENSO Nhật Bản trong vai trò là người hướng dẫn, đào tạo các thí sinh chuẩn bị tham gia cuộc thi tay nghề thế giới năm 2021.

“Trước đây, khi còn là thí sinh ôn thi, em nghĩ mình là người vất vả nhất, nhưng giờ đứng trong vai trò của người hướng dẫn, em lại thấy áp lực hơn nhiều”, Diệu chia sẻ.

Mục tiêu lớn nhất của Diệu trong thời gian tới là giúp các thí sinh đạt được huy chương bộ môn nghề phay CNC tại cuộc thi tay nghề thế giới được tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc năm 2021.

Sẽ tuyên dương học viên xuất sắc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Các học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 sẽ được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lễ tuyên dương diễn ra vào tháng 5 năm nay.

Kế hoạch của Bộ LĐ-TB&XH nhằm biểu dương, tôn vinh các tấm gương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng môi trường và tạo động lực cho học sinh, sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp.

Thông qua các hoạt động, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Học viên phải đạt tiêu chí kết quả học tập xếp loại xuất sắc: Điểm trung bình chung học tập năm học năm 2019 – 2020 đạt từ 3,6/4 trở lên (với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ) hoặc đạt từ 9,0/10 trở lên (với các trường đào tạo theo niên chế).

Cùng đó, đạt một trong các tiêu chí sau:

Có đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải nhất, nhì, ba cấp trường trở lên;

Có sáng kiến trong học tập, lao động; có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị được áp dụng.

Có sản phẩm sáng tạo được cấp bằng chế, cấp giấy phép xuất bản;

Đạt giải thưởng nhất, nhì, ba các kỳ thi cấp tỉnh.

Riêng đối với học sinh, sinh viên đạt giải thưởng các kỳ thi quốc gia, khu vực, thế giới kết quả học tập xếp loại đạt từ loại khá trở lên (đạt 2,5/4 trở lên đối với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ và 7,0/10 trở lên đối với trường đào tạo theo niên chế); đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, kết quả học tập xếp loại giỏi trở lên (đạt 3,2/4 trở lên đối với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ và 8,0/10 trở lên đối với các trường đào tạo theo niên chế).


Học viên của Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh trong một giờ thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hùng
 
Về đạo đức lối sống, học viên phải có kết quả rèn luyện đạt loại xuất sắc hoặc 90 điểm trở lên (thang điểm 100). Cùng đó, dạt thêm một trong các tiêu chí sau:

Tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, Hội và các hoạt động tình nguyện cấp trường tổ chức trở lên;

Đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba một trong các cuộc thi: nâng cao nhận thức của học sinh về kiến thức pháp luật; tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ cấp trường trở lên;

Đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; các hội diễn văn nghệ cấp trường trở lên.

Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức lựa chọn, giới thiệu học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu theo các tiêu chuẩn trên, gửi lên Sở LĐ-TB&XH của tỉnh, thành phố (trước ngày 25/3)  

Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành tổ chức xét chọn và có công văn giới thiệu và hồ sơ kèm theo gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (trước ngày 15/4).

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ thành lập Hội đồng xét chọn học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu cấp trung ương. Số lượng xét chọn tối đa 130 học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu.

Lễ tuyên dương dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 5/2020 tại Hà Nội.
 
Đức Anh tổng hợp (theo vietnamnet.vn)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×