Kỹ thuật chăn nuôi vịt- ngan thịt (Phần cuối)

Thứ sáu, 17/08/2018

Đề chăm sóc và nuôi dưỡng vịt, ngan thịt hiệu quả cần nghiên cứu, thực hiện theo đúng kỹ thuật

 Chăm sóc nuôi dưỡng vịt, ngan thịt


1. Chăm sóc, nuôi dưỡng vịt thịt
 
 - Vịt con từ khi mới nở đến 1 tháng tuổi là thời gian “gột vịt” hoặc “mú vịt con”. Thời gian này kéo dài hay ngắn tùy theo giống vịt, mùa vụ, điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc.

 - Có thể nuôi theo 2 phương thức: Nuôi nhốt và nuôi chăn thả.

* Nuôi nhốt:

+ Có thể áp dụng phương thức nuôi nhốt trên khô, không cần nước, hoặc phương thức nuôi nhốt trong chuồng có sân chơi và có nước để vịt bơi lội.

+ Dùng thức ăn hỗn hợp hay thức ăn đậm đặc cho vịt con ăn theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Đây là phương thức chăn nuôi thâm canh, sản phẩm có chất lượng tốt, thuận tiện cho việc bố trí sản xuất quy mô lớn. Hiện nay, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang được đặt lên hàng đầu nhằm kiểm soát và khống chế được dịch bệnh, vì vậy chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt có hệ thống hàng rào, lưới quây đang được đông đảo nông dân áp dụng.

* Nuôi chăn thả: Phương thức này có ưu điểm là giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm; tận dụng được nguồn thức ăn và nhân lực.

Cách nuôi:

+ Vịt con từ 1- 3 ngày tuổi: Thường dùng gạo lứt nấu chín thành cơm, hay ngô mảnh nấu chín, để nguội sau đó đổ ra nong, nia hoặc trải ni lông rồi đổ đều cho vịt ăn. Cứ 3- 4kg gạo nấu cho 100 con ăn/ngày, chia thành 4- 5 bữa (trong đó có 1 bữa vào 10h đêm để kích thích cho vịt ăn được nhiều). Khi ăn xong phải cho vịt uống nước sạch, hoặc pha lá hành (lá hành pha vào nước với tỷ lệ 1kg lá băm nhuyễn với 50- 60 lít nước hoặc dùng lá hành nấu luôn với gạo).

Chú ý: Trong giai đoạn vịt từ 1- 3 ngày tuổi không nên cho ăn thức ăn nhiều đạm (tôm, tép, cá, con ruốc…) để tránh tình trạng vịt không tiêu hóa hết thức ăn, dễ bị trúng độc. Không nên cho xuống nước nhiều để tránh bị nhiễm trùng).

+ Vịt con từ 4- 10 ngày tuổi:

Tập cho vịt ăn thêm rau xanh, rong rêu trộn lẫn với cơm; ngoài ra còn cho ăn thêm mồi (con ruốc, tôm, tép…), tập cho ăn mồi từ ít tới nhiều; không nên cho ăn quá nhiều cùng một lúc để tránh bội thực.

Phải tập cho vịt xuống tắm nước, những ngày đầu chỉ cho tắm từ 5- 10 phút, sau tăng dần lên 30 phút, ngày thứ 10 trở lên cho xuống tắm tự do.

+ Vịt từ 11- 16 ngày tuổi: Cho ăn thức ăn bằng gạo lứt hay ngô xay không cần nấu chín mà chỉ cần ngâm vào nước cho mềm. Khi vịt trên 15 ngày thì cho ăn lúa nấu chín, có thêm cám và rau xanh càng tốt. Mỗi ngày nên cho ăn 2 bữa, kết hợp với chăn thả ngoài đồng để vịt kiếm thêm thức ăn. Giai đoạn này cần phải bổ sung chất đạm, như tôm, cua, cá khô băm nhỏ…

+ Vịt từ 17 ngày tuổi trở đi: Thời gian này cho vịt ăn lúa nấu chín kết hợp với lúa không nấu. Đến ngày thứ 20 trở đi thì không cần phải nấu nữa mà cho vịt ăn lúa thường.

+ Vịt từ 30- 80 ngày tuổi: Sau 30 ngày tuổi, vịt đã ăn được lúa và tự kiếm được mồi. Thả vịt ra ngoài đồng (bình quân từ 10ha ruộng lúa vừa gặt có thể nuôi từ 2.000- 3.000 con vịt thịt). Trong quá trình chạy đồng và nhốt vịt, cần chú ý tránh mưa, gioa lùa cho vịt; về ban đêm, nếu thấy vịt ngủ yên là vịt no và khỏe mạnh. Khi thời tiết thay đổi hoặc vịt bị đói thì chúng thường kêu và cả đàn xôn xao. Buổi trưa, khi nghỉ vịt thường lim dim mắt; nếu thấy vịt ủ rũ, chậm chạp hoặc kêu nhiều là vịt bị mệt, khát nước hay bị quá nóng. Cần tránh xua đuổi và bắt vịt nhiều làm chúng chạy đè lên nhau gây dập ống lông non dẫn đến còi cọc. Khi chăn thả ngoài đồng, mỗi đàn chỉ nên nhốt trung bình từ 500- 3.000 con (không nên nhốt quá nhiều vì sẽ khó quản lý và thiếu thức ăn, vịt không no, chậm lớn).

Nếu nuôi ở vùng ven biển, phải tập cho vịt quen dần với nước mặn. Những ngày đầu cho vịt xuống nước mặn từ 20- 30 phút, sau tăng dần. Trước khi cho vịt xuống nước mặn phải cho chúng tắm và uống nước ngọt trước để vịt không bị ngộ độc nước mặn (trong nước mặn và thức ăn mặn có muối dễ gây ngộ độc cho vịt).

Vịt từ 35- 40 ngày tuổi, lông nhú ra đều nhau gọi là “răng lược”, sau đó mọc dài hơn. Đến 70- 90 ngày tuổi, vịt mọc đủ lông gọi là vịt “chéo cánh”, lúc này có thể xuất chuồng.

Trong mùa mưa bão (từ tháng 4- 10), vịt được thả trong ruộng lúa để ăn sâu, bọ gậy… vừa giúp ích cho cây trồng vừa phát triển được chăn nuôi. Tuy vậy vẫn phải cho ăn thêm lúa và con mồi để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho vịt.
 
2. Chăm sóc, nuôi dưỡng ngan thịt

* Thức ăn
 
+ Đối với ngan con: Dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên, hoặc thức ăn đậm đặc trộn với cơm hoặc dùng các nguyên liêu riêng lẻ như: Tấm, ngô, đậu, gạo lứt, đậu tương, cám gạo, bột cá nhạt, bột màu, bột đầu tôm, premix, premix khoáng hoặc cơm.

+ Đối với ngan choai hậu bị, sinh sản: Dùng thóc luộc, thóc sống trộn với mồi tươi (tỷ lệ 30- 40% tùy loại) như: Tôm, tép, cua, ốc, giun đất, don, dắt, rạm… và các loại côn trùng khác; có thể bổ sung thêm rau xanh.

+ Không sử dụng khô dầu lạc trong khẩu phần ăn cho ngan vì dễ nhiễm độc tố aflatoxin. Riêng ngô nên sử dụng cho ngan nuôi giống không quá 20%, ngan nuôi thương phẩm không quá 30%.

* Kỹ thuật cho ăn

 
Trước khi cho ngan ăn phải dọn máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi thối và mốc; cho ngan ăn nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi và ôi chua, tách những con nhỏ cho ăn riêng để ngan phát triển đồng đều.

+ Giai đoạn từ 1- 29 ngày tuổi: Dùng thức ăn dạng viên hoặc gạo nấu thành cơm và trộn với thức ăn giàu đạm; đối với ngan chăn thả khi cho ăn trên nền hoặc ni lông phải rắc thức ăn đều và rộng để tất cả đều được ăn cùng một lúc.
Nhu cầu lượng thức ăn hàng ngày như sau

 
Ngày tuổi Lượng thức ăn
(gam/con)
Ngày tuổi Lượng thức ăn
(gam/con)
1 4 15 60
2 8 16 64
3 12 17 68
4 16 18 72
5 20 19 76
6 24 20 80
7 28 21 84
8 32 22 88
9 26 23 92
10 40 24 96
11 44 25 100
12 48 26 104
13 52 27 108
14 56 28 112
 
+ Đối với ngan nuôi thương phẩm: Cho ngan ăn tự do (cả nuôi nhốt và nuôi chăn thả). Đến 63 ngày tuổi (nuôi nhốt), 84 ngày tuổi (nuôi chăn thả) là kết thúc, đạt trọng lượng để xuất bán. 

* Kiểm tra đàn ngan
 
Trạng thái đàn ngan cho phép đánh giá về sức khỏe của nó.

+ Ngan con phân tán đều khắp chuồng, chứng tỏ đàn ngan khỏe mạnh, thoải mái, nhiệt độ trong chuồng đạt yêu cầu

+ Ngan con dồn đống là do lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp

+ Ngan con nằm há mỏ, cánh giơ lên là nhiệt độ chuồng nuôi quá cao

+ Ngan không chơi hoặc nằm ở khu vực nhất định là chuồng có gió lùa

+ Ngan bị bết, dính là do chuồng ẩm, chế độ nuôi dưỡng kém.
 

Thú y và vệ sinh phòng bệnh 


1. Các biện pháp vệ sinh phòng bệnh chung

- Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; đảm bảo mật độ nuôi và sân chơi theo quy định

- Thực hiện nghiêm túc công tác phòng trừ dịch bệnh, có hố khử trùng trước cổng chuồng nuôi. Sau mỗi đợt nuôi phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và các dụng cụ chăn nuôi; phải để trống chuồng từ 10- 15 ngày

- Độn chuồng: Bằng phoi bào hoặc trấu, rơm rạ, cỏ khô cắt ngắn, chất độn chuồng trước khi sử dụng phải được phơi khô, tiêu độc bằng các chất sát trùng và ủ một ngày, sau đó rải đều để bay hơi hết trước khi đưa vào chuồng nuôi

- Chỉ nên nuôi một loại vịt, ngan cùng lứa tuổi; nếu là hai đàn thì không cách nhau quá 7 ngày tuổi

- Mua con giống những nơi có uy tín, an toàn dịch bệnh. Ngan vịt đưa về phải nuôi cách ly từ 15- 20 ngày

- Thức ăn phải đảm bảo đầy đủ về số lượng, cũng như chất lượng; không cho ăn thức ăn đã ôi, mốc; không dùng các loại thức ăn có hàm lượng muối cao để tránh gây ngộ độc

- Nước uống phải là nước sạch, không dùng nước đục, nước ao hồ tù đọng, nước giếng có hàm lượng sắt cao. Có thể dùng thuốc tím 0,5% (5g/10 lít nước) hoặc cloramin 1 phần nghìn (10g/10lít nước) để khử trùng nước uống cho ngan vịt. Có thể dùng Anolit, Catolit để sát trùng nước thường xuyên cho vịt, ngan

- Nước thải, nước rửa chuồng nuôi phải được tiêu thoát theo hệ thống mương đến hồ chứa và phải được xử lý trước khi đưa ra môi trường

- Phân và độn chuồng phải được thu gom thành đống ở nơi quy định và xử lý theo phương pháp nhiệt sinh vật, sau đó mới được sử dụng cho trồng trọt

-Xác vịt, ngan chết phải tiến hành hủy theo phương pháp thiêu đốt, không nên chôn vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường.

2. Lịch phòng bệnh và tiêm phòng

 

Ngày tuổi

Vịt

Ngan

  1. 3

Dùng thuốc phòng nhiễm trùng rốn, các bệnh đường ruột: Streptomicin 4mg/con, hoặc Neotesol, Tetracylin 60mg/kg khối lượng

10 - 15

 

Tiêm dưới da vắc- xin dịch tả lần 1

18 - 25

Tiêm phòng dưới da vắc- xin dịch tả lần 1

Bổ sung vitamin và kháng sinh

50 - 60

Tiêm dưới da vắc -xin dịch tả lần 2 

70 - 120

Chú ý theo dõi biến động của thời tiết và sức khỏe đàn vịt, ngan để bổ sung kháng sinh, vitamin mỗi tháng 1-2 lần. Chú ý thay đổi kháng sinh

135- 140

Tiêm vắc- xin dịch tả lần 3; bổ sung vitamin, kháng sinh. Sau khi vịt đẻ 4- 5 tháng tiêm vắc- xin dịch tả lần 4; phòng bệnh bằng kháng sinh 1-2 lần/tháng

 
Bổ sung vitamin và kháng sinh 1-2 lần/tháng

160- 170

 

Tiêm vắc- xin dịch tả lần 3; bổ sung vitamin và kháng sinh. Sau khi ngan đẻ 4- 5 tháng tiêm vắc- xin dịch tả lần 4. Phòng bệnh bằng kháng sinh 1-2 lần/tháng

 

Chú ý:

-  Vắc- xin dịch tả vịt dùng chung cho cả ngan và vịt

- Kháng sinh thường dùng để phòng bệnh nhiễm khuẩn là: Neotesol, Tetracyclin, Teramycin,…

- Vitamin thường dùng: Vitamin B1, B. Complex

- Kháng sinh, vitamin có thể trộn vào thức ăn hoặc hòa vào nước uống.
 
 

                                                                ĐH. Nguồn: Dự án KHCN Nông nghiệp No.2283- VIE (SF)

 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×