Kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm

Thứ sáu, 11/01/2019

Từ lâu, ếch đã trở thành món ăn ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng hiện nay, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu gia tăng, vì vậy nhiều trại nuôi ếch trên địa bàn trên cả nước đã đi vào hoạt động và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Từ lâu, ếch đã trở thành món ăn ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng hiện nay, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu gia tăng, vì vậy nhiều trại nuôi ếch trên địa bàn trên cả nước đã đi vào hoạt động và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Để duy trì, đảm bảo được môi trường sống cho ếch thật tốt, giúp đàn ếch khỏe mạnh, phát triển nhanh, và chất lượng thịt ngon thì cần áp dụng đúng, đầy đủ kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho chúng.  Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết những kỹ thuật này để bà con cùng tìm hiểu.
 

 

I. Kỹ thuật nuôi ếch


1. Các loại hệ thống nuôi ếch thương phẩm

Nuôi ếch trong các ao đất

Nuôi ếch trong giai, lồng bè

Nuôi ếch trong các bể xi măng, bể lót bạt

2. Địa điểm nuôi

* Nuôi trong ao đất

- Ao nuôi có diện tích từ 50 - 300 m2 trở lên, độ sâu ao 0,5- 1 m. Tường hoặc lưới rào phải cách bờ ao một khoảng từ 1 - 1,5 m. Ao nuôi chủ động cấp tháo nước trong quá trình nuôi.

- Tháo nước bắt hết cá tạp, cá dữ, vét bù đáy ao.

- Bón vôi liều lượng 7 - 10kg/100 m2, phơi nắng từ 2 - 4 ngày sau đó tiến hành cấp nước vào ao.

Một số điểm cần lưu ý trong quá trình cải tạo ao nuôi

- Ao không nhiễm phèn hoặc mức độ nhiễm rất thấp

- Chất lượng nước phải thật tốt, sạch và không nhiễm độc chất từ bên ngoài.

- Đăng lưới bảo vệ phía trên và xung quanh ao. Hạn chế ánh sáng trực tiếp.

* Nuôi trong giai hay lòng bè

Giai có kích thước 6 - 50 m 2, có đáy treo trong ao (2x3, 4x5, 5x10m). Chiều cao 1 - 1,2m. Do giai đặt trong ao nên cũng cần được cải tạo như nuôi ao.

Vật liệu: Tre hay những thanh gỗ, lưới mùng hoặc lướt nylon. Giai có nắp đậy để tránh ếch nhảy ra và bị chim, rắn ăn.

* Nuôi trong bể xi măng hay bể lót bạt

Bể có diện tích trung bình 6 - 30 m2 (2x3, 2x5, 3x5, 4x6, 5x6m), độ cao 1,2 - 1,5m để tránh ếch nhảy ra. Đáy ao nên có độ nghiêng khoảng 5o để dễ thay nước. Nên che lưới nylon trên bể để tránh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ (có thể sử dụng lưới lan). Không nên che mát hoàn toàn bể nuôi. Mực nước trong ao khống chế ngập 1/2 - 2/3 thân ếch. Nên thường xuyên phun nước tưới ếch nhất là vào lúc trưa nắng.

Cách xử lý bể nước mới xây: bơm nước vào đầy bể, dùng thuốc tím 5 g/m3 cho vào bể ngâm nhằm khử nước xi măng trong thời gian khoảng 15 - 20 ngày, sau đó xả hết nước trong bể, chùi rửa sạch sẽ, tiếp tục bơm nước vào bể khoảng 40 - 50 cm chiều cao, dùng muối ăn theo tỷ lệ 20 - 30g/1m2 nước. Sau 2 ngày thải nước đó, cho nước sạch vào để thả ếch giống vào bể nuôi.

* Chuẩn bị giá thể

Các giá thể thường dùng trong nuôi ếch: Lục bình, rau muống (nuôi ao), tấm nhựa nổi, bè tre, tấm nylon đục lỗ….nhằm giúp ếch lên bờ cư trú và tìm thức ăn. Giá thể không vượt quá 1/3 - 1/2 hệ thống nuôi.

3. Chọn giống

- Chọn ếch giống to khoẻ, đều cỡ.

- Hoạt động nhanh nhẹn.

- Màu sắc tươi sáng và sắc nét.

- Không bị dị tật, dị hình.

4. Thời gian thả giống

- Chọn ngày trời mát, nhiệt độ không khí dưới 300C, ếch giống vận chuyển bằng sọt, rổ tre, lồng (có lót nylon) hoặc thùng, chậu, túi vải trong có 1 ít rong, bèo.

- Thả ếch giống được tắm nước nuối 3%, trong khoảng l - 2 phút. Trước khi thả phải qua giai đoạn thuần nhiệt như sau: Thả túi chứa ếch xuống ao 15 - 20 phút, cho nước vào từ từ và thả ra ao. Nên thả ở đầu gió.

5. Mật độ thả

Ếch giống kích cỡ 100 - 200 con/kg. Mật độ thả như sau:

Tháng thứ 1:

Nuôi ếch trong các ao đất: 60 - 80 con/m2.

Nuôi ếch trong giai, lồng bè: 150 - 200 con/m2.

Nuôi ếch trong các bể xi măng: 150 - 200 con/m2.

Tháng thứ 2: 100 - 150 con/m2.

Tháng thứ 3: 80 - 100 con/m2

6. Chăm sóc

Lượng cho ăn điều chỉnh hàng ngày tùy theo sức ăn của ếch. Có thể cho ăn theo bảng sau:

+ 7 - 10% trọng lượng thân (ếch 3 - 30g)

+ 5 - 7% trọng lượng thân (ếch 30 - 150g)

+ 3 - 5% trọng lượng thân (ếch trên 150g)

Số lần cho ăn:

- Ếch (3 - 100g): Cho ăn 3 - 4 lần/ngày. Chiều tối và ban đêm cho ăn nhiều hơn.

- Ếch trên 100g: Cho ăn còn 2 - 3 lần/ngày.

Ếch ăn mạnh vào chiều tối và ban đêm hơn ban ngày (lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2 - 3 lượng thức ăn ban ngày). Định kỳ bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe và tiêu hoá tốt thức ăn.

7. Thức ăn

Ếch sử dụng một số loài thức ăn tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: Giun, tép, ốc tôm, cá con, cua, châu chấu, cào cào…., ếch còn ăn các loại cám gạo, bột ngô, bột ngũ cốc trộn với cá, tôm, tép, lươn, chạch…

Thức ăn viên: Tại Việt Nam chưa có thức ăn chuyên cho ếch. Có thể sử dụng thức viên nổi cho cá da trơn hay cá rô phi của các công ty như: PROCONCO, CARGILL, BLUE STAR, UNIPRESIDENT, C.P, LÁI THIÊU... Thức ăn viên nổi có kích cỡ và hàm lượng đạm (protein) thay đổi theo kích cỡ hay tuổi của ếch nuôi. Hàm lượng protein trong thức ăn dao động từ 22 - 35 % (37 %).
Giai đoạn 3 ngày tuổi (Thức ăn tự nhiên, tươi sống và 35, 37 % đạm)

Giai đọan 15 ngày tuổi (Thức ăn có 35 % đạm)

Giai đọan 45 ngày tuổi (Thức ăn có 30 % đạm)

Giai đọan 90 ngày tuổi (Thức ăn có 25 % đạm)

Giai đọan nuôi thương phẩm (Thức ăn có 22 % đạm)

8. Quản lý

- Sau khi thả nuôi 7 - 10 ngày phải kiểm tra lựa nuôi riêng những con ếch lớn vượt đàn để tránh sự ăn lẫn nhau. Khi ếch đạt trọng lượng 50 - 60 gam sự ăn nhau giảm.

- Nước cung cấp, điều tiết cho hệ thống nuôi phải sạch (nước sông, nước giếng, nước ao).

- Mỗi ngày tắm cho ếch nuôi ít nhất 2 lần.

- Mức nước cần được duy trì 0,2 - 0,5 m (không để mức nước quá sâu, do ếch bị ngộp không lên cạn được hay quá cạn làm tăng nhiệt độ)

- pH nước: 6 - 9 (pH không vượt quá 11 và nhỏ hơn 4 sẽ gây chết ếch).

- Ammonia (NH3): không vượt quá 0,02 mg/L.

*  Điểm đặc biệt cần lưu ý

Sau khi tắm và vệ sinh hệ thống nuôi ếch sạch xong mới cho ếch ăn

Thời tiết ấm, ếch ăn thức ăn nhiều.

Khi thay đổi thức ăn phải thay đổi từ từ giữa các giai đọan

9. Tăng trưởng ếch nuôi thương phẩm

Tăng trọng và hiệu quả sử dụng thức ăn: Sử dụng thức ăn viên nổi, trọng lượng ếch sau thời gian nuôi:

30 ngày nuôi: 30 - 50gam

60 ngày nuôi: 100 - 120gam

90 ngày nuôi: 150 - 180gam

120 ngày nuôi: 200 - 250gam

Hệ số thức ăn (Lượng thức ăn cho 1kg ếch tăng trọng) đối với thức ăn viên nổi: 1,2 - 1,3: Nuôi trong ao; 1,3 - 1,5: Nuôi trong bể ximăng, giai.

10. Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 3 - 4,5 tháng, trong lượng ếch đạt bình quân 6 - 7 con/kg đối với ếch đồng và nuôi 2 - 3 tháng, trong lượng ếch đạt bình quân 6 - 7 con/kg đối với ếch Trung Quốc và ếch Thái, tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch phải dừng cho ăn 1 ngày, thu vào lúc chiều mát hay tắm cho ếch trước khi thu hoạch. Dùng vợt, lưới 2 hoặc 3 (dụng cụ thu hoạch phải trơn, nhẵn) để thu hoạch. Êch thịt vận chuyển dụng cụ lớn hơn, thiết kế nhiều tầng, không chồng đè lên nhau, thoáng và giữ được độ ẩm bão hoà.

 

II. Phương pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên ếch nuôi


Nắm được phương pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên ếch là rất cần thiết để bà con duy trì và phát triển tốt được đàn ếch nuôi, Cụ thể như sau:
 


1. Về phòng bệnh

- Vệ sinh và tẩy trùng trước khi nuôi bằng vôi.

- Ðảm bảo nguồn nước sạch và giữ được vệ sinh khu nuôi ếch; nước ao nuôi không bị chua, thối đục, không có hoá chất độc.

- Kiểm tra ếch giống khi mua về, có thể tắm nước muối ăn 3%; nếu con nào bị chết phải loại bỏ ra ngay.

- Ðảm bảo số và chất lượng thức ăn trong từng giai đoạn phát triển của nòng nọc và ếch.

- Không khuấy động làm ếch giật mình căng thẳng. Cho ăn thức ăn tươi, sạch. Có bóng mát che nắng, chống nóng.

- Phòng trừ địch hại như: Chim, rắn, chuột...

- Thường xuyên vệ sinh, tẩy trùng dụng cụ cho ăn, sàn ăn.

- Không để xảy ra dịch bệnh.

 Hiện tượng ăn nhau:

Nguyên nhân: Nuôi mật độ cao. Thức ăn không đủ. Kích cỡ nuôi không đồng đều.

Phòng chống: Mật độ không quá cao. Thức ăn phải đủ chất (đạm phải đúng) và phân bố đều và nhiều lần trong ngày. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50g.

 2. Về cách trị một số bệnh thường gặp

Nguyên nhân gây bệnh cho ếch thường là do ếch ốm yếu, môi trường nuôi nhiễm bẩn, ếch rất dễ bị bệnh ngoài da, sau đó nhiễm trùng dẫn đến ếch bị trướng bụng, da tái đi, không ăn và chết.

 * Bệnh trướng hơi (sình bụng)

Nguyên nhân: Do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay do cho ăn quá nhiều ếch không tiêu hóa được., nguồn nước nuôi dơ do ít thay nguồn nước.

Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lòi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn.

Trị bệnh: Ngưng cho ăn 1 - 2 ngày. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadiazine và trimethroprim (4 - 5g/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày.

Phòng bệnh: Định kỳ trộn các men (enzymes) tiêu hóa vào thức ăn của ếch. (2 - 3gr men Lactobacillus trong 1 kg thức ăn) hay Sunfat đồng (CuSO4 ) 0,5 - 0,7g/m3 nước phun toàn ao hoặc nước muối ăn 3% trong 10 phút. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.

 * Bệnh đường ruột (bệnh kiết lỵ)

Dấu hiệu thường thấy là ếch bài tiết ra phân trắng và phân sống. Khi bị bệnh hậu môn đỏ, bóp hậu môn thấy máu chảy ra.

Dùng một viên Ganidan/1.000 - 3.000 con/ngày ( hoặc 1 viên/1kg thức ăn), trộn vào thức ăn liên tục trong 3-4 ngày. Khi nòng nọc, ếch giống và ếch thịt bị bệnh phải giảm lượng thức ăn xuống còn 50% lượng thức ăn hàng ngày.

 * Bệnh lở loét đỏ chân (đốm đỏ đùi)

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi dơ và khi ếch bị shock.

Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.

Trị bệnh: khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Dùng kháng sinh 5 - 7 ngày. Norfloxaxine 5g/kg thức ăn, hoặc Oxytetracycline 3 - 5g/kg thức ăn. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine 5 - 10 ml/1m3 nước hay dùng thuốc Sunfat đồng phun xuống với liều lượng 1,5g/m3.

Phòng bệnh: Giữ nước sạch và thường xuyên thay nước. Khi phát hiện ếch bị bệnh phải tách những con bệnh ra khỏi đàn để tránh lây lan.
 
* Bệnh trùng bánh xe

Ký sinh ở da nòng nọc, khi trời nóng, gió đông thường xảy ra bệnh này. Khi có trùng ký sinh, da ếch tiết ra nhiều dịch nhờn, tạo nên những điểm màu trắng bạc.

Dùng sunfat đồng liều lượng 0,5 - 0,7g/m3 nước phun toàn ao, hoặc tắm cho ếch với liều lượng 1-2g/m3 trong vòng 10 - 15 phút hay tắm trong nước muối 2 - 3% trong vòng 10 - 15 phút.

* Bệnh mù mắt, cổ quẹo

Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo. ếch thường xuyên quay cuồng và chết. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pseudomonas sp.

Trị bệnh: Loại bỏ những con có triệu chứng bệnh. Khử trùng bể bằng Iodine liều lượng 5 - 10ml m3 nước bể.

* Bệnh do nấm

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Achya sp gây ra.

Triệu chứng: Toàn thân ếch , cũng có khi chỉ ở những chỗ khe có những búi nấm trắng, mắt thường có thể nhìn thấy.

Phòng bệnh: Trong quá trình nuôi luôn kiểm soát môi trường thật tốt, định kỳ khử trùng bằng vôi bột.

Trị bệnh: Dùng formalin với nồng độ 20 - 25 ml/m 3 tắm cho ếch.

* Bệnh giun, sán

Nguyên nhân: Ếch thường bị bệnh sán lá, sán sơ mít và giun ký sinh.

Hiện tượng: Ếch chậm lớn.

Trị bệnh: Trộn các loại thuốc tẩy giun sán lẫn với thức ăn hoặc có thể dùng peperracin với tỷ lệ 0,1% so với thức ăn. Phải tẩy vài lần mới hết được giun sán./.

 
                                                                      Đông Trần tổng hợp (nguồn: Kythuatnuoitrong.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×