Lao động thời đại 4.0

Thứ tư, 18/04/2018

Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0. Quá trình này mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức. Thậm chí, sức ép giải quyết việc làm gia tăng, lao động của một số ngành sẽ có nguy cơ mất việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.
Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0. Quá trình này mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức. Thậm chí, sức ép giải quyết việc làm gia tăng, lao động của một số ngành sẽ có nguy cơ mất việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.



Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học; robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới... Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.

Đặc biệt, nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.

Và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra trong bối cảnh hội nhập hiện nay là việc đào tạo ở bậc học đại học chưa thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc lựa chọn nghề nghiệp theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan.

Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa có, vì thế dẫn tới tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề, và tiếp theo sẽ là thừa cung lao động trong một số nghề và thiếu lao động trong nhiều nghề khác - những nghề mà hiện nay rất ít học sinh nộp hồ sơ dự học, nhưng lại rất cần thiết đối với sự phát triển của đất nước.

Một trong những đặc thù của cách mạng 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Lẽ ra, các trường nghề, trường đại học phải dạy học viên khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp hiện đại thì hiện nay vẫn nhiều trường vẫn theo cách giảng cũ, cách tư duy cũ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó kỳ vọng sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, bởi không có trường đại học nào có thể đào tạo theo kịp được phát triển hiện nay.

Đơn cử, đào tạo đại học chỉ mang tính chất căn bản, cách tư duy và cách thức hòa nhập vào môi trường, doanh nghiệp mới là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội. Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên ngành như trước đây, đồng thời học không có nghĩa là nghe theo, học thuộc mà cần tăng sự phản biện của người học… mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

 

Thách thức với người lao động

 
Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ khiến lực lượng lao động trẻ dồi dào, chi phí thấp của nước ta không còn là ưu thế. Thậm chí, sức ép giải quyết việc làm gia tăng, lao động của một số ngành sẽ có nguy cơ mất việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.

Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của người lao động cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chỉ khoảng hơn 3%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.

Cũng trong năm 2017, cả nước đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vừa mang về nước nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025.

Tuy nhiên, thị trường lao động, việc làm của nước ta vẫn tồn tại những điểm hạn chế cần phải khắc phục. Đó là cơ cấu lao động còn khá lạc hậu: dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý. Vẫn còn một tỉ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật...Đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn cao.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và ADB, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo nghề kỹ càng, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ ứng dụng internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Nước ta cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Hàng chục triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh…

Trong bối cảnh như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân lực, trang bị cho người lao động các kỹ năng mới. Trong thời kỳ này, nếu việc tổ chức đào tạo tốt hơn thì hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội. Đây cũng là thời kỳ phân công lại lao động nên nếu có sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể chiếm được những thị phần mà người lao động của chúng ta thích ứng được. Tới đây, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, ngoại ngữ, lao động chất lượng cao, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, chú trọng công tác dự báo hướng nghiệp... để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Để giải quyết những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, các cơ quan quản lý cần tập trung vào các vấn đề về đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện thông tin thị trường lao động. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh. Sẽ là sự liên kết giữa các lĩnh vực lý - sinh, cơ - điện tử - sinh, hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc tự động. Hiện tại thì nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí, tự động hóa… đang ở mức cao. Nếu việc tổ chức đào tạo tốt hơn thì người lao động hoàn toàn có thể tận dụng được các cơ hội.
 

Hoài Nam tổng hợp


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×