Lợi thế nào cho Việt Nam tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0?

Chủ nhật, 10/09/2017

Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội và thách thức rất lớn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với cơ cấu dân số vàng mơ ước với nhiều quốc gia.
Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội và thách thức rất lớn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với cơ cấu dân số vàng mơ ước với nhiều quốc gia.
 

Lợi thế của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0

 
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) với 275 cơ quan, đơn vị tham gia ICT Summit 2017 ngày 6/9/2017 cho thấy, nguồn nhân lực và quyết tâm hành động của Chính phủ chính là lợi thế quan trọng nhất để Việt Nam tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Theo đó, nguồn nhân lực được nhiều đơn vị lựa chọn nhất với 77,7%; nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ chiếm 70,4%; hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông 59,1%...
 

Biểu đồ kết quả khảo sát lợi thế của Việt Nam trong cách mạng 4.0
 
Về các giải pháp quan trọng để giúp Việt Nam tiếp cận thành công với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức đã lựa chọn lần lượt là: Đào tạo nguồn nhân lực (81,8%); thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%); thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (53%).
 
Đánh giá về các ngành kinh tế có lợi thế phát triển trong cách mạng công nghiệp mới, các đơn vị tham gia trả lời cho rằng công nghệ thông tin chiếm 89,9%; du lịch 45,7%; nông nghiệp (44,9%); tài chính-ngân hàng (47%) và logistics (28,3%).
 
Cũng theo khảo sát này, có tới 35,2% cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 58,7% cơ quan, đơn vị đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6.1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 

Thông điệp của ICT Summit 2017 với cách mạng công nghiệp 4.0

 
Theo Ban Tổ chức, sau một ngày bàn thảo, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (ICT Summit) 2017 với sự tham gia của 650 đại biểu trong nước và quốc tế đã đưa ra 6 thông điệp chính.
 
Thứ nhất, diễn đàn thống nhất nhận thức sâu sắc rằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
 
Thứ hai, cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học và cộng đồng xã hội (trong đósự liên kết giữa cơ quan Nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt) phối hợp hành động quyết liệt, kịp thời bằng những giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Thứ ba, tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới. 
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện tại các gian hàng tham dự ICT Summit 2017 ngày 6/9/2017 (Nguồn BTC)
 
Thứ tư, thúc đẩy đổi mới giáo dục, chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học. Có kế hoạch chủ động về chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Thứ năm, hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở), hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
 
Thứ sáu, khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
 

Dân số vàng - cơ hội và thách thức trong cách mạng công nghiệp 4.0


Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Từ đó đến nay, sau 10 năm, nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041. Đặc biệt, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số ở nước ta diễn ra cùng một lúc, do vậy, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số, thúc đẩy phát triển đất nước.
 
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết một trong những đặc điểm nổi bật của dân số nước ta hiện nay là mức sinh giảm, làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015). Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động – nền tảng cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi cũng mang đến cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển.
 
Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh còn giúp cho thị trường tiêu thụ được mở rộng. Bởi dân số trong thời kỳ này vừa là lực lượng sản xuất chủ lực vừa là lực lượng tiêu dùng chính. Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây đã chứng minh, chi phí tiêu dùng tăng nhanh theo tuổi và đạt mức lớn nhất trong nhóm tuổi từ 25-29 và duy trì ở mức cao cho đến 45 tuổi thì giảm gần tới mức trung bình.
 
Trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, số lượng trẻ em giảm cũng giúp Việt Nam có điều kiện để tái cấu trúc, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.


Cơ cấu dân số Việt Nam năm 2016 (Nguồn Indexmundi, CIA World Factbook)

Theo TTXVN, phân tích của các chuyên gia về dân số, cơ hội cũng đi liền với thách thức. Dân số trong độ tuổi lao động của nước ta chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng chưa cao, thống kê năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động mới chiếm khoảng 78,8% dân số. Khoảng 70% dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn - khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chậm được cải thiện, vẫn có tới 7,21% lao động thanh niên chưa có việc làm. Đi cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 20,2% trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.
 
Một thách thức nữa của nước ta hiện nay là số lượng người già có xu hướng tăng nhanh trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm phát sinh nhiều nhu cầu mới về chi trả lương hưu, bảo hiểm, hệ thống y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc thù cho nhóm dân cư này.
 
Theo PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vòng đời, thu nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14 - 31 tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và tiếp tục giảm nhanh đến 70 tuổi và về 0 khi đến tuổi 90. Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2012 cho thấy, dân số trong độ tuổi 23 - 53 tạo ra thặng dư khoảng 632.000 tỉ đồng, trong khi dân số trong độ tuổi 0 - 23 và từ 54 tuổi trở lên tương ứng tạo thâm hụt khoảng 552.000 tỉ đồng. Tổng cộng cho toàn bộ dân số thì mức thâm hụt là khoảng 109.000 tỉ đồng.
 
Để bù đắp cho phần thâm hụt này thì một phần được chia sẻ từ nguồn thặng dư do nhóm dân số tuổi từ 23 - 53 tạo ra và phần khác là từ các khoản chuyển giao khác. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.
 
Anh Minh - Phương Hiền (tổng hợp)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×