Lợi thế và thách thức khi khởi nghiệp blockchain tại Việt Nam

Chủ nhật, 04/12/2022

Theo các chuyên gia, khởi nghiệp blockchain gặp nhiều thuận lợi trong gọi vốn, ít cạnh tranh nhưng gặp thách thức về chính sách, tiêu cực thị trường…

Theo các chuyên gia, khởi nghiệp blockchain gặp nhiều thuận lợi trong gọi vốn, ít cạnh tranh nhưng gặp thách thức về chính sách, tiêu cực thị trường…
 

Tại hội thảo khởi nghiệp blockchain ngày 3/12 trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2022, tiến sĩ Đinh Ngọc Thạnh thuộc Đại học Soongsil (Hàn Quốc) cho rằng blockchain là một nền tảng tính toán chung toàn cầu mà ai cũng có thể tham gia đóng góp và phát triển. Đây được coi là thế hệ tính toán tiếp theo trong chặng đường phát triển máy tính.
 

"Blockchain hoạt động bằng sự đồng thuận theo nguyên tắc nhất định để có thể thực hiện vai trò tính toán chung của mạng lưới. Mọi dữ liệu đồng nhất, phi tập trung, khó thay đổi", ông Thạnh nói về kiến trúc của blockchain. Ông cho rằng, những đặc điểm này, cùng với tiềm năng thị trường khiến blockchain có nhiều lợi thế cho các nhóm khởi nghiệp Việt Nam khi phát triển dự án ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống.
 

TS  Đinh Ngọc Thạnh, Đại học Soongsil Hàn Quốc nói về tiềm năng và thách thức khởi nghiệp blockchain tại hội thảo, chiều 3/12. Ảnh: Hà An

TS Đinh Ngọc Thạnh, Đại học Soongsil, nói về tiềm năng và thách thức khởi nghiệp blockchain tại hội thảo blockchain chiều 3/12. Ảnh: Hà An
 

Nguồn vốn là lợi thế đầu tiên của khởi nghiệp blockchain khi giải được bài toán lớn nhất của khởi nghiệp là thu hút nhà đầu tư. Theo ông Thạnh, hiện thị trường blockchain nhỏ nhưng lượng vốn đổ vào rất lớn từ nhiều tập đoàn, quỹ Web2 và Web3 và không bị giới hạn về địa lý.
 

Thị trường blockchain được coi là "xanh" do công nghệ mới, ít người tham gia, nhiều ngách ứng dụng chưa được khám phá, là cơ hội để các startup tiên phong. Ứng dụng blockchain trong các ngành hiện vẫn chưa lớn, chưa hoàn thiện, cạnh tranh chưa quá cao. "Xây dựng cơ sở hạ tầng cho blockchain là sự tham gia của cộng đồng dựa trên nguyên tắc đồng thuận được quy ước. Việc này giúp startup có thể xây dựng một hệ thống mà cộng đồng thế giới đóng góp vào giúp nâng cao khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp công nghệ lớn", tiến sĩ Thạnh nói.
 

Những thách thức
 

Giống như các thế hệ tính toán trước, blockchain đang trong giai đoạn sớm nên gặp giới hạn về khả năng mở rộng trải nghiệm người dùng. Ông Thạnh nêu dẫn chứng, trước đây con người sử dụng máy tính chiếm diện tích lớn nhưng hoạt động rất chậm khiến trải nghiệm kém và giá rất cao. Hiện nay, máy tính nhỏ gọn hơn, hiệu năng cao hơn. "Máy tính blockchain cũng gặp những hạn chế như các thế hệ đầu của máy tính", ông nói và cho rằng đây là cơ hội cho startup phát triển các giải pháp giải quyết vấn đề này.
 

Các chuyên gia thảo luận công nghệ blockhchain tại phiên tọa đàm. Ảnh: Hà An

Các chuyên gia thảo luận công nghệ blockhchain tại phiên tọa đàm. Ảnh: Hà An
 

Hiện khung pháp lý còn chưa rõ ràng và cơ quan chức năng cũng cần thời gian nghiên cứu đưa ra điểu khoản quản lý cho hoạt động lĩnh vực blockchain. Ông Thạnh cho rằng các chuyên gia blockchain cần chung tay chia sẻ, hỗ trợ giúp cơ quan nhà nước hiểu rõ hơn về blockchain và giúp xây dựng chính sách. Vì chưa có hành lang pháp lý, thị trường blockchain được cho là còn nhiều tiêu cực khi có những hình thức lừa đảo và startup kém chất lượng, trong khi người đầu tư chưa có kiến thức để phân biệt.
 

Còn theo luật sư Đào Tiến Phong, thuộc hãng luật Investpush Legal, Việt Nam là một trong những nước có mức độ thân thiện nhất định về tiền điện tử. "Dù quy định chi tiết vận hành triển khai dự án blockchain chưa có, các chủ trương chung được nhà nước đưa ra sớm nhất có thể, chấp nhận thử nghiệm cái mới trong sự kiểm soát là yếu tố rất tích cực. Phải có thời gian để luật đi vào cuộc sống khi công nghệ này phát triển có từ định hướng của các nhà quản lý" ông Phong nói.
 

Để khuyến khích phát triển các ứng dụng blockhchain, ông Phạm Hưởng, Giám đốc GFI Ventures, cho biết họ có nguồn đầu tư hơn 350 triệu USD cho startup lĩnh vực này và sẵn sàng huy động nguồn lực từ quỹ của nước ngoài tham gia để có những sản phẩm mới. "Điều quan trọng là các dự án phải giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội", ông nói.
 

Theo VnExpress


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×