Năng động, vượt khó để khởi nghiệp thành công từ Nông nghiệp

Thứ sáu, 11/01/2019

Có thể nói, con đường khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng cả,, nếu không muốn nói đó là con đường đầy gian nản, thách thức. Nhưng những điều này không vì thế trở thành rào cản trên con đường khởi nghiệp để hướng tới mục tiêu của những người trẻ thế hệ 9X.
Có thể nói, con đường khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng cả,, nếu không muốn nói đó là con đường đầy gian nản, thách thức. Nhưng những điều này không vì thế trở thành rào cản trên con đường khởi nghiệp để hướng tới mục tiêu của những người trẻ thế hệ 9X. Mặc dù sinh ra và lớn lên từ những thành phố, những vùng quê, hay trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ đều chứa đựng những phẩm chất, và đức tính chung, đó là những con người giàu nghị lực, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại, biết biến thử thách thành cơ hội để lập nghiệp thành công. Thành quả lao động của các cá nhân này đã minh chứng cho chúng ta thấy những điều đó.
 

1. 9X bỏ phố về quê khởi nghiệp thành công từ trồng hoa hồng


Đang sống ở mảnh đất thủ đô sôi động, anh Trần Văn Thành, sinh năm 1994 ở huyện Mê Linh, TP. Hà Nội đã quyết định lên phố núi Sơn La làm giàu từ cây hoa hồng.

Mới ở độ tuổi 25 nhưng trông anhTrần Văn Thành, sinh năm 1994 (Mê Linh, Hà Nội) chững chạc hơn những bạn bè cùng trang lứa. Tiếp tôi tại mảnh đất bạt ngàn hoa hồng nằm sát chân núi, anh Thành bồi hồi kể lại: “Do lực học có hạn nên sau khi học hết lớp 10 tôi đã quyết định nghỉ học về phụ giúp bố mẹ, sau đó tôi theo chân bạn bè lên Sơn La làm thuê và bén duyên với mảnh đất này từ đó


Mảnh đất đầy cỏ dại ban đầu đã được thay thế bằng vườn hồng rực rỡ.

Anh Thành bảo: Quê anh vốn có truyền thống trồng hoa từ lâu và toàn bộ diện tích đất nhà anh đều dành trồng các loại hoa hồng, cúc, ly, lan... Vào mùa hè thời tiết nóng nực cây hoa thường còi cọc, nhiều sâu bệnh nên gia đình anh rất vất vả chăm bón.

Công việc ở quê không thuận lợi nên anh Thành đã cùng một số người bạn lên TP.Sơn La làm ăn. Khi lên vùng đất phố núi này, anh không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ở đây người dân trồng hoa quanh năm, vào mùa hè cây hoa vẫn xanh tốt, cứng cáp. Anh tìm hiểu thì được biết nhờ có khí hậu mát mẻ, trong lành nên các loại hoa ở đây phát triển rất tốt, đặc biệt là hoa cúc và hoa hồng.

Có sẵn kinh nghiệm trồng hoa khi ở cùng bố mẹ, nên anh Thành đã nghĩ đến việc tự gây dựng vườn hoa cho riêng mình. Năm 2015, sau khi lập gia đình, anh bàn với vợ vay vốn, thuê đất trồng, quyết tâm làm giàu từ cây hoa hồng.

Anh thuê 1,3 ha đất ruộng của bà con ở bản Tông(xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La) rồi làm cỏ, xới đất, bổ luống, bón phân dưỡng đất. Đất làm đến đâu anh lại trồng hoa đến đấy. “Các loại cây hồng giống tôi đều mua ở quê và chuyển lên đây trồng. Phải mất khoảng 7 tháng thì những cây hồng này mới cho hoa đạt chất lượng.” anh Thành chia sẻ thêm.


Nhờ được chăm sóc tốt nên hoa hồng nhà anh Thành luôn có màu đỏ đẹp, nụ to, tươi lâu.

Thành cho biết: Để có những bông hoa đẹp như thế này thì bên cạnh kĩ thuật canh tác còn phải đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Các công đoạn như bón phân, làm cỏ, tỉa cành, quấn giấy báo vào nụ hoa…phải được tiến hành đúng thời điểm và liều lượng. Với những cây hoa mới bắt đầu trồng, thì phải cắt bỏ 2 đến 3 lứa hoa đầu, mục đích để ép cây “đẻ” thêm nhiều cành mới và tập trung dưỡng chất cho cây phát triển khỏe mạnh. Sau đó bón thêm phân và thường xuyên cắt bỏ các cành, lá già và sâu bệnh. Tầm khoảng 7 tháng thì có thể cho thu hoạch lứa hoa đạt chất lượng. Chu kì một lứa hoa là khoảng 45 ngày vào mùa hè và 90 ngày vào mùa đông.


Anh Thành quấn giấy báo vào đầu nụ hồng để định hình cho hoa và hạn chế hoa nở sớm.

Khó khăn nhất khi trồng hoa ở vùng đất này là vào mùa lũ tháng 7 tháng 8. Nước ở đầu nguồn ập về trắng xóa cả một vùng, cây hồng bị ngâm nước lâu sẽ dễ bị rụng lá và chết. Năm nào cũng thế trước mùa mưa lũ là tôi lại phải lo dưỡng cây cho thật khỏe.” Anh Thành nói

Với 7 vạn gốc hồng trưởng thành, hiện tại cứ khoảng 3-4 ngày vườn hồng nhà anh lại cho thu hoạch hơn 4.000 cành hoa, vào mùa hè số hoa cắt bán còn nhiều hơn. Số hoa này chủ yếu được bán sỉ cho các cửa hàng hoa ở Sơn La và gửi về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với giá từ 1.000 đồng – 2.000 đồng một cành, trừ hết chi phí anh Thành cũng bỏ túi đều đều khoảng 1.000.000 đồng/ngày.


Hoa được phân loại trước khi gửi cho khách. Những bông hồng đỏ thắm có thêm cành lộc non luôn được nhiều người ưa thích và bán được giá cao.

Cũng theo anh Thành, nhận thấy nghề trồng hoa ở Sơn La thuận lợi hơn ở quê nên anh đã bàn với bố mẹ lên đây làm ăn và giờ đây bố mẹ anh cũng đang làm chủ một vườn hoa rất đẹp ở Chiềng Xôm (TP.Sơn La). “Mùa này (tháng 12) là chúng tôi còn có thời gian nghỉ ngơi chút đấy, chứ vào mùa hè việc nhiều, thu hoạch hoa cũng nhiều hơn thì cả 2 vợ chồng tôi và 4 công nhân nữa làm cả ngày lẫn đêm mới hết việc.” Anh Thành chia sẻ thêm.
 

2. Hành trình khởi nghiệp từ cây nấm trùng thảo


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nghèo khó, từ nhỏ, Dũng đã gắn kết với đồng ruộng. Đó là lý do Dũng quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2010 tốt nghiệp đại học, Phan Tiến Dũng được nhận vào làm tại một ngân hàng. 4 năm trong ngành ngân hàng, Phan Tiến Dũng vẫn chưa cảm thấy công việc này thật sự có ý nghĩa với mình nên quyết định rẽ hướng...


 
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nghèo khó, từ nhỏ, Dũng đã gắn kết với đồng ruộng. Đó là lý do khi nhận thấy ngành ngân hàng chưa phải là công việc mang lại ý nghĩa cho mình, sau đó Dũng đã tìm đến lĩnh vực nông nghiệp.

Dũng tâm sự: "Thời gian làm ngân hàng, tôi luôn đặt câu hỏi là mình đến với cuộc sống này vì cái gì và điều này thôi thúc tôi phải đi tìm câu trả lời. Cũng trong giai đoạn này, rất nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, về tỷ lệ mắc bệnh ung thư khiến tôi băn khoăn, phải chăng người Việt bệnh tật nhiều là do thức ăn? Tại sao nông dân nước ta lại sử dụng nhiều thuốc hóa học? Nền nông nghiệp của nước mình có quá lạc hậu không?".

Cuối năm 2015, Dũng gặp được một số bạn trẻ cùng quê là Sang, Luyến, Hà và Thanh đang học chuyên ngành công nghệ sinh học, đều đam mê nghiên cứu và thích ngành nông nghiệp. Qua trò chuyện, nhận thấy có cùng đam mê, và "đó là lý do để mọi người ngồi lại cùng nhau và quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực nghe thì tưởng dễ mà kỳ thực khi bắt đầu vô cùng khó”, Dũng kể. Nhờ kinh nghiệm và tuổi tác "nhỉnh" hơn nên các cộng sự đề cử Dũng làm người dẫn dắt nhóm và Công ty CP AT Group ra đời.

Câu hỏi mà AT Group luôn đau đầu, đó là chọn sản phẩm nào để phát triển? "Thời điểm đó, thị trường bắt đầu xuất hiện nấm trùng thảo - một loại nấm có giá trị dược liệu và giá trị sử dụng cao, tuy nhiên giá bán trên thị trường khá đắt và nguồn cung cũng rất hạn chế, trong khi đó nước mình lại có nhiều nguồn nguyên liệu có thể phát triển được loại nấm này. Nhận thấy đây là loài nấm có nguyên liệu đầu vào từ ngành dược và ngành thực phẩm chế biến nên cơ hội phát triển rất cao, thế là cả nhóm nhanh chóng thống nhất ý kiến và lên kế hoạch hành động", Dũng chia sẻ.

Bắt đầu nghiên cứu, AT Group nhận thấy, trên thị trường nấm trùng thảo được biết đến với tên gọi là đông trùng hạ thảo nên Công ty sử dụng tên gọi này cho sản phẩm. Nhưng sau thời gian nghiên cứu sâu và hiểu rõ hơn về bản chất của sản phẩm, các thành viên nhận thấy có sự khác biệt về bản chất của loại nấm mình đang làm so với nấm đông trùng hạ thảo theo truyền thống (đông trùng hạ thảo theo truyền thống có tên khoa học là cordyceps sinensis, loại nấm này có đặc điểm là chỉ có ở vùng núi khu vực Tây Tạng, sinh trưởng theo kiểu mùa đông là côn trùng, mùa hạ là cây nấm), trong khi loại nấm Công ty đang nghiên cứu có cùng bản chất là nấm ký sinh côn trùng nhưng tên khoa học là cordyceps militaris, hơn nữa loại nấm này phân bổ hầu như trên khắp thế giới, và có thể phát triển khi có điều kiện khí hậu phù hợp.

Vì vậy các thành viên của Công ty quyết định thay đổi tên gọi thành nấm trùng thảo để trả về bản chất khoa học của nó là nấm ký sinh trên côn trùng ("nấm trùng thảo"), hơn nữa tên gọi này có ý nghĩa thuần Việt và dễ hình dung, đặc biệt là những người mới tiếp cận.

Không chỉ khác biệt về tên gọi, trong khi các đơn vị nghiên cứu khác chỉ dựa vào một hoặc 2 chỉ tiêu để đánh giá chất lượng sản phẩm thì các thành viên của AT Group xác định phải đánh giá trên nhiều tiêu chí, nhưng điều quan trọng, yếu tố đánh giá chất lượng là quy trình sản xuất, độ ổn định của giống sản xuất. Chính vì cách tiếp cận khác biệt này nên Công ty nhanh chóng hoàn thiện quy trình nghiên cứu và khi sản phẩm ra đời được nhiều khách hàng, đối tác tin tưởng chấp nhận với mức giá phải chăng.

Với cách "lấy ngắn nuôi dài", Dũng cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị chế biến trong ngành dược và thực phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia nhiều sự kiện kết nối, giao thương để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hướng đến các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Sau đó hướng đến giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp bằng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những mô hình nông nghiệp mới, trong đó nông dân sẽ trực tiếp đóng góp vào việc sản xuất những sản phẩm an toàn như ý nghĩa tên gọi của Công ty (AT= an toàn).

Có sản phẩm và được thị trường đón nhận nhưng Dũng vẫn còn không ít băn khoăn, trong đó áp lực người điều hành luôn là điều phải suy nghĩ. "Công việc mới đòi hỏi phải biết rất nhiều thứ nên ban đầu tôi rất bỡ ngỡ và lo lắng. Nếu làm không tốt thì tiền của và công sức của anh em sẽ đổ sông đổ biển, vì vậy khi lập kế hoạch chi tiêu hay đầu tư, tôi phải cân nhắc rất kỹ mới ra quyết định", Dũng tâm sự.

Song, điều khó nhất theo Dũng vẫn là ổn định tinh thần cho các cộng sự, dẫu biết hành trình khởi nghiệp rất gian nan. Khi bắt đầu hành động, cả nhóm đã cùng nhau xây dựng kế hoạch có mục tiêu và lộ trình cụ thể, nhưng khi thực hiện với nhiều khó khăn ập đến như nguồn giống, tài chính hạn hẹp đã khiến nhiều thành viên dao động và bắt đầu có ý nghĩ buông xuôi.

"Những lúc như vậy, tôi phải vừa làm chỗ dựa tinh thần cho từng người, vừa kéo cả nhóm vượt qua để đi tiếp. Và điều tâm đắc nhất của Dũng là "Người đứng đầu phải biết nhen lửa và làm cho ngọn lửa đam mê ấy cháy mãi để cả đội nhóm cùng phát huy sức mạnh. Đây cũng là yếu tố để một startup thành công".
 

3. 9X khởi nghiệp thành công với trang trại nông nghiệp 4.0


 Chàng trai 26 tuổi, không ngại chân lấm, tay bùn, đam mê nghề nông đã khởi nghiệp thành công với phương pháp trồng rau, quả thủy canh, hướng đi mới của nông nghiệp 4.0.

Đang làm kỹ sư cơ điện cho một công ty điện máy của Hàn Quốc với mức lương trên 15 triệu đồng một tháng, anh Nguyễn Việt Lâm, tổ dân phố Làng Cả, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bỏ về quê trồng rau thủy canh.

Nguyễn Việt Lâm lựa chọn trồng rau, quả bằng phương pháp thủy canh trong nhà kính ở thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương. Qua 2 năm vất vả với đam mê nông nghiệp công nghệ cao, Lâm đã có những thành công bước đầu. Sản phẩm rau sạch mang thương hiệu của Công ty TNHH MTV Sơn Dương GREENFAR đã có mặt ở chuỗi cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh và ở Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Bỏ nghề kỹ sư cơ điện để làm nông dân

Cách đây gần 2 năm, khi chàng trai Nguyễn Việt Lâm bỏ công việc kỹ sư điện tử cho công ty nước ngoài với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng, mức lương mà nhiều bạn trẻ ở tuổi ngoài đôi mươi như Lâm mơ ước để về khởi nghiệp bằng trồng rau, nhiều người cho rằng Lâm dại, bởi ngoài công việc bỏ dở thì Lâm còn là “con trai cưng” của gia đình doanh nhân Nguyễn Văn Sáu, một người có nhiều năm làm nghề khai khoáng, có dư của ăn của để. 


Anh Nguyễn Việt Lâm giới thiệu rau cải canh trồng thủy canh.

Khi là sinh viên, Việt Lâm luôn đứng trong tốp 15 người có thành tích học tập tốt nhất khoa Cơ điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, được tập đoàn Nistan của Nhật liên kết với trường đào tạo chuyên sâu, cơ hội sang Nhật tu nghiệp và làm việc trong tầm tay, nhưng Lâm lại chọn niềm đam mê.

Lâm bảo: “Lúc trước em đi học kỹ sư cơ điện, ai cũng nghĩ sau này sẽ về làm cho gia đình nhưng em muốn tự lập. Làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài để học cách thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức. Bốn năm làm cho 2 doanh nghiệp nước ngoài, em học được khá nhiều, nhất là việc sử dụng ngoại ngữ để phục vụ cho việc dịch sách khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp”.

Tôi hỏi sao lại là sách khoa học kỹ thuật về nông nghiệp? Lâm cười: “Thú thật làm kinh tế trang trại là đam mê từ lúc còn là học sinh của em. Em luôn ấp ủ dự định làm kinh tế trang trại, nhưng là làm nông nghiệp hiện đại nên đã kiên trì 2 năm dịch tất cả các loại sách, tài liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phương pháp trồng rau, quả bằng thủy canh của người Nhật. Khi kiến thức đã hòm hòm mới quyết định về quê lập nghiệp”.

Việc Lâm quyết định trồng rau thủy canh được ông Sáu, bố Lâm ủng hộ, còn mẹ Lâm thì ngăn cản. Lâm chia sẻ: “Mẹ thương em vất vả, lại sợ em không thành công nên ngăn cản không muốn cho em làm. Nhưng vì đam mê, quyết tâm nên bố em dốc sức giúp về mọi mặt. Bố bảo, đàn ông phải có chí tiến thủ, được bố động viên, em lại càng quyết tâm gây dựng sự nghiệp. Nhưng khi làm rồi mới thấy, đúng là không đơn giản. Lý thuyết và thực tế khác nhau khá nhiều. Mọi người mà nhìn thấy em năm ngoái thì chán luôn...".

"Cả khu đất này trên 20 ha chủ yếu đất vườn đồi, cách xa khu dân cư, em ở lán bạt gần như cả ngày đêm. Khi có mặt bằng lại thiết kế nhà kính, xử lý nước, đất, hệ thống máng trồng, đến nỗi, bạn đến thăm em còn không nhận ra vì trông giống “thổ phỉ”, đen nhẻm. Sau 2 năm vất vả mới hình thành được cơ bản khu sản xuất này...", Nguyễn Việt Lâm tâm sự.

Trang trại nông nghiệp 4.0 của Lâm được quy hoạch bài bản, tự động hóa từ quạt mát, phun sương tưới ẩm, đến hệ thống đường ống dẫn nước lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước. Hiện tại đã có một khu nhà kính rộng hơn 1.000 m2, khu đóng gói, khu hầm chứa vi chất dinh dưỡng và còn 2 khu đất trống được san ủi khá công phu để chuẩn bị xây dựng tiếp nhà kính.

Thành công bước đầu

Lâm đang cung cấp cho thị trường chủ yếu các loại rau ăn lá phổ biến như: Rau cải canh, cải ngồng, cải ngọt và đang trồng thử nghiệm các giống rau mới chất lượng cao của Nhật Bản như cải đuôi phụng, dưa chuột bi. Lâm cho biết, hiện tại, rau đã vào được chuỗi cửa hàng rau sạch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và một ít ở thành phố Tuyên Quang. Giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg đối với các loại rau cải, so với giá rau trồng thủ công thông thường thì chênh lệch khoảng từ 7 - 8 nghìn đồng.

Lâm nói, đã có lãnh đạo siêu thị đến tham quan và có nhã ý hợp tác, nhưng vì cơ sở còn nhỏ, chưa đáp ứng được số lượng quá lớn cho cả hệ thống. Còn đối với siêu thị nhỏ, lẻ mức tiêu thụ ít thì lại không đủ công vận chuyển nên cơ sở mới đang cung ứng ở chuỗi cửa hàng. Hơn nữa, Lâm muốn sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để giảm giá bán hướng tới tất cả các đối tượng tiêu dùng.

Lâm kể, đầu năm 2018 trồng lứa rau đầu tiên thử nghiệm, thành công vui không ngủ được, mang rau biếu mọi người ăn đánh giá chất lượng. Lứa thứ hai bắt đầu đem bán và giới thiệu sản phẩm cho các cửa hàng rau sạch. Sau khi có chứng nhận an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cấp, Lâm đã bắt tay vào làm tem truy xuất nguồn gốc để cam kết chất lượng, xây dựng thương hiệu cho Công ty TNHH MTV Sơn Dương GREENFAR.

Rau do Lâm cung cấp không cắt rễ, mà được bọc lại bằng màng ni lon. Thấy tôi thắc mắc, Lâm giải thích: “Để lại bộ rễ rau tươi lâu hơn, không mất vi chất dinh dưỡng, đồng thời cũng để bảo vệ thương hiệu. Chính vì hai chữ thương hiệu này mà em vừa là nông dân, vừa là nhân viên giao hàng, vừa là ông chủ đấy. Em muốn tự mình làm để nghe phản hồi từ người tiêu dùng”.

Lấy một gốc rau Mizuna hay còn gọi là cải đuôi phụng, một loại rau ăn gỏi của người Nhật cho chúng tôi thử ngay tại vườn, Lâm giới thiệu: “Loại rau này mới trồng thử nghiệm một ít, khả năng phát triển khá tốt, tới đây sẽ liên kết với một số nhà hàng chuyên món ăn Nhật để cung ứng và sẽ tìm hướng xuất khẩu sang Nhật loại rau này. Bởi trồng phương pháp thủy canh đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người Nhật”.

Nói về dưa lưới Nhật, Lâm dẫn chứng, gốc dưa chỉ có chút xơ dừa, nhưng 2 yếu tố quyết định sự sinh trưởng cây trồng là dinh dưỡng và nước. Nguồn nước phải sạch, không nhiễm hóa chất, tạp chất. Đó chính là lý do Lâm chọn mảnh đất thôn Gốc Quéo này.

Trước đây, mọi người biết nguồn nước lần chảy xuống từ hai bên núi sạch, các hộ dân đã sử dụng sinh hoạt nhiều năm. Khi quyết định đầu tư, gia đình đã mua hết diện tích đất đồi khu vực này để bảo vệ nguồn nước khỏi những tác động của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…

Công thức chất dinh dưỡng tự bỏ công học hỏi trên công thức chung và qua nhiều lần thử nghiệm, ứng dụng thực tiễn sản xuất Lâm đã rút ra được công thức riêng phù hợp với cây trồng ở đây.

Dinh dưỡng thủy canh chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm đầy đủ và cân đối các nguyên tố đa lượng N, P, K, trung lượng Ca, Na, Mg, S và vi lượng Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo, Cl giúp tối ưu hóa cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Và những dự định

Lâm khẳng định, độ một tháng nữa chỗ này sẽ làm thêm hai nhà kính nữa để trồng chuyên canh rau cải đuôi phụng và dưa lưới Nhật. Hai loại này thị trường khan hiếm nên dễ tiêu thụ, giá bán khá cao, lâu dài có thể xuất khẩu. Dưa lưới Nhật hiện tại có giá từ 60 - 80 nghìn đồng/kg, nhưng các nhà vườn không đủ cung cấp vì kỹ thuật trồng loại quả này khó, chi phí lớn.

Dự kiến chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng vì các loại máng trồng bằng nhựa PE, hệ thống ống dẫn nước đều do Lâm thiết kế nên không mất công thuê bên ngoài. Theo quy hoạch của Lâm thì 16 ha phía trên sẽ duy trì trồng rừng sản xuất; 3 ha dành cho chăn nuôi, 1 ha dành cho nông nghiệp thủy canh.

Ông Nguyễn Văn Sáu, bố Lâm cho biết thêm, đầu tư cho sản xuất xong, tới đây gia đình sẽ lắp đặt hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh để tiện theo dõi sản xuất và người tiêu dùng quan tâm có thể trích xuất xem quy trình sản xuất. Ông Sáu chia sẻ, thành công của Lâm không chỉ có sự giúp sức của gia đình mà còn có sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền từ xã đến tỉnh. Ngoài sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách còn động viên khích lệ về tinh thần. Đó cũng là yếu tố để gia đình và Lâm quyết tâm làm thành công.

Sau mỗi lần thu hoạch, Lâm lại vân chuyển rau và dưa cung ứng cho chuỗi cửa hàng ở Hà Nội. Chàng trai 26 tuổi, không ngại chân lấm, tay bùn, đam mê nghề nông đã khởi nghiệp thành công với phương pháp trồng rau, quả thủy canh, hướng đi mới của nông nghiệp 4.0.
 

4. Cô gái phố núi khởi nghiệp gây dựng thương hiệu mật ong hoa cà phê


Với mong muốn gây dựng thương hiệu mật ong của quê nhà, Hoàng Anh đã từ bỏ công việc kế toán để tự mình khởi nghiệp như một chú ong chăm chỉ.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và tỉnh Gia Lai, mọi người thật sự ấn tượng trước một gian hàng được trang trí lịch lãm, nhẹ nhàng. Đó là mật ong Phương Di, thương hiệu mật ong hoa cà phê có tuổi đời khá trẻ của cô gái Trần Thị Hoàng Anh.


Cô gái phố núi Hoàng Anh chăm chút cho thương hiệu mật ong đặc sản của quê nhà.

Học tính cần mẫn gầy dựng từ loài ong

Hoàng Anh bắt đầu từ việc gây dựng đàn ong. Ban đầu chỉ vài chục thùng, sau lên hàng trăm và bây giờ cô đã sở hữu hơn 3.000 đàn, tương đương với ngần ấy số thùng.

 “Mình xây dựng thương hiệu mật ong hoa cà phê, do vậy chỉ lấy mật vào mùa cà phê nở. Vị của mật ong hoa cà phê cũng khác biệt so với các loài hoa khác. Tại sao xuất hiện cà phê đặc sản của phố núi mà mình không có mật ong đặc sản từ hoa cà phê? Câu hỏi đó giúp mình bắt đầu xây dựng thương hiệu này” – Hoàng Anh chia sẻ.

Cần mẫn như chú ong nhỏ, cô từng bước thiết kế từ mẫu mã, hình ảnh đến các sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất. Ngoài mật ong hoa cà phê, sữa ong chúa, phấn hoa…, Phương Di còn có sản phẩm khác như kem dưỡng da mật ong và nghệ, viên tinh bột nghệ mật ong, mật ong chanh đào… được khách hàng ưa chuộng.

Hoàng Anh thông tin, cô vừa tham gia hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã toàn quốc do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Sản phẩm mật ong mang ra hội chợ trong ngày đầu tiên đã tiêu thụ hết, trong khi đó vẫn còn nhiều đơn hàng đang chờ đợi.

Xây thương hiệu từ loài hoa đặc sản quê nhà

Để sản phẩm tiêu thụ tốt, Hoàng Anh dành thời gian đến các trung tâm thương mại lớn của cả nước, các hội chợ, thông qua mạng xã hội để quảng bá thương hiệu của mình.

Khi sản phẩm mật ong đóng chai ra đời, Hoàng Anh cho biết thuận lợi của mình chính là kinh nghiệm, hiểu biết về sản phẩm từ truyền thống nuôi ong lâu đời của gia đình và quá trình tiêu thụ. Tuy nhiên, cái khó nhất là tạo ra một thương hiệu khác biệt, không đi theo lối mòn của nhiều doanh nghiệp khác.

Thương hiệu mật ong Phương Di với bao bì mới nhanh chóng được yêu thích, doanh số bán hàng vì thế cũng tăng theo. Từ vài trăm chai bán ra trong năm đầu tiên, doanh số của công ty những năm sau đều tăng gấp ba lần so với năm trước, với hơn 20 đại lý khắp cả nước.

Với mục tiêu mang đến sản phẩm chất lượng cao cho người dùng, Hoàng Anh chú trọng chọn nguồn nguyên liệu và khâu kiểm định chất lượng. Mật ong thô được lấy từ các trang trại riêng của gia đình hoặc những hộ nuôi ong nhiều kinh nghiệm, đã ký hợp đồng đối tác và được đào tạo bài bản.

Sản phẩm đầu ra được kiểm tra kỹ càng. Hiện tại Hoàng Anh đang làm các thủ tục để sở hữu trí tuệ thương hiệu và mã vạch, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Song song đó, cô cùng mọi người lập ra hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ để đảm bảo đầu ra cho nông dân nuôi ong.

Năm 2017 vừa qua, doanh thu từ các sản phẩm của công ty đạt hơn 2 tỉ đồng. Một tin vui nữa đến với cô khi sản phẩm được Sở Công thương Gia Lai chọn là một trong số ít sản phẩm của tỉnh tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn khu vực, được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận vào tháng 7-2018.

Hoàng Anh quan niệm: “Lợi thế thực sự của nông nghiệp phải ở khâu chế biến. Để vươn ra thị trường toàn cầu, cần giải bài toán chế biến và làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Với những nguyên liệu đạt chất lượng, chúng ta cần chế biến, đóng gói theo khẩu vị, thói quen người tiêu dùng. Sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn theo đẳng cấp quốc tế”.
 

5. 9X lập nghiệp thành công từ đàn dê núi


Chàng thanh niên Lò Văn Chung, dân tộc Thái ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đang nuôi đàn dê sê núi, mỗi năm anh thu về 150 triệu đồng.


Con đặc sản bán Tết: Có ngựa bạch, lợn rừng, "chuột" ăn tre nứa

Do điều kiện gia đình khó khăn, anh Chung học xong cấp 2 rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương ngô, nương sắn. Mặc dù, làm việc bận tối tăm mặt mũi nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khá lên được. Chán cảnh làm bạn với bắp ngô, củ sắn, anh Chung “bám càng” các anh lớn tuổi trong bản đi buôn dê khắp tứ phương.

Sau một thời gian lăn lộn với nghề buôn dê, anh Chung thành thục kỹ thuật chăn nuôi, cách chọn những con dê đực khỏe mạnh cho hiệu quả kinh tế cao. Nắm được bí kíp trong tay, trong lúc đi mua dê không kể con to, con bé Chung đều mua tất về nhà. Con nào béo tốt, khỏe mạnh anh Chung xuất bán. Những con dê đực con bán không được giá cao, anh Chung giữ lại rồi làm chuồng chăm bẵm. 

Từ nuôi dê, anh Chung đã xóa đói, làm giàu ngay trên mảnh đất mình sinh ra

Chia sẻ về công việc của mình, anh Chung cho biết: Ban đầu, do không có vốn nên mình chỉ nuôi 8 con. Năm 2017, từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thông qua Hội Nông dân xã, mình được vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Có được vốn trong tay, gia đình làm thêm 2 chuồng trại và mua 80 con dê con có trọng lượng khoảng 10 kg đổ lại về nuôi. 


Đàn dê thương phẩm nhà anh Chung được chăm sóc tốt nên con nào con nấy đều béo tốt, khỏe mạnh

Để giảm chi phí, anh Chung sử dụng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như tre, nứa, gỗ để làm chuồng. Chuồng trại nuôi dê của anh Chung được làm khá bài bản. Sàn chuồng cách mặt đất khoảng 1m. Mặt sàn được làm bằng cây tre có khe hở nhỏ vừa đủ để phân lọt được ra ngoài và hơi nghiêng về phía sau. 


Mặt sàn chuồng được thiết kế cẩn thận với khe hở chỉ đủ lọt cho phân lọt được ra ngoài

Theo anh Chung, để chọn được những chú dê con khỏe, có sức đề kháng tốt cần chú ý những đặc điểm như: Thân hình cân đối, lông mịn, tầm vóc to, chân thẳng, nhanh nhẹn…

Dê núi là loài động vật ăn tạp nên rất dễ nuôi. Tôi thường cho chúng ăn cỏ kim, cỏ voi, là chuối, cám ngô. Trung bình, 3 tháng tôi xuất bán từ 7 – 8 tạ dê thịt cho các nhà hàng ở Thuận Châu và lò mổ ở huyện Mai Sơn (Sơn La). Một năm, tôi xuất bán được 3 lần, với giá bán bình quân 120.000 đ/kg, thu trên 270 triệu đồng/năm. Sau khi trừ 120 triệu đồng chi phí, tôi bỏ túi 150 triệu đồng. Nếu so với cây ngô, phải hơn 40 tấn mới thu được số tiền như trên, đấy là chưa kể chi phí mua giống, phân, thuốc diệt cỏ” – anh Chung vui mừng. 


Từ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, anh Chung đã phất lên thành hộ giàu có

Ông Lường Văn Thương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bó Mười cho hay: Trước đây, nhà cháu Chung là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Nhưng nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, không chịu khuất phục trước khó khăn, sau khi vay được vốn từ Ngân hàng CSXH, cháu nó đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê thương phẩm. Bởi vậy, đến nay gia đình Chung không những thoát được nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá giả. Chung là một trong những hội viên nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
 

6. Câu chuyện khởi nghiệp thành công của chàng trai khuyết tật


Với nghề buôn tóc qua mạng, mỗi tháng chàng trai khuyết tật Nguyễn Minh Nhật kiếm được cả chục triệu đồng.

Vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, chàng trai Nguyễn Minh Nhật (Sinh năm 1980) ở thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) khiến nhiều người cảm phục nghị lực khi anh chiến thắng thương tật, làm chủ cuộc sống. Với nghề buôn tóc qua mạng, mỗi tháng chàng trai khuyết tật Nguyễn Minh Nhật kiếm được cả chục triệu đồng. 

Vượt lên số phận

Tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất, Nguyễn Minh Nhật công tác trong một công ty thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vừa lấy vợ được hơn 1 tháng và đang học thạc sĩ thì bất ngờ anh bị tai nạn giao thông. Tỉnh dậy trong bệnh viện, toàn thân Nhật bất động vì chấn thương cột sống. Sau lần cận kề cái chết và gần 1 năm điều trị ở nhiều bệnh viện tuyến T.Ư, Nhật trở về quê, mọi việc sinh hoạt phải nhờ người thân trợ giúp. Hằng ngày phải chống chọi với những cơn đau, không nói được, không cử động được khiến anh tuyệt vọng. 


Nguyễn Minh Nhật cùng mẹ.

Không thể nằm yên, Nhật nhờ bố làm cho một bộ dụng cụ thể dục, hằng ngày anh dành thời gian tập luyện bằng việc nẹp cổ vào sợi dây ròng rọc, dùng bao tải đá tạo sức kéo giãn phần đốt sống cổ và các cơ bắp. Nhật bắt đầu tập nói, bàn tay mềm dẻo hơn, có thể giơ lên.

Vụ tai nạn không chỉ cướp đi của Nhật sức khỏe mà còn khiến gia đình anh kiệt quệ về kinh tế. Điều này thôi thúc anh phải làm gì đó ngay cả khi nằm liệt. Năm 2008, đến khi nhà người thân lắp Internet, Nhật nhờ mẹ gõ phím lên mạng tìm cách kiếm việc làm. Chọn đi chọn lại, việc thích hợp nhất với Nhật là bán vé máy bay và anh tự in áp phích quảng cáo cho dịch vụ của mình, rồi nhờ bố đem treo ở các xã, thị trấn trong huyện.

Nắm được tâm lý khách hàng, nhiều đêm Nhật không ngủ, trực cả đêm trên mạng để săn vé rẻ. Anh còn nhờ họ hàng treo áp phích quảng cáo cho dịch vụ của mình ở tỉnh Bình Dương để đón luồng khách gốc Bắc về quê ăn Tết. Nhờ đó, hằng tháng doanh thu từ bán vé máy bay dao động từ 300 - 400 triệu đồng, riêng những tháng hè, tháng Tết doanh thu lên tới 600 triệu đồng, thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Đang bán vé máy bay, Nhật đọc được quảng cáo bán tóc trên mạng và gia đình anh trở thành đại lý thu mua tóc. Chỉ với một ngón tay cử động, nghề buôn tóc của quê anh đã vươn ra thị trường của Nga, Hàn Quốc, Nam Phi... Có tháng, Nhật lãi vài chục triệu đồng từ buôn tóc.

Truyền lửa về nghị lực sống

Toàn thân bất toại, chỉ bằng lời nói nhưng không ai có thể nghĩ hơn 10 năm nay Nguyễn Minh Nhật lại tự tin làm “thầy giáo làng” truyền đạt kiến thức cho hàng chục em nhỏ trong thôn, xã. Năm 2006, khi bàn tay có thể lật được, thấy mấy đứa cháu bị hổng kiến thức, anh dạy kèm các môn Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh. Chỉ sau một vài năm, cả mấy đứa cháu của Nhật đều đạt học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Đặc biệt có đứa đạt giải Nhất cấp tỉnh, giải Nhì quốc gia môn tiếng Anh.

Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong thôn, xã đã đem con đến gửi Nhật dạy kèm. Lớp học của anh cũng đặc biệt như chính bản thân người thầy này, mọi bài giảng đều qua lời nói của thầy, có lúc lại miệt mài luyện tập với cái ròng rọc, còn các trò ở mọi lứa tuổi từ cấp 1 đến cấp 3 thì làm phép tính, đọc tiếng Anh theo hướng dẫn của thầy. Bằng chính nghị lực và ý chí của người thầy đặc biệt đã truyền cảm hứng, thái độ sống tích cực cho các em học sinh. Tính đến nay, Nhật đã dạy học, ôn thi đại học miễn phí cho gần 100 học sinh, trong đó có gần một nửa đạt học sinh giỏi cấp huyện trở lên và đỗ đại học.

13 năm qua, Nguyễn Minh Nhật vẫn nuôi ước mơ được một lần ôm con vào lòng, được đứng trên đôi chân mình bằng sự hỗ trợ của một khung xương. Anh lập ra Blog Spinalcornguyenminhnhat.wordpres với slogan: “Tôi chia sẻ là tôi tồn tại”. Nhật chia sẻ: “Không ai có quyền lựa chọn số phận nhưng bản thân mỗi người có quyền chọn cho mình cách sống thế nào. Do đó, tôi luôn cố gắng để thích nghi và hơn hết là sống sao có ích cho đời”.
Cuộc đời đã lấy đi của Nhật nhiều thứ nhưng bằng nghị lực, anh tin một lần nữa cuộc đời sẽ cho anh toại nguyện ước mơ cháy bỏng, như đã từng dành cho anh món quà màu nhiệm của cuộc sống- đó là một cậu con trai kháu khỉnh.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khoinghiep.org.vn, Báo Bắc Giang)
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×