Người gom lửa và gieo hy vọng

Thứ ba, 25/08/2015

Tiến sĩ Vũ Duy Hải là 1 trong 10 tài năng trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2012


Tôi gặp Vũ Duy Hải lần đầu tiên trong buổi lễ tuyên dương tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam và lễ trao tặng giải thưởng "Quả cầu vàng" năm 2012 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh là một trong 10 tài năng trẻ nhận giải thưởng "Quả cầu vàng" vì đã có những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh ứng dụng trong ngành y để phục vụ cho những người không may bị bênh tật. Ấn tượng của tôi về anh là gương mặt thông minh, nụ cười dễ mến, vẻ lặng lẽ, ít nói và cặp kính cận dày, đặc trưng của người làm công tác nghiên cứu.

TS. Vũ Duy Hải nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2012 (Ảnh ST)

Tiến sĩ Vũ Duy Hải sinh năm 1979, tại quê hương Nam Định, trong gia đình gồm 2 anh em trai, có bố và mẹ đều ở nhà làm ruộng. Từ nhỏ Vũ Duy Hải đã sớm bộc lộ tư chất thông minh và tinh thần hiếu học. Suốt những năm học phổ thông Hải luôn nằm trong Top học sinh đứng đầu lớp. Năm 1997, Hải thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Điện tử viễn thông. Năm 2002, anh tốt nghiệp với tấm bằng đỏ ngành điện tử viễn thông. Thời điểm đó Hải có rất nhiều cơ hội để chọn việc làm. Vì ngành viễn thông đang ở giai đoạn rất phát triển ở Việt Nam với việc ứng dụng công nghệ vào các ngành dịch vụ di động, truyền hình, internet. Sinh viên tốt nghiệp ngành này dễ dàng kiếm được việc làm với thu nhập cao. Hải là một trong những sinh viên ít ỏi từng tham gia nghiên cứu một bộ môn mới mở lúc đó - ngành điện tử y sinh - nên anh được các thầy khích lệ ở lại Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội công tác. Tuy nhiên, theo quy chế của trường, chỉ những người đã tốt nghiệp thạc sĩ mới được tuyển dụng. Vì vậy thời gian đầu anh chấp nhận ký hợp đồng làm việc với khoa, dù chỉ là làm không lương và xem đó là quãng thời gian mình đầu tư để theo học cao học. Trong quá trình theo học thạc sĩ ngành học mới, Hải được các thầy cô trong trường hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện được tham gia hội thảo chuyên ngành, tham gia đào tạo ngắn hạn,tham gia các đề tài nghiên cứu, cử đi thực tập khoa học tại các trường đại học ở Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ có cùng chuyên ngành để nắm bắt kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật y sinh. Năm 2004, sau khi học xong thạc sĩ, chuyên ngành điện tử y sinh, anh được nhà trường tuyển dụng chính thức với mức lương khởi điểm trên dưới 2 triệu đồng/tháng (hệ số 2,67), từ đó anh mới chính thức không còn phải xin tiền trợ cấp từ bố mẹ nữa.

Từ khi còn là sinh viên, Vũ Duy Hải luôn chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu, anh thường xung phong hỗ trợ thầy cô trong các đề tài nghiên cứu. Tại Việt Nam, Đại học Bách Khoa được xem là nơi đào tạo những kỹ sư điện tử y sinh đầu tiên, chuyên nghiên cứu, sửa chữa thiết bị y tế. Anh là một trong số ít kỹ sư thuộc lứa đầu tiên đó. Có thể nói cơ duyên khiến anh gắn sự nghiệp của mình với công tác nghiên cứu bắt đầu từ đây. Vì điện tử y sinh là một hướng nghiên cứu mới nên có sức lôi cuốn đặc biệt đối với Hải. Với bản chất là một người thích tìm tòi nghiên cứu, học hỏi cái mới, Hải xác định theo học và nghiên cứu một ngành hoàn toàn mới sẽ có những khó khăn nhất định nhưng đó cũng là cơ hội quý giá cho người làm nghiên cứu, sẽ có nhiều cái mới cho mình khám phá. Hải cũng chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn, thất bại. Anh nhận thấy đây là lĩnh vực có nhiều vấn đề khoa học kỹ thuật có thể ứng dụng trong ngành y tế nước ta. Nhất là trong bối cảnh phần lớn thiết bị y tế ở Việt Nam hiện nay phải nhập ngoại với chi phí cao, người bệnh phải trả nhiều tiền khi điều trị. Điều này thôi thúc anh sáng tạo sản phẩm giúp người bệnh giảm thiểu chi phí.

Hải tâm sự, khi chọn con đường ở lại trường, anh cũng bị nhiều bạn bè không ủng hộ. Bởi thời điểm đó các bạn anh vào làm ở những ngành dịch vụ (điện thoại di động, truyền hình kỹ thuật số), thu nhập 6-7 triệu đồng một tháng, còn anh vẫn phải xin tiền bố mẹ và phải chi tiêu theo mức sống của sinh viên chưa đầy 1 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên càng dấn sâu vào con đường nghiên cứu, Hải càng nhận ra mình phù hợp với nó. Cảm giác được là người góp phần mang lại sự phát triển cho một lĩnh vực mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam, khiến anh hạnh phúc, nó khích lệ anh quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu.

Hải cho biết, những nội dung kỹ thuật được học tập tại ngành điện tử Viễn thông và điện tử y sinh về cơ bản là giống nhau, nhưng những ứng dụng ở ngành viễn thông đã phát triển từ lâu, còn những ứng dụng điện tử trong nghiên cứu chế tạo sản phẩm y tế phục vụ điều trị bệnh cho con người là lĩnh vực mới ở Việt Nam.

Hướng nghiên cứu của bộ môn Công nghệ điện tử và Kỹ thuật y sinh, nơi hiện nay TS. Vũ Duy Hải giữ trọng trách là Phó trưởng bộ môn, được hình thành từ năm 2005 trở lại đây, với việc nghiên cứu, ứng dụng những thiết bị có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao trong ngành y tế. Quá trình khảo sát, phân tích thực tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế đã giúp Hải nhận thấy thiết bị y sinh tại Việt Nam gần như nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài, đồng nghĩa với ngân sách phải chi một số lượng ngoại tệ không nhỏ. Nhân lực vận hành thiết bị chủ yếu lấy từ các ngành như điện tử, viễn thông, cơ khí, tự động hóa...nên còn nhiều hạn chế, hiệu suất sử dụng thiết bị chưa cao. Nhiều trường hợp, thiết bị nhập về chẳng may bị lỗi kĩ thuật, chuyên gia nước ngoài không sang kịp là trùm mền, đắp chiếu để không rất lãng phí.


TS. Vũ Duy Hải bên thiết bị nghiên cứu (Ảnh ST)

         Hải cho rằng, để đưa từ kết quả của công trình nghiên cứu đến chế tạo sản phẩm thương mại là khó khăn lớn nhất hiện nay nhưng chưa phải là trở ngại khiến những người nghiên cứu y sinh như anh nao núng, chùn bước. Bởi không riêng gì ngành y sinh, thời gian chuyển từ đề tài nghiên cứu đến sản xuất sản phẩm thương mại là cả một lộ trình. Trong khi đó, thiết bị y sinh tích hợp công nghệ phức tạp tinh vi, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ trong nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Khảo sát và lắng nghe ý kiến của bác sĩ và coi đó là những đơn đặt hàng trước khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản phẩm, Vũ Duy Hải và nhóm nghiên cứu đã bước đầu thành công với nhóm thiết bị vật lý trị liệu (dùng dòng điện xung, sử dụng dòng điện có dạng và cường độ khác nhau để điều trị phục hồi cho bệnh nhân sau phẫu thuật, người tai biến mạch máu não, bị bệnh lý về mắt, xoa dịu cơn đau cơ, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh về xương khớp, cột sống....). Hiện các máy này được lắp đặt tại Viện Mắt trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện tuyến tỉnh... giúp điều trị cho hơn 500 bệnh nhân/ngày. Đây là đề tài nhóm nghiên cứu đã triển khai từ năm 2005-2006. Ví dụ như một số bệnh lý về viêm giác mạc, nếu chỉ điều trị bằng thuốc phải mất khoảng 2 tuần thì bệnh tình mới có thể thuyên giảm, trong khi đó nếu dùng kết hợp với thiết bị của nghiên cứu để điều trị thì chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày bệnh đã có thể khỏi. Như vậy việc đưa thiết bị dùng dòng điện để điều trị sẽ giúp giảm chi phí nằm viện cũng như thời gian cho bệnh nhân. Các máy trị liệu này không thua kém sản phẩm nhập ngoại nhưng giá thành chỉ khoảng vài triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần so với giá thành mua máy của nước ngoài.

Đi từ đơn giản đến phức tạp, Vũ Duy Hải lần lượt công bố nhiều thành quả sau nhiều năm nghiên cứu, trong đó công trình nghiên cứu chế tạo thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số ứng dụng từ năm 2007 là thành tựu ấn tượng, khi sản phẩm này được sáng chế bởi người Việt Nam, có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai là nơi Vũ Duy Hải lựa chọn ứng dụng thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số từ năm 2006 đến nay, theo dõi chỉ số sức khỏe của người bệnh như: điện tim đồ, huyết áp, bão hòa ô xy, nhịp thở, nhiệt độ cơ thể... Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, phó Trưởng khoa Thận nhân tạo, máy theo dõi đa thông số là thiết bị không thể thiếu trong quá trình khám và điều trị, đặc biệt là ở các khoa, phòng hồi sức cấp cứu, hậu phẫu, thận nhân tạo... Máy dùng trong các bệnh viện ở các tuyến hiện tại đều được nhập khẩu từ nước ngoài với giá khoảng 10.000 - 20.000 USD. Qua thời gian ứng dụng tại Bạch Mai, máy của nhóm nghiên cứu vẫn hoạt động ổn định và cho các thông số chính xác như máy nhập ngoại. ở mức giá khoảng 40 triệu/máy, thiết bị này nếu được trang bị rộng rãi ở các bệnh viện tuyến dưới sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng triệu USD mỗi năm.

Năm 2008 -2009 Vũ Duy Hải đã tham gia thực hiện chính cho đề tài cấp Bộ trọng điểm " Xây dựng phần mềm quản lý thông tin bệnh nhân phục vụ công tác chẩn đoán trong bệnh viện", đề tài đã được nghiệm thu. Từ năm 2010 đến nay sản phẩm đã được ứng dụng thành công tại bệnh viện Khánh Lương.

"Các công trình nghiên cứu về thiết bị y tế do Vũ Duy Hải sáng tạo không chỉ hữu dụng với y bác sĩ, giúp đất nước có thể tiết kiệm nguồn ngoại tệ đáng kể khi không cần phải nhập khẩu mà còn tạo ra giá trị nhân văn, thiết thực với người bệnh." Đó là nhận xét của GS-TS Nguyễn Xuân Nghiên, nguyên Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Lương về TS Vũ Duy Hải. Không phải ngẫu nhiên mà người sáng lập ngành phục hồi chức năng Việt Nam lại đưa ra những lời nhận xét sâu sắc như vậy về anh. Trong con mắt của ông, một chuyên gia đầu ngành về phục hồi chức năng, Vũ Duy Hải là nhà khoa học trẻ tài năng, tâm huyết và trách nhiệm với công việc.

Người gieo hy vọng cho những bệnh nhân chạy thận

Gần đây nhất, thiết bị rửa quả lọc và dây dẫn máu thông minh để tái sử dụng trong điều trị bệnh suy thận bằng phương pháp chạy thận nhân tạo của nhà khoa học trẻ này cũng là công trình gây tiếng vang trong giới khoa học ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam. Công trình đã giành giải nhất Sáng tạo trẻ thủ đô 2010.

Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo ngày càng tăng. Theo kết quả nghiên cứu của TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Cao Luận, nguyên trưởng khoa thận nhân tạo, bệnh viên Bạch Mai: Hiện nay cả nước ta có khoảng trên 5.000.000 bệnh nhân mắc bệnh niệu thận, trên 700.000 bệnh nhân mắc bệnh suy thận, trên 300.000 bệnh nhân mắc bệnh suy thận độ I, trên 200.000 bệnh nhân mắc bệnh suy thận độ II, trên 100.000 bênh nhân mắc bệnh suy thận độ III và trên 70.000 bệnh nhân mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối - đây là những bệnh nhân cần được điều trị thường xuyên và liên tục. Hàng năm sẽ có thêm khoảng 800.000 bệnh nhân suy thận mới. Đặc biệt chúng ta chỉ mới đáp ứng khả năng điều trị cho10% số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, còn lại 90% bệnh nhân sẽ tử vong.

Thầy Hải chia sẻ: "ý tưởng chế tạo thiết bị máy rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo được ra đời sau nhiều năm tôi đưa các em sinh viên xuống thực tế tại các bệnh viện. Và cũng chính từ đó là ngần ấy thời gian chúng tôi lăn lộn tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân bị mắc bệnh thận nhiều lắm, mỗi người phải chạy thận nhân tạo từ 1 đến 3 lần/tuần, mỗi lần mất vài tiếng đồng hồ. Với những bệnh nhân có tiền chạy thận lọc máu đều đặn sẽ kéo dài được sự sống, nhưng còn rất nhiều bệnh nhân nghèo ở nông thôn, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cố gắng lắm cũng chỉ chạy thận được trong thời gian ngắn, khi hết tiền, chẳng còn cửa xoay xở họ đành ngậm ngùi quay trở về trong sự bất lực. Người bị bệnh đã phải chống chọi với bệnh tật đau đớn và nếu không có tiền thì họ lại phải đối mặt với nỗi đau về tinh thần và họ biết trước được cuộc đời mình nếu như ngừng chạy thận. Khi như vậy thì tinh thần của những người bệnh xuống đến tận đáy của niềm tin, và họ chỉ còn biết bi quan chờ số phận định đoạt. Thực tế, hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu chạy thận của bệnh nhân. Từ chính hiện thực cuộc sống đó, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thấy rằng chi phí để mua quả lọc và dây dẫn máu là một gánh nặng kinh tế đối với bất kỳ bệnh nhân nào. Hiện tại bộ lọc và dây dẫn máu đều phải nhập ngoại, mỗi lần điều trị chạy thận bệnh nhân phải chi trả khoảng 500.000 đồng, trong đó giá mỗi bộ lọc và dây dẫn máu đã lên đến 200.000 đồng. Mỗi tuần người chạy thận phải dùng 3 bộ, tính trung bình mỗi tháng người bệnh đã tốn vài triệu đồng để mua dụng cụ lọc máu".

Từ phòng thí nghiệm đến các cơ sở y tế là một chặng đường dài với nhóm nghiên cứu của thầy Hải bởi họ phải vượt qua hàng rào an toàn kỹ thuật, vệ sinh y tế lẫn công năng sử dụng của thiết bị với các tiêu chuẩn khắt khe khác. Thầy Hải cho biết, nhóm cộng sự nghiên cứu công trình này đều là các giảng viên, kỹ sư, người nghiên cứu khoa học nên chưa tiếp xúc nhiều với thực tế mà hầu hết đều chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm, nên khi trực tiếp làm việc với các dụng cụ dính máu và gặp gỡ bệnh nhân, lúc đầu cũng không khỏi lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi họ trò chuyện với bệnh nhân, đồng cảm với những trăn trở của người bệnh thì dường như mọi lo lắng đó đã tan biến. Cứ như thế, nhóm nghiên cứu lao vào khảo sát, nghiên cứu, thực nghiệm tại các bệnh viện và cơ sở y tế, mỗi người phải tự tay cầm quả lọc còn dính máu bệnh nhân đưa vào vận hành thiết bị lọc rửa. Ngày nào cũng vậy, những con người này phải tiếp xúc với bệnh nhân, làm việc với máu.

Nói về công việc của mình, thầy Hải cho biết: "Nhiều lần chúng tôi rời phòng thí nghiệm, rời bệnh viện rồi mà đầu óc vẫn quay cuồng, cảm giác bị ám ảnh bởi màu máu tươi, mùi máu tanh nồng quyện với mùi thuốc bệnh viện. Nhiều bữa ăn mà cả nhóm không nuốt nổi. Nhưng không phải chỉ có vậy, sau một thời gian dài dày công nghiên cứu, đáng buồn là thất bại lại đến, kết quả thí nghiệm không như mong muốn. Đó là quãng thời gian "chết" len lỏi giữa chúng tôi, có những chiều cả nhóm chẳng thiết tha gì hết, cứ ngồi thừ nhìn nhau, nhưng chỉ cần qua một đêm, mỗi người lại tự vấn, lên dây cót tinh thần để sớm hôm sau lại tiếp tục công việc. Đam mê không có chỗ cho chữ "nản"... "

Quy trình rửa quả lọc và dây dẫn máu của thiết bị mà nhóm nghiên cứu thực hiện rửa một cách hoàn toàn tự động: ứng dụng công nghệ đọc mã vạch để chống nhầm lẫn giữa các quả lọc; Có nhiều chế độ rửa khác nhau, tùy theo thông tin bệnh án của bệnh nhân để tự động lựa chọn chế độ rửa hợp lý nhằm tối ưu hóa thời gian, tăng công suất và giảm chi phí rửa; Thiết kế theo mô hình mở để có thể dễ dàng triển khai với các quy mô bệnh viện khác nhau; Tự động kiểm soát các tiêu chuẩn an toàn để đồng bộ với máy chạy thận nhân tạo nên khả năng tái sử dụng nhiều lần cao.

Thầy Hải chia sẻ tiếp: "Từ khảo sát đến công bố công trình nghiên cứu chúng tôi vấp phải không ít khó khăn. Làm sao để công trình có tính thuyết phục với chính những người trong ngành y, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong khi mỗi bộ lọc và dây dẫn máu chỉ được sử dụng một lần. Hơn nữa kỹ thuật làm sạch quả lọc và dây dẫn máu là vấn đề mới chưa từng có ở Việt Nam. Nếu đem so sánh thì nó chẳng khác nào chiếc "máy giặt", cho tất cả những thiết bị đó vào, ấn nút và làm sạch. Sản phẩm thuộc ngành Điện tử y sinh, sẽ được ứng dụng trên cơ thể người nên không cho phép chúng tôi để xảy ra sai sót dù một phản ứng nhỏ. Để thuyết phục và trước khi ứng dụng, nhóm nghiên cứu đã phải thực hiện hàng trăm, thậm chí cả nghìn lần trong phòng thí nghiệm với mẫu máu động vật, mời cả bác sĩ, chuyên gia kiểm chứng, đối chiếu. Chúng tôi mừng còn hơn cả khi nhận được thông báo đoạt giải thưởng "Quả cầu Vàng" sau mỗi lần thí nghiệm cho ra kết quả khả quan! Mừng hơn cả, khi tấm lòng nhiệt huyết của cả nhóm nghiên cứu nhận được sự quan tâm, cố vấn của rất nhiều các giáo sư, bác sĩ tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Ròng rã nhiều năm liền nghiên cứu, tôi và nhóm nghiên cứu của mình đã hoàn thiện quy trình chế tạo máy rửa quả lọc và dây dẫn máu đảm bảo mọi tiêu chí an toàn, vệ sinh của ngành y tế, được các bác sỹ chuyên khoa đánh giá sẽ tạo bước tiến lớn trong điều trị bệnh thận tại Việt Nam với hiệu suất tái sử dụng tăng lên 7, 8 lần, công suất làm sạch đồng thời 4 bộ khác nhau. Chúng tôi đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi ý nguyện giúp đỡ cho hàng chục nghìn bệnh nhân nghèo giảm chi phí lớn trong quá trình điều trị và kéo dài cuộc sống cho người bị bệnh thận dần trở thành hiện thực!..."

Thành công của Tiến sỹ Vũ Duy Hải có thể nói là một bước tiến lớn của y học trong việc điều trị bệnh nhân chạy thận nhưng khi nói về sự hy sinh thầm lặng để nghiên cứu khoa học thì thầy Hải lại khiêm tốn gạt đi và bảo nói về bản thân tôi ít thôi: - "Khi còn là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi đã được các thầy, cô hướng dẫn, chỉ bảo cùng tham gia nghiên cứu. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần lên. Để nay trên cương vị của một người thầy, tôi lại truyền lửa tới các em sinh viên như một sự tiếp nối. Tôi luôn cảm thấy ấm áp, thanh thản và hạnh phúc khi đứng trên bục giảng để truyền lại niềm đam mê lẫn tri thức của mình cho các thế hệ sau. Với nhóm nghiên cứu của mình cũng vậy, mỗi cá nhân trong đó đã là những ngọn lửa nhỏ, tôi chỉ có trách nhiệm gom những ngọn lửa nhỏ đấy lại thành một ngọn lửa lớn. Các bạn biết không, rất nhiều những bạn sinh viên, ngay cả những người trong nhóm của tôi đều có khả năng và cơ hội rất tốt để ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ, nhưng mạch nghiên cứu khoa học đang thông suốt, họ sẵn sàng ở lại để cùng thắp sáng ước mơ vì cộng đồng. Liệu đó có phải là sự hy sinh (?!). Có rất nhiều người trẻ mà tinh thần nghiên cứu của họ khiến tôi ngưỡng mộ".

TS Vũ Duy Hải (bìa phải) thuyết trình về thiết bị lọc rửa quả lọc và dây dẫn máu trước
hội đồng
đánh giá của Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: P.Hậu)

Mong muốn lớn nhất của thầy Hải và nhóm nghiên cứu của mình lúc này là được thấy thiết bị máy rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo được trang bị tại tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước. 

Thiết bị lọc thận tự động tiết kiệm gần 700 tỷ đồng/năm

Hiên nay TS Vũ Duy Hải đang là người chủ trì đề tài cấp Nhà nước - Đề tài tiềm năng "Nghiên cứu chế tạo thiết bị pha dịch lọc tự động dùng cho máy chạy thận nhân tạo". Đề tài được thực hiện từ tháng 1- 12/2012, hiện nay đang trong giai đoạn nghiệm thu.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 10.000 bệnh nhân thường xuyên phải điều trị suy thận bằng phương pháp chạy thận nhân tạo với tần suất điều trị trung bình 3lần/tuần (tương đương 30.000 ca/tuần). Trong mỗi ca điều trị, bình quân mỗi người bệnh phải sử dụng khoảng 10 lít dịch lọc.

Vì thế, mỗi tuần các cơ sở y tế phải sử dụng khoảng 300.000 lít dịch lọc khác nhau. Hiện nay, hầu hết lượng dịch lọc này đều phải nhập ngoại dưới dạng pha sẵn với giá trung bình 15.000 đồng/lít.

Do vậy, tổng kinh phí chi cho việc nhập khẩu dịch lọc mỗi tuần vào khoảng 4.5 tỷ đồng (nếu nhập bột dịch và tiến hành pha dịch tại chỗ cũng tốn 10.000đồng/lít). Trước tình hình trên, một số cơ sở y tế trong nước đã thực hiện việc pha dịch tại chỗ bằng phương pháp thủ công để giảm chi phí vì chưa có các thiết bị tự động pha dịch. TS. Hải cho biết, nếu sử dụng thiết bị pha dịch lọc tự động của đề tài có thể tiết kiệm được 5.000đồng/lít. Như thế mỗi năm ngành Y tế có thể tiết kiệm khoảng 700 tỷ đồng cho việc nhập dịch lọc.

 "Hiện tại hầu như chưa có cơ sở nào sản xuất thiết bị pha dịch lọc tự động tại thị trường trong nước, trong khi việc nhập khẩu các thiết bị vừa đắt tiền lại không phù hợp nên chưa được ứng dụng nhiều. Bởi vậy sản phẩm của đề tài sẽ khắc phục những nhược điểm trên nên rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam", chủ nhiệm đề tài cho biết.

TS Hải cho biết, việc chế tạo thành công thiết bị pha dịch lọc tự động công suất lớn có thể cung cấp trực tiếp đồng thời cho nhiều hệ thống chạy thận nhân tạo với nhiều chế độ pha khác nhau, phù hợp với nhiều hệ thống chạy thận đang sử dụng tại các cơ sở y tế.

Được biết, việc nghiên cứu chế tạo, triển khai và thử nghiệm thành công thiết bị là một trong những khâu quan trọng trong lộ trình nghiên cứu, làm chủ về khoa học trong lĩnh vực thận nhân tạo. Đây là một lĩnh vực không chỉ khiến ngành Y tế mà các ngành liên quan khác cũng "đau đầu" bởi chi phí điều trị quá lớn.

Hơn nữa, sản phẩm nghiên cứu sẽ đóng góp vào Chương trình nghiên cứu sản xuất thiết bị y tế trong nước giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ chỉ đạo. Ngoài ra, nếu sản phẩm được ứng dụng đại trà tại các cơ sở y tế sẽ giảm được chi phí trong việc nhập khẩu và lưu kho dịch lọc, từ đó giảm giá thành điều trị cho bệnh nhân.

Hiện tại, ngành Y tế và bảo hiểm mới chỉ đáp ứng điều trị được cho khoảng 10% số lượng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Nếu triển khai tốt việc thực hiện pha dịch lọc tự động tại chỗ thì có thể tiết kiệm được trên 30% chi phí cho dịch lọc, từ đó có thể tăng tỷ lệ bệnh nhân suy thận được điều trị. Bên cạnh đó, với việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị sẽ góp phần vào việc đào tạo trình độ bậc cao trong lĩnh vực điện tử y sinh và trang thiết bị y tế công nghệ cao.

"Hiện các nội dung nghiên cứu đã được hoàn thành theo đúng thuyết minh đăng ký. Thiết bị đã được lắp ráp hoàn chỉnh và đã chạy thử nghiệm tại phòng thí nghiệm. Với những kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm nghiên cứu rất mong tiếp tục nhận được sự đầu tư của Nhà nước để phát triển đề tài, tiến tới triển khai ứng dụng vào thực tiễn", TS Hải bày tỏ.

Điều khiến thầy Hải luôn suy nghĩ là tỷ lệ công trình nghiên cứu ở Việt Nam được ứng dụng vào thực tiễn còn quá thấp. Do đó, anh luôn hướng các sinh viên trong lĩnh vực điện tử y sinh lựa chọn đề tài gắn với thực tiễn và phải qua thực tế tại bệnh viện để nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm hữu ích nhất.

"Bên cạnh tạo ra cơ chế khuyến khích các trung tâm nghiên cứu tự thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để triển khai sản xuất, nhà nước cũng cần có chủ trương các cơ sở y tế tự chủ về kinh phí, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động thì sẽ khiến cơ sở y tế cân nhắc nhiều hơn trong đầu tư mua sắm thiết bị. Khi không còn chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, họ phải cân đối hài hòa giữa giá thành và hiệu quả của thiết bị thay vì chỉ quan tâm đến chất lượng, nhập thiết bị nước ngoài với giá cao ngất ngưởng như hiện nay. Đây sẽ là cơ hội khuyến khích nhiều nhà khoa học trẻ nghiên cứu các ứng dụng; thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất thiết bị y sinh bằng trí tuệ, công nghệ của người Việt Nam", Hải hào hứng chia sẻ.

Nhìn vào bảng thành tích đã đạt được qua hơn 10 năm giảng dạy, nghiên cứu tại Bộ môn Công nghệ điên tử và Kỹ thuật y sinh, Viện Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mới thấy khâm phục sức làm việc của TS Vũ Duy Hải: Anh đã chủ trì thực hiện 8 đề tài cấp trường và cấp Nhà nước; tham gia thực hiện chính 5 đề tài, dự án cấp Bộ và cấp Nhà nước; có 4 sản phẩm nghiên cứu đã triển khai ứng dụng, 1 sản phẩm đang trong quá trình nghiệm thu; đã công bố 29 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội nghị chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Với những thành tích và cống hiến trong thời gian qua Vũ Duy Hải đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen:

- Bằng khen TW Đoàn cho danh hiệu "80 sản phẩm sáng tạo trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2010".

- Bằng khen Đài truyền hình Việt Nam cho danh hiệu giải Nhất cuộc thi "Robocon techshow năm 2012".

- Bằng khen Bộ Giáo dục đào tạo về Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải nhất giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011".

- Đạt danh hiệu chiến sĩ thu đua cấp bộ năm 2011.

- Là 1 trong 1000 đảng viên trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2012 do Thành Đoàn tổ chức.

- Đạt giải thưởng "Quả cầu vàng năm 2012" cho lĩnh vực điện tử y sinh (công nghệ y sinh).

- Giấy khen Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đạt giải nhất hướng dẫn sinh viên NCKH cấp trường năm 2011.

- Giải nhất cuộc thi "Sản phẩm sáng tạo ĐHBK Hà Nội năm 2005".

Ngoài thời gian làm công tác giảng dạy và nghiên cứu Vũ Duy Hải còn là một người hăng hái tham gia các hoạt động của Đoàn trường Đại học Bách Khoa. Từ năm 2009 đến 2012 anh là ủy viên BCH, Phó trưởng Ban Tổ chức kiểm tra Đoàn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; từ 9/2012 cho đến nay anh là ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức kiểm tra Đoàn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đằng sau bảng thành tích đáng ngưỡng mộ này là nghị lực, niềm say mê, dấn thân và sáng tạo vì người bệnh của chàng trai Nam Định, Vũ Duy Hải. Tương lai của đất nước trong thời đại mới sẽ chính là những người như anh - những thế hệ tri thức trẻ đang hiện thực hóa và tiếp nối những khát vọng cao đẹp của lớp người đi trước.

 Hải Linh (Theo Quỳnh Liên - Gương tài năng trẻ KHCH tiêu biểu)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×