"Người rừng" Hoàng Văn Sâm

Thứ ba, 25/08/2015

TS. Hoàng Văn Sâm là một trong 10 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2011
Gắn bó với rừng, luôn đau đáu với rừng, lặn lội vì rừng, đam mê nghiên cứu về rừng, TS. Hoàng Văn Sâm (Giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học, Trường Đại học Lâm nghiệp) được mệnh danh là "người rừng". Yêu rừng, rừng chẳng phụ, "người rừng" đã gặt hái được cả "rừng" thành công trên con đường nghiên cứu khoa học.

Yêu rừng...

Thanh Hóa, nơi chôn rau cắt rốn của TS.Sâm, là một vùng quê nhiều rừng. Dù sinh ra và lớn lên ở đồng bằng nhưng suốt những năm tháng tuổi thơ, cậu bé Sâm đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với rừng. Cậu bé Sâm đã "say như điếu đổ" những cánh rừng ở Bến En, ở Thạch Thành, Ngọc Lặc... nhiều chim muông ca hát líu lo suốt ngày, mướt một màu xanh tươi như ngọc, cây cối um tùm, khí trời mát mẻ. Tình yêu rừng lớn dần theo những trang sách cậu đọc, qua những bài giảng về địa lý, sinh học của các thầy các cô mỗi buổi cắp sách tới trường. Thấy được những giá trị to lớn của rừng, đặc biệt là nguy cơ mất rừng, mất đa dạng sinh học ngày càng gia tăng cùng với nạn chặt phá rừng, săn bắt thú rừng trái pháp luật... cậu học trò xứ Thanh tự nhủ với bản thân sẽ cố gắng làm một việc gì đó có ích cho rừng, góp phần bảo vệ và phát triển những cánh rừng trên dải đất hình chữ S thân thương.

Lúc còn mài đũng quần trên ghế trường phổ thông trung học, Sâm đã "chấm" Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT). "Ngôi trường này, sẽ là nấc thang quan trọng, là một trong những viên gạch đầu tiên để tôi có thể bước đi trên con đường biến ước mơ của một cậu học trò yêu rừng, được sống với rừng trở thành hiện thực",TS.Sâm tâm sự.

Không ít người tỏ ra băn khoăn, bàn ra tán vào và tiếc cho Sâm về quyết định đâm đơn thi vào trường Đại học Lâm nghiệp của "người rừng". Thầy cô, bạn bè, người thân đều cho rằng, với sức học như Sâm, việc kiếm một "chỗ ngồi" ở các trường đại học danh tiếng liên quan đến kinh tế không phải là khó, những ngành nghề ấy đang "hot", đảm bảo một tương lai "sáng" hơn là suốt ngày lặn lội trong rừng sâu với cây cối, với chim muông, với thảm thực vật... "Tôi chọn học ngành lâm nghiệp vì muốn tiếp tục khám phá, nghiên cứu về rừng. Ai cũng bảo ngành này khô cứng, vất vả và nghèo nhưng càng học, càng nghiên cứu tôi lại thấy ngành học này rất thú vị và "giàu" tri thức. Quan trọng nhất là niềm đam mê và yêu thích. Bây giờ, tôi không chỉ được sống với niềm đam mê của mình mà còn sống rất "khỏe" khi gắn bó với rừng. Sau bao nhiêu năm tháng gắn bó với rừng, tôi nhận ra rằng, lựa chọn của cậu học trò Sâm năm nào là hoàn toàn đúng", TS.Sâm nói.

Không quá khó để Sâm thi đỗ vào Trường Đại học Lâm nghiệp. Và ở giảng đường đại học, những chuyến đi thực tế, mà sinh viên lâm nghiệp vẫn thường gọi là "về với rừng", những trang sách của các học giả trong nước và quốc tế đã đem đến cho Sâm nhiều kiến thức bổ ích về rừng, càng làm cậu sinh viên xứ Thanh thêm yêu, thêm "say" rừng. Tình yêu ấy đủ lớn để "người rừng" luôn nỗ lực vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Vì thế, cả 4 năm học tại Đại học Lâm nghiệp, Sâm liên tục là sinh viên xuất sắc, lại "ẵm" giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục đào tạo và quỹ khoa học Vifotec.

Không bằng lòng với tấm bằng kỹ sư, Sâm quyết tâm "săn" học bổng, rồi sang Hà Lan "làm" thạc sỹ chuyên ngành phân loại thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học tại Đại học tổng hợp Leiden. Tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, thạc sỹ Sâm được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh và sau bốn năm tu nghiệp đã "lấy" được bằng tiến sỹ tại đại học danh giá của châu Âu và thế giới.

Trở về nước với tấm bằng loại ưu, TS. Sâm "đầu quân" và tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại ngôi trường cũ, nơi đã chắp cánh cho ước mơ của mình: Trường đại học Lâm nghiệp. TS.Sâm muốn được đứng trên bục giảng để không chỉ truyền lại những kiến thức tích cóp được trong nhiều năm học tập và nghiên cứu cho các lớp sinh viên mà còn truyền cho các bạn trẻ tình yêu rừng, biết hành động vì rừng xanh thân yêu, cũng là để thỏa ước mơ gắn bó với rừng của bản thân. Không chỉ đứng trên bục giảng trong nước, TS.Sâm còn vinh dự được tham gia giảng bài cho sinh viên Trường đại học Leiden của Hà Lan và Đại học Colorado của Hoa Kỳ về thực vật nhiệt đới.

...rừng chẳng phụ

Biệt danh "người rừng", theo TS.Sâm bật mí, do các nhà báo đặt cho khi người tiến sĩ trẻ tuổi này tham dự cuộc gặp mặt Thanh niên Việt Nam tiêu biểu tại châu Âu, diễn ra tại Nga năm 2008. "Được gọi là "người rừng", có lẽ vì hầu hết các nghiên cứu của tôi được thực hiện ở các cánh rừng. Tôi rất vui với biệt hiệu này", TS.Sâm chia sẻ.

"Người rừng", là món quà, là sự ghi nhận những đóng góp không biết mệt mỏi trong nghiên cứu và hành động vì rừng xanh quê hương của TS.Sâm. Gắn bó với rng, đến nay, TS.Sâm, người sinh năm 1977, đã có được một "gia tài" khoa học rất đáng tự hào: xuất bản 4 cuốn sách, trong đó có 3 cuốn xuất bản ở nước ngoài; 7 bài đăng trên tạp chí uy tín quốc tế và 19 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam; phát triển 1 công thức mới trong nghiên cứu bảo tồn thực vật mang tên "chỉ số sử dụng tài nguyên rừng"; đặc biệt phát hiện và công bố 1 loài thực vật mới cho khoa học thế giới, 5 loài thực vật cho hệ thực vật Việt Nam...Phát hiện này đã bổ sung và làm đa dạng thêm hệ thực vật Việt Nam được giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.

TS. Hoàng Văn Sâm (ngoài cùng bên trái) nghiên cứu tại rừng cùng các chuyên gia

Trong thời gian làm tiến sỹ tại Hà Lan, Sâm và giáo sư hướng dẫn đã phát hiện một loài thực vật mới ở Việt Nam: đó là loài Thanh thất Việt Nam. Loài này được phát hiện sau nhiều lần trở về nước và nghiên cứu thực địa tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Đây là một loài cây mới, trước đó, cả thế giới chưa hề biết đến.

Theo TS.Sâm, Thanh thất Việt Nam là loài cây gỗ, cao chừng 15 m, đường kính thân khoảng 30 cm, hoa tạp tính, quả có cánh. Thời gian ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5, quả chín từ tháng 5 đến tháng 7. Đây là sự kiện quan trọng với giới nghiên cứu thực vật trên thế giới, bởi công bố loài mới là cây gỗ trên thế giới hiện nay không nhiều. Trước khi một loài mới được công bố thì công trình nghiên cứu phải được thẩm định bởi các giáo sư đầu ngành quốc tế về chuyên môn đó.

Công trình nghiên cứu về cây Thanh thất Việt Nam của Sâm đã được đưa vào kỷ yếu khoa học của Đại học Tổng hợp Leiden (Hà Lan), nơi anh đang theo học và được đăng tải trên tạp chí Blumea, tạp chí hàng đầu thế giới về thực vật. Cùng với sự ghi nhận này, tên của anh còn được vinh dự đặt sau tên khoa học của loài thực vật mới là Ailanthus vietnamensis H.V.Sam &Noot. Tên tuổi của "người rừng" sẽ mãi mãi gắn bó với loài cây mới này. Đó cũng được xem như là một dấu ấn không thể phai trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của TS.Sâm.

"Những loài thực vật mới được phát hiện tại Việt Nam góp phần cho thế giới biết được tính đa dạng và phong phú của hệ thực vật nước ta, mang đến những thông tin mới về các loài thực vật mà chúng ta chưa biết tới. Những phát hiện thú vị này, đồng thời, gián tiếp tuyên truyền cho người dân trong việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên rừng. Trong khi các nhà khoa học rất vất vả để nghiên cứu, phát hiện các loài thực mới thìtại sao chúng ta lại không giữ gìn và bảo vệ nó", TS.Sâm nói.

Chuyên gia thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học

Trở thành chuyên gia có uy tín của Việt Nam và trên thế giới về bảo tồn đa dạng sinh học và phân loại thực vật là mong muốn của TS.Sâm, anh đã và đang không ngừng nỗ lực trong học tập, nghiên cứu để biến ước mơ đó thành hiện thực.

TS.Sâm tâm sự: "là một chuyên gia về thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học để góp phần công sức và trí tuệ nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm...."

TS.Sâm đang cố gắng thực hiện điều ấy thông qua những việc làm rất cụ thể, thiết thực. Ngoài công việc nghiên cứu công bố những loài thực vật cho khoa học thế giới và Việt Nam, TS.Sâm cũng có nhiều nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là nghiên cứu bảo tồn các loài thực vật có giá trị kinh tế và bảo tồn cao. "Người rừng" đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế về thực vật và đa dạng sinh học như thành viên tổ chức nghiên cứu thực vật châu á Thái Bình Dương (PITA), tổ chức nghiên cứu đa dạng sinh học Hà Lan và tổ chức nghiên cứu về họ Thầu Dầu - Euphorbiaceae quốc tế... Tham gia các tổ chức này, TS.Sâm mong muốn có cơ hội để giao lưu, học hỏi các kiến thức chuyên ngành, chia sẻ các nghiên cứu và có điều kiện "nói lên tiếng nói tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học...``

TS. Hoàng Văn Sâm đang điều tra và nghiên cứu trong rừng

TS.Sâm đã tham dự và trình bày bài tại hơn 30 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về thực vật và đa dạng sinh học. Gần đây nhất, năm 2012 TS.Sâm là trưởng đoàn Việt Nam trình bày bài về Quản lý rừng và đa dạng sinh học tại Seoul, Hàn Quốc.

Theo "người rừng", để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam thì một trong những việc quan trọng là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học. Tuy nhiên với chúng ta thì điều này hiện đang thiếu và yếu. Nhận thức được vấn đề đó, TS.Sâm cùng các đồng nghiệp ở Trường Đại học Lâm nghiệp đã bước đầu xây dựng và đưa lên mạng internet bộ cơ sở dữ liệu cho hơn 1.200 loài động thực vật và côn trùng. Trong thời gian tới, TS.Sâm và các cộng sự sẽtiếp tục công việc này nhưng không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin về hình thái, sinh thái, phân bố, giá trị sử dụng và hình ảnh của các loài mà còn hướng tới xây dựng bộ tiêu bản chuẩn quốc tế. Hệ thống cơ sở dữ liệu không chỉ giúp cán bộ sinh viên trong ngành lâm nghiệp có thể sử dụng trong học tập, nghiên cứu mà còn rất hữu ích cho cán bộ kiểm lâm, những người làm công tác bảo tồn tra cứu phục vụ cho công việc và trao đổi các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Trong những năm tháng lăn lộn tại các cánh rừng, "những điều trông thấy", đặc biệt là thực trạng, ở nước ta, những nơi có độ che phủ rừng cao, những nơi giàu tài nguyên rừng thì ở nơi đó đời sống người dân còn nghèo và khó khăn luôn ám ảnh "người rừng". TS.Sâm luôn suy nghĩ làm sao, làm thế nào để vừa bảo tồn được đa dạng sinh học mà cuộc sống của những người dân sống gần rừng cũng được cải thiện. TS.Sâm đã có những nghiên cứu về phát triển sinh kế vùng cao nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân vùng núi bằng việc sử dụng bền vững và hiệu quả rau rừng và cây thuốc. "Nghiên cứu tuyển chọn và kỹ thuật trồng một số loài rau rừng có giá trị kinh tế cao tại Điện Biên và Lào Cai" là một ví dụ. Tại các tỉnh này, TS.Sâm cùng nhóm nghiên cứu đề tài đã tìm ra được 2 loài cây rau rừng: cây Bò khai và cây Ban trắng phù hợp với điều kiện để phát triển. Mô hình rau Bò khai và Ban trắng đã được xây dựng, sau một thời gian trồng, cây sinh trưởng phát triển tốt và đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả cao. TS.Sâm và các công sự đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau rừng cho người dân tại địa phương, giúp bà con có thêm một nguồn thu, cải thiện đời sống của gia đình.

TS.Sâm cũng đã chủ trì đề tài "Nghiên cứu tri thức bản địa của người Mường và Dao trong sử dụng cây thuốc tại vườn quốc gia Ba Vì" do tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học Rufford tài trợ. Nghiên cứu đã tư liệu hóa được 257 loài cây thuốc được bà con Mường và Dao sử dụng tại địa phương,đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc cũng như nâng cao đời sống cho cộng đồng ở địa phương.

TS.Hoàng Văn Sâm đã chủ trì thành công 09 đề tài nghiên cứu, trong đó có 01 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp cơ sở và 06 đề tài hợp tác quốc tế. Hiện này TS.Sâm đang chủ trì 01 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 01 đề tài do Quỹ phát triển khoa học công nghệ Quốc gia tài trợ và 01 đề tài hợp tác quốc tế.

"Tôi luôn đầy nhiệt huyết và mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững của Việt Nam", TS.Sâm nói.

TS.Hoàng Văn Sâm chia sẻ thêm, anh luôn tôn thờ lý tưởng: Sống, làm việc và cống hiến hết mình để cuộc sống của cộng đồng, người thân và chính mình ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Triết lý sống cao đẹp ấy, đã được Hoàng Văn Sâm thể hiện qua từng hành động và việc làm cụ thể.

Và chúng tôi biết, với tình yêu rừng, với những gì đã làm được cho rừng, TS.Sâm sẽ tiếp tục bước những bước vững chắc trên con đường khoa học và trở thành thành chuyên gia có uy tín cao ở Việt Nam và trên thế giới về phân loại thực vật bảo tồn đa dạng sinh học.

 Hải Linh (Theo Thu Hương - Gương tài năng trẻ KHCN tiêu biểu)


Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×