Người thầy thuốc trẻ không ngừng sáng tạo
Chủ nhật, 30/08/2015

Một giờ “thử lửa”
Dáng người dong dỏng, khuôn mặt thư sinh, nói năng nhẹ nhàng, khúc chiết, đó là ấn tượng ban đầu của tôi khi tiếp xúc với Thượng úy, bác sĩ Đỗ Xuân Hai.
- Thú thật, em thực sự bất ngờ khi biết tin mình được trao giải "Quả cầu vàng" vì thành tích của bản thân còn nhỏ bé lắm! - Hai mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng câu nói khiêm tốn như vậy.
- Công trình nghiên cứu nào là “điểm nhấn” giúp em đoạt giải?” - Tôi hỏi
Có lẽ trong hồ sơ đề cử giải thưởng “Quả cầu vàng” của Hai nêu khá nhiều thành tích nên phải sau vài chục giây "lục" trong trí nhớ, Hai mới “tìm ra”:
- Em nghĩ là từ hai công trình, một đã được đăng tải trên tạp chí khoa học nước ngoài, một đã được báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế anh ạ!
Từ ngày 2-9 đến 6-9-2012, Hội nghị khoa học quốc tế về Liền vết thương lần thứ tư đã được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản. Đây là hội nghị khoa học lớn được tổ chức 4 năm một lần, quy tụ rất nhiều nhà khoa học danh tiếng của các quốc gia trên thế giới. “Rất vinh dự khi đoàn Học viện Quân y gồm GS, TS Hoàng Văn Lương; TS Trịnh Cao Minh và em được đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị”. Đôi mắt Hai sáng lên khi nhớ lại. Được biết, trong tổng số 1.142 báo cáo khoa học gửi tới hội nghị năm nay thì chỉ có 325 báo cáo được lựa chọn để thuyết trình. Báo cáo của bác sĩ Đỗ Xuân Hai với tiêu đề “Tác động của ánh sáng cường độ cao IPL tới khả năng liền vết thương trên thực nghiệm” vinh dự là một trong 325 báo cáo ấy. Đại tá GS, TS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y - Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị không giấu nổi niềm phấn khởi, tự hào khi nói về công trình nghiên cứu của Hai:
- Báo cáo khoa học của bác sĩ Hai đã thực sự thu hút được các đại biểu vì tính mới, tính khả thi của nội dung nghiên cứu. Đặc biệt, đây là một trong 5 công trình được ban tổ chức hội nghị khen thưởng.
Trước khi “mang chuông đi đánh xứ người”, được sự giúp đỡ của Thượng tá, TS Trịnh Cao Minh, Chủ nhiệm Bộ môn-khoa Phẫu thuật thực hành và phẫu thuật thực nghiệm, Hai đã hoàn thành bản báo cáo khoa học của mình bằng tiếng Anh và gửi cho ban tổ chức. Tuy nhiên, phần báo cáo trực tiếp tại hội nghị mới thực sự là khoảng thời gian quyết định để “thuyết phục” các đại biểu. Hai kể: Đứng trước hàng trăm nhà khoa học trên thế giới trong một hội nghị quốc tế quan trọng để báo cáo nội dung nghiên cứu bằng tiếng Anh, lúc đầu em cũng “run” lắm nhưng được sự động viên của thầy Lương, thầy Minh, trong khoảng thời gian một giờ đồng hồ, em vừa báo cáo, vừa “hóa giải” được nhiều câu hỏi phản biện hóc búa của các đại biểu dự hội nghị. Một giờ đồng hồ “thử lửa” đã giúp em tự tin và trưởng thành lên rất nhiều…
Thượng úy, bác sĩ Đỗ Xuân Hai đứng giữa tại Hội nghị (Ảnh ST)
Điều trị liền vết thương, nhất là vết thương khó lành là một lĩnh vực còn khá mới trong nước. Đề tài “Tác động của ánh sáng cường độ cao IPL tới khả năng liền vết thương trên thực nghiệm” của Thượng úy, bác sĩ Đỗ Xuân Hai đã giải quyết thành công hai vấn đề mới: Tạo ra một mô hình nghiên cứu mới (so với cả thế giới) về nghiên cứu liền vết thương. Mô hình được thực hiện trên chuột (thế giới thực hiện chủ yếu trên lợn) và điểm mới là mô hình sử dụng các phương tiện mổ thông thường, kỹ thuật thực hiện đơn giản nên dễ tiến hành, chi phí thấp và đặc biệt mang lại hiệu quả cao. Mô hình đánh giá được yếu tố chủ chốt trong liền vết thương (yếu tố tân mạch) và có thể áp dụng rộng rãi. Thành công thứ hai là tác giả đã phát hiện ra xung ánh sáng cường độ cao IPL có tác động tích cực đến khả năng liền vết thương. Nếu áp dụng sẽ giúp tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân không may bị những vết thương khó lành.
Luôn đồng cảm với người bệnh
Ngoài một số kết quả bước đầu trong nghiên cứu điều trị liền vết thương, năm 2009, bác sĩ Đỗ Xuân Hai còn nghiên cứu thành công đề tài “Vạt da ngực bên và ứng dụng tạo hình mất đoạn thực quản”. Với nội dung nghiên cứu này, anh đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen trong Hội thao Sáng tạo kỹ thuật ngành Y tế. Đặc biệt, công trình đã được đăng trên tạp chí khoa học thế giới International Journal of Surgery. Thành công của đề tài là đã phát hiện được một vạt da mới (vạt da ngực bên), có nguồn nuôi ổn định để ứng dụng tạo hình mất đoạn thực quản cho bệnh nhân. Phương pháp này có ưu điểm nổi bật là không phải vi phẫu, do đó không sợ xảy ra hoại tử như các phương pháp trước đây và tỷ lệ thành công trong phẫu thuật theo phương pháp này là 100%.
Điểm chung trong các công trình nghiên cứu của bác sĩ Đỗ Xuân Hai là có tính thực tiễn rất cao và nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu đau đớn và tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Có được những công trình nghiên cứu như vậy, theo chàng bác sĩ trẻ, đều bắt nguồn từ sự đồng cảm, chia sẻ với bệnh nhân. Hai tâm sự: “Quá trình công tác, em luôn gần gũi, chia sẻ với nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân, tìm hiểu xem bệnh nhân đang gặp vấn đề gì trong điều trị, từ đó nghiên cứu tìm ra những phương pháp điều trị mới…”. Trăn trở trước nỗi đau của các bệnh nhân bị những vết loét khó lành, đã điều trị theo phương pháp thông thường nhưng hiệu quả chưa cao, từ những kiến thức đã học và trên cơ sở nghiên cứu những ưu, khuyết điểm của phương pháp điều trị sử dụng ánh sáng hồng ngoại hiện đang sử dụng, bác sĩ Hai đã nghiên cứu thành công phương pháp sử dụng ánh sáng cường độ cao IPL trong điều trị liền vết thương. Theo anh, nguyên lý của phương pháp là sử dụng ánh sáng tác động vào các yếu tố nội tại của mạch máu vì thế không gây ảnh hưởng đến yếu tố xung quanh như phương pháp cũ. Hoặc trong điều trị tạo hình mất đoạn thực quản, với mong muốn khắc phục triệt để những hạn chế của phương pháp cũ, anh đã tìm ra phương pháp sử dụng vạt da ngực bên để tạo hình thực quản mang lại hiệu quả điều trị cao…
Không ngừng sáng tạo
Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2007, với thành tích tốt trong học tập, bác sĩ Đỗ Xuân Hai được giữ lại trường. Với Hai, một trong những niềm vui lớn nhất là chỉ trong một thời gian không dài, nhờ miệt mài học tập, nghiên cứu, anh đã được công nhận là giảng viên. Hơn nữa, được công tác tại Bộ môn-khoa Phẫu thuật thực hành và phẫu thuật thực nghiệm-bộ môn có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu về các phương pháp và kỹ thuật mổ mới, nghiên cứu về ghép tạng mà những nhà khoa học tên tuổi như Trung tướng, GS, TSKH Lê Thế Trung; Trung tướng GS, TS Phạm Gia Khánh; Trung tướng GS, TS Nguyễn Tiến Bình; Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An… đã từng cộng tác và có những nghiên cứu cơ bản đặt nền móng cho các thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim… đã trở thành động lực giúp Hai nỗ lực, phấn đấu trên con đường sáng tạo khoa học. Từ năm 2009 đến nay, bác sĩ Đỗ Xuân Hai đã tham gia hoặc chủ trì 12 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có cả đề tài trọng điểm quốc gia, đề tài cấp Nhà nước. Hai cũng đã có 14 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, trên cương vị chủ nhiệm đề tài nhánh “Mô hình lấy truyền rửa đa tạng” thuộc Đề tài cấp Nhà nước “Ghép tụy trên thực nghiệm”, anh đang miệt mài nghiên cứu với mong muốn góp một phần công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình vào thành công của việc ghép tụy trên người trong tương lai.
Không ngừng sáng tạo, đó là “bí quyết” thành công của bác sĩ Đỗ Xuân Hai. Được biết, hiện anh đang nghiên cứu hoàn thành ý tưởng chế tạo bộ dụng cụ đo kích thước van tim và dụng cụ làm giá đỡ trong khâu nối cụm van động mạch chủ. Hai cho biết: Việc chế tạo dụng cụ để đo đạc chính xác, từ đó lựa chọn cỡ van tim phù hợp trong điều trị là rất quan trọng vì tránh được việc thay đổi van tim trong quá trình mổ, hạn chế tai biến xảy ra. “Hiện em đã thiết kế xong và đang tìm nhà sản xuất để chế tạo sản phẩm” - Hai thổ lộ. Bộ dụng cụ giúp tạo cầu nối động mạch vành gồm dụng cụ cố định một vùng động mạch vành và dụng cụ đặt trong lòng động mạch, sử dụng cho các bệnh nhân hẹp đa thành động mạch vành cần tạo cầu nối để khâu cũng là một sản phẩm mà Hai vừa thiết kế xong và chuẩn bị cho “ra đời”. Ngoài ra, anh còn ấp ủ khá nhiều ý tưởng mới như nghiên cứu chế tạo miếng dán chữa liền vết thương sử dụng thuốc có nguồn gốc từ đông y…
Thượng úy, bác sĩ Đỗ Xuân Hai nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2012 (Ảnh TK)
“Ngoài nghiên cứu khoa học và giảng dạy, em sẽ tập trung để hoàn thành luận án tiến sĩ” - Hai trả lời tôi khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai của mình. Được biết, với luận án tiến sĩ: “Đánh giá kết quả phẫu thuật thay van 2 lá bằng van cơ học St.Jude Masters”, Hai là một trong số ít nghiên cứu sinh tiến sĩ trong quân đội nghiên cứu về lĩnh vực tim mạch-một lĩnh vực khó và còn khá mới trong quân đội. “Luận án nghiên cứu chọn van tim nhân tạo tốt nhất cho bệnh nhân đồng thời đánh giá một số kỹ thuật sử dụng. Luận án cũng có nhiều nội dung mới, khi nào bảo vệ xong em sẽ công bố…” - Hai cười và nắm chặt tay tôi trước khi chia tay. Với sức trẻ và sự sáng tạo, tôi tin rằng Thượng úy, bác sĩ Đỗ Xuân Hai sẽ tiếp tục “gặt hái” được nhiều thành công hơn nữa trên con đường khoa học.
Hải Linh (Theo Trung Kiên - HV)
Bài viết cùng chuyên mục
- Thạc sĩ làm mô hình tối ưu hóa đường bay, giảm trễ chuyến
- Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không
- Cô gái 9x đam mê bảo tồn động vật hoang dã
- Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa
- Chàng trai lấy mầm xanh để 'ươm mầm non'
- Tiết lộ đặc biệt về nam sinh có điểm Toán cao nhất thi HSG Quốc gia: Bị ốm ngay trước ngày...
- Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
- Giáo sư 'sát thủ' của khí thải
- 13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới
- Sinh viên dùng CO2 hãm phát triển nấm mốc trên lúa
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận