Nhật Bản chú trọng chiến lược phát triển nguồn nhân lực tài năng trong lãnh đạo quản lý

Thứ hai, 07/05/2018

Với chiến lược phát triển nguồn nhân lực tài năng trong lãnh đạo quản lý, Nhật Bản vươn lên thành một cường quốc...
Nhật Bản là nước bại trận sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nền kinh tế kiệt quệ cộng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và hầu như không có tài nguyên, khoáng sản. Song nhờ chiến lược đúng đắn là đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực tài năng, đến nay Nhật Bản không những là nước có tiềm lực kinh tế lớn mà còn có tiềm lực khoa học công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.


Ảnh: Nguồn Internet

Về phát hiện và tuyển chọn:
Nhật Bản không có chính sách phân luồng học sinh lớp chuyên, lớp chọn từ bậc học phổ thông mà chỉ lựa chọn những học sinh giỏi, xuất sắc sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và sát hạch qua một kỳ thi nghiêm ngặt để vào học các trường đại học uy tín của Nhật Bản. Nhật Bản đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển tài năng trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý. Những sinh viên loại giỏi ở các trường đại học có uy tín ở Nhật Bản sẽ được lựa chọn để bồi dưỡng trở thành những người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước của Nhật Bản sau này. Hàng năm Viện Nhân sự Nhật Bản, cơ quan nhà nước độc lập với các bộ tổ chức 3 kỳ thi. Kỳ thi tuyển chọn công chức loại I (cấp cao) và các kỳ thi tuyển chọn công chức loại II và loại III (cấp thấp). Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai. Còn những người trúng tuyển các kỳ thi loại II, loại III sẽ làm các công việc chuyên môn nghiệp vụ cụ thể. Kỳ thi tuyển loại I được mở hàng năm, mỗi năm tuyển khoảng 1.000 cán bộ loại này, nhưng số người dự thi gấp hơn 50 lần. Số người thi thường là các sinh viên ưu tú của các trường đại học lớn và trong suốt quá trình học tập, thành tích phải đạt loại xuất sắc. Theo thống kê thì có tới một nửa số người thi trúng tuyển vào kỳ thi loại I đều là sinh viên ưu tú của đại học Tokyo, hầu hết là các sinh viên khoa luật và khoa kinh tế. Trong số trên 1.000 cán bộ mới được tuyển chọn mỗi năm có khoảng một nửa là công chức hành chính, số còn lại là công chức chuyên môn kỹ thuật. Sau khi đỗ kỳ thi loại I, các quan chức tương lai được quyền chọn nơi làm việc (1).

Về đào tạo và bồi dưỡng: Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo và bồi dưỡng tài năng, Nhật Bản rất sớm chú trọng xây dựng một nền giáo dục theo chuẩn mực hiện đại, cường độ học của học sinh là rất cao, tập trung rất nhiều cho học sinh giai đoạn học trung học, nên chất lượng của học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Nhật Bản đứng vào bậc nhất thế giới, đồng thời với việc phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao là việc bồi dưỡng nhân tài, nhất là nhân tài về quản lý (2). Hệ thống sau trung học ở Nhật Bản gồm các trường đại học tổng hợp, cao đẳng, cao đẳng công nghệ cũng như trường đào tạo chuyên ngành có nhiệm vụ trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Trường cao đẳng công nghệ và đào tạo chuyên ngành nhận đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Các cơ sở giáo dục sau trung học phải tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục về tiêu chuẩn thành lập trường cao đẳng, cao đẳng công nghệ, đại học. Bên cạnh đó, nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội cho công tác đào tạo nhân lực, Chính phủ Nhật khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành hệ thống giáo dục đào tạo nghề trong các công ty, doanh nghiệp. Nhật Bản rất coi trọng việc tiếp thu các kinh nghiệm, thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực của các quốc gia phát triển khác, như việc cử người đi học tập ở nước ngoài được bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau: sử dụng kinh phí của Nhà nước, của người đi học, của chủ sử dụng lao động, đối tác nước ngoài khác…(3)


Ảnh: Nguồn Internet

Đối với các sinh viên ưu tú được trúng tuyển sau kỳ thi loại I sẽ được tuyển chọn vào các bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và được chú trọng đào tạo theo hai giai đoạn: Đào tạo để có kinh nghiệm làm việc thông qua nhiều cơ quan khác nhau trong bộ và ngoài bộ, tiếp theo là tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ở nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi năm có nhiều khóa bồi dưỡng, mỗi khóa kéo dài 4-5 tuần nhằm cập nhật các kiến thức về hành chính, kinh tế chính trị Nhật Bản và thế giới. Ngoài ra ở các cấp trưởng phòng, hàng năm có những lớp bồi dưỡng do Viện Nhân sự tổ chức để giúp nắm bắt được những vấn đề mới trong quản lý, xu hướng phát triển kinh tế, chính trị và giúp cán bộ có dịp gặp gỡ với nhau, tạo điều kiện hợp tác giữa bộ này với bộ khác (1).

Về sử dụng và đãi ngộ: Nhật Bản rất chú trọng đến chính sách sử dụng nguồn nhân lực trên cơ sở năng lực thực tế (chất lượng và hiệu quả công việc), nguyên tắc đối xử công bằng (tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng chức..) và những điều này được quy định rõ trong Luật Dịch vụ công quốc gia. Chế độ lương công chức của Nhật Bản được nâng lương mỗi năm căn cứ theo chi phí sinh hoạt thực tế và chức trách nhiệm vụ của công chức. Đối với lao động trí thức, tài năng, Nhật Bản trả lương rất cao và có chế độ khen thưởng xứng đáng để động viên. Trong quá trình sử dụng, các nhà quản lý luôn tìm cách động viên khuyến khích những người dưới quyền tích cực làm việc và phát huy hết tài năng sáng tạo của mình, đồng thời cũng rất nghiêm khắc với các hành vi gian lận, dối trá (2). 


Ảnh: Nguồn Internet

Về thu hút nhân tài: Nhằm cạnh tranh thu hút nhân lực tài năng với các quốc gia trên thế giới. Nhật Bản đã tăng cường số học bổng để thu hút cán bộ trẻ có triển vọng sang đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và có chính sách ưu đãi về lương và điều kiện làm việc để thu hút số này sau khi đào tạo ở lại Nhật Bản làm việc (2). Chính nhờ những chính sách này Nhật Bản đã thu hút và phát triển nguồn nhân lực tài năng rất thành công, đưa Nhật Bản từ một nước lạc hậu, thiếu tài nguyên trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới như hiện nay./.
 
TS Tống Mạnh Hùng
 
Tài liệu tham khảo
 
  1. Trần Văn Ngợi  (2015). Kinh nghiệm của một số quốc gia trên Thế giới về thu hút và trọng dụng người có tài năng cho nền công vụ, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ
  2. Nguyễn Đắc Hưng (2007). Phát triển nhân tài chấn hưng đất nước, NXB Chính trị quốc gia.
  3. Trịnh Xuân Thắng. (2014). Kinh nghiệm đào tạo nhân lực của một số quốc gia trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, Ban Tuyên Giáo Trung ương
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×