Những chàng trai 9x tài năng

Thứ năm, 07/06/2018

Bằng niềm đam mê những chàng trai tài năng đã đạt thành công

1. Chàng trai 9X sở hữu vườn hoa hồng ngoại độc đáo


Dù mới 22 tuổi nhưng Tầng Hắm Phu (ngụ H.Trảng Bom, Đồng Nai) đã và đang sở hữu khu vườn hoa hồng ngoại với hơn 60 loại hoa khác nhau.


Tầng Hắm Phu bên vườn hoa hồng ngoại

Tốt nghiệp cấp 3, Phu quyết định không đi học đại học mà ở nhà phụ giúp gia đình, đồng thời theo đuổi niềm đam mê trồng hoa. Phu xin cha mẹ chăm nom mảnh vườn 5.000 m2 đất tại xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom (để ấp ủ ước mơ khởi nghiệp. “Cách đây 4-5 năm về trước, mình không phải trồng hoa hồng như bây giờ mà lúc đó chủ yếu là trồng hoa lan. Đầu tiên mình trồng những loại lan dễ chăm sóc như: vũ nữ, dendro, hồ điệp, ngọc điểm... rồi dần dần làm quen với các loại lan rừng. Sau 2 năm gắn bó với nghề trồng lan, mình được người bạn cho một số cây hồng ngoại trồng thử. Sau khi chăm bón và thấy thích thú nên mình dành nhiều thời gian tìm tòi trên mạng về cách trồng và chăm sóc loài hoa này”, Phu nhớ lại thời kỳ đầu gầy dựng vườn hoa hồng của mình.

Sau một thời gian chăm sóc, chàng trai 9X nhận thấy loài hoa này không đến nỗi khó trồng, lại thích hợp với khí hậu xứ nóng và thổ nhưỡng để cho ra những loài hoa đẹp, lạ mắt. “Mình quyết định cải tạo mảnh đất để trồng hoa hồng. Lúc đầu trồng tốn tiền lắm, suốt ngày phải chạy đi mua giống về gieo, bỏ công sức để chăm sóc… mà chưa thu được kết quả gì nên cha mẹ cũng rầy la hoài”, Phu chia sẻ.

Thời gian đầu trồng hoa, do cây chưa kịp thích nghi với khí hậu nên bông nhỏ, ít cánh, màu nhạt và hay bị bệnh. Tuy nhiên, với niềm đam mê cộng với kinh nghiệm gắn bó với nghề làm vườn từ nhỏ, những kỹ thuật chăm sóc và diệt trừ sâu bệnh cho hoa không phải là trở ngại lớn nhất đối với Phu. Điều khó khăn của chàng trai này là khí hậu thất thường của miền Nam, những ngày mưa gió, sập giàn làm đổ cây, hoa gãy cành, lúc đó Phu lại phải dọn dẹp và thay chậu mới cũng như chăm sóc cây giống lại từ đầu.
 

 
 
Hiện tại, vườn hồng ngoại của Phu có khoảng 4.000 gốc hồng với hơn 60 loại hoa khác nhau. Phần lờn là những loài hoa dễ thương với các tên gọi như: mon coeur, pasde deux, vuvuzela, monalisa, jubilee, red eden, claire austin, rainy blue, golden… Mỗi ngày, chàng trai sinh năm 1996 dành phần lớn thời gian tìm tòi giống hoa mới để lai ghép vào thân cây tầm xuân, sau khoảng 6 tháng nuôi dưỡng nở hoa mới bắt đầu bán ra thị trường, đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.
Những cây hồng trong vườn của chàng trai 9X có đủ loại với mức giá giao động từ 100.000 - 300.000 đồng/cây, một số cây có giá trị cao nhất lên đến 10 triệu đồng.

Từ chỗ mượn mảnh đất ban đầu của cha mẹ để trồng, Phu cho biết sắp tới sẽ gầy dựng vườn hoa hồng ngoại trên mảnh đất 2.000 m2 của riêng mình. Phu chỉ tay về mảnh đất bên kia đường với ánh mắt hy vọng. “Thời gian qua mình không bán cây nhiều mà chủ yếu là nhân giống. Tất cả là bước đệm để chuẩn bị cho những kế hoạch tương lai. Sắp tới mình sẽ đẩy mạnh việc chuyên trồng hồng theo từng luống, biến nó thành khu vườn chuyên trồng hoa hồng ngoại độc đáo tại Trảng Bom”, Phu chia sẻ.
 

2. Ngã rẽ thành công của chàng trai 9x

 
Học hết năm 2 đại học (ĐH), Cao Văn Minh cảm thấy mình không tìm thấy mục tiêu để tiếp tục nên đã rẽ sang học trường nghề. Và thành tích đầu tiên của lối rẽ này chính là tấm huy chương vàng kỳ thi Tay nghề quốc gia 2018.


Cao Văn Minh không hối tiếc khi đã chọn học nghề

10 phút “cứu” thành công mô hình bị phá hỏng

Nghề mà Cao Văn Minh (sinh năm 1996, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng đội Nguyễn Đức Lợi (cùng học Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương) tham gia thi là bảo trì thiết bị hệ thống cơ khí. Minh và các bạn dự thi phải trải qua 4 vòng thi, trong đó, sửa chữa một mô hình máy tiện CNC đã bị phá hỏng trong vòng 2,5 giờ là vòng thi quan trọng nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, thành thục và tay nghề phải giỏi.


Cao Văn minh được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen
V.M

Trong số 5 đội dự thi, có 3 đội không hoàn thành phần thi trên, 1 đội hoàn thành trong 1,5 giờ, riêng đội của Minh và Lợi đã làm cho ban giám khảo ngạc nhiên khi mọi bộ phận bị phá hỏng đều được ráp lại thành công chỉ trong vòng 10 phút. 

Minh chia sẻ: “Khi thời gian thi bắt đầu, tụi em bắt tay làm luôn, tập trung đến mức không ai nói với ai tiếng nào, nhưng phối hợp khá nhịp nhàng, ăn ý. Sở dĩ tụi em làm nhanh như vậy là vì trong quá trình học, tụi em được thực hành nhiều, và được giáo viên của trường huấn luyện rất kỹ. Đề thi thì đội nào cũng được biết trước, nên yếu tố để chiến thắng chính là thời gian, sự khéo léo, chính xác và sự phối hợp ăn ý. Trước khi thi, tụi em bàn bạc các phương án, lắng nghe ý kiến của nhau, dẹp cái tôi sang một bên, để vào thi không mất thời gian tranh luận, vì thời gian trong lúc thi vô cùng quan trọng”.

Đội của Minh đã xuất sắc giành điểm tuyệt đối cho cả 4 vòng thi (100 điểm), trở thành đội đạt huy chương vàng duy nhất của nghề này.

Từ bỏ giảng đường Đại học

Năm 2014, Cao Văn Minh tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Minh đậu ngành tự động hóa công nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Học được một thời gian, Minh nhận ra mỗi lần đến trường mình không hề có hứng thú với những bài giảng, không biết mình đang học gì nên rất chán. Cố gắng đến hết năm 2, sau khi đấu tranh tư tưởng suốt nhiều ngày, Minh quyết định gọi điện về cho ba nói về việc bỏ học của mình.

Ban đầu, ba của Minh bị “sốc” và không đồng ý, khuyên Minh cố gắng học nốt 2 năm. Mẹ của Minh cũng điện thoại thuyết phục. “Tuy nhiên, em nghĩ, thà muộn 2 năm còn hơn phí mất 4 năm học mà không có kết quả gì. Sau này em nghe kể lại là ba em đã đi hỏi ý kiến bạn bè thì được các cô chú khuyên là hãy để cho em được quyền quyết định tương lai của mình. Vì thế sau đó ba mẹ em cũng nguôi dần, không giận em nữa”, Minh nhớ lại.

Khi quyết định bỏ học, Minh mong muốn sẽ đi học một nghề gì đó để được tiếp cận chuyên môn ngay từ đầu, được thực hành và ra trường có việc làm luôn. Minh lên Google gõ chữ “học nghề” rồi tìm hiểu rất kỹ các ngành học.

“Hồi thi ĐH hầu hết tụi em đều không được định hướng đúng, nghe tên ngành hay hay, đúng với ý thích thì chọn chứ thực sự không tìm hiểu xem ngành đó học gì, xã hội có nhu cầu hay không, ra trường đi làm ở đâu. Lần này em chọn nghề bảo trì thiết bị hệ thống cơ khí vì thấy mô tả ngành này có nhu cầu tuyển dụng cao, cũng là ngành kỹ thuật phù hợp với sở thích của em. Em đọc hết những thông tin về nó như nghề đòi hỏi tố chất gì, tốt nghiệp làm được công việc gì…”.
 

 
 
Đến khi vào học, Minh cảm thấy vô cùng thích thù vì được “cầm tay chỉ việc”, học những thứ thực sự cần cho nghề nghiệp…

Nói về khó khăn ban đầu, Minh cho biết đó chính là vấn đề phải vượt qua rào cản tâm lý của gia đình, họ hàng. Mỗi lần về nhà, các cô dì, chú bác hỏi chuyện học hành, Minh phải nói dối là vẫn học ĐH, vì mọi người ai cũng đề cao bằng cấp, muốn con cháu phải học ĐH mới cảm thấy tự hào.

Minh kể: “Sau khi em giành huy chương vàng kỳ thi Tay nghề quốc gia, ba mẹ em rất vui và nhận ra lựa chọn của em là có lý. Họ hàng cũng đến nhà hoặc nhắn tin chúc mừng. Đến nay, ba mẹ và em có thể tự tin trả lời với mọi người rằng em đang học nghề tại một trường trung cấp”.

Minh còn trở thành người "hướng nghiệp" cho em mình đang học lớp 11. "Em vẫn nói với em mình là khi chọn nghề phải nhìn vào thực tế xã hội đang cần gì. Hiện nay học ĐH nếu không phù hợp với năng lực và nếu không nỗ lực thì vẫn không kiếm được việc làm, trong khi trở thành một người thợ giỏi thì không bao giờ lo thất nghiệp. Doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đánh giá năng lực thực sự của ứng viên chứ không nhìn vào bằng cấp".

Hiện tại, Minh chuẩn bị tốt nghiệp. Ngoài việc học ở trường, Minh còn đi học thêm tiếng Anh. “Em được chọn vào đội tuyển đi thi quốc gia một phần là vì em biết tiếng Anh, nếu không biết thì sẽ rất bất lợi vì máy móc thiết bị viết bằng tiếng Anh. Mục tiêu trong tương lai của em là có chứng chỉ IELTS để có thể làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Em cũng sẽ học liên thông lên CĐ”, Minh cho biết.

Được biết, Minh và đồng đội sẽ được huấn luyện để tham dự kỳ thi Tay nghề ASEAN tại Thái Lan vào tháng 9.2018.
Ngọc Mai tổng hợp

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×