Những chàng trai tài năng, khéo léo
Thứ năm, 17/01/2019

Căn phòng 20m2 trong một con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Cầu, Hà Nội là nơi Nguyễn Quang Huy, chàng trai 9X, đam mê đưa thuyền vào chai thủy tinh, cho ra đời những tác phẩm độc đáo.
1. Chàng trai 9X đam mê đưa thuyền vào đồ thủy tinh
Căn phòng 20m2 trong một con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Cầu, Hà Nội là nơi Nguyễn Quang Huy, chàng trai 9X, đam mê đưa thuyền vào chai thủy tinh, cho ra đời những tác phẩm độc đáo.

Nguyễn Quang Huy tỉ mỉ, chăm chút cho từng sản phẩm- Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Đam mê với những con thuyền vững vàng trước sóng gió biển khơi ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Quang Huy đã bắt đầu tìm tòi, tự làm những con thuyền handmade. Tuy vậy, phải đến năm 2013 khi bước chân vào năm nhất đại học, chuyên ngành thiết kế đồ họa, Huy mới có cơ hội hiện thực hóa đam mê qua những chiếc thuyền trong chai, bóng đèn thủy tinh.
Với bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, chàng trai sinh năm 1996 này đã tự mình chế tác những sản phẩm tuyệt vời từ bóng đèn, chai, lọ thủy tinh... và đồ phế thải. Huy vẫn thường ví von công việc của mình là nhốt thuyền vào đồ thủy tinh. Cảm hứng ấy đến với Huy kể từ khi anh xem bộ phim Cướp biển vùng Caribbe.
Để đưa được những chiếc thuyền cầu kỳ vào trong chai, bóng đèn thủy tinh không phải là câu chuyện dễ dàng, bắt đầu từ lên ý tưởng vẽ phác thảo đến lắp ghép từng bộ phận của con thuyền sao cho sinh động trước khi đưa vào đồ thủy tinh.

Đối với Huy, mỗi chiếc thuyền mang một ý nghĩa riêng. Anh đặc biệt mê những chiếc thuyền Đông Dương - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đưa thuyền vào chai, bóng đèn thủy tinh đòi hỏi sự chính xác và độ kiên nhẫn cao, chỉ một sai sót cũng khó có thể sửa chữa - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tùy thuộc vào kích thước sản phẩm, Quang Huy hoàn thiện trong khoảng thời gian từ vài tiếng đồng hồ đến vài ngày - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Quang Huy chia sẻ, những chiếc thuyền trong chai mang ý nghĩa cầu mong sự bình an cho ngư dân, vì vậy anh cũng muốn góp một phần nhỏ bé cho nguyện ước bình an đó - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mỗi sản phẩm hoàn thiện có giá từ 50.000 đồng đến vài triệu đồng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Sau hơn 5 năm vừa học vừa theo đuổi đam mê, Nguyễn Quang Huy đã sáng tạo được hàng trăm mẫu thuyền đủ kích thước, được sự đón nhận của người dân cũng như du khách.
Nhớ lại những năm đầu đại học, Quang Huy chia sẻ: "Lúc mới đầu mình cũng chỉ làm những sản phẩm này để thỏa mãn niềm đam mê, nhưng sau đó nhiều người thích thú và mình quyết định biến nó thành công việc mang lại thu nhập. Mình vừa học vừa mang sản phẩm đến các hội chợ, chợ đêm tại chợ Đồng Xuân vào các ngày cuối tuần, được sự hưởng ứng rất tốt. Trung bình mỗi buổi mình thu được 5 - 10 triệu đồng".

Mẫu sản phẩm mới nhất mà chàng trai 9X này đang ấp ủ nhằm giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Không chỉ dừng lại ở những con thuyền, Quang Huy còn đang tiếp tục lên ý tưởng cho những sản phẩm lưu niệm về danh lam, thắng cảnh của Hà Nội cũng như Việt Nam, đặt chúng vào những chiếc đĩa bát sứ và phối cảnh hợp lý. Huy chia sẻ đây cũng chính là dự định mà anh đang ấp ủ với mong muốn đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
2. Chàng trai làm hoa mai chưng Tết từ vảy cá
Từ những chiếc vảy cá phế phẩm, Lê Ngọc Biết đã 'biến hóa' thành cánh mai vàng rực. Đây là một trong những sản phẩm trong dự án khởi nghiệp của anh.

Lê Ngọc Biết đính vảy cá lên cành mai
Lê Ngọc Biết là sinh viên năm 3, trường Đại học Công nghệ TPHCM (ĐH Hutech). Từ những chiếc vảy cá lấp lánh bị bỏ đi như phế phẩm, chàng trai Phú Yên lên ý tưởng để biến nó thành một sản phẩm thủ công bán ra thị trường. Mai mùa Tết là một trong số những sản phẩm đó.
Tỉ mỉ và kiên trì
Dịp gần Tết, các cây mai nhựa hay mai vải được trưng bày bán ở khắp nơi. Ngọc Biết phát hiện, những vảy cá mình làm tranh có hình dáng y như cánh mai. Từ đó, anh quyết định thử làm một cây mai để chưng Tết. Khi hoàn thành, sản phẩm khiến nhiều người hứng thú và đặt mua, từ đó Biết quyết định làm mai, đào để bán.

Đính mai cần độ chính xác và tỉ mỉ cao
Ngọc Biết lấy nguồn vảy cá từ một người quen bán cá ở chợ Đo Đạc (quận 2). Sau khi thu vảy cá từ chợ, anh làm sạch, ngâm trong hóa chất (enzim) để khử mùi tanh rồi phơi khô và nhuộm màu. Anh dùng keo nến đính vảy cá lên cành mai thô đã mua. Cứ mỗi bông mai, anh mất khoảng 30 giây để hoàn thành, không khó nhưng yêu cầu cần chính xác và tỉ mỉ để cánh hoa không bị lệch.
Biết chia sẻ: "Cánh mai làm từ vảy cá có độ trong suốt và lấp lánh cao hơn, không dễ hư hỏng. Một chậu mai có thể để chưng 5 - 6 năm. Thứ mình hướng đến là một sản phẩm độc, lạ, duy nhất trên thị trường".
Trước khi đính vảy cá lên mai, Lê Ngọc Biết từng thí nghiệm để vảy cá đã nhuộm ngâm trong nước một tháng. Kết quả, vảy cá không bị phai màu. Anh cũng tham gia nghiên cứu và biết từng loại vảy cá tương ứng với những nồng độ enzim khử mùi khác nhau.
"Thời gian đầu tiếp xúc với vảy cá, tụi mình không thể chịu được mùi tanh và hình ảnh từ các phế phẩm, thậm chí nhiều ngày không ăn được cá. Bây giờ mình dần quen", Lê Ngọc Biết kể.
Khó khăn nhất Biết gặp khi làm hoa mai là độ cong của vảy cá không như ý muốn. Khi phơi khô, vảy cá sẽ bị cong, lúc đính lên sẽ phải giữ và vuốt thẳng. Tuy nhiên, so với tranh, anh thấy làm mai dễ hơn. Chỉ cần hướng dẫn sơ qua, các bạn sinh viên đều có thể làm được.
Không quan tâm lợi nhuận
Hiện tại, thông qua các kênh online, Biết đã có hơn 100 đơn hàng, gồm chậu mai, cành mai và cả bông rơi. Đối với các chậu mai, một cây mai thô anh mua với giá sỉ là 150.000 đồng. Sau khi tháo bông vải để đính vảy cá, anh vẫn bán bằng giá trên thị trường là 195.000 đồng. Cây lớn nhất có giá 370.000 đồng.
"Mục đích của mình hiện tại chưa phải là lợi nhuận. Mình khởi nghiệp nên mong muốn lớn nhất là nhiều người biết đến sản phẩm của mình, tạo ra thương hiệu riêng. Quan trọng hơn hết là tạo việc làm và thu nhập cho mọi người", chàng trai chia sẻ.
Công việc khá nhẹ nhàng và rất tiện cho các bạn sinh viên làm vào thời gian rảnh. Mọi người chỉ cần đến nhận dụng cụ từ Ngọc Biết, sau đó có thể tập trung nhiều bạn làm, hoặc mang về nhà làm. Cứ đính mỗi bông, các bạn được 200 đồng, mỗi cây có khoảng 30 bông. Hiện có 20 bạn sinh viên đang nhận làm công việc này.

Cây mai vải (trái) và cây mai làm từ vảy cá của Lê Ngọc Biết (phải)
Nguyễn Tuấn (sinh viên ĐH Hutech) cũng nhận làm hoa mai cho Lê Ngọc Biết. Anh cho hay: "Công việc này rất đơn giản và dễ làm. Chỉ cần lấy keo đính mai lên cành là xong. Mình có thể tranh thủ lúc rảnh làm mà không cần nhiều giờ liên tục như đi làm thêm ở ngoài".
Tuy nhiên, nguồn nhân công chính của Lê Ngọc Biết là những người dân ở quê. Biết cho hay nhiều lao động ở vùng anh sống không có việc làm. Do đó anh muốn tạo việc làm cho mọi người bằng cách chuyển nguyên liệu làm tranh, làm hoa mai về quê cho bà con cùng thử. Mong muốn lớn nhất của chàng trai trẻ là giải quyết lao động, đồng thời đem đặc trưng của vùng biển quê hương quảng bá đến mọi người.
Ngọc Mai tổng hợp (Theo Tiền Phong)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Thạc sĩ làm mô hình tối ưu hóa đường bay, giảm trễ chuyến
- Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không
- Cô gái 9x đam mê bảo tồn động vật hoang dã
- Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa
- Chàng trai lấy mầm xanh để 'ươm mầm non'
- Tiết lộ đặc biệt về nam sinh có điểm Toán cao nhất thi HSG Quốc gia: Bị ốm ngay trước ngày...
- Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
- Giáo sư 'sát thủ' của khí thải
- 13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới
- Sinh viên dùng CO2 hãm phát triển nấm mốc trên lúa
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận