Những chàng trai tài năng tâm huyết với nghề

Thứ bảy, 31/08/2019

Bác sĩ trẻ Đào Văn Tú đã dành trọn 10 năm thanh xuân của mình để nghiên cứu các phương pháp mới chữa bệnh ung thư và đạt được những kết quả đầy triển vọng.

Dành cả tuổi trẻ tìm cách chữa bệnh ung thư


Bác sĩ trẻ Đào Văn Tú đã dành trọn 10 năm thanh xuân của mình để nghiên cứu các phương pháp mới chữa bệnh ung thư và đạt được những kết quả đầy triển vọng.
 

Bác sĩ Đào Văn Tú làm việc tại Bệnh viện K T.Ư

Tôi tìm gặp tiến sĩ, bác sĩ Đào Văn Tú (34 tuổi), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K T.Ư, vào giờ nghỉ trưa, đơn giản vì công việc của anh lúc nào cũng kín lịch.

Bác sĩ Tú đã làm được rất nhiều việc có giá trị cho y học và cộng đồng. Anh là đồng chủ nhiệm 1 đề tài cấp bộ, chủ nhiệm 3 đề tài thử nghiệm lâm sàng, 5 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài sau khi nghiên cứu thành công đều được áp dụng vào thực hành lâm sàng.

Đặc biệt, anh có tới 8 công trình khoa học được công bố, trong đó có 2 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, 1 bài báo đang gửi đăng và 4 báo cáo khoa học tại các hội nghị chuyên ngành ung thư…

Tìm ra cách mới để điều trị ung thư

Trong những công trình nghiên cứu của mình và các cộng sự, Đào Văn Tú rất tâm huyết với công trình nghiên cứu phát hiện ra ANGPTL4, là một protein khi xuất hiện trong máu sẽ dự báo tình trạng di căn não. Anh Tú chia sẻ hầu hết các bệnh nhân ung thư sẽ đến giai đoạn xuất hiện di căn não. Tình trạng tổn thương di căn não phải điều trị vô cùng khó khăn, các phương pháp điều trị tốn kém. Xuất phát từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã quyết tâm cố gắng để tìm phương pháp chẩn đoán sớm ung thư di căn não.

“Chúng tôi đã tìm ra cơ chế để có thể chẩn đoán sớm được di căn não và có biện pháp can thiệp điều trị hiệu quả, triệt để hơn. Nghiên cứu này cũng có thể giúp tìm ra cơ chế mới điều trị cho bệnh nhân di căn não, phối hợp với các phương pháp cũ. Chúng tôi đang hy vọng các nghiên cứu này sẽ tiếp tục được triển khai và có kết quả cụ thể trong thời gian tiếp theo”, anh Tú cho hay.

Không chỉ nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra phương pháp điều trị mới, bác sĩ Tú còn quan tâm đến nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để bệnh nhân được điều trị phương pháp mới mà không mất chi phí. Anh cho biết: “Phần lớn bệnh nhân VN không có điều kiện và không có khả năng tiếp cận với phương pháp điều trị tốt nhất có thể. Tình trạng quá tải bệnh viện và chi phí điều trị lớn cũng gây ra gánh nặng cho bệnh nhân. Việc nghiên cứu lâm sàng sẽ giải quyết được cả hai vấn đề đó, bằng cách cố gắng mang phương pháp điều trị tiên tiến đến cho bệnh nhân VN; đặc biệt là những phương pháp điều trị này sẽ không mất chi phí do có các tổ chức nước ngoài tài trợ, sẽ giúp cho bệnh nhân VN giảm bớt gánh nặng kinh tế”.

Anh Tú cũng cho biết đây là một vấn đề thực tế giúp giải quyết ngay những khó khăn đang gặp phải của bệnh nhân và cũng là hướng đi mà thế hệ trẻ Bệnh viện K tâm đắc, để có thể sớm đưa trình độ y tế của VN bắt nhịp với thế giới trong khoảng 10 - 15 năm tới.

“Tôi học 5 điều Bác Hồ dạy”

Chia sẻ về con đường đến với việc nghiên cứu khoa học của mình, anh Tú cho biết: “Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã luôn đam mê tìm tòi, tiếp cận với những nhận thức mới, đặc biệt là ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội, về công tác tại Bệnh viện K, tôi dần nhận ra định hướng của mình và mong muốn trở thành một bác sĩ lâm sàng, một nhà nghiên cứu về ung thư, góp phần trong công tác dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư”.

Đặc biệt, nhà nghiêu cứu trẻ này cho hay trong cuộc sống và công việc, anh đã luôn học tập 5 điều Bác Hồ dạy từ thời thiếu niên, nhi đồng. “Những lời dạy của Bác thấm nhuần vào công việc của mình. Đó là những lời dạy rất kinh điển mà bây giờ tôi vẫn áp dụng trong công việc hằng ngày như: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt… Bác Hồ dạy lúc nào cũng đúng, từ khi mình nhỏ đến lúc lớn lên, từ khi học trong nước đến khi ra nước ngoài. Khi tôi được tiếp xúc với đồng bào, những bệnh nhân hay đồng nghiệp ở nước ngoài mới thấy những lời dạy ấy luôn luôn đúng và cảm thấy tự hào khi làm được những việc như lời Bác dạy”, anh Tú chia sẻ.

Là một trong những đảng viên trẻ được T.Ư Đoàn tuyên dương dịp 2.9 năm nay, anh Tú cho rằng việc thấm nhuần tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đã giúp anh có được thành công ngay hôm nay.

“Bác Hồ là tấm gương sáng cho mọi thế hệ, những lời Bác dạy cho thế hệ trẻ đều vô cùng có ý nghĩa. Mỗi bạn trẻ hãy làm việc tốt với trái tim tâm huyết của mình và lấy lời dạy của Bác làm kim chỉ nam giúp trưởng thành từng bước trong cuộc đời và sự nghiệp”, anh Tú nói.

Truyền thông điệp tới các bạn trẻ, bác sĩ Tú trải lòng: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ làm trong ngành y rằng mỗi một sự giúp đỡ của mình dù rất nhỏ cũng giúp cho bệnh nhân thêm động lực và đặc biệt bệnh nhân có cơ hội chữa trị để khỏi bệnh. Phải giúp họ sống phần đời còn lại với gia đình một cách có ý nghĩa. Trong mọi hoàn cảnh, các bạn trẻ hãy phát huy việc giúp đỡ người khác. Tuổi trẻcần đóng góp sức mình cho người dân, cộng đồng và đóng góp cho đất nước, thậm chí là cho thế giới”.
 

Chàng trai mê lập trình đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới


Trần Văn Phúc, sinh viên năm 4 ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là một trong 8 thí sinh Việt Nam vừa đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2019.
 

 Trần Văn Phúc tại Kỳ thi tay nghề thế giới. NVCC

Từ CHLB Nga, Trần Văn Phúc vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Nghề giải pháp phần mềm CNTT tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm nay có 28 thí sinh của 28 quốc gia tham dự. So với mọi năm, năm nay kỳ thi sử dụng công nghệ rất mới và khác biệt để thử tài thí sinh. Theo đó, thiết bị phải test đến 2 ngày mới xong. Về đề thi, trước khi diễn ra kỳ thi một tuần, tụi em được ban tổ chức gửi một bản mô tả chung chung về một công ty cần phần mềm để khai thác, vận chuyển dầu khí. Lúc đó, em nghĩ ngay là dầu khí chắc phải liên quan đến máy dò hoặc máy khai thác dưới biển. Rồi em đưa ra các giả thuyết mà đề sẽ yêu cầu như làm bài toán hoặc thiết kế phần mềm. Nhưng thật bất ngờ, đề thi thực tế lại yêu cầu phần mềm giao dịch quản lý dầu khí, liên quan nhiều đến logistics chứ không phải khai thác dưới biển”.


 Phúc (giữa) và các huấn luyện viên tay nghề. NVCC


Theo Phúc, còn một điểm khiến hầu hết thí sinh đều bất ngờ, đó là phần thi trên thiết bị di động năm nay chiếm đến 3/7 mô-đun (gần 50% điểm thi), trong khi những năm trước chỉ 1/7 mô-đun. Trong bản mô tả của ban tổ chức trước đó cũng chỉ nói phần này chiếm 15% điểm.

“Vì chủ quan nên trước đó em luyện phần thiết bị di động không nhiều. Buổi đầu thi phần này, thời gian làm bài chỉ được trong vòng 3,5 giờ, nhưng khối lượng công việc cần giải quyết em nghĩ là phải cần 5 giờ. Không hiểu lý do vì sao thiết bị tại kỳ thi lại khá chậm so với thiết bị trong quá trình em luyện thi ở nhà, nên ảnh hưởng đến quá trình làm bài chung của tất cả thí sinh”, Phúc nuối tiếc.

Trong phần thi trên laptop và phần thi phân tích thiết kế hệ thống, Phúc đã làm bài tốt hơn. Sau 2 ngày thi, ban tổ chức còn có bài test nhanh thử thách thêm dành cho thí sinh, yêu cầu tìm ra kết quả trong một bài toán. Phúc là một trong 8 thí sinh tìm được kết quả, và nằm trong top 5 của phần thử thách thêm này.

Được biết, trước khi tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới, Phúc từng đoạt giải nhất ở Kỳ thi tay nghề quốc gia và Kỳ thi tay nghề do Bộ Công thương tổ chức, huy chương đồng Kỳ thi tay nghề ASEAN.

Chia sẻ về thành tích mới nhất này, chàng trai quê Bình Định khiêm tốn: “Dù đạt nhiều giải cao trong nước và khu vực, nhưng khi bước ra đấu trường quốc tế tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2019, em cảm thấy mình còn rất nhỏ bé và cần phải quan sát, học hỏi thêm nhiều. Những kỳ thi tay nghề trong nước và quốc tế đã giúp em có thêm thật nhiều kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt, giúp em nhận ra nghề lập trình chính là niềm đam mê để em tiếp tục gắn bó theo đuổi”.
 
Hoàng Tùng tổng hợp (Theo Thanh niên)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×