Những chàng trai Việt tài năng
Thứ năm, 13/12/2018

Những chàng trai trẻ tài năng, khởi nghiệp ở các lĩnh vực gần gũi với đời sống
1. Chàng trai gốc Việt sở hữu đế chế nhà hàng nem cuốn đang 'xâm chiếm' khắp nước Úc, tăng trưởng 800%, thu về hàng chục triệu USD mỗi năm
Chuỗi cửa hàng nem cuốn của chàng trai gốc Việt Bao Hoang đã đạt tốc độ tăng trưởng hơn 800% sau 3 năm và đang ôm tham vọng mở rộng hoạt động ra các nước khác ngoài Australia.

Với công thức đặc biệt học được từ người mẹ và dì, nhà vật lý trị liệu gốc Việt có tên Bao Hoang đã xây dựng nên đế chế nem cuốn trị giá hàng triệu USD trên đất nước Australia. Hiện tại anh đang lên kế hoạch mở rộng chuỗi nhà hàng này ra toàn cầu.
Cụ thể, Bao Hoang đã cùng người bạn học Ray Esquieres và người em họ Tin Ly góp số tiền 180.000 AUD để mua lại cửa hàng cà phê mang tên Italian tại trung tâm thành phố Melbourne. Chưa đầy 6 tháng sau đó (tức là tháng 5/2012), họ đã biến đây trở thành cửa hàng đồ ăn nhanh Việt Nam mang tên Rolld.
Nhớ lại ngày đầu mở cửa hàng Bao Hoang cho biết vì chưa có giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm nên cửa hàng phải chờ tới 12h30 chiều mới chính thức mở cửa đón khách. Tuy nhiên, đã có khoảng 30 người chờ trước cửa hàng và sau đó họ phục vụ tổng cộng 150 người và tới 1h30 phút quán đã hoàn toàn hết đồ ăn.
Trong suốt 3 năm vừa qua, Rolld đã đạt tốc độ tăng trưởng hơn 800% và đang ôm tham vọng mở rộng hoạt động ra các nước khác ngoài Australia. "Tôi muốn cung cấp một loại đồ ăn thay thế cho sushi", Hoang chia sẻ.
Ban đầu, cửa hàng Rolld được mở tại đường Goldsbough, Melbourne, nhắm tới khách hàng là những chuyên gia, nhân viên văn phòng của các công ty lớn với mong muốn có một bữa ăn trưa nhanh gọn và tốt cho sức khoẻ. Hiện tại có ngày một cửa hàng Rolld phục vụ tới 1.000 khách mỗi ngày.

Hiện tại, nhu cầu đã phát triển cao tới mức Rolld có tổng cộng 67 cửa hàng tại Victoria, Queenland, Western Australia và ACT với doanh thu gộp trong một năm đạt 40 triệu AUD. Trong số này, 70% cửa hàng do chính 3 nhà sáng lập sở hữu và điều hành. Số còn lại là các cửa hàng nhượng quyền. Mức giá cho một cửa hàng Rolld nhượng quyền mới hoàn toàn giao động trong khoảng từ 280.000 USD - 400.000 USD tùy vào kích cỡ.
Thời kỳ cao điểm, Rolld mở tới 14 cửa hàng mới trong vòng 4 tháng và Bao Hoang cho biết việc này đã gây áp lực khá lớn lên đội ngũ của anh. "Chúng tôi bắt đầu chứng kiến những lỗ hổng về kinh nghiệm quản lý vận hành đến mức có lúc tưởng chừng như phải đầu hàng. Đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Thật may thay là sau đó mọi thứ đều ổn và chúng tôi lại tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới".
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Bao Hoang cho biết: "Khi công ty và thương hiệu Rolld tiếp tục phát triển, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư và thậm chí hướng tới cổ phần hóa".
Mỗi năm, Rolld bán được từ 5 – 6 triệu chiếc nem cuốn - chiếm 50% doanh thu toàn công ty (Rolld còn phục vụ nhiều món ăn khác như bún, phở, bánh mỳ…).
Tuy nhiên Bao Hoang vẫn cảm thấy không hài lòng khi so sánh con số này với thành công của những chuỗi đồ ăn khác như Schnitz – đơn vị được vinh danh trong top BRW Fast 100 2015 với mức độ tăng trưởng 164% và doanh thu đạt hơn 72 triệu AUD.
Lĩnh vực đồ ăn nhanh "không dễ xơi"
Bao Hoang chia sẻ thêm rằng để tạo ra một chuỗi đồ ăn nhanh hay doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ thành công ở Australia không hề dễ dàng. "Cần phải có niềm đam mê và động lực thật sự. Rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng.
Cũng rất khó để quản lý một doanh nghiệp khởi nghiệp với số tiền vốn ít ỏi. Vì vậy cần phải phát triển một thương hiệu đủ mạnh bởi chỉ cần giảm 10% doanh số bán hàng tức là bạn đang gặp rắc rối lớn".
Kể từ khủng hoảng toàn cầu, các nhà hàng takeaway đã trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực bán lẻ. Năm 2016, dữ liệu từ cục thống kê Australia cho thấy các quán cà phê, nhà hàng và dịch vụ đồ ăn takeaway có doanh thu tăng 1%, lên mức 3,4 tỷ AUD vào tháng 11.
Nói về kế hoạch trong tương lai, Bao Hoang cho biết Rolld sẽ tiến tới mục tiêu có 100 cửa hàng tính đến cuối năm 2018.
Đặc biệt, Bao Hoang muốn mở rộng Rolld sang nước ngoài. "Có rất nhiều cơ hội phát triển kinh doanh ở nước ngoài. Chúng tôi hiện đang nhắm tới thủ đô Manila của Philippines và một số quốc gia châu Á khác trong khoảng 3 năm tới. Được biết điểm đến đầu tiên trong năm 2018 này sẽ là Philippines.
"Có người hỏi chúng tôi đã sẵn sàng vươn ra thị trường toàn cầu hay chưa? Câu trả lời của tôi có lẽ là chưa nhưng cơ hội thì luôn luôn có. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp chúng tôi đã luôn nghĩ tới chuyện một ngày nào đó trở thành doanh nghiệp được nhận diện trên toàn cầu".
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng muốn tấn công vào thị trường Anh và Mỹ. Mỹ là một thị trường lớn vốn đã bão hòa với những món như burger hay chuỗi pizza. Chúng tôi sẽ cung cấp những món ăn đặc biệt hơn".
Bí mật tạo nên thành công
Từ con số khiêm tốn chỉ 45 nhân viên trong giai đoạn 2012 - 2013, hiện nay Rolld đã có hơn 700 nhân viên, Bao Hoang cho biết thử thách lớn nhất với Rolld là tốc độ mở rộng nhanh chóng. Anh chia sẻ rằng cho tới tận bây giờ mới cảm nhận thấy trình độ của đội ngũ trong công ty bắt kịp với tốc độ phát triển.
Anh cho rằng công thức thành công của Rolld đó là: Tập trung phát triển đội ngũ và xây dựng văn hoá công ty.
Ngoài ra, còn một điều đặc biệt Bao Hoang từng chia sẻ đó là Rolld rất giống một doanh nghiệp gia đình.
Trong khi chị gái phụ trách về nhượng quyền, bố quản lý việc giao hàng, vợ anh làm giám đốc thương hiệu thì mẹ và dì anh lại là người tạo ra công thức cho các món ăn.

3 nhà đồng sáng lập Rolld.
Mặc dù hiện đã thương mại hóa doanh nghiệp nhưng Bao Hoang hy vọng rằng họ sẽ không bao giờ mất đi mối liên quan giữa gia đình và công ty bởi anh tin rằng đây chính là một phần tạo nên bí mật thành công cho Rolld.
"Dù ban đầu không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống nhưng chúng tôi đã học hỏi rất nhanh chóng trong 2 tháng đầu. Ngay khi nhận thấy cửa hàng đầu tiên kinh doanh tốt, những cửa hàng số 2 và 3 tiếp tục được hình thành để thử nghiệm thị trường theo một cách nhanh nhất", Bao Hoang chia sẻ.
Dù bận rộn và thường xuyên phải làm việc tới 120 giờ mỗi tuần, Bảo Hoàng vẫn nói rằng: "Mọi người hỏi tôi, Bao Hoang, sao anh có thể làm việc chăm chỉ tới vậy? Sao anh không nghỉ ngơi? Đối với tôi mà nói, đây như một bản năng sẵn có vậy. Sau này sẽ còn rất nhiều thời gian để bạn nghỉ ngơi".
Chàng trai 23 tuổi gốc Việt muốn mang giấc mơ Mỹ đến với mọi đứa trẻ, nhận thưởng 30.000 USD từ vợ chồng Zuckerberg
Tuan Ho cũng là một trong ba doanh nhân xã hội nhận được khoản tài trợ 30.000 USD từ chương trình Priscilla Chan Stride Service. Đây là chương trình được tài trợ bởi Chan Zuckerberg Initiative, tổ chức được vợ chồng Mark Zuckerberg thành lập năm 2015.

Tuan Ho đến Mỹ năm 2005 cùng mẹ và anh trai năm 2005 khi chỉ mới 10 tuổi. Sau khi bị cha dượng lạm dụng ở Dorchester, Massachusetts, Tuan bắt đầu tìm kiếm lối thoát cho chính mình.
"Tôi như tù nhân trong chính ngôi nhà của mình, chỉ có đến trường tôi mới như được giải thoát. Do vậy, tôi đã nỗ lực hết sức để học tiếng Anh nhằm cứu gia đình mình. Tôi nhận ra rằng tôi cần có những kiến thức và công cụ đúng đắn để thoát khỏi địa ngục của mình."
Tuan kể rằng cậu đã học tiếng Anh bằng cách xem hoạt hình và đọc phụ đề cùng với một cuốn từ điển cầm tay. Chỉ trong vòng 6 tháng, cậu đã có thể giao tiếp trôi chảy: "Sống trong điều kiện khó khăn đã khiến tôi trưởng thành lên rất nhiều."
Sau khi rời khỏi cha dượng, mẹ của Tuan Ho đã phải làm rất nhiều việc để kiếm sống. Khi Tuan được nhận vào đại học Northeastern, mức học phí 40.000 USD mỗi năm tưởng như không thể vượt qua: "Về cơ bản, gia đình tôi không đủ chi trả mức học phí này."
Đó chính là lý do khiến những bài luận ra đời. Dù cho tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nhưng cậu đã viết 120 bài tiểu luận trong quá trình xin học bổng.
"Tôi nhớ những ngày mình đạp xe xuống trung tâm thành phố, tìm kiếm các văn phòng để gửi thư đi."
Rồi nỗ lực của cậu cũng được đền đáp. Tuan đã giành được học bổng toàn phần cho đại học Northeastern ở Boston và tốt nghiệp bằng kỹ sư cơ khí trong năm nay.
Dù có bằng kỹ sư trong tay, Tuan nói rằng cậu nhận ra mình không muốn làm việc với máy móc mà là với con người. Cậu muốn thay đuổi cuộc sống của người khác theo cách giáo dục đã thay đổi cuộc sống của cậu.

"Ngoài kia có nhiều đứa trẻ tài năng nhưng lại không được giúp đỡ để làm những thứ chúng yêu thích và quan tâm. Đó chính là ý tưởng của ScholarJet."
ScholarJet là tổ chức phúc lợi cộng đồng mà Tuan Ho thành lập tháng 9/2017 để hỗ trợ cho trẻ em có cơ hội tiếp cận học bổng đại học thông qua "học bổng hành động".
ScholarJet làm việc với bộ phận tuyển dụng của nhiều công ty, tuyển sinh viên cho những vị trí không đòi hỏi kinh nghiệm và thưởng cho họ học bổng.
Những thử thách bao gồm việc thiết kế thiết bị để cải thiện cuộc sống của người khuyết tật, tạo ra video lan truyền thu hút sự quan tâm của những người không quan tâm đến biến đổi khí hậu. Hay đó là tạo một đoạn video 1-2 phút về ý tưởng kinh doanh của mình.
Tuan Ho cho biết ScholarJet đến nay đã có 15 thử thách và trao tặng khoảng 34.000 USD cho những người chiến thắng.
ScholarJet là đơn vị thắng cuộc trong MassChallenge 2017. Và tháng 4 vừa qua, Tuan Ho cũng là một trong ba doanh nhân xã hội nhận được khoản tài trợ 30.000 USD từ chương trình Priscilla Chan Stride Service. Đây là chương trình được tài trợ bởi Chan Zuckerberg Initiative, tổ chức được vợ chồng Mark Zuckerberg thành lập năm 2015.
Tuan Ho nhận được số tiền này bởi "niềm đam mê và tinh thần doanh nhân cho các dịch vụ cộng đồng". Cậu cũng đang trong quá trình huy động 250.000 USD vốn ban đầu nên khoản tiền thưởng trên đã giúp Tuan rất nhiều.
Mô hình định giá của ScholarJet là thu phí hàng năm của các công ty để giúp họ tạo ra các cuộc thi, tuyển dụng nhân viên không yêu cầu kinh nghiệm. Trong tương lai, Tuan hi vọng có thể mở rộng dịch vụ của ScholarJet nhằm giúp sinh viên trả nợ vay.
Hiện giờ thì cậu bạn 23 tuổi đang sống với mẹ: "Hãy cho tôi vài năm nữa khi tôi có một thu nhập phù hợp với chức vụ CEO," Tuan nói.
Trần Hoàng tổng hợp (Theo cafebiz)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Thạc sĩ làm mô hình tối ưu hóa đường bay, giảm trễ chuyến
- Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không
- Cô gái 9x đam mê bảo tồn động vật hoang dã
- Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa
- Chàng trai lấy mầm xanh để 'ươm mầm non'
- Tiết lộ đặc biệt về nam sinh có điểm Toán cao nhất thi HSG Quốc gia: Bị ốm ngay trước ngày...
- Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
- Giáo sư 'sát thủ' của khí thải
- 13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới
- Sinh viên dùng CO2 hãm phát triển nấm mốc trên lúa
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận