Những chế tạo hữu ích của sinh viên

Thứ hai, 15/07/2019

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã sáng tạo ra chiếc máy thu gom rác thủy bộ, có thể thu được rác thải trên cả mặt đất và dưới nước.

Ba chàng sinh viên với sáng chế nhặt rác thời đại 4.0

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã sáng tạo ra chiếc máy thu gom rác thủy bộ, có thể thu được rác thải trên cả mặt đất và dưới nước.

Đã trải qua 4 mùa hè xanh tình nguyện, thường xuyên tham gia các hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường, ba chàng sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵngnhận thấy cần nâng cao hiệu quả của các chương trình này. Nghĩ là làm, các bạn trẻ này đã chung sức sáng tạo ra chiếc máy thu gom rác thủy bộ, có thể thu được rác thải trên cả mặt đất và dưới nước. Tác giả của chiếc máy nhặt rác đặc biệt này là nhóm bạn: Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật và Trương Văn Bình, cùng là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy, khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.         


Sản phẩm máy thu gom rác thủy bộ và nhóm tác giả. (Ảnh: TTXVN).
 
Sáng chế vì môi trường
 
Trưởng nhóm Võ Anh Khoa cho biết: "Sau những lần đi tình nguyện, đi cắm trại tại các bãi biển, nhóm các em thấy rất nhiều rác thải trôi dạt ở khu vực mép nước. Sau khi tìm hiểu, các em được biết hầu hết những loại máy thu gom rác trên mặt nước đều chỉ hoạt động được ở chỗ nước sâu, còn ở mép nước có lẫn nhiều cát sẽ khó hoạt động. Vì vậy, nhóm đã hình thành ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy vừa thu gom trên cát, vừa thu gom dưới nước và đặc biệt hữu ích ở khu vực mép nước".

Chiếc máy thu gom rác thải thủy bộ của nhóm có thiết kế khá lớn, với kích thước dài 4,3m, rộng 2,7m và cao 1,7m. Cửa gom rác của máy có bề rộng 4m, thể tích thùng chứa rác là 2 mét khối, vận tốc trên cạn tối đa 12 km/giờ, vận tốc dưới nước 16 km/giờ. Máy có thể hoạt động liên tục 6 tiếng và có năng suất tương đương với 12 người nhặt rác bằng tay.

Chiếc máy vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Phía trước có cửa thu gom rác được thiết kế đặc biệt giúp tăng diện tích thu gom. Rác thải sẽ được đưa lên hệ thống băng tải lưới có bố trí các gai và lỗ thoát nước (giúp nước và cát được trả lại môi trường). Sau đó, rác sẽ được đưa vào hệ thống xử lý (nén hoặc xay rác nhỏ) rồi được đưa về thùng chứa. Khi đầy, công nhân có thể tháo thiết bị để lấy thùng rác ra.

Bạn Trần Văn Nhật chia sẻ: "Em mong muốn sáng chế của nhóm sẽ sớm được ứng dụng thực tế, để góp phần giảm thiểu lượng rác thải tại các bờ biển trong nước. Đồng thời, các cô chú công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ cực nhọc, vất vả trong công việc. Em cũng hy vọng chiếc máy này có thể giúp thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp hơn để phát triển du lịch bền vững".
 
Vượt qua khó khăn
 
Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm, ba chàng trai đã thấy một loạt khó khăn mà nhóm sẽ gặp phải, như: tìm hiểu về công nghệ mới, tìm kiếm nguyên vật liệu và số vốn ban đầu ít ỏi.

Xác định ý tưởng và lên kế hoạch từ tháng 10/2018, trong khi đó lại là sinh viên năm cuối, nhưng nhóm bạn vẫn dành thời gian để rong ruổi khắp các khu chợ, con phố tìm mua thiết bị; lắp ráp, thử nghiệm rồi lại tháo rời tiếp tục nghiên cứu và lắp lại. Trải qua 7 tháng lao động đến nay, nhóm đã hoàn thành phiên bản mẫu với kích thước bằng 1/4 kích thước thực tế. 


Máy thu gom rác thủy bộ được vận hành thử nghiệm tại hồ nước của Trường đại học Bách Khoa Đà nẵng. (Ảnh: TTXVN).


Theo Trương Văn Bình, khó nhất là làm sao tìm được nguyên vật liệu phù hợp, tính năng tốt nhưng phải rẻ. “Vì phiên bản thử nghiệm này do chúng em tự góp tiền túi để làm nên kinh phí rất eo hẹp. Mỗi bạn dốc hết tiền để dành, đóng góp khoảng 10 triệu đồng tất cả các công đoạn thi công, lắp ráp đều tự tay làm để giảm chi phí. Cũng may là sau đó chúng em được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ phía thầy cô và nhà trường”.

Trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn đề tài cho nhóm là Thạc sỹ Phạm Trường Thi, Giảng viên, Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên khoa Cơ khí Giao thông, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Thầy Thi đánh giá: Với đặc thù tại bãi biển thường có sóng biển lên xuống, một thiết bị vừa hoạt động trên mặt nước, lại vừa hoạt động trên bãi biển là một phương án rất phù hợp. Ý tưởng này mới, có tính ứng dụng rất cao tại các khu vực bãi biển, đặc biệt Việt Nam là một đất nước có bờ biển dài, nên thiết bị có thể ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước.
 
Ước mơ khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0
​​​​​​
Ngay sau khi hoàn thành, sáng chế này đã đoạt giải Nhì Hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp trường, được chọn triển lãm tại Festival khoa học sinh viên Đại học Đà Nẵng năm 2019, giải nhất Ý tưởng sinh viên tình nguyện 2019 của Trung ương Đoàn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành đoàn Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: "Thành đoàn đã chủ động liên hệ và có những đề xuất hỗ trợ cho đề tài này. Trước mắt, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ cho sáng chế của mình. Thành đoàn luôn khuyến khích các bạn đoàn viên, thanh niên chung tay, góp sức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố".

Theo Trưởng nhóm Võ Anh Khoa, nhóm đã quyết định đăng ký thương hiệu cho sản phẩm và hoàn thiện để đưa ra thị trường. Thời gian tới, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Thành đoàn Đà Nẵng, đặc biệt là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ký hợp đồng với nhóm để triển khai, theo đó nhóm sẽ tiếp tục thực hiện dự án phát triển một thiết bị nguyên mẫu, với mục tiêu phát triển thành công thiết bị để áp dụng trong thực tế.

Dự án trên được nhóm sinh viên theo học lớp chuyên ngành K14KTTT (kĩ thuật tàu thủy), khoa Cơ khí giao thông ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với ba sinh viên chủ chốt: Võ Anh Khoa, Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật (SN 1996). Mô hình được biết đến với tên gọi: Mô hình phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước.

Nhóm đã tiến hành thử nghiệm tại hồ của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và có kết quả rất khả quan. Máy chạy ổn định, thu được rác thải vô cơ, rác thải hữu cơ, kể cả những vật dụng khó thu gom như túi ni lông, chai nhựa cũng được máy xử lí một cách hoàn hảo.


Cận cảnh mô hình thu gom rác thải. Ưu điểm lớn nhất của máy là hoạt động được cả trên cạn lẫn dưới nước.

Bạn Võ Anh Khoa, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Cả nhóm đã dành thời gian nghiên cứu, tham khảo rất nhiều ý kiến giảng viên hướng dẫn chuyên môn về kết cấu, thiết bị khác nhau vì là phương tiện thủy bộ nên cần tính toàn rất kĩ các khâu. Nhưng điều quan trọng nhất quyết định sự thành công đó chính là tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường biển của mỗi thành viên trong nhóm cùng những kiến thức tích góp được để bắt đầu hình thành ý tưởng và hiện thực hóa”.
 
Máy thu gom rác thải có thể hoạt động linh hoạt trên cạn, bờ biển cũng như trên mặt nước (biển, ao, hồ…). Hệ thống động lực bao gồm bánh xích khi vận hành trên cạn và thiết bị đẩy Water Jet Turbo khi vận hành trên mặt nước. Phần đầu phương tiện có cửa gom rác thải, rác thải được dẫn lên hệ thống băng tải lưới (giúp trả lại nước và cát nhỏ vào môi trường) gắn các móc giúp thu gom rác. Cuối cùng, đưa vào hệ thống xử lí và đưa vào buồng chứa rác. Sau khi đẩy, vì cơ cấu thùng rác rời, công nhân có thể dễ dàng di chuyển và thay thế thùng rác. Tốc độ tối đa của máy có thể lên đến 12km/h và được hoạt động bằng điện, hoạt động 10 giờ liên tục sau một lần xạc.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới. Việc thu gom rác thải thủ công không hiệu quả, tốn nhiều thời gian và nguy hiểm cho người làm việc.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều máy thu gom rác thải có khả năng xử lí tốt thế nhưng giá thành lại rất cao.

Nhận thấy sự nguy hiểm khi sử dụng nguồn nước có lẫn rác thải sẽ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, gây mất cảnh quan thẩm mĩ tại các bờ biển, sông hồ, nguy cơ phát sinh các loại bệnh cho người dân. Vì vậy, việc tạo ra phương tiện thu gom rác thải một cách hiệu quả,  có độ an toàn cao và dễ vận hành khi sử dụng, vừa có giá thành hợp lí là điều hết sức cần thiết.

Bạn Khoa cho biết thêm, nếu được đầu tư, các linh kiện sẽ được sản xuất theo quy trình công nghệ, ít sai sót, chi phí thấp. Tùy thuộc vào mục đích mà giá thành của sản phẩm sẽ khác nhau. Kích thước của một chiếc máy thu gom rác thải thủy bộ bằng chiếc ô tô bán tải chi phí sẽ vào khoảng 200- 350 triệu đồng.

Đây là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Nếu được đầu tư sản xuất, máy sẽ cải thiện được chất lượng môi trường bờ biển, mặt nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân nhất là thành phố du lịch Đà Nẵng.
 

Sinh viên chế tạo máy bón phân


Vượt qua 132 đề tài, chiếc máy bón phân cho lạc của nhóm sinh viên khoa Cơ khí trường Đại học Nông lâm Huế là một trong hai sáng chế được Ban giám khảo trao giải đặc biệt tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học và cao đẳng khối nông lâm ngư toàn quốc lần thứ 3.

Lạc là loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao và ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, năng suất cây lạc ở Việt Nam chưa đáng kể so với tiềm năng đất đai hiện có. Hiện chỉ có khâu làm đất trồng lạc được cơ giới hóa, các công đoạn còn lại người dân phải bỏ công sức ra làm mất nhiều thời gian.

Thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện máy bón phân cho lạc nhưng do giá thành quá cao, nông dân không có điều kiện trang bị. Chính vì vậy, nhóm sinh viên khoa Cơ khí - Công nghệ trường ĐH Nông lâm Huế đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo công cụ rạch hàng bón phân thúc cho cây lạc trên đất nhẹ".

Theo trưởng nhóm Võ Hữu Hiếu: "Đa số chi tiết máy là đồ tận dụng hoặc tự chế như bánh xe đạp, đĩa xích vì kinh phí hỗ trợ eo hẹp lắm". Chiếc máy này nặng 14,5 kg, bao gồm bộ phận rạch hàng, bón phân và lấp đất. Có cả bộ phận phụ chân chống và dây đeo để giữ cân bằng trong quá trình di chuyển. Chỉ cần một người điều khiển đẩy chiếc máy này về phía trước sao cho lưỡi rạch cách hàng lạc 8-10 cm, bánh xe quay và kéo trục cuốn chuyển động. Phân bón sẽ theo ống dẫn rải đều ở các rãnh, lưỡi lấp đất sau cùng sẽ kéo đất lấp lại như cũ.

Đặc biệt, lưỡi rạch và lấp có thể thay đổi độ sâu, người sử dụng có thể điều chỉnh theo ý muốn. Công cụ mới này ra đời chỉ sau bốn tháng nghiên cứu và chế tạo. Ba lần được mang ra thực nghiệm tại cánh đồng lạc ở xã Hương Vinh huyện Hương Trà, nhiều nông dân đã đặt hàng mua máy.
 

Kỹ sư Đỗ Minh Cường đang giúp Hiếu kiểm tra các chi tiết máy (Ảnh: ND)
 
Với thùng chứa 12,5 kg phân bón, công cụ rạch hàng bón phân cho lạc trên đất nhẹ đạt năng suất 0,04 ha/giờ. So sánh giá trị kinh tế, nếu cơ giới hóa hoạt động bón phân, nông dân sẽ tiết kiệm được khoảng 110.000 đồng/ha. Giá trị một chiếc máy bón phân thúc cho lạc giá chỉ 500 nghìn đồng, vật liệu chế tạo sẵn có trên thị trường, dễ sử dụng, kích thước phù hợp với địa hình ruộng đồng miền Trung.

Kỹ sư Đỗ Minh Cường, giáo viên hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi chỉ định hướng làm mô hình cho sinh viên làm quen với chế tạo nhưng thấy các em quyết tâm quá nên mình cũng phụ một tay. Nếu muốn sản xuất đại trà máy bón phân thúc này, các em phải thực hiện kiểm chứng, đối sánh trên thực tế. Tuy nhiên, cái khó bây giờ là kinh phí và thời gian".

Công cụ bón phân thúc cho lạc hiện giờ vẫn còn nằm trong kho Cơ khí - Công nghệ của trường. Võ Hữu Hiếu cho biết: "Nếu sản xuất máy theo dây chuyền, chúng tôi sẽ thay một số chi tiết từ sắt sang nhựa như: thùng chứa phân bón, trục cuốn, lúc đó giá thành sẽ hạ hơn nữa".
 

Sinh viên chế tạo máy báo chấn động từ xa

 
Máy báo chấn động từ xa có tác dụng báo vấp ngã, va chạm dành cho người già, người tàn tật, sản phụ, báo trộm từ xa, báo tai nạn giao thông, báo có hay cúp điện…

Từ việc bà nội (92 tuổi) bị vấp ngã cách đây 2 năm nhưng không có ai ở nhà, Khải Dũng đã nảy ra ý tưởng làm một chiếc máy giám sát người già có chức năng báo động tại chỗ.

Máy gồm 2 phần: Phần di động và phần cố định.


Máy báo chấn động từ xa
​​​​​​

Phần di động là thiết bị cảm biến chấn động được gắn trên vật, vị trí cần xác định chấn động. Khi chấn động tác dụng lên phần di động vượt mức cho phép, phần di động sẽ phát tính hiệu sóng vô tuyến cho phần cố định.

Phần cố định có chức năng nhận tính hiệu sóng vô tuyến từ phần di động và điều khiển các thiết bị báo động bằng âm thanh, ánh sáng.

Khi người được gắn máy có sự cố, mạng điện thoại, điện thoại di động được lắp đặt sẵn ở phần cố định sẽ tự động gọi đến các số điện thoại cần báo động/ cầu cứu. Qua tín hiệu điện thoại, người nhận được cuộc gọi sẽ biết được báo động mà được ra giải pháp giải quyết.

Huỳnh Khải Dũng cho hay, sắp tới, sản phẩm sẽ sản xuất đại trà, phục vụ cho cộng đồng.

Để đảm bảo giá thành phù hợp với nhu cầu sử dụng, sản phẩm sẽ chia làm 2 loại: Loại báo động tầm ngắn và báo động tầm dài.

Loại tầm ngắn chỉ báo động ở phạm vi gần (sử dụng trong nhà) bằng còi báo động không có chức năng định vị và báo động thông qua điện thoại. Giá khoảng 150.000 đồng.

Loại báo động tầm xa báo động ở bất kỳ phạm vi nào, có chức năng định vị và báo động thông qua điện thoại với giá thành khoảng 450.000 đồng.
 
 Ngọc Hoa tổng hợp (Khoahoc.tv)

 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×