Những gương sáng làm giàu từ khởi nghiệp
Thứ sáu, 03/05/2019

Anh Đặng Quang Quyết ở TP.Pleiku, Gia Lai đã nuôi chí lớn bằng việc thuần hồng trên mảnh đất Cao Nguyên. Hiện vườn hồng rộng hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
9X Gia Lai lập nghiệp thành công từ trồng hoa hồng xứ Bắc
Anh Đặng Quang Quyết ở TP.Pleiku, Gia Lai đã nuôi chí lớn bằng việc thuần hồng trên mảnh đất Cao Nguyên. Hiện vườn hồng rộng hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Xuất phát từ làng hoa hồng Hà Nội, anh Đặng Quang Quyết (28 tuổi, TP.Pleiku, Gia Lai) đã nuôi chí lớn bằng việc thuần hồng trên mảnh đất Cao Nguyên. Sau 10 năm, nghiên cứu, giờ đây anh Quyết đã có vườn hồng rộng hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chỉ cách TP. Pleiku khoảng gần 7km, chúng tôi đến với vườn hồng của chàng trai trẻ Đặng Quang Quyết (28 tuổi, phường Chi Lăng, TP.Pleiku). Giữa cái nắng khốc liệt tháng 3 của Cao Nguyên nhưng vườn hồng của anh Quyết vẫn phát triển xanh tốt.
Tâm sự về hành trình lập nghiệp với nghề trồng hoa hồng, anh Quyết chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2009 gia đình anh Quyết đã từ Hà Nội vào Gia Lai lập nghiệp. Vốn có nghề từ làng nghề trồng hồng ở Mê Linh (Hà Nội) nên khi vào Gia Lai, Quyết đã nuôi chí lớn sẽ tiếp tục nghề này ở vùng đất đỏ bazan. Nghĩ là làm, Quyết vay mượn bạn bè, người thân được 300 triệu đồng rồi mua 1ha đất trống để ươm giống hồng. Dốc hết vốn, chàng trai trẻ 18 tuổi thời ấy đã về Hà Nội mua 34.000 gốc hoa hồng rồi đem vào Gia Lai trồng thử nghiệm.

Chàng trai trẻ Đặng Quang Quyết nuôi hoa hồng Bắc trên Cao Nguyên
Thời gian đầu trồng hoa, Quyết gặp không ít khó khăn do chưa quen với thổ nhưỡng, khí hậu. Cây hoa hồng cứ còi cọc, không phát triển. Lúc này, Quyết “khăn gói” đến một số trại hoa khác để học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc hoa hồng trên đất đỏ bazan.

Vườn hồng rộng hơn 1ha của anh Đặng Quang Quyết
“Gia Lai vào mùa khô thường thiếu nước nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoa. Nhằm khắc phục, tôi đã lắp đặt thêm hệ thống béc, tưới phun mưa. Chi phí cho giàn béc tưới cùng hệ thống cung cấp nước cho hoa, Quyết đã đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng. Nghề trồng hoa hồng mất rất nhiều công cán chăm sóc, đặc biệt là giai đoạn ra nụ rất hay bị bệnh. Chính vì vậy, việc phòng bệnh phải rất cẩn thận, nhất là giai đoạn hồng bung nụ. Đặc biệt, để có cây hồng khỏe mạnh cần rất nhiều phân chuồng và bổ sung thêm các loại phân có hàm lượng ka-li để giúp cây ra nhiều lộc, hoa…”, Quyết chia sẻ thêm.
Sau nhiều năm nghiên cứu, mày mò, giờ đây trong tay chàng trai trẻ đã có hơn 1ha với đủ các loại hồng. Đặc biệt, do khởi nghiệp sớm nên vườn hồng của anh đều có tuổi thọ hơn 10 năm và ngày ngày đều có hoa xuất ra thị trường. Theo đó, mỗi tháng, vườn hoa hồng của anh Quyết xuất ra thị trường khoảng 100.000 bông hồng với giá dao động từ 800 - 1.000 đồng/bông. Những ngày lễ lớn, giá hoa sẽ được đẩy lên cao hơn gấp 4 - 5 lần. Hiện nay, bạn hàng của anh Quyết ở khắp các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung, Tây nguyên. Mỗi năm gia đình Quyết thu về gần 1 tỉ đồng, trừ chi phí đầu tư, trừ chí phí anh còn lãi hơn 500 triệu đồng.

Nhiều du khách đến tham qua, chiêm ngưỡng vườn hồng xứ Bắc trên Cao Nguyên
Trò chuyện với chúng tôi, anh Quyết cho biết: “Gần 1ha hồng cắt cành này mình trồng được 10 năm rồi. Bình thường, khoảng 7-8 năm là phải tái canh lại nhưng nếu chăm sóc tốt có thể hơn 10 năm. Những ngày lễ 8/3, 14/2, vườn mình không đủ hoa để giao cho khách vì nguồn cung thì ít mà cầu lại nhiều. Dịp 8/3 này, mình cắt bán được hơn 40.000 bông hồng Nhung. Vì ngày lễ nên hoa hồng giá khá cao, lên đến 5.000 đồng/bông, còn bình thường mình bỏ sỉ chỉ từ 800 đồng đến 3.000 đồng/bông...”. Riêng dịp 8/3 năm nay, vợ chồng anh Quyết thu về gần 250 triệu đồng tiền bán hồng cắt cành.
Chàng kỹ sư công nghệ với câu chuyện khởi nghiệp thành công từ trồng chanh
Từ "hiện tượng" Chanh Việt, đến nay Bến Lức, Long An đã có vùng trồng nguyên liệu chanh không hạt lên đến 1.000 ha.

Vùng đất Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An trước đây vốn là một vùng đất nhiễm phèn, rất khó canh tác các loại cây trồng trong khi diện tích đất lại rộng lớn. Người dân ở đây chủ yếu trồng những loại cây cho năng suất thấp và hiệu quả không cao.
Năm 2012, một kỹ sư 42 tuổi quê Quảng Nam quyết định biến đổi vùng đất phèn và cỏ dại này. Ông là Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Công ty xây dựng Nam Việt. Ông Hiển vốn là một kỹ sư công nghệ của trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM.
Sau một thời gian tích lũy đủ tài chính, ban đầu ông Hiển định biến khu đất 30 ha này thành khu nghỉ mát, tuy nhiên sau đó thay đổi sang lập trang trại. Tận dụng lợi thế xây dựng, ông Hiển cho phương tiện, máy móc và nhân công đến để cày xới, khai mương, đắp đường, lên luống,... sẵn sàng biến vùng đất này trở thành vùng trồng chanh không hạt. Từ thời điểm này CTCP Chanh Việt ra đời.

Trang trại Chanh Việt.
Khi vùng trồng đầu tiên của Chanh Việt hình thành thì chính quyền địa phương cũng đầu tư hạ tầng đường, điện, nước cho cả vùng xung quanh. Từ 30 hecta ban đầu sau gần 10 năm phát triển đến nay diện tích của trang trại Chanh Việt đã mở rộng đến 150 ha, lớn nhất Long An. Từ hiện tượng Chanh Việt, hiện Bến Lức, Long An có vùng trồng nguyên liệu chanh không hạt lên đến 1.000 ha.
Chia sẻ trên Tạp chí Forbes, ông Hiển cho biết mình không có kiến thức về trồng trọt quy mô lớn cũng như công nghiệp thực phẩm do đó ông rất cầu thị hợp tác với các nhà khoa học đển từ đại học Nông Lâm.
Theo đó các giảng viên tại trường là thạc sỹ, tiến sỹ giúp ông nghiên cứu về mẫu đất, không khí, thổ nhưỡng, giống cây phù hợp, cách chăm sóc, năng suất. Các nhà khoa học cũng tư vấn ngay từ đầu cho ông Hiển chuẩn quản lý trang trại Global GAP cũng như quy trình canh tác, thiết kế trang trại cho đến sau thu hoạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Nhật.
Hằng năm một số trường Đại học ở Hoa Kỳ đưa sinh viên đến trang trại Chanh Việt tham quan và gửi chuyên gia tinh dầu sang hỗ trợ. Hiện Công ty Chanh Việt đã ký kết nghiên cứu với Chapman University của Hoa Kỳ và Universiti Putra của Malaysia.
Cây chanh được chọn đưa vào vùng đất phèn Long An bởi ngoài giá trị về sức khỏe như giàu vitamin (C, B1, B2, B3, B6, B9), nhiều khoáng (kali, canxi, sắt, magie, đồng và kẽm) còn chịu được thổ nhưỡng cũng như không bị bấp bênh theo mùa vụ.
Từ những trái chanh chất lượng cao, đội ngũ nghiên cứu của Chanh Việt với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học, giáo sư đầu ngành đã tạo ra những sản phẩm khác biệt trên thị trường, có giá trị dinh dưỡng lẫn bổ trợ sức khỏe như: nước cốt chanh, bột chanh, vỏ chanh sấy, chanh lát sấy, chanh sấy nguyên trái, các loại muối chanh, sốt chanh, tinh dầu chanh…

Sản phẩm chế biến sâu nhất của Chanh Việt có thể kể đến là bột chanh gia vị. Hàng năm, công ty đưa ra thị trường khoảng 20 tần bột chanh, trở thành đối thủ cạnh tranh với Knorr. Theo Forbes, sản phẩm này được tiêu thụ chính ở các chuỗi nhà hàng, đặc biệt ở những chuỗi lẩu Thái, mì cay, nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ...
Theo ông Hiển trào lưu mì cay nổi lên từ năm 2015 kéo theo nhu cầu về bột chanh. Tuy nhiên nhiều nhà hàng phải đa dạng nguồn cùng vì không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Knorr và là cơ hội mở thị phần rất nhanh của Chanh Việt.
"Giả sử doanh thu từ bột chanh gia vị 1 đồng thì giá tị nước chế biến đem về có thể gấp 10 đồng đó là tính toán khiêm tốn", ông Hiển cho biết. Vị CEO kiêm chủ tịch HĐQT Chanh Việt nhắm tới thị trường nước đóng lon đầy tiềm năng. Hiện công ty này đã cho ra mắt những thức uống kết hợp với chanh như gấc, mãng cầu, sâm linh chi.
Ông Hiển cũng thừa nhận thách thức của Chanh Việt trong thị trường đầy tiềm năng này là thương hiệu. Theo ông điều này là cả hành trình dài và không thể vội vàng và phải từ từ từng bước.
Với vùng nguyên liệu chanh xanh không hạt rộng lớn cho năng suất ổn định, Công ty này không chỉ nhắm đến mục tiêu xuất khẩu chanh tươi mà còn đi vào chế biến chuyên sâu.
Đầu năm 2019, ông Nguyễn Văn Hiển (CEO, Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt) nhận định và xác quyết mục tiêu: "Chỉ bằng con đường chế biến chuyên sâu thì mới nâng cao chuỗi giá trị của trái chanh không hạt của Việt Nam, mới giải quyết một phần bài toán khó được mùa mất giá tồn tại nhiều năm qua mà nông dân là người thiệt hại.
Chỉ có cách chế biến sâu trái chanh tươi thành chế phẩm tinh tế thì giá cả trái chanh mới được ổn định, đời sống người nông dân từ đó mới bớt đi những khó khăn. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tạo ra những sản phẩm độc đáo hữu ích và gắn liền với trách nhiệm xã hội – gắn liền với đời sống người nông dân vất vả trên cánh đồng."
Bỏ đi tàu viễn dương về quê làm giàu từ trang trại nuôi con thập cẩm
Anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo (Tp. Hải Phòng) đã về quê cùng vợ làm giàu từ trồng rau an toàn, nuôi dế, nuôi chim bồ câu Pháp,... bước đầu cho thu nhập từ 400 -450 triệug/năm.
Không muốn xa gia đình, vợ con, anh Nguyễn Văn Vương ở thôn 2 An Lạc, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo (Tp. Hải Phòng) đã về quê cùng vợ làm giàu từ trồng rau an toàn, nuôi dế, nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi tắc kè... bước đầu cho thu nhập từ 400 -450 triệu đồng/ năm. Nhiều người gọi trang trại của anh Vương là trang trại nuôi thập cẩm con đặc sản.
Bỏ nghề nhiều người mơ ước
Sau khi tốt nghiệp đại học Hàng hải, anh Vương đã xin vào làm tại một công ty vận tải biển có tiếng, lương thu nhập cũng được từ 35 -40 triệu/ tháng. Tuy nhiên, công việc luôn luôn phải phụ thuộc vào người sử dụng mình. Hơn nữa, đi biển cũng khá nhiều rủi ro, bất trắc, bản thân phải xa gia đình, vợ con biền biệt.

Nuôi chim bồ câu không kén thức ăn, kháng bệnh tốt
Thương bố, mẹ ngày đêm lo lắng cho mình, anh Vương đã trăn trở suy nghĩ, tính toán, rồi nảy ra ý định về quê dựng nghiệp. Anh muốn tự mình gây dựng việc gì đó không phải đi xa như đi tàu biển mà vẩn giữ mức thu nhập tương đối cho cho gia đình. Đắn đo mãi, cuối cùng anh đã mạnh dạn xin nghỉ việc, trở về quê hương thầu đất làm trang trại trồng rau.
Vừa may, gặp lúc địa phương đang thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đấu thầu toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại, gia trại, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, anh Vương đã nhận đấu thầu khu đất bãi bồi ven sông Luộc với diện tích 1 ha. Dành thời gian đi tham khảo và học hỏi kinh nghiệm làm mô hình ở nhiều địa phương khác, cuối cùng anh quyết định bỏ công sức quật lập cải tạo làm trang trại trồng rau hữu cơ, nuôi dế thương phẩm và nuôi chim bồ câu Pháp.
Không đủ hàng cung cấp
Với đồng vốn ít ỏi, anh Vương đã vay mượn thêm bạn bè, người thân cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Anh Vương đã đầu tư xây dựng 2 nhà nuôi dế với quy mô 200 m2.
Nhờ ham học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sách, báo, qua mạng internet về kỹ thuật nuôi dế, anh đã có thành công nhất định. Với 40 thùng dế thương phẩm mỗi tháng cho thu từ 200 -250 kg dế với giá bán từ 100.000 đ - 200.000 đ/kg.
Có thu nhập từ nuôi dế, anh Vương tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà nuôi chim bồ câu Pháp. Qua tìm hiểu anh Vương nhận thấy chim bồ câu Pháp có nhiều ưu điểm, chúng là loài có sức đề kháng cao, dễ nuôi, ít bệnh tật, không kén thức ăn, có trọng lượng cao hơn chim bồ câu địa phương mà không tốn thời gian chăm sóc. Hơn nữa, bồ câu Pháp là 1 loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thơm ngon, có giá thành vừa phải nên thị trường ưa chuộng.
Năm 2016, anh Vương đã mạnh dạn đầu tư gần 1.000 đôi chim bồ câu Pháp. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh đã nhập phải loạt chim bồ câu giống kém chất lượng nuôi chậm lớn lại hỏng nhiều. Sau dần anh em trong Hội chim Bồ câu Miền bắc đã giúp đỡ anh khắc phục, anh Vương đã lấy lại tự tin tiếp tục nhân đàn để cung cấp chim bồ câu thương phẩm và giống bán.
Anh Vương chia sẻ: Chim bồ câu Pháp sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi nở cho đến khi bồ câu ra ràng là 45 ngày. Trong khoảng thời gian này bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con nên tốc độ sinh đàn và quay vòng, thu hồi vốn khá nhanh. Bên cạnh đó, đây là loại động vật có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, nguồn thức ăn dồi dào như ngô, thóc, cám công nghiệp.
Theo anh Vương, hơn nữa, phương thức nuôi nhốt tập trung tiết kiệm được diện tích và thuận tiện cho việc chăm sóc đem lại hiệu quả cao. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, công tác phòng trừ dịch bệnh theo mùa cho chim cũng được đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, đàn chim bố mẹ được tiêm phòng vắc-xin theo lịch, chuồng nuôi thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng. Hệ thống chuồng nuôi phải cao ráo, khô thoáng, đảm bảo cho chim được ấm về mùa đông.

Anh Vương đang thí điểm nuôi tắc kè để nhân giống
Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh Vương xuất bán khoảng 400 - 500 cặp chim con, giá bán mỗi cặp thương phẩm từ 150.000 - 250.000 đồng/cặp có trọng lượng 0,5 kg, mỗi cặp chim giống từ 2 tháng tuổi có giá 250.000 đồng. Trừ chi phí bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng từ chim. Những mối hàng mua lẻ là không có chim bán, lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng.
Ông Bùi Văn Môn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong đánh giá cao về mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Vương. Mô hình thường xuyên được khách hàng cũng như nhiều hộ gia đình vào tận nhà đặt hàng, tham quan, học tập.
Ngoài trồng rau hữu cơ, nuôi dế và chim bồ câu, anh Vương còn đang thí điểm nuôi gà ác, tắc kè và nuôi hươu sao. Tới đây, anh tiếp tục đầu tư thêm hệ thống chuồng trại bài bản để nuôi nhiều thứ con đặc sản khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.
Làm giàu từ lan rừng
“Trồng chơi ăn thật” là câu nói cửa miệng của giới chơi lan rừng ở Di Linh (Lâm Đồng), đôi khi bán được một giò lan cũng bằng tiền lương cả năm trời của một công chức.

K'Nam trong vườn lan rừng
Anh K’Nam (ngụ tổ dân phố Ka Minh, TT.Di Linh, H.Di Linh) mới chơi lan chuyên nghiệp hơn 1 năm nay, nhưng khu vườn nhỏ của anh cũng có mặt hàng chục loại lan rừng khác nhau. Với khoảnh đất 100 m2 cạnh vườn cà phê, K’Nam đầu tư lắp ráp khu vườn trồng lan khá kiên cố, có hệ thống tưới phun tự động, bên trên là lớp lưới vừa che mát, vừa chống trộm.
K’Nam chia sẻ: “Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tôi bán giò lan Giã Hạc trắng được hơn 40 triệu đồng, gần bằng tiền lương cả năm trời khi tôi còn làm ở cơ quan cũ”. K’Nam giải thích: “Giã Hạc xuân Di Linh là giống lan đặc hữu, là thương hiệu riêng của giới chơi lan rừng dành cho loài lan Giã Hạc xuất xứ ở cao nguyên Di Linh. Điểm đặc biệt của loài hoa này là nở hoa khoe sắc vào mùa xuân, trong khi Giã Hạc nơi khác thường nở vào mùa hè”.
Anh Phạm Thế Quyền (ngụ TT.Di Linh), người có nhiều năm chơi lan, cho biết thêm Giã Hạc có hàng trăm loại khác nhau, nhưng quý nhất vẫn là loài lan đột biến về màu sắc cánh hoa. Ở Di Linh hiện có các loại Giã Hạc quý là Giã Hạc trắng và tím, đặc biệt Giã Hạc 5 cánh trắng Di Linh rất có giá trị và được giới sành lan tìm mua với giá vài trăm triệu đồng/giò. “Thông thường các loại Giã Hạc quý được giới mua bán lan định giá bằng chiều dài mỗi cành, cứ 1 cm có giá 500.000 - 600.000 đồng, hoặc vài triệu đồng tùy loại”, anh Quyền nói.
Khởi đầu, anh Quyền chơi lan như một thú vui và đam mê, đến khi phát hiện ở Di Linh có một số loài lan quý hiếm, anh đã sưu tầm và chuyển hướng kinh doanh lan rừng. Việc nhân giống lan rừng đều được thực hiện tại nhà bằng phương pháp thủ công hoặc trong phòng thí nghiệm. Theo tính toán của anh Quyền, với loại lan quý như Giã Hạc hay giống phong lan rừng thường, người dân có thể thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng mỗi năm nhờ bán cây giống hoặc giò lan đã có hoa. Mức thu này gấp nhiều lần so với trồng cà phê, mỗi sào (1.000 m2) trồng lan rừng có thể cho thu nhập bằng 10 ha cà phê.
Anh Phạm Văn Tuấn, chủ vườn lan Minh Quang (TT.Di Linh), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Lan Di Linh, là người tiên phong nhân giống lan rừng bằng phương pháp gieo hạt, đồng thời nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy quy mô công nghiệp. Anh Tuấn cho biết, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh lập 2 khu vườn ươm cây con cung cấp giống của 3 loại lan chính ở Di Linh gồm: Giã Hạc, Kim Điệp, Long Tu. “Tuy không thể sánh bằng cây giống từ rừng nhưng cây con tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng đạt chuẩn nên được thị trường chấp nhận. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn những loại lan rừng quý hiếm của Di Linh hay một số vùng khác trước nguy cơ mai một”, anh Tuấn chia sẻ.
Nhờ trồng hoa lan, đặc biệt là lan rừng quý hiếm, nhiều người dân ở H.Di Linh (Lâm Đồng) có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê. Hiện nay, ở Di Linh đã hình thành nhiều vườn lan có tiếng, không chỉ để thỏa chí đam mê mà còn phục vụ khách chơi lan.
8X khởi nghiệp thành công từ một lần ngã gãy tay
Sau 7 năm, ông chủ sinh năm 1987 đã phát triển được công ty phân phối thang nhôm với doanh thu hàng trăm tỷ.
Ý tưởng khởi nghiệp từ một lần ngã gãy tay
Tốt nghiệp khóa hai Thương mại điện tử của trường ĐH Thương mại năm 2010, Nguyễn Trường Phi thuộc số ít những cử nhân được đào tạo bài bản trong một chuyên ngành mới mẻ nhưng đầy tiềm năng vào thời điểm đó. Sau tốt nghiệp, thay vì lựa chọn vào làm tại các doanh nghiệp, Phi quyết định khởi nghiệp bằng chính ngành học của mình.
Vừa ra trường, hành trang chàng thanh niên có trong tay không nhiều ngoài chiếc xe máy thường xuyên dùng để "cắm" làm vốn kinh doanh nhỏ và một ý tưởng có được nhờ công việc đi lắp đặt camera cho khách thời sinh viên.

Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Nikawa Việt Nam Nguyễn Trường Phi
"Hôm đó khi tôi đang trèo thang tre để lắp đặt thì thang sụp xuống. Bản thân bị gãy tay phải bó bột. Tôi nhớ ra ở nhà mình, bố mẹ cũng sử dụng chiếc ghế gỗ cheo leo, ọp ẹp để thắp hương hoặc thay bóng đèn. Tôi bắt đầu tìm hiểu về những sản phẩm thang chắc chắn, an toàn hơn", anh Phi chia sẻ.
Bắt tay vào tìm hiểu, Phi nhận thấy người Việt vẫn quen dùng ghế, thang gỗ, thang tre hoặc những loại thang nhôm yếu, không đảm bảo an toàn. Trên thị trường khi đó đã xuất hiện nhiều dòng sản phẩm thang nhôm nhập khẩu. Những sản phẩm này chất lượng tốt song giá thành rất cao, từ 4 đến 8 triệu mỗi chiếc, trong khi các loại thang nhôm gia công giá chỉ vài trăm ngàn có chất lượng thấp.
Nhà khởi nghiệp nhận thấy sản phẩm thang nhôm an toàn với mức giá hợp lý có thể đi đầu xu hướng trong những năm tiếp theo. "Người dân sẽ mong muốn sử dụng những sản phẩm tốt, chất lượng và ngày càng tiện ích hơn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn sẽ tăng cao", Phi nhận định. Mất hai năm để chuẩn bị, đến 2012 doanh nghiệp mang tên Nikawa được hình thành, chuyên về các sản phẩm thang nhôm, bộ dây thoát hiểm.
Người đầu tiên bán thang online
Dù vốn liếng trong tay chưa có nhiều, sau hai năm lăn lộn kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử, Nguyễn Trường Phi vẫn chọn khởi nghiệp theo cách "đắt đỏ" đó là sử dụng công nghệ Nhật Bản, tập trung vào sản phẩm có chất lượng tốt.
"Tôi lựa chọn dây chuyền và chất lượng từ Nhật Bản, bởi quan điểm của người Nhật rất tỉ mỉ và cầu kỳ. Họ cũng có nhiều sản phẩm với hình thức đẹp, nhiều tiện ích, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Trong khi các loại thang nhôm của Mỹ thường cồng kềnh, nặng nề, thang nhôm của Nhật nhỏ gọn và phù hợp hơn", Phi nhận định.

Thang nhôm Nikawa có thiết kế đẹp mắt, tiện dụng phù hợp với thể trạng người Việt
Nghĩ là làm, Phi cùng đội ngũ mua lại công nghệ của Nikawa Nhật Bản và đặt làm sản phẩm tại nhiều công ty sản xuất, mục tiêu cho ra đời những sản phẩm thang nhôm an toàn, tiện ích và giá thành hợp lý. Đơn hàng bắt đầu nhiều lên, từ một chiếc, hai chiếc, và dần dần đạt đơn hàng cả trăm chiếc cho một hệ thống siêu thị. Tuy vậy, bước ngoặt chỉ đến khi Phi quyết định đưa sản phẩm lên shop online.
"Trước đó, chưa từng có ai nghĩ đến việc bán thang ở trên mạng. Khách hàng đi mua thang, họ cũng thường ra cửa hàng bán nội thất, vật liệu xây dựng gần nhà rồi chọn dựa theo tư vấn của người bán", Phi nhận định.
Chưa ai làm thì mình sẽ làm. Phi đánh giá thang là sản phẩm nặng và cồng kềnh. Nếu bán online rồi mang đến tận nhà cho khách, đó là sẽ điểm nhấn khiến thương hiệu trở nên khác biệt. Bên cạnh đó, lý do khiến Phi tự tin đưa thang lên mạng vào giữa năm 2012 là bởi lúc này đã có tên tuổi nhất định. Nikawa cũng là sản phẩm thang duy nhất thời kỳ này đưa ra gói bảo hiểm Bảo Minh cho người sử dụng.
Kết quả cho thấy chỉ sau ba tháng kể từ ngày bán thang online, doanh số bán tăng vọt 300%. Xác nhận điều này, đại diện Shop VnExpress cho biết có thời điểm, thang Nikawa nằm trong nhóm sản phẩm bán chạy nhất tại sàn thương mại điện tử này.

Đồng sáng lập Nguyễn Trường Phi tại Hội nghị khách hàng Nikawa Việt Nam 2018
Ngoài bán online, việc đưa hàng được vào siêu thị cũng là điểm đột phá giúp đẩy mạnh doanh thu. Trước đó, các siêu thị hàng tiêu dùng cũng chưa bao giờ bày bán thang. "Nhưng Nikawa đã làm được điều này dù không phải là dễ dàng", Phi kể.
Nhà đồng sáng lập nói thường mất từ 3 đến 6 tháng để thuyết phục mỗi hệ thống siêu thị để đưa được hàng của mình vào. "Nhiều siêu thị lúc đầu ngần ngại vì giữa những dãy hàng gia dụng, đồ dùng lại dựng mấy cái thang cồng kềnh. Nhưng rồi doanh số tốt đã dần chứng minh tất cả", Phi nói tiếp.
Hiện nay, ngoài bán online, siêu thị, Nikawa còn giành được nhiều đơn hàng lớn với các tập đoàn viễn thông Viettel, VNPT, FPT... Ngoài sản phẩm thang nhôm, Nikawa Việt Nam tiếp tục phát triển thêm ba dòng sản phẩm chính cũng thuộc thị trường ngách của ngành dụng cụ là bộ dây thoát hiểm tự động, bộ dụng cụ sửa chữa cầm tay, xe đẩy hàng gấp gọn.

Các sản phẩm thang nhôm Nikawa thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng tại triển lãm Vietbuild 2019.
Đây là một trong những bước đi giúp Nikawa Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phủ sóng sản phẩm khắp thị trường Việt Nam và tăng trưởng 80% trong năm 2019, đồng thời xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: khoinghiep.org.vn)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Thạc sĩ làm mô hình tối ưu hóa đường bay, giảm trễ chuyến
- Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không
- Cô gái 9x đam mê bảo tồn động vật hoang dã
- Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa
- Chàng trai lấy mầm xanh để 'ươm mầm non'
- Tiết lộ đặc biệt về nam sinh có điểm Toán cao nhất thi HSG Quốc gia: Bị ốm ngay trước ngày...
- Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
- Giáo sư 'sát thủ' của khí thải
- 13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới
- Sinh viên dùng CO2 hãm phát triển nấm mốc trên lúa
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận